• Về đầu trang
Ánh Sáng Nhỏ
Ánh Sáng Nhỏ

Có thể bạn chưa biết nhan sắc VĐV đặc biệt của Olympic Tokyo

Thể thao

Yusra Mardini là nữ VĐV có hoàn cảnh khá đặc biệt ở Olympic 2020 khi cô và chị gái từng liều mạng trốn khỏi Syria do chiến tranh khốc liệt.

Mardini vừa hoàn thành nội dung 100 m bơi bướm tại Olympic Tokyo 2020. Trong phần thi của mình, Mardini về đích với thành tích 1 phút 06 giây 78. Thành tích này không đủ giúp cô có mặt ở vòng bán kết. Nhưng đây không phải điều quan trọng nhất.

Ít ai biết nữ kình ngư 23 tuổi có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cô là người Syria và hiện sống tại Đức. Ở Olympic Tokyo, cô tham dự với tư cách là một trong những thành viên của “Đội Olympic tị nạn”.

Đây là lần thứ hai "Đội Olympic tị nạn" xuất hiện tại Thế vận hội. Lần đầu tiên là tại Rio, Brazil năm 2016. Cách đây 5 năm, Mardini lần đầu xuất hiện tại một kỳ Olympic. Tuy không giành huy chương, câu chuyện và ý chí của cô vẫn truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới.

Năm 2015, Mardini và chị gái liều mạng trốn khỏi Syria do chiến tranh khốc liệt. Khi chiếc thuyền chở mình cùng 20 người tị nạn khác chết máy giữa biển, hai chị em không ngại nhảy xuống nước đẩy thuyền trong gần 4 tiếng đồng hồ.

Dù kiệt sức, Mardini vẫn cười nói và huýt sáo để động viên mọi người. Cả hai chị em Mardini đã trở thành "nhân viên cứu hộ" bất đắc dĩ. Cô gái sinh năm 1998 là ân nhân, đã cứu sống 18 người trong thời khắc sinh tử ấy.

Năm 2017, Mardini được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn - PV). Cô từng khẳng định: "Thể thao là lối thoát cho chúng tôi. Đó là thứ cho chúng tôi hy vọng xây dựng cuộc sống mới"

Mardini giờ đây đã có thể tìm thấy ánh sáng cuộc đời nhờ bơi lội. Không ai khác khi cô chính là người cầm cờ của Đoàn Thể thao Tị nạn ở Olympic Tokyo 2020.

Cô gái trẻ này còn sở hữu vẻ ngoài khá cuốn hút. Cô đại diện cho tinh thần mạnh mẽ, ý chí không từ bỏ để vượt lên mảnh đời khốn khó trong cuộc sống.

Khi đăng tải bức ảnh này lên trang cá nhân, Mardini cho hay: "Hình ảnh này thể hiện tôi là ai và tôi đã trở thành ai nhờ bơi lội. Vì chiến tranh, tôi phải bỏ lại mọi thứ. Nhưng khi ở trong hồ bơi, tôi cảm thấy như ở nhà. Và tôi đơn giản là hạnh phúc. Thể thao là một cơ hội tuyệt vời giúp tôi bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước mới".

Theo: Theo Hiểu Lam - Zing (Ảnh: AFP/Getty Images/Reuters)
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.