• Về đầu trang
Mincysh
Mincysh

Món ăn Việt ngon tới mức chỉ cần... xem tranh cũng đã thèm chảy nước miếng

Ẩm thực

Mới đây trang Fanpage Việt Nam Miền Ngon Artbook đã chia sẻ những hình vẽ đặc biệt về ẩm thực ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Bộ tranh vẽ này không những nhận được sự quan tâm từ cộng đồng người Việt mà còn thu hút được sự chú ý của bạn bè thế giới yêu thích ẩm thực Việt. Được biết cuốn sách Việt Nam Miền Ngon là cuốn sách song ngữ Việt-Anh được minh họa ẩm thực Việt Nam với tranh màu nước sống động.

Nhắc đến ẩm thực Việt Nam thì không thể bỏ qua phở bò - món ăn truyền thống của người dân Việt. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo) cùng với thịt bò và có thể ăn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt...

Bánh mì kẹp thịt là một loại bánh mì ổ làm bằng bột mì thông thường, thường thì nhân bánh sẽ là thịt lợn hoặc trứng tráng, sau đó cho thêm rau và nước sốt. Bánh mì là món ăn nhanh cho học sinh, sinh viên và người lao động vì có giá thành phù hợp.

Bánh khọt được làm từ bột gạo, có nhân tôm, được chiên và ăn kèm với rau sống, ớt tươi, thường ăn với nước mắm ớt pha ngọt. Bánh có độ giòn thơm, nhân bánh mang vị béo của nước cốt dừa, ăn cùng với rau xanh và nước mắm chua ngọt thì không gì sánh bằng.

Bánh bèo có xuất xứ từ miền Trung, là một món bánh dân dã dễ làm và hấp dẫn. Bánh được chế biến cho phù hợp với khẩu vị người dùng nên thường có thêm đậu xanh, đồ chua, nhiều khi lại ăn kèm cùng bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

Nguyên liệu để làm nên món tré nức tiếng đều là những thứ quen thuộc: thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi. Món Tré thường được dùng như món khai vị trong các bữa tiệc. Khi ăn tré, bạn sẽ cảm thấy vị mặn, ngọt, béo, chua, cay, chát và mùi hương của rơm.

Bánh căn là một loại bánh phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ có hình dáng gần với bánh khọt. Bánh có nước mắm chấm chua cay, trong chén có mỡ hành thơm, giòn rụm thêm xíu mại và ăn kèm với xoài chua thái mỏng, hành tây bào sợi hay dưa leo băm sợi nên không hề có cảm giác bị ngán dầu mỡ.

Bò bía mặn là món ăn vặt ưa thích của người miền Nam bởi sự kết hợp hương vị rất hài hòa của rau củ với trứng, lạp xưởng, tôm khô dai mềm cùng với nước chấm đậm đà vị tỏi.

Bánh cuốn là một món ăn đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Bánh được làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, sau đó cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Cuối cùng rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt.

Đây là món bánh canh kết hợp với cá lóc và là một trong những món ăn phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Muốn thưởng thức trọn vẹn món ăn này thì phải ăn khi đang thật nóng, cho thêm ớt cay để cảm nhận cọng bánh canh giòn, bùi, cá lóc thơm ngon cùng vị cay ngọt của nước dùng. Bánh canh cá lóc không chỉ được xem là món ăn dân dã trên các quán xá, hè phố, mà đã trở thành một đặc sản của vùng đất Bình Trị Thiên.

Món bánh nổi tiếng xứ Huế này rất hay bị nhầm với bánh xèo của miền Nam. Bánh khoái ngon bởi cái giòn tan của vỏ bánh, vị đậm đà của tôm và giá đỗ bên trong. Bánh được cuốn cùng với nhiều loại rau củ quả để món ăn thanh mát, giúp thực khách đỡ ngán. Bên cạnh đó nước chấm của bánh sử dụng nước lèo sền sệt, bùi bùi cũng là một loại vũ khí lợi hại để giữ chân những tâm hồn ăn uống.

Nem lụi cũng là một món ăn dân dã và quen thuộc với người dân Việt Nam. Nem được nướng lên có màu vàng rộm, thơm phức của mùi thịt quyện với mùi sả vô cùng hấp dẫn. Nem lụi ăn kèm với bánh tráng, rau sống và một đĩa hoa quả dứa, cà rốt, dưa chuột thái lát mỏng, khi ăn cuốn bánh tráng lại rồi nắm chặt tay, sau đó rút que sả, vậy là bạn đã hoàn thành một chiếc nem lụi cuốn.

Mì Quảng thường được làm từ bột gạo xay mịn, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Dưới lớp mì là các loại rau sống, bên trên được phủ kín thịt lợn, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương, tạo nên một hương vị đặc biệt khó quên.

Với hương vị đặc trưng, loại đặc sản của người dân miền Tây Nam bộ đã dần có mặt trên mâm cơm gia đình của nhiều địa phương khác bởi hương vị rất hợp để dùng với cơm trắng dẻo thơm. Trong các loại mắm chưng thì mắm chưng thịt trứng là món ăn ưa chuộng của người miền Nam.

Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế và được sử dụng rộng khắp mọi miền Tổ Quốc. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò lợn, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Bún bò Huế thường được cho thêm một ít ớt bột và gia vị khác, sau đó ăn kèm với rau sống, giá, rau thơm, xà lách và bắp chuối xắt nhỏ.

Chả cá Lã Vọng là tên của món chả cá đặc sản Hà Nội. Đây là món chả làm từ các loại cá da trơn, được thái miếng đem tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ. Theo Wikipedia, món chả này do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.

Bánh đa cua là món ăn đặc trưng và nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Bánh đa dai dai có vị ngọt của nước dùng, vị dai của chả cá và mùi thơm của chả lá lốt vô cùng hấp dẫn. Một bát bánh đa cua ngon, thường mang những màu sắc rất hấp dẫn của gạch cua đồng, màu nâu của bánh đa, màu xanh thẫm của chả lá lốt, xanh tươi của hành lá hòa quyện với sắc đỏ của ớt và vàng rộm của hành phi.

Bún mắm là món ngon nổi tiếng của người miền Tây từ xưa đến nay. Những sợi bún mềm, cùng hải sản tươi ngon, nước dùng đậm đà, hơi nồng nồng, mặn mặn chua chua cay cay vô cùng hấp dẫn dẫn người ăn.

Hủ tiếu Nam Vang đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân miền Nam. Hủ Tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia được chế biến theo phong vị Hoa và có chút biến đổi để phù hợp với người Sài Gòn. Chính vì vậy món ăn này vừa lạ mà vừa quen đối với những ai mới lần đầu thưởng thức món ăn này.

Bò né có nguyên liệu chính là thịt bò. Thịt bò mềm, thêm vị béo của sốt Mayonnaise Lisa, cùng bông thiên lý cũng tươi ngọt không kém, cắn vào một miếng ngọt mát cả ruột. Ăn kèm với bánh mì và xà lách thì không gì sánh bằng.

Món thịt bò nướng lá lốt là sự hòa quyện hương vị thơm ngon, hấp dẫn, béo ngậy của thịt bò được tẩm ướp gia vị cẩn thận kết hợp với mùi thơm đặc trưng của lá lốt. Món ăn này ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích.

Hương thơm thoang thoảng của lá sen, kết hợp hài hòa với cơm trắng thơm dẻo, cùng các nguyên liệu khác đã tạo nên một hương vị rất đặc trưng cho món ăn có nguồn gốc từ cố đô Huế này.

Phá lấu là một món ăn vặt, dân dã của người dân Sài Gòn. Món ăn này hấp dẫn bởi thứ nước lèo màu nâu có hương vị đặc biệt không lẫn vào bất cứ món ăn nào. Gia vị để nấu nồi phá lấu cũng rất cầu kỳ, gồm ngũ vị hương, quế chi, tiểu hồi, các loại thuốc bắc,...

Cơm tấm là món ăn khá phổ biến ở miền Nam, món cơm tấm được nhiều người yêu thích vì sự đa dạng, phong phú với nhiều nguyên liệu như cơm tấm bì sườn chả trứng, có thể là trứng ốp la hoặc cơm tấm tàu hũ chiên giòn…

Gỏi cuốn là sự kết hợp của nhều loại nguyên liệu khác nhau: thịt có, rau quả có,… vừa giàu chất dinh dưỡng lại rất dễ làm.

Một bát bún với nước xương ngọt thanh cùng viên mọc mềm dai thơm ngon sẽ là bữa ăn đổi gió hoàn chỉnh cho gia đình bạn.

Bún thịt nướng ở mỗi nơi đều giữ cho mình một hương vị đặc trưng riêng tùy theo khẩu vị từng miền Bắc, Trung, Nam. Món bún này dùng làm điểm tâm hay bữa chính thì đều phù hợp và hấp dẫn.

Mì hoành thánh xá xíu là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc – vùng Quảng Đông và được du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ 20. Hoành thánh mềm nhân thịt và tôm, được nấu cùng nồi nước dùng thơm ngon sẽ làm món ăn phù hợp giúp tăng gia vị cho bữa cơm gia đình bạn.

Bánh canh ghẹ không những thơm ngon, dễ ăn mà lại còn cực giàu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi.

Đây là món ăn được kết hợp từ bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với các nguyên liệu như: thịt lợn luộc, lòng, thịt nướng hoặc có thể ăn không với mắm nêm đều rất thơm ngon.

Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Nhận thấy sợi bún lớn, ăn không ngon nên người thợ chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại. Bánh làm xong phải thoa đều dầu phụng lên miếng bánh để thêm chút vị béo, rắc thêm lá hẹ để tăng màu sắc và sau đó ăn kèm lá hẹ.

Theo: Việt Nam Miền Ngon Artbook
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.