• Về đầu trang
Blue FH
Blue FH

5 vật phẩm kì lạ từng được gửi qua đường bưu điện

Cuộc sống

Hầu hết mọi người đều cho rằng, bưu điện chỉ có thể gửi và nhận những mặt hàng đơn giản như thư từ, quần áo, mỹ phẩm… Thế nhưng nhiều người lại có tham vọng tận dụng kênh vận chuyển này một cách tối đa. Dưới đây là 5 vật phẩm kì quặc từng trót lọt qua đường bưu chính trên thế giới.

1. Viên kim cương Hope

Một trong những viên kim cương quý hiếm nhất thế giới từng được vận chuyển bằng đường bưu điện. Nguồn: si.edu

Nếu có cơ hội mua được viên kim cương quý hiếm nhất thế giới, liệu bạn có vận chuyển chúng bằng đường bưu điện? Chắc hẳn, “không bao giờ” sẽ là câu trả lời của nhiều người. Thế nhưng, kim cương Hope (còn gọi là “Kim cương xanh của nhà vua”) từng được gửi đi với hình thức như vậy. Vật quý hiếm này nổi tiếng toàn thế giới không chỉ bởi vẻ ngoài đầy mê hoặc, mà nó còn gắn với lời nguyền bí ẩn đã gây ra những cái chết bi thảm cho nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.

Sau cái chết của McLean năm 1947 - một trong những người từng hữu viên kim cương, nhà buôn đá quý người Mỹ Harry Winston đã mua lại viên kim cương này rồi tặng nó cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian ở Washington năm 1958. Harry Winston quyết định gửi nó qua đường bưu điện để đảm bảo sự an toàn nhất với tổng chi phí là 2,44 USD. Lường trước những rủi ro có thể gặp phải, Winston còn mua bảo hiểm trị giá 1 triệu USD cho viên kim cương. Người đưa thư tên James G. Todd đã gói vật báu trong giấy màu nâu và đi bộ đến Smithsonian để đưa nó cho người đứng đầu cơ quan, trước sự chờ đợi của vô số máy quay.

2. Trẻ em

Trẻ em cũng từng là bưu kiện được kí gửi qua đường chuyển phát thư từ. Nguồn: postalmuseum.si.edu

Dịch vụ bưu chính đã làm nên một cuộc cách mạng hóa trong việc gửi hàng ở Mỹ vào năm 1913. Trước đó, mọi người phải tự mang theo hành lý đến các thị trấn lớn để gửi đi.

Tất cả các bưu điện sẽ xử lý bưu kiện miễn là nó nặng dưới 5kg. Nhân cơ hội đó, ông bà Jesse Beauge ở Ohio đã dùng đường vận chuyển này để đưa một em bé 5 kg đến nhà bà ngoại với phí trả là 15 xu. Họ mua bảo hiểm cho đứa bé với giá 50 USD. Khi giới hạn về trọng lượng tăng lên 23 kg, bố mẹ của May Pierstorff đã nảy ra ý tưởng vô cùng khôn ngoan. Họ muốn đưa cô con gái tới thăm bà ngoại nhưng vé xe lửa lại quá đắt. Vì vậy, họ đính kèm đúng 22 con tem (ứng với cân nặng của bé) lên áo khoác của May, và “bưu phẩm 5 tuổi” này sau đó được vận chuyển thành công bằng xe chở hàng đến người nhận. Năm 1914, tổng thư ký Bưu điện chính thức thông báo chấm dứt sử dụng dịch vụ bưu chính để ký gửi người.

3. Khoai tây

Gửi khoai tây kèm lời nhắn hoặc hình ảnh in lên vỏ sẽ là một món quà vô cùng độc đáo cho người nhận. Nguồn: The guardian

Bạn muốn nói, muốn viết một lời nhắn thật ý nghĩa và độc lạ dành tặng ai đó nhân dịp đặc biệt? Vậy tại sao không gửi kèm câu chúc ấy với một củ khoai tây thật ngộ nghĩnh nhỉ? Đây là sáng kiến đáng ngạc nhiên khi một số công ty ở nhiều nước vận dụng hình thức gửi khoai tây qua đường thư tín theo yêu cầu. Một số công ty sẽ viết trực tiếp lời nhắn của bạn lên vỏ củ khoai tây (tất nhiên kèm theo phí gửi) và vận chuyển nó đi. Nhiều nơi còn chu đáo trang trí khoai tây cẩn thận và bọc nó trước khi gửi. Với quá nhiều cạnh tranh trong thị trường khoai tây, các công ty ra sức đổi mới hình thức gửi bưu phẩm. Một công ty sẵn sàng in hình người trực tiếp lên vỏ khoai tây. Nghe có vẻ hơi kinh dị nhưng nếu như muốn ăn khoai tây, chúng ta sẽ phải “lột mặt” của ai đó và thưởng thức họ, đúng không?

4. Ngân hàng

Hàng tấn gạch từng được gửi qua đường bưu điện để tiết kiệm chi phí. Nguồn: Ntsimp

Trong những năm 1910, ngân hàng địa phương William H. Coltharp nhận thấy Vernal, Utah cần có một ngân hàng được xây dựng từ gạch chịu lực để chứng tỏ sự thịnh vượng của thị trấn. Tuy nhiên, công ty sản xuất gạch gần nhất cách đó hơn 274 km và chi phí vận chuyển đến Vernal gấp bốn lần chi phí viên gạch. Vì vậy, Coltharp quyết định gửi gạch bằng dịch vụ bưu kiện để giảm thiểu chi phí. 15.000 viên gạch được đóng gói, đựng trong các thùng 23 kg và chia làm nhiều thùng. Tổng cộng, nhà máy sản xuất gạch đã gửi khoảng 40 thùng mỗi ngày tương đương với gần 1 tấn. Ngân hàng do Coltharp xây dựng hiện nay vẫn tồn tại. Về sau, một quy tắc bưu chính mới đã được thiết lập để ngăn chặn các trường hợp vận chuyển như trên xảy ra trong tương lai: không ai được phép gửi quá 91 kg cho cùng một người nhận trong một ngày.

5. Con mèo

Các chú mèo sống cũng từng được "bắn" qua đường bưu điện để gửi tới người nhận. Nguồn: The atlantic

Khi nghĩ đến dịch vụ chuyển phát thư, chúng ta thường liên tưởng tới hình ảnh nhân viên bưu điện mang vật phẩm đến từng nhà. Thế nhưng, tại New York những năm 1890, một hình thức vận chuyển ấn tượng hơn thế đã ra đời. Bưu phẩm được gửi tới người nhận bằng cách bắn qua hàng loạt các ống sử dụng áp lực khí nén. Mục đích ban đầu của hình thức này là gửi đi các giấy tờ khác nhau và một bản sao của Kinh Thánh. Nhưng dần về sau, bưu điện phát triển tới mức họ có thể gửi một chú mèo màu nâu vàng (đương nhiên là còn sống) bằng các đường ống như trên. Một nhân viên bưu chính ghi lại sự kiện: Thật không thể tin nổi là con vật có thể sống sót sau khi “được bắn đi” với tốc độ như vậy. Có vẻ như chúng chỉ bị choáng váng trong vòng vài phút, nhưng sau đó lại bắt đầu chạy nhảy và nhanh chóng được đặt vào một cái giỏ gửi đến cho người nhận. Không ít chi nhánh khác còn “mạnh dạn” gửi một chiếc liễn cá vàng kèm cá sống với phương pháp vận chuyển tương tự.

Theo: listverse.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.