• Về đầu trang
Amaya
Amaya

Căn bệnh mất trí nhớ của bệnh nhân sống sót sau nhiễm COVID-19 (ok)

Cuộc sống

Sau một khoảng thời gian chiến đấu với Covid-19 vào tháng Ba, Michael Reagan đã mất đi toàn bộ ký ức về kỳ nghỉ 12 ngày ở Paris, mặc dù chuyến đi ấy chỉ cách đó có vài tuần.

Vài tuần sau khi Erica Taylor vượt qua căn bệnh, cô trở nên lẫn lộn và hay quên, thậm chí không thể nhận ra xe của mình - chiếc Toyota Prius duy nhất trong bãi đậu xe tập thể ở chung cư.

Lisa Mizelle, 53 tuổi, một nữ điều dưỡng có thâm niên ở một phòng khám – mắc bệnh vào tháng Bảy – gần như không nhớ được các bước chăm sóc bệnh nhân hằng ngày cũng như những xét nghiệm mà cô vẫn thường làm. Ngay cả những thuật ngữ Lisa đã từng thuộc nằm lòng, nay lại phải nhờ đến sự hỗ trợ từ đồng nghiệp.

"Tôi rời khỏi phòng bệnh và ngay lập tức không còn nhớ bệnh nhân vừa nói gì. Thật đáng sợ khi nghĩ rằng mình đang làm việc. Tôi nghĩ rằng mình đang mắc phải chứng sa sút trí tuệ."

Rick Sullivan, 60 tuổi ở Brentwood, California, đã phải trải qua một vài đợt sương mù não từ tháng Bảy sau khi chống chọi với những cơn đau và khó thở do nhiễm Covid-19, cho biết. "Tôi trở nên suy nhược và cơ thể bỗng buông thõng, cảm giác giống như đang bị gây mê vậy."

Tình trạng này dần được biết đến với tên gọi là Sương mù não hậu nhiễm Covid với những trở ngại trong nhận thức, bao gồm mất trí nhớ, hay nhầm lẫn, khó tập trung, chóng mặt, khó hiểu và sử dụng những từ ngữ quen thuộc. Càng ngày càng nhiều "người sống sót" cho rằng, tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc và cuộc sống của họ.

"Có hàng nghìn người gặp phải tình trạng như thế", Bác sĩ Igor Koralnik, chuyên khoa bệnh nhiễm trùng thần kinh ở Northwestern Medicine, Chicago cho biết. Ông đã tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân hậu mắc Covid ở phòng khám của mình. "Sự ảnh hưởng lên lực lượng lao động có thể nói là rất đáng kể."

Lisa Mizelle, điều dưỡng cao cấp
Wes Frazer/ The New York Times

Nghiên cứu về hội chứng sương mù não kéo dài chỉ mới bắt đầu gần đây. Theo một báo cáo ở Pháp vào tháng Tám, trên 120 bệnh nhân từng nằm viện thì 34% mắc phải chứng mất trí nhớ và 27% gặp khó khăn trong việc tập trung vào nhiều tháng sau đó.

Thiệt hại nặng nề trên phương diện công việc

Erica Taylor
Lynsey Weatherspoon/The New York Times

Taylor, 31 tuổi, là một luật sư của tổ chức Atlanta phi lợi nhuận, hỗ trợ những người thuê nhà thu nhập thấp. Cô mắc bệnh vào giữa tháng Sáu, và nghĩ rằng mình chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi đi làm trở lại.

Nhưng cô dần mất định hướng, lau chùi cái điều khiển TV bằng máy giặt và phải gửi trả lại chú chó cưng đã nhận nuôi gần đây vì Taylor không thể tin tưởng bản thân rằng mình có thể chăm sóc nó được.

Taylor chia sẻ:

"Một buổi sáng thức dậy, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, như 'con sóng trắng xóa' vừa đi qua. Tôi ngồi trên giường và khóc vì cảm nhận được ‘có điều gì đó không ổn, mình cần giúp đỡ’, nhưng tôi không thể nhớ ra được mình cần hỏi ai và về chuyện gì, thậm chí cả danh tính bản thân và nơi tôi đang sống."

Vào tháng Bảy, Taylor nghĩ là tình trạng này đã thuyên giảm nên cô nói với cấp trên rằng cô có thể trở lại làm việc. Nhưng sau một đợt “sóng trắng xóa” khác, cô nhắn tin cho ông ấy: “Tôi thấy bất an. Tôi thực sự muốn làm việc lại, nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi và rối rắm.” Người sếp đó cho rằng cô nên nghỉ ngơi thêm để bình phục hẳn.

Taylor trở lại văn phòng vào đầu tháng Tám và tâm trí cô vẫn cứ “đi lang thang”, đọc email đối với cô giờ đây giống như “đọc chữ Hy Lạp”. Đầu tháng Chín, đồng nghiệp khuyến khích cô nghỉ 3 tháng.

Taylor đã đề nghị với họ để cho cô làm tình nguyện viên cho tổ chức trong thời gian nghỉ ngơi, nhưng đã bị từ chối. “Họ đã kết luận rằng tôi ‘nên nghỉ hẳn đi’. Tôi thực sự rất thất vọng.”

Michael Reagan, sống tại New York. Nhận thức trở nên mơ hồ và những triệu chứng thần kinh đi kèm buộc anh phải xin nghỉ việc.
Hiroko Masuike/The New York Times

Reagan, 50 tuổi, sau 5 ngày ra vào bệnh viện, đã trở lại làm một bác sĩ phẫu thuật mạch máu.

Nhưng những ngón tay anh luôn run rẩy và co giật, cùng với những triệu chứng thần kinh cũng như chứng sương mù não đi kèm, đồng nghĩa với việc anh không thể bước vào phòng mổ và dạy một bác sĩ cách để may một động mạch.

"Trong các cuộc họp, tôi không thể dùng từ chính xác. Tôi thấy mình nói chuyện như một tên ngốc vậy."

Lisa Mizelle
Wes Frazer/ The New York Times

Trước khi Mizelle nhiễm virus vào tháng Bảy, cô có thể một mình chăm sóc 6 bệnh nhân trong vòng một giờ tại phòng khám ở Huntsville, Ala. Nhưng gần đây, cô không thể làm việc một mình được nữa, vì suy nghĩ chậm, chóng mặt và cần ai đó giải quyết công việc cùng.

"Thỉnh thoảng trong phòng khám, tôi cố gắng làm mọi thứ từ tốn, vậy thì các bệnh nhân sẽ không biết. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn người chăm sóc y tế cho bạn lại trong tình trạng ‘đờ đẫn’ như vậy, thật đáng sợ."

Trong một lần nhầm lẫn thứ tự nuôi cấy nhiễm trùng đường tiểu, một kĩ thuật viên phòng lab đã phát hiện ra.

“Tôi thấy bản thân mình chưa hề mắc một lỗi nào cả. Tôi chưa hề hại chết ai.”, Mizelle chia sẻ, cho biết thêm rằng mọi chuyện gần đây đang diễn ra theo chiều hướng tốt hơn.

Tìm kiếm câu trả lời cho nguyên nhân bí ẩn

Nguyên nhân của “sương mù não” bí ẩn một phần là vì những triệu chứng của nó quá đa dạng.

Theo Bác sĩ Avindra Nath từ Viện rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia, “Câu trả lời đơn giản nhất đó là hệ miễn dịch của họ bị kích hoạt kéo dài sau khi đợt nhiễm đầu tiên lui bệnh.”

Bác sĩ Serena Spudich, Khoa y đại học Yale, cũng cho rằng.

"Có lẽ liên quan đến tình trạng viêm hoặc các tế bào lót mạch máu. Các tế bào viêm giải phóng các chất đáp ứng miễn dịch, nhưng cũng có thể là những chất độc, đặc biệt là đối với não."

"Những nguyên nhân khả thi khác là phản ứng tự miễn, khi kháng thể của cơ thể tấn công các tế bào thần kinh do nhầm lẫn đó là các tế bào lạ".

Nhà thần kinh học Dona Kim Murphey, đã từng mắc phải những vấn đề về thần kinh sau khi nhiễm Covid, kể thêm về "hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh", vì cô cảm thấy "một cảm giác cực kỳ kỳ quái trên bàn tay trái". Cô không biết vì sao lại có cảm giác này và lại cảm nhận được nó rất rõ ràng. Thậm chí, cô còn không thể dùng được từ "công việc" khi họp cùng đồng nghiệp.

"Những người khác luôn nói về chuyện này một cách miệt thị, 'Ở trong đầu họ cả mà'. Vâng, thật vậy, trong trường hợp này thì mọi thứ thực sự chỉ nằm trong đầu chúng tôi."

Quên Paris, và cách gọi “bàn chải đánh răng”

Mùa hè vừa qua, anh Reagan bật lò để chiên trứng và đã quên béng đi ngay sau đó mà dắt chú chó cưng đi dạo. Khi trở về, nhìn thấy chiếc chảo nóng bừng như sắp bốc cháy, anh hoảng sợ và kể từ đó không còn nấu ăn nữa.

Ngay cả những ký ức về Giáng sinh năm trước, đêm Giao thừa và chuyến du lịch Paris mừng sinh lần thứ 40 của người bạn đời - Mustafa Al Niama - anh cũng quên sạch.

Reagan bộc bạch khi chìa ra tấm ảnh cặp đôi đi xem bức họa Mona Lisa ở bảo tàng Louvre.

"Tôi nhìn lại tất cả những bức hình mình đã chụp ở Paris, cố gắng nhớ lại. Chúng tôi đến dự buổi hòa nhạc của Madonna, đến tháp Eiffel và Catacombs. Và tôi không nhớ bất cứ một thứ gì."

Reagan nhìn lại cuốn ảnh về chuyến đi ở Paris vào tháng Ba.
Hiroko Masuike/The New York Times

Rick Sullian đã thiết lập một phổ các mức độ nhận thức mà ông trải qua. Trong tình trạng nhẹ nhất, gọi nó là giai đoạn “bay bổng”, ông chỉ cảm thấy nặng đầu.

Ở pha giữa, “mờ ảo”, “Khi mọi người nói chuyện với tôi, việc cố gắng chú ý nghe họ nói khiến đầu tôi đau, nên tôi đã tức giận.”

Nặng nhất là pha “mờ sương", khi “Tôi không thể hoạt động đàng hoàng, chỉ ngồi và nhìn chăm chăm về trước, không có động lực để cử động và đầu óc thì rối bời.”

Ngay cả một chút gắng sức nhỏ về thể chất hoặc tinh thần cũng có thể khởi phát “đợt sương mù”. Sau khi ông từ chức ở một công ty về nhiếp ảnh, chia sẻ rằng nhiều ngày gần đây ông chỉ có thể hoàn thành 2 công việc: “Rửa hộp cát của mèo và dọn phân chó.”

Và điều này cũng khiến ông lo lắng. “Đối với tôi, đây giống như một quy trình gồm 15, 16 nhiệm vụ. Chúa ơi, tôi phải tìm một cái túi, cho chất thải vào trong đó và mang chúng đi vứt.”

Julia Donahue, 61 tuổi ở Somers, N.Y., chật vật để nói được một câu hoàn chỉnh, cảm thấy đau lòng vì bà yêu vai diễn Abigali Adams trong những chương trình lịch sử.

"Bây giờ, Abigali chỉ là một đống quần áo ở trong tủ đồ. Tôi còn chẳng thể thực hiện một bài nói chuyện 45 phút nữa."

Thậm chí, gần đây bà quên mất cách gọi bàn chải đánh răng, mà nói với người bạn của mình rằng “đó là thứ làm sạch răng”.

Các bác sĩ không biết là các triệu chứng này sẽ tăng dần hay tự biến mất theo thời gian. Một vài bệnh nhân đang tự mình tìm cách giải quyết hoặc thực hiện một số bài tập phục hồi tạm thời.

Nhằm tái tạo trí nhớ, anh Reagan viết lại hướng đi của những quãng đường ngắn mà mình đi qua và đọc lại trên 10 lần.
Hiroko Masuike/The New York Times
Ngay cả khi đi dạo cùng với Niama trong khu phố của họ, khả năng định hướng của anh vẫn "đầu hàng".
Hiroko Masuike/The New York Times

ANh Reagan, hiện cũng mất đi khả năng định hướng, theo lời đề nghị của một nhà trị liệu đã thả bộ đến một vài địa điểm bất kỳ gần nhà ở Lower Mahattan. Gần đây, anh chọn đến New York Stock Exchange, xa hơn một chút. Anh ghi lại hướng đi và ôn lại liên tục trước khi ra ngoài với người bạn đời và chú chó.

Ở góc rẽ đầu tiên, tâm trí anh dường như lại im bặt. “Rẽ trái?”, Ông hỏi Niama, nhưng được trả lời là “rẽ phải”.

Vào giữa tháng Chín, khi ông Sullivan nghĩ rằng giai đoạn tệ nhất đã qua, thì lúc ở cửa hàng bách hóa cùng vợ, tâm trí ông bỗng bị “mờ sương hoàn toàn”, nắm lấy một chiếc xe đẩy hàng và “lang thang khắp cửa hàng như một con zombie”.

Nhiều ngày sau đó, trong lúc ông nâng một chiếc tạ 3 pound (hơn 1kg) – không là gì so với thói quen nâng 65 pound (gần 30kg) trước khi nhiễm Covid – thì đợt sương mù chợt ập đến khiến ông vỡ òa.

“Tôi nhận ra rằng mình vẫn chưa thể vượt qua”.

Theo: The New York Times
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.