• Về đầu trang
Chim Sẻ
Chim Sẻ

Câu chuyện về đàn chó bị bỏ rơi ở 'thành phố ma' Chernobyl

Cuộc sống

Tôi và hướng dẫn viên tên Igor đang lang thang trong khu rừng phía sau nhà máy Chernobyl thì bỗng đâu một con chó lông vện lao về phía chúng tôi. Igor nhanh chóng nhào lên trước, dùng tay kẹp mõm nó lại rồi cả hai lăn tròn vài vòng trên tuyết. Đôi mắt của con chó hoang sáng lên khi thấy Igor bẻ một cành cây rồi ném đi. Nó mải miết đuổi theo nhành cây, nhờ đó mà chúng tôi được tự do di chuyển. Song chẳng bao lâu sau, con chó quay lại đặt cây gậy dưới chân Igor... Anh bạn hướng dẫn của tôi ném cành cây đi lần nữa và rồi nó lại hớn hở mang trở về. Tôi đã cười phá lên khi chứng kiến cảnh đó.

Hóa ra Igor vốn quen với chú chó tinh nghịch ấy. "Nó tên là Tarzan" - anh chia sẻ - "Tarzan sống bơ vơ trong khu vực cấm. Mẹ của nó đã bị chó sói ăn thịt... Vậy nên khi các hướng dẫn viên như tôi đi vào đây mà gặp Tarzan, chúng tôi thường dành chút thời gian chơi trò gì đó với nó. Thực sự thì Tarzan vẫn còn bé lắm".

Một chú chó lang thang dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa đông Ukraina.

Có khoảng 300 chú chó hoang trong khu vực rộng 2,600 km². Chúng sống giữa các loài thú khác như nai sừng tấm, thỏ rừng và chó sói. Không giống với ngựa Mông Cổ hay gấu trắng Belarus được di chuyển từ nơi khác tới, đàn chó này vốn dĩ sinh ra và lớn lên ở nơi đây.

Sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986, người dân của thành phố phải di tản đến nơi an toàn mà không được phép mang theo bất kì vật nuôi nào. Trong cuốn Lời cầu nguyện từ Chernobyl của nhà báo Svetlana Alexievich ghi lại lời kể từ một nhân chứng: "Nhiều chú chó sủa ầm ĩ, chúng cố gắng trèo lên xe buýt nhưng đều bị binh sĩ đá ra ngoài... Cuối cùng chỉ biết chạy theo những xe chở người già". Có gia đình đau khổ ghim vội mảnh giấy lên cửa nhà: "Xin đừng giết hại Zhulka của chúng tôi. Nó là một con chó ngoan". Tuy nhiên, chẳng có sự thương xót nào dành cho Zhulka và đồng loại của nó vì ngay sau đó, một toán lính đã được cử đến để bắn hạ các con vật.

May mắn thay, vẫn có một số con chó trốn thoát và duy trì nòi giống đến tận bây giờ. Song cuộc sống lang thang ở Chernobyl chưa bao giờ là dễ dàng. Vừa phải trải qua mùa đông khắc nghiệt mà không có chỗ trú ẩn, lại vừa phải chịu tác động từ chất phóng xạ khiến cho tuổi thọ bị rút ngắn.

Rất ít chó sống qua được năm thứ 6 ở Chernobyl

Các con chó hoang thường sống quanh trạm kiểm soát của khu vực, nơi có nhiều túp lều nhỏ. Một số thì đủ khôn ngoan để tụ tập gần quán cà phê địa phương bởi chúng hiểu rằng ở đâu có con người, ở đó sẽ có thức ăn. Những "băng đảng" chó này hoạt động như các linh vật đại diện không chính thức của Chernobyl. Chúng luôn chào đón các vị khách du lịch dừng chân tại Cafe Desyatka và chờ được cho đồ ăn.

Nadezhda Starodub - người chuyên dẫn đường ở Chernobyl cho biết ai đến thăm nơi đây (khu vực không có khách du lịch) cũng đều yêu mến các chú chó: "Hầu hết mọi người thấy chúng dễ thương, song một số nghĩ rằng chúng có thể bị nhiễm xạ nên thường tránh chạm vào". Nadezhda chia sẻ thêm: "Vài người hướng dẫn lo sợ những lời phàn nàn nên luôn tránh gặp đàn chó hoang. Nhưng tôi thì lại rất thích chúng!"

Những chú chó đáng thương phải chấp nhận cuộc sống "tự sinh tự diệt".

Những năm gần đây, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ - Clean Futures Fund đã thành lập một phòng khám thú y trong vùng hứng chịu thảm họa hạt nhân Chernobyl. Phòng khám này điều trị các trường hợp khẩn cấp và tiêm phòng vắc xin chống bệnh dại, Parvovirus, bệnh viêm màng não, viêm gan cho chó. Ông Lucas Hixson - đồng sáng lập quỹ phát biểu rằng: "Không có khả năng đưa số lượng chó hoang sống trong vùng cấm về con số 0. Song chúng tôi luôn cố gắng đẩy số lượng ấy xuống mức có thể quản lí được để tiện cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc chúng trong khoảng thời gian dài".

Việc quản lí sẽ giúp Chernobyl an toàn hơn không chỉ với loài chó mà còn với con người.

Nhà máy hạt nhân Chernobyl gần đây đã được niêm phong trong khoảng thời gian 100 năm với "cỗ quan tài" bằng bê-tông nặng hơn 35000 tấn. Đây là nỗ lực khắc phục sau thảm họa của một nhóm chuyên gia đa quốc gia. Và chúng ta có quyền hy vọng điều tương tự sẽ đến với những chú chó hoang. Một ngày nào đó, chúng có thể nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của thế giới này... Trong khu rừng đằng sau nhà máy Chernobyl, tôi gặp lại đôi mắt vàng của Tarzan. Khi ấy em không còn là một chú chó hoang nữa mà đã trở thành một ví dụ vui tươi về lòng tốt và sự hợp tác toàn cầu.

Theo: theguardian
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.