• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Câu hỏi quan trọng nhất cuộc đời: ‘Nỗi đau nào bạn muốn chịu đựng?’

Cuộc sống

Ai cũng muốn những thứ tốt đẹp. Ai cũng muốn sống vô tư, hạnh phúc và thuận lợi, được yêu, những đêm mặn nồng và mối quan hệ tuyệt vời. Ai cũng muốn có vẻ ngoài hoàn hảo, kiếm tiền giỏi, nổi tiếng, được tôn trọng và ngưỡng mộ đến mức mọi người phải dạt ra hai bên khi ta bước vào một bữa đại tiệc.

Nếu tôi hỏi bạn “Bạn muốn gì trong cuộc đời này?” và bạn trả lời đại loại như “À, tôi muốn được hạnh phúc, có một gia đình đình tuyệt vời và công việc mà tôi yêu thích”, đó là câu trả lời nhan nhản đến mức vô nghĩa.

Có một câu hỏi thú vị hơn, một câu hỏi có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ đến trước đây. Đó là:

Nỗi đau nào bạn muốn chịu đựng trong đời? Bạn sẵn sàng chiến đấu vì điều gì?

question

Một câu hỏi tưởng không khó mà khó không tưởng trên đường đời (ảnh: markmanson).

Ai cũng muốn có một công việc thú vị và độc lập tài chính. Nhưng không phải ai cũng muốn chịu đựng 60 giờ làm việc hàng tuần, đi làm xa, đống giấy tờ đáng ghét, hệ thống cấp bậc độc đoán và mỗi người ai làm việc nấy trong những ô vuông buồn chán tựa như địa ngục dài vô tận. Ai cũng muốn giàu có mà không phải mạo hiểm, không phải hy sinh, không phải đi đường vòng.

Ai cũng muốn có một mối quan hệ thăng hoa về sex và tình cảm. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trải qua những lúc khắc khẩu, những khoảng lặng khó xử, những lúc bị tổn thương và thậm chí là trầm cảm trong chính mối quan hệ này. Và họ chọn cách sống an phận. Họ an phận và tự hỏi “Sẽ thế nào nếu như?” từ năm này qua năm khác, đến mức độ câu nghi vấn đó biến thành “Nếu như hồi đó mình...”.

Khi luật sư tư vấn ly hôn kết thúc nhiệm vụ, giấy trợ cấp đã được gửi đến, họ mới tự hỏi “Mấy cái này để làm gì chứ?”. Nếu đấy không phải là thứ bồi thường cho những tiêu chuẩn và kỳ vọng quá thấp của 20 năm trước thì chúng bồi thường vì cái gì?

Hạnh phúc đòi hỏi sự đấu tranh. Sự tích cực sẽ đến khi chúng ta giải quyết tiêu cực. Bạn không thể chỉ né tránh tiêu cực bởi vì nó sẽ gào thét quay trở lại tìm bạn vào một ngày nào đó.

life1

Nếu bạn không chiến đấu và chỉ ngồi im, bạn sẽ không nhận được thứ gì hết (ảnh: pinterest).

Nhu cầu của chúng ta ít nhiều đều giống nhau, đó là cốt lõi của hành vi con người. Trải nghiệm tích cực rất dễ nắm bắt, còn trải nghiệm tiêu cực khiến chúng ta phải vật lộn.

Những thứ bạn muốn trong cuộc đời này không đến từ những cảm xúc tốt đẹp mà bạn mong muốn, nó đến từ những cảm xúc tệ hại mà bạn sẵn sàng và có khả năng chịu đựng để tìm lại những cảm xúc tốt đẹp kia.

Bạn muốn có cơ thể đẹp. Nhưng bạn sẽ không đạt được điều đó trừ khi bạn hiểu rõ những cơn đau và căng thẳng về mặt thể chất khi dành hàng giờ trong phòng gym, yêu thích việc cân đo đong đếm mức calo nạp vào người và lên kế hoạch cho từng khẩu phần ăn.

Bạn muốn khởi nghiệp và độc lập tài chính. Nhưng bạn sẽ không thể là một doanh nhân thành đạt trừ khi bạn hiểu rõ những rủi ro, bấp bênh, liên tục thất bại, làm việc điên cuồng hàng giờ cho một thứ mà bạn cũng chẳng rõ liệu nó sẽ thành công hay không.

Bạn muốn có một bạn đời, một tri kỷ. Nhưng bạn sẽ không thể có được người ấy trừ khi bạn hiểu rõ cảm xúc thất thường như thời tiết, những kìm nén không thể giải phóng và chỉ biết nhìn chằm chằm vào chiếc di động không bao giờ đổ chuông. Đó là một phần của trò chơi tình ái. Nếu bạn không chơi, bạn sẽ không thể thắng.

life5

Trong tình yêu cũng đòi hỏi bạn phải chấp nhận đấu tranh và chịu đựng nhiều thứ khó chịu, không vừa lòng. Chỉ khi trải qua những điều đó, bạn mới nhận ra đấy là tình yêu đích thực (ảnh: biography).

Thứ quyết định thành công của bạn không phải là “Bạn muốn tận hưởng điều gì?”, mà là “Nỗi đau nào bạn muốn chịu đựng?”. Chất lượng cuộc sống không đến từ những điều tích cực, nó đến từ những điều tiêu cực.

Bạn giải quyết được những rắc rối, bạn sẽ sống tốt.

Có nhiều lời khuyên vớ vẩn như “Bạn chỉ cần muốn điều đó là đủ!”. Ai cũng muốn thứ gì đó. Ai cũng thực sự muốn có gì đó. Họ chỉ không nhận thức được họ muốn gì hoặc cụ thể hơn là họ thực sự muốn gì.

Bởi vì nếu bạn thực sự muốn thứ gì đó trong cuộc đời này, bạn buộc phải trả giá.

life

Bạn có sẵn sàng đánh đổi và trả giá để đạt được điều mình muốn không? (ảnh: pinterest).

Nếu bạn thấy bản thân muốn một thứ gì đó tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nhưng vẫn chưa có gì xảy ra và bạn vẫn chưa tiến được bước nào gần với điều đó, có lẽ thứ bạn muốn chỉ là sự ảo tưởng, một thứ lý tưởng hóa, một hình ảnh hoặc một lời hứa giả dối.

Có lẽ đó không phải là thứ bạn muốn, bạn chỉ thích muốn có thứ gì đó mà thôi. Hoặc có lẽ bạn thực sự không biết mình muốn gì.

life2

Theo đuổi giấc mơ chưa bao giờ là một chuyện đơn giản (ảnh: cornellsun).

Đôi khi tôi hỏi vài người “Bạn lựa chọn việc chịu đựng như thế nào?", họ sẽ quay sang nhìn tôi với ánh mắt kiểu “Bị điên à?”.

Tôi hỏi như vậy là bởi câu trả lời của bạn sẽ nói lên nhiều điều về bạn hơn là kể lể những mong muốn và mộng tưởng. Bởi vì bạn sẽ phải chọn thứ gì đó. Bạn không thể có một cuộc đời trải đầy hoa hồng và không chút đau đớn. Cuối cùng, chính câu hỏi khó đó mới là vấn đề. Niềm vui là một câu hỏi “ngon ăn” và ai cũng đều trả lời na ná như nhau. Câu hỏi thú vị hơn là về nỗi đau.

Nỗi đau nào bạn muốn chịu đựng trong đời?

Câu trả lời sẽ thực sự đưa bạn đến nơi nào đó. Câu hỏi này có thể thay đổi cuộc đời bạn. Nó tạo ra tôi và tạo ra bạn. Nó định nghĩa chúng ta, khiến chúng ta khác biệt và đem chúng ta lại gần nhau hơn.

life3

Mơ về những thứ mình muốn luôn dễ hơn bắt tay vào hành động (ảnh: janmccarthy).

Hồi còn trẻ, tôi mơ mộng trở thành một nhạc sĩ, một ngôi sao nhạc rock. Khi nghe những bài hát chơi bằng guitar tuyệt hay, tôi sẽ nhắm mắt và tưởng tượng mình đang chơi đàn trên sân khấu, giữa biển người gào thét điên cuồng, đám đông sẽ mất hồn khi nghe tôi “phiêu” trên những dây đàn.

Tôi mơ như thế hàng giờ đồng hồ, cho đến tận khi tôi vào đại học, bỏ trường nhạc và dừng chơi đàn một cách nghiêm túc. Kể cả khi ấy, câu hỏi tôi nghĩ tới là “Khi nào?” chứ không phải là “Liệu tôi có được biểu diễn trước đám đông?”.

Tôi chờ đợi thời cơ của mình trước khi đầu tư thời gian và công sức tập luyện để biến ước mơ thành hiện thực. Đầu tiên, tôi phải học xong đã. Sau đấy tôi cần kiếm tiền, cần tìm thời gian. Sau đấy là... không có gì hết.

Mặc dù tôi ảo tưởng về điều đó hơn nửa cuộc đời, thực tế đã không xảy ra. Nó chiếm mất của tôi một khoảng thời gian dài và mang đến những trải nghiệm tiêu cực, để cuối cùng tôi nhận ra lý do là: Tôi không thực sự muốn điều đó.

life4

Chỉ khi chấp nhận những nỗi đau và kiên trì theo đuổi tới cùng, bạn mới biết đó có phải là thứ bản thân thực sự muốn hay không (ảnh: biography).

Tôi là người yêu kết quả. Kết quả ở đây là hình ảnh tôi đứng trên sân khấu, mọi người hò reo, tôi biểu diễn cháy mình, “phiêu” vào những bản đàn. Nhưng tôi không yêu quá trình đạt được điều đó. Vì thế tôi đã thất bại. Liên tục. Tôi thậm chí còn chẳng cố để nếm mùi gục ngã. Tôi chẳng cố gắng một tí tẹo nào hết.

Tập luyện miệt mài hàng ngày, tìm kiếm một nhóm để tập tành, khổ sở tìm chỗ biểu diễn, lôi kéo khán giả đến xem và trình diễn dở tệ. Đứt dây đàn, bay ống loa, kéo 18kg thiết bị đến chỗ tập vì không thuê nổi xe chở. Giấc mơ là một ngọn núi và bạn phải leo hàng dặm mới tới đỉnh. Và nó khiến tôi mất nhiều thời gian để phát hiện ra rằng tôi không thích leo núi, tôi chỉ thích tưởng tượng viễn cảnh mình đứng trên đỉnh núi thôi.

Văn hóa Mỹ nói với tôi rằng bằng cách nào đó tôi đã thua chính bản thân mình, tôi đã bỏ cuộc, tôi là một thằng thất bại. Mấy cuốn sách self-help nói rằng tôi chưa đủ dũng cảm, chưa đủ quyết tâm và tôi không tin vào bản thân mình. Mấy nhóm khởi nghiệp nói rằng tôi chỉ là thằng nhát như cáy, không dám theo đuổi giấc mơ và dễ thỏa hiệp với xã hội. Tôi cần tham gia vào một ban nhạc tài năng, chứng minh bản thân hoặc làm gì đó tương tự.

Nhưng sự thật kém thú vị hơn nhiều: Tôi đã nghĩ tôi muốn thứ gì đó nhưng hóa ra không phải. Hết chuyện.

Tôi muốn phần thưởng mà không phải chiến đấu. Tôi muốn kết quả và bỏ qua quá trình. Tôi không phải là người yêu thích sự đấu tranh, tôi chỉ thích chiến thắng. Và cuộc sống không vận hành như vậy.

life6

Nỗi đau nào bạn sẵn sàng chịu đựng? (ảnh: geeflix).

“Bạn là ai” được định nghĩa từ những điều bạn sẵn sàng đấu tranh. Người nào chịu được phòng gym thì sẽ có cơ thể đẹp. Người nào chịu được hàng tuần làm việc bận rộn và “thâm cung nội chiến” chốn công sở thì sẽ đạt được vị trí mong muốn. Người nào chịu được cuộc sống nghệ sĩ đầy stress, bấp bênh, bữa đói bữa no thì sẽ sống được và làm được.

Đây không phải là lời kêu gọi của ý chí hay sự “lì lợm”. Đây cũng không phải là lời khuyên của câu “có chí thì nên”. Đây chỉ là một phần cơ bản và đơn giản nhất của cuộc sống: chiến đấu quyết định thành công. Vì vậy hãy lựa chọn chiến đấu và chịu đựng một cách khôn ngoan nhé, bạn của tôi.

Đôi điều về tác giả:

Mark Manson là một blogger, một cây viết trên nhiều tờ báo nổi tiếng như CNN, BBC News, Business Insider. “Câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời” là một trong số những bài viết hay nhất và được yêu thích nhất của anh. Các bạn có thể tìm đọc các bài dịch khác của Mark Manson trên Lost Bird:

6 thói quen tưởng bình thường lại có thể khiến tình yêu của bạn tan thành mây khói

20 nghịch lý cuộc sống tưởng chừng vô nghĩa nhưng càng ngẫm càng thấy đúng

Nhận ra 10 sự thật này càng sớm bạn càng có nhiều cơ hội sống sót qua lứa tuổi 20

Ba sự thật tàn nhẫn về tình yêu mà những kẻ thất bại tình trường mù quáng không muốn hiểu

Theo: markmanson
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.