• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Chiến dịch 'Mẹ ơi! Đừng giết con': Mục đích nhân đạo nhưng chưa thấu đáo?

Cuộc sống

Nạo phá thai đang là một trong những vấn đề nhức nhối cần được xã hội quan tâm ở Việt Nam. Nước chúng ta luôn nằm trong top những quốc gia có nhiều ca phá thai nhất trên thế giới và để giảm thiểu tỷ lệ này, rất nhiều các nhà hoạt động xã hội đã đề ra hàng loạt hội thảo, chiến dịch giáo dục về sức khoẻ sinh sản. Tuy nhiên, một chiến dịch gần đây lại vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ phía cộng đồng mạng.

2 chàng trai lên tiếng kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành luật cấm nạo phá thai.

Những ngày vừa qua, đoạn video phát động chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con" đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Cụ thể, chiến dịch này sẽ bắt đầu thu thập 100.000 chữ ký từ ngày 1/12/2018 để kiến nghị với Quốc hội ban hành luật cấm nạo phá thai trên cả nước.

8

2 nhà sáng lập chiến dịch trong video kêu gọi ký tên để ủng hộ luật cấm nạo phá thai.

Chiến dịch được sáng lập bởi 2 chàng trai trẻ là Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988) và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990), đồng thời cũng là người xuất hiện kêu gọi trong video.

Nội dung video cũng nhiều lần nhấn mạnh về số ca nạo phá thai đáng báo động tại Việt Nam. Cả 2 nhà sáng lập đều cho rằng ban hành luật cấm phá thai sẽ nhằm mục đích "cứu lấy 300.000 thai nhi vô tội".

lost bird chien dich me oi dung giet con 1

Họ cũng đưa ra nhiều dẫn chứng, con số để chứng minh nước ta đang "lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất lịch sử" xoay quanh vấn đề nạo phá thai của nhiều bà mẹ. Họ cũng bày tỏ rằng mình rất "hối lỗi và ân hận vì không hành động sớm hơn để ngăn chặn chuyện này". Họ khẳng định chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con" sẽ mang lại sự thay đổi lớn trong xã hội và đặc biệt là cứu lấy hàng trăm ngàn sinh linh bé nhỏ.

Chỉ sau hơn 1 tuần đăng tải, video phát động chiến dịch đã thu hút hơn 12.000 lượt tương tác và gần 3.000 chia sẻ từ phía cộng đồng mạng.

Cộng đồng tranh cãi dữ dội vì chiến dịch có ý nghĩa nhân đạo là đúng, nhưng chưa thật sự nghĩ sâu xa về các vấn đề mà phụ nữ đối mặt.

Từ khi phát động, chiến dịch đã thu thập được hơn 18.000 chữ ký cùng nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng bên cạnh đó, "Mẹ ơi! Đừng giết con" cũng vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều về quan điểm và cách hoạt động. Mặc dù có mục đích tốt, vì cộng đồng nhưng việc kêu gọi ký tên của 2 chàng trai sẽ rất khó được Quốc hội chú ý đến.

10

Ngoài ra, nhiều cư dân mạng cũng lên tiếng phản đối chiến dịch vì người sáng lập đã không nghĩ đến những giá trị nhân đạo khác như bào thai bị dị tật bẩm sinh, thai yếu, đồng huyết hay có thai ngoài ý muốn, phụ nữ bị cưỡng hiếp, không đủ điều kiện tài chính để sinh con.

Nhiều bài viết phản đối liên tục xuất hiện trên mạng xã hội kể từ sau khi chiến dịch được phát động. Cụ thể, Facebooker tên Linh - nhà sáng lập trang tư vấn và hỗ trợ tâm lý Beautiful Mind VN, phản đối chiến dịch vì một số lý do như sau:

Thứ nhất, Việt Nam đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nạo phá thai trong những năm gần đây, khi tỷ lệ phá thai đã giảm từ 80 vạn ca năm 1988 xuống còn 40 vạn ca trong giai đoạn 2011 - 2013. Con số này chứng tỏ chính phủ nước ta đang kiểm soát rất tốt tình trạng phá thai trong nước. Vì vậy, nếu trong thời gian này lại ban hành luật cấm nạo phá thai sẽ khiến nhiều phụ nữ buộc phải tiếp cận với những phòng khám, dịch vụ kém chất lượng.

7

Thứ hai, chiến dịch đang phân biệt giới tính khi chỉ nhắc đến việc nạo phá thai là tội lỗi của phụ nữ. Trong khi đó, việc có thai là trách nhiệm của cả bố và mẹ, thậm chí nhiều phụ nữ còn bị đàn ông ép nạo phá thai. Chưa hết, khái niệm "giết" ở đây là không chính xác. Theo nghiên cứu, thai nhi chỉ cảm thấy đau đớn và có nhận thức từ 27 tuần tuổi trở lên, bào thai dưới 12 tuần tuổi là còn rất nhỏ, gần giống với tế bào nên không thể sử dụng khái niệm "giết" để tuyên truyền.

9

Thứ ba, dù ngoài mặt là chiến dịch nhân đạo nhưng chưa nghĩ sâu xa về những trường hợp ngoại lệ, bất khả kháng mà phụ nữ phải bỏ con. Chị Linh cũng dẫn chứng rằng đối với những phụ nữ bị cưỡng hiếp, bạo hành tình dục, nếu cấm phá thai trong trường hợp này là rất vô nhân đạo. Bên cạnh đó còn có những hoàn cảnh nghèo đói, tảo hôn, buôn bán phụ nữ hoặc đã dùng biện pháp an toàn nhưng vẫn có thai ngoài ý muốn, mẹ phát hiện bệnh di truyền có thể gây hại cho đứa trẻ khi sinh ra thì việc phá thai hay vẫn sinh con là lựa chọn tốt nhất?

Quan trọng hơn hết, chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con" lại có phần can thiệp vào trách nhiệm và quyền hạn của người khác. Quyết định có phá thai hay không là ở mỗi người, chúng ta chẳng có quyền gì để cấm người khác lựa chọn cuộc sống của họ. Bạn ép phụ nữ sinh con mặc kệ họ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng về cả mặt tâm lý và tài chính, đó mới chính là bất công.

Chị Linh cho rằng chiến dịch chỉ xoáy vào một chuyện là kêu gọi luật cấm phá thai nhưng lại không thật sự nhìn vào hiện trạng của phụ nữ và những vấn đề khó khăn mà họ phải đối mặt trong xã hội ngày nay. Thay vì mang định hướng giáo dục sức khoẻ sinh sản và tình dục thì chiến dịch lại chỉ khăng khăng phụ nữ không được phép phá thai và đó là tội lỗi của phụ nữ.

Ở trên chỉ là một trong số rất nhiều ý kiến phản đối chiến dịch và cho rằng chiến dịch có ý tốt nhưng lại chưa sâu, rất nhiều cư dân mạng cũng lên tiếng bất bình với quan điểm của chiến dịch.

4

5

6

Việt Nam đã có quy định nạo phá thai khi thai nhi đã 22 tuần tuổi là vi phạm pháp luật.

Pháp luật Việt Nam vốn dĩ đã có quy định nghiêm cấm nạo phá thai trong một số trường hợp nhất định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: “Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác” là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" cũng chỉ rõ hành vi nạo phá thai trên 22 tuần tuổi đều là vi phạm pháp luật.

11

Vì vậy, theo những quy định trên, mọi hành vi nạo phá thai trên 22 tuần tuổi và phá thai do lựa chọn giới tính đều đã bị cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống tại các cơ sở y tế dịch vụ hớp pháp có trang thiết bị, kỹ thuật đúng chất lượng.

Với những dẫn chứng luật pháp và giá trị nhân đạo khác xoay quanh việc nạo phá thai tại Việt Nam, cộng đồng mạng đã phân chia thành 2 luồng dư luận ủng hộ và phản đối rõ rệt với chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con". Chính vì vậy, chiến dịch thu thập 100.000 chữ ký vẫn đang là chủ đề tranh cãi của cộng đồng mạng trong những ngày vừa qua.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.