• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Echoist: Bi kịch của những người bị điều khiển cảm xúc và chỉ là ‘tiếng vọng’ của kẻ khác

Cuộc sống

Trong thần thoại Hy Lạp, Echo là một nữ thần xinh đẹp nhưng mắc tật nói nhiều. Vì quá tức giận trước tật xấu này của Echo, nữ thần Hera đã nguyền rủa Echo chỉ có thể lặp lại âm thanh mình nghe được.

Một lần dạo chơi trong rừng, Echo trúng tiếng sét ái tình với nam thần Narcissus. Thế nhưng vì lời nguyền của nữ thần Hera, Echo không thể nói chuyện với Narcissus mà chỉ có thể nhại lại câu hỏi của vị nam thần khôi ngô, tuấn tú này. Cho rằng Echo trêu chọc mình, Narcissus giận dữ buông lời miệt thị Echo và sỉ nhục tình cảm của nàng khiến Echo đau khổ chạy trốn vào rừng sâu.

echoist

Bức tranh vẽ nam thần Narcissus và nữ thần Echo (ảnh: wikipedia).

Đứng ở góc độ tâm lý học, Narcissist chỉ những kẻ cho rằng mình quan trọng và sẵn sàng chà đạp cảm xúc người khác. Còn Echoist là những người sợ hãi cảm giác đó và đánh mất khả năng nhận thức sự tồn tại của bản thân.

Echoist thường được ví như phông nền cho Narcissist. Trong một mối quan hệ, Echoist thường quên đi sự tồn tại, tính cách, cảm xúc của bản thân. “Nhiệm vụ” của họ là gạt nhu cầu của bản thân sang một bên và ưu tiên đáp ứng nhu cầu cũng như chiều chuộng cảm xúc của đối phương.

Giáo sư đại học Havard Craig Malkin giải thích thêm:

Echoist thường có suy nghĩ nếu họ muốn được yêu thương và an toàn, nếu họ không muốn trở thành gánh nặng, họ phải đòi hỏi ít hơn và cho đi nhiều hơn. Đó cũng là lý do họ thường bị thu hút bởi những kẻ tự luyến như Narcissist.

echoist5

Echoist thường có bố mẹ, bạn đời là Narcissist và họ luôn kìm nén cảm xúc cũng như mong muốn của bản thân.

Arlo McCloskey, đồng sáng lập The Echo Soiety ở Anh – một tổ chức tư vấn và giúp đỡ các Echoist – chia sẻ:

Đa phần các Echoist thường có bố mẹ, đặc biệt có mẹ, là Narcissist. Điều đáng buồn là bạn đời của họ cũng là Narcissist.

Các Echoist cho rằng việc họ thiếu thốn tình yêu thương, chăm sóc, sự cảm thông và chia sẻ khi còn nhỏ là chuyện bình thường. Suy nghĩ đó khiến họ cũng hình thành thói quen nhẫn nhịn và chịu đựng.

Cho đến tận năm 30, 40 tuổi, họ mới bắt đầu nghĩ rằng có điều gì đó không ổn khi chung sống với bố mẹ những năm trước đây. Lúc này quá khứ đang ngủ yên mới được đánh thức.

Các Narcissist cực kỳ giỏi trong việc nói ngon nói ngọt và phủi sạch những thói hư tật xấu của bản thân. Khi rơi vào mối quan hệ với Narcissist, các Echoist thường nghĩ rằng “mình chưa đủ tốt”. Trong nhiều trường hợp cực đoan, họ có thể phát điên vì bị điều khiển và kiểm soát.

echoist2 1

Chúng ta thường có những đặc điểm của Narcissus hoặc Echoist.

Sau vài năm điều trị, Lucy Jones đã quyết định ly hôn với chồng cũ sau 13 năm chung sống. Hiện tại cô đang sống với 2 đứa con học tiểu học. Lucy chia sẻ:

Nhìn lại mới thấy chồng cũ của tôi đúng là một tên Narcissist.

Anh ta là trụ cột của gia đình và vợ con không được đòi hỏi gì cả. Anh ta luôn phàn nàn về công việc. Chỉ cần một người đỗ xe trước cửa nhà chúng tôi cũng khiến anh ta bực tức. Tôi lúc nào cũng bênh vực và xoa dịu anh ta. Bình thường anh ta cũng hào phóng và đáng mến. Chỉ cần có chuyện gì đó đụng vào cái tôi là anh ta thay đổi ngay.

Có một lần tôi ngã cầu thang, anh ta đã mắng tôi là đồ lề mề và lắm chuyện ngay trước mặt chị trông trẻ. Tôi đã phá hủy buổi tối của hai vợ chồng và chúng tôi sẽ không đi đâu hết trong khi rõ ràng thời gian vẫn còn rất nhiều. Đúng là dối trá. Tôi không biết vì sao anh ta nói vậy. Để trừng phạt tôi à?

Đột nhiên tôi nhớ đến hành động tương tự của mẹ mình. Lúc đó tôi 9 tuổi, bà cũng không cho tôi đi dự tiệc và đổ lỗi cho tôi một cách quá đáng.

Những chuyện như vậy cứ lặp đi lặp lại làm tôi thấy hổ thẹn và buồn vô cùng. Tôi đã 42 tuổi rồi mà vẫn còn bị đối xử như vậy sao? Sau khi đi khám, tôi biết mình là một Echoist. Tôi đã điều trị, ly hôn và dọn ra ở riêng. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy được là chính mình.

echoist6

Một Echoist thực sự thường sẽ đặt người khác lên trước bản thân đến mức cực đoan và trầm trọng.

Chuyên gia tâm lý Sarah Davies giải thích:

Bạn đời của các Narcissist thường là những người tốt bụng, biết cách khuyến khích, động viên, thông cảm và tha thứ. Nhưng điều đó không có nghĩa họ ngây thơ và ngốc nghếch. Họ cũng thông minh, tư duy tốt và thành công như bao người khác. Có những Echoist sống lý trí và lờ đi cảm xúc cá nhân của bản thân.

Giáo sư Craig Malkin bổ sung thêm:

Echoist không chỉ đơn giản là một tấm phông nền. Họ có thể tự đổ lỗi cho bản thân vì đối xử không tốt nhưng họ luôn tránh cảm giác cho rằng mình là một gánh nặng.

Ví dụ nếu bạn bị ốm, bạn có thể chỉ trích họ không nấu cháo cho bạn, không quan tâm hay đối xử đặc biệt với bạn. Nhưng nếu bạn chỉ trích họ là gánh nặng, họ sẽ tức giận.

echoist4

Echoist thường quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của đối phương hơn là bản thân mình (ảnh: YouTube).

Khi nhắc đến Narcissist và Echoist trong một mối quan hệ, chúng ta thường hình dung Narcissist là gã đàn ông quyến rũ và tự cho là mình quan trọng, còn Echoist – bạn đời của Narcissist – là người phụ nữ cam chịu. Tuy nhiên, theo giáo sư Craig Malkin, điều này không liên quan đến giới tính.

Chuyên gia tâm lý Sarah Davies bày tỏ:

Thật sai lầm khi nghĩ rằng Echoist là vấn đề của phụ nữ. Tôi từng gặp nhiều người đàn ông là Echoist và phụ nữ là Narcissist.

Trong một mối quan hệ, Echoist có thể sẽ nghĩ “đó là lỗi của mình” hoặc “đó là trách nhiệm của mình”. Nếu là vế sau, chứng tỏ họ đang có một mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp.

Khi Echoist tìm đến tư vấn và điều trị, họ thường muốn sửa chữa bản thân để có thể sửa sai mối quan hệ hoặc ít nhất cũng tìm được cách thỏa hiệp với bạn đời.

Giáo sư Craig Malkin chia sẻ:

Nếu muốn giúp Echoist, bạn không chỉ nên kéo họ ra khỏi tình trạng bị Narcissist bạo hành, mà nên giúp họ thay đổi bản thân. Tôi thường động viên họ hãy nghĩ rằng “Mình đã cố hết sức” thay vì nghĩ “Mình không đủ tốt” hoặc “Mình chưa cố gắng”.

Khi bắt đầu trách móc bản thân, bạn hãy tự hỏi “Mình có thực sự làm gì sai không? Mình có cảm thấy thất vọng, giận dữ hay sợ hãi sau khi cả 2 đứa đối xử tệ với nhau không?”. Đây là bước đầu tiên để bạn ý thức rằng mình cũng có nhu cầu và mong muốn. Bạn cũng có quyền lên tiếng cơ mà.

Và bạn biết gì không? Vẫn có ai đó ở ngoài kia, rất nhiều người là đằng khác, luôn sẵn lòng lắng nghe câu chuyện của bạn.

echoist 1

ảnh: devienart

Bạn có phải là Echoist không? Hãy xem bao nhiêu câu dưới đây đúng với bạn nhé:

Bạn thấy không thoải mái khi là trung tâm của sự chú ý.

Bạn sẵn sàng gác mọi thứ lại để chăm sóc ai đó như cháu chắt hoặc một người họ hàng bị ốm.

Bạn sẽ nói những gì mình nghĩ hay chỉ im lặng.

Bạn thấy không tự tin khi đòi hỏi người yêu.

Bạn nghi ngờ người yêu ngoại tình nhưng không dám đối mặt hay tìm hiểu.

Bạn tức giận với cách cư xử của người yêu nhưng không thể hiện mà chỉ im lặng.

Bạn không biết làm gì lúc rảnh rỗi, không tự tin khi mình đam mê một thứ gì đó và cảm giác không hiểu bản thân muốn gì, cần gì.

Đôi lúc bạn thấy mình “tàng hình” giữa chốn đông người.

Bạn thấy xấu hổ khi người yêu nhận xét về ngoại hình hoặc ý kiến của bạn.

Bạn đổ lỗi cho bản thân vì mọi thứ không được như ý dù đó không phải lỗi của bạn.

Cho rằng mình phải làm hài lòng mọi người. Đây có thể là một thói quen được hình thành từ khi còn nhỏ, nhất là trước những yêu cầu của bố mẹ.

Thấy khó khăn khi nhận lời khen ngợi từ người khác vì bạn nghĩ mình không xứng đáng.

Luôn dành thời gian để lắng nghe tâm sự của người khác và không bao giờ nói về chuyện của mình. Bạn thậm chí còn ghét đem vấn đề của bản thân ra giãi bày.

Lúc nào cũng dốc hết sức mình và lờ đi cảm xúc cá nhân.

Nếu bạn thấy một nửa danh sách trên đúng với mình, đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ rồi đó!

Theo: Dailymail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.