• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Mặc cảm thấp kém: Hội chứng khi bạn thấy 'Mình không bằng con nhà người ta’

Cuộc sống

Mặc cảm thấp kém (Inferior Complex) là khi bạn thấy mình không bằng hoặc kém cỏi hơn người khác ở nhiều khía cạnh như thể chất, ngoại hình, trí tuệ, tâm lý, địa vị xã hội. Mặc cảm thấp kém thường bắt nguồn từ việc so sánh bản thân với người khác và nhận thấy mình kém hơn họ.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta tự thấy mình chưa bằng nhiều người về trình độ hiểu biết, khả năng chơi nhạc, thông thạo ngoại ngữ,… Tuy nhiên, những người mặc cảm thấp kém luôn luôn có cảm giác “Mình không bằng con nhà người ta” ở mọi mặt, họ thấy bản thân không đủ tốt và cực kỳ mẫn cảm.

mac cam thap kem

ảnh: brunch

Nhà tâm lý học Adlerian chia mặc cảm thấp kém thành 2 nhóm. Nhóm đầu tiên mắc hội chứng này từ khi còn nhỏ và kéo dài đến độ tuổi trưởng thành. Nguyên nhân thường đến từ trình độ học vấn thấp, không được hỗ trợ tâm lý hoặc bắt nguồn từ cha mẹ (thiếu sự quan tâm, bạo hành, kỳ vọng lớn, thường so sánh với bạn bè hoặc anh chị em,…). Nhóm thứ hai ở giai đoạn trưởng thành, thường là hậu quả của việc gặp nhiều thất bại trong cuộc sống.

Theo Adlerian, thấy bản thân không bằng ai đó ở một mức độ nào đấy là một cảm xúc hoàn toàn bình thường. Ông lưu ý đây cũng là tác nhân kích thích lành mạnh trong quá trình phát triển của con người. Còn mặc cảm thấp kém là một dạng bệnh lý, nó chi phối người bệnh, khiến họ trầm cảm và gặp khó khăn trong quá trình trưởng thành.

mac cam thap kem2

Mặc cảm thấp kém có thể bị hình thành do sức ép kì vọng và so sánh của gia đình (ảnh: depressionalliance)

Những nguyên nhân phổ biến gây ra mặc cảm thấp kém

1. Sự giáo dục của gia đình: Thường xuyên bị gia đình mắng mỏ, so sánh, kỳ vọng và thất vọng.

2. Bị phân biệt đối xử: Do giới tính, gia đình, địa vị xã hội, khả năng tài chính, trình độ giáo dục, tôn giáo, khuynh hướng tình dục,…

3. Khiếm khuyết ngoại hình: Các khiếm khuyết ngoại hình như cân nặng, bệnh ngoài da, vết bỏng, nói lắp, cận thị,... cũng gây ra sự tự ti và mặc cảm với người xung quanh

mac cam thap kem3

Mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ dễ mắc chứng mặc cảm thấp kém (ảnh: buzzmetrics)

Triệu chứng của mặc cảm thấp kém

1. Ngại giao tiếp

Vì hay lo lắng bị mọi người nhận xét “chúng ta không thuộc về nhau”, người mặc cảm thấp kém thường không thoải mái khi nói chuyện với người lạ, nhất là khi ở trong đám đông. Họ cũng gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì tình bạn vì luôn nghĩ “Mình không đủ tốt, mọi người không thích chơi với mình”.

2. Tìm lỗi sai

Người mặc cảm thấp kém thường so sánh mình với ưu điểm của người khác và để che đậy cảm giác hèn kém, họ sẽ không công nhận và khen ngợi thành tích của đối phương, thường bới lỗi sai, không có tính trách nhiệm và hay đổ lỗi cho người khác. Ngoài ra, bản thân họ cũng không có nhu cầu thành công, gặt hái thành tích và chỉ “dìm” người xung quanh xuống.

mac cam thap kem1

Người mặc cảm thấp kém thường hay ngầm đánh giá mình với người xung quanh (ảnh: psychologyspot).

3. Sợ thất bại

Người mặc cảm thấp kém hay lo sợ bản thân không hoàn thành tốt và thành công như người khác. Họ cũng ngại khi ai đó mời họ hát hoặc phát biểu trước đám đông vì sợ bị chê cười hoặc bị chỉ trích. Vì lẽ đó nên họ không có đủ tự tin khi nhận việc hoặc quá tỉ mỉ, cầu toàn để không ai bắt lỗi được.

4. Muốn được mọi người chú ý

Một số người mắc chứng mặc cảm thấp kém thường muốn được mọi người quan tâm, chăm sóc và khen ngợi. Bởi vì họ không tự tin và hay đánh giá thấp giá trị bản thân nên thường vô thức tìm kiếm sự yêu thương, chú ý của người khác. Đôi lúc họ giả vờ đau ốm hoặc gặp chuyện buồn để được nghe những lời động viên.

Ngoài ra có những người lúc nào cũng ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng, dễ thỏa hiệp để không bị ăn mắng, quở trách.

5. Quá nhạy cảm

Những người mặc cảm thấp kém cực kỳ nhạy cảm với lời nói, suy nghĩ và hành động của người khác. Họ nghi ngờ những lời khen, nổi đóa khi ai đó trách mắng họ hoặc tự ghét bản thân khi thấy ai đó hơi hơi không quan tâm đến.

mac cam thap kem4

Người mặc cảm thấp kém thường hay trì hoãn mọi thứ, lo sợ mình làm gì cũng bị mọi người nhận xét và không thành công (ảnh: pinterest).

Làm thế nào để hạn chế mặc cảm thấp kém?

1. Chấp nhận lỗi lầm của bản thân

Ai cũng có nhược điểm, từng mắc lỗi và thất bại. Bạn hãy tự nhủ như vậy để giảm bớt sự sợ hãi, lo lắng khi phạm sai lầm, thẳng thắn đối mặt với chúng và rút kinh nghiệm để không tái phạm. Nếu bạn cứ dằn vặt bản thân vì những lỗi lầm trong quá khứ, bạn sẽ đánh mất sự tự tin và tự dựng rào cản đến với thành công.

2. Ai cũng giỏi một thứ nào đấy

Người mặc cảm thấp kém thường hay ca cẩm “Mình không biết làm cái này, mình chẳng giỏi gì hết”. Lời khuyên là hãy tập trung vào những thứ mình có khả năng, đầu tư cho nó để bản thân giỏi giang và tự tin hơn. Hoặc chí ít bạn cũng biết rằng không phải ai cũng hoàn hảo, có những thứ người ta không làm được thì bạn lại làm tốt.

mac cam thap kem5

Thay vì đánh giá bản thân với người khác, bạn nên so sánh mình của ngày hôm nay với hôm qua (ảnh: pinterest).

3. Kết bạn với những người tích cực

Những người sống tích cực không chỉ lan truyền nguồn năng lượng tích cực cho bạn mà còn giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

4. Rèn luyện tính quyết đoán

Bước đầu tiên để rèn luyện tính quyết đoán là biết nói "Không". Dần dần, bạn hãy tự đưa ra các quyết định trong cuộc sống, bày tỏ và bảo vệ ý kiến của bản thân, “dọn rác” những mối quan hệ độc hại. Khi bạn quyết đoán, mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn và bản thân bạn cũng không còn thấy mình thấp kém hơn người khác.

Theo: thrivetalk
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.