• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

12 câu chuyện đau thương về những xác chết đông cứng trên đỉnh Everest (Kỳ 2)

Độc lạ

5. Danh hiệu không mong muốn của người Đức

Vào tháng 10 năm 1979, Hannelore Schmatz cùng đồng đội của mình, Ray Genet đã thành công trong việc leo lên đỉnh Everest. Nhưng quyết định sai lầm trên đường về đã khiến cả hai không còn cơ hội chiêm ngưỡng những thành tựu của mình, mà sai lầm nghiêm trọng nhất là việc qua đêm tại "vùng chết" chỉ với chiếc túi ngủ mỏng manh.

Đêm đó, một trận bão tuyết dữ dội đã khiến Ray Genet chết vì hạ thân nhiệt. Một thời gian ngắn sau đó, Hannelore cũng kiệt sức, và trước lúc chết, cô chỉ có thể mấp máy miệng nói "Nước, nước..."

Từng có rất nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm thi thể của bộ đôi nhà leo núi này. Vào năm 1984, người ta đã tìm thấy Hannelore, nhờ cái ba lô mà cô mang theo bên mình, cùng đôi mắt mở to và mái tóc phất phơ nhẹ trong gió. Cái chết đầy ám ảnh của Hannelore giúp cô được nhớ đến là công dân Đức đầu tiên thiệt mạng trên đỉnh Everest và cũng là người phụ nữ đầu tiên phải bỏ mạng ở đây.

6. "Bảng màu người" rực rỡ trên núi cao 

Dọc theo dãy đông nam gần đỉnh Everest, hầu hết các nhà leo núi đều phải đi qua  "Thung lũng Cầu Vồng". Khi nghe qua, ta sẽ nhanh chóng nghĩ đây là một địa điểm đầy hứa hẹn về những giấc mơ cùng hạnh phúc, nhưng thực chất, đó là nơi mà hàng ngàn người đã phải nằm lại vĩnh viễn. Tên gọi "Cầu Vồng" là để chỉ màu áo jacket sặc sỡ của các nhà leo núi.

Suốt nhiều năm qua, người ta đã đẩy rất nhiều thi thể ở sườn núi vào Thung lũng Cầu Vồng hoặc cắt dây thừng của xác chết để ít gây nguy hiểm hơn cho những người đi đường mòn. Thật ra, đây là một hành động đi ngược lại pháp luật Nepal khi để lại xác chết trên dãy Himalaya, dãy núi thiêng của người dân nước này. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc đưa thi thể xuống núi, mà "bảng màu người" ngày càng trở nên sặc sỡ hơn.

7. Chàng phi công bay về với Chúa qua những lời cầu nguyện

Bất kì ai nghe qua câu chuyện về Maurice Wilson, nhà thám hiểm, phi công Anh nổi tiếng đều không khỏi thấy rùng mình khi biết rằng, thứ hành trang duy nhất anh mang theo lên độ cao 8000m so với mặt nước biển là đức tin mãnh liệt vào Chúa trời. Nghe có vẻ vô lý, nhưng điều này giúp Wilson tin rằng mình sẽ không phải bỏ mạng đầy đau đớn như những người đi trước. Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như vậy.

Kế hoạch ban đầu của Wilson là lái máy bay lên những sườn núi phía trên của Everest, từ đó leo lên đỉnh. Song kế hoạch bất thành do luật pháp nghiêm ngặt để bảo vệ ngọn núi thiêng của chính phủ Nepal. Bởi vậy, Wilson phải sử dụng phương án B, bay tới Ấn Độ và leo lên từ sông băng Rombuk. Không thiết bị, không kinh nghiệm, Wilson đã sớm trả giá khi bị vấp phải móc sắt (vật dụng mà các nhà leo núi đóng vào núi để có thể leo trên các mặt đá dốc) và gặp không ít chấn thương nghiêm trọng. Nhưng dường như từng đó là không đủ để Wilson từ bỏ kế hoạch điên rồ của mình, anh phớt lờ hoàn toàn lời khuyên của những người dân địa phương. Và về sau, không ai thấy anh thêm một lần nữa.

Maurice Wilson đã được phát hiện vào năm 1935, bị bao phủ bởi tuyết và xung quanh là các mảnh bạt. Nhiều chi tiết về chuyến thám hiểm đến từ cuốn nhật ký hành trình của anh, tìm thấy trong một cái ba lô gần thi thể.

8. Bóng ma trượt tuyết từ đỉnh núi cao

Năm 2001, Marco Siffredi (Pháp) trở thành người đầu tiên trượt tuyết thành công từ núi Everest xuống qua đường North Col. Thế nhưng Siffredi chưa thấy thỏa mãn với điều này, ông muốn làm được cái gì đó to lớn hơn. Và đó là trượt tuyết từ đỉnh Hornbein.

Siffredi trở lại vào năm 2002 đúng lúc Hornbein đỉnh điểm nhiều tuyết với mong muốn trượt xuống từ nơi dốc nhất trên Everest. Với sự giúp đỡ của người bạn bản địa, Phurba Tashi, Siffredi sớm leo lên đỉnh con dốc và bắt đầu kế hoạch của mình. Nhưng chuyện đó đã dẫn đến sự bất đồng giữa hai người, khi Tashi muốn cả hai lên cao hơn, còn Siffredi muốn điều ngược lại.

"Mệt quá. Mệt quá. Nhiều tuyết quá. Phải leo nhiều quá." Siffredi trả lời.

Dù đã quá trễ, và các đám mây đang dần bao phủ đỉnh núi, nhưng Siffredi vẫn kiên quyết làm theo kế hoạch, bỏ ngoài tai toàn bộ lời khuyên của dân cư địa phương để thực hiện tham vọng trở thành huyền thoại trong làng leo núi. Và thực sự, cái chết của ông cũng gây rùng mình nhất trên đỉnh Everest.

Khi những người dân rời trại xuống núi, họ nhìn thấy một người đang nhổm dậy rồi trượt xuống núi dọc theo đường North Col. Điều này rất kì lạ bởi Siffredi không ở gần đường North Col và ông là nhà leo núi duy nhất trên Everest vào thời điểm này trong năm. Khi tiến hành điều tra khu vực này, người ta không tìm ra thêm bất kì một ai ở đây.

Có lẽ Marco Siffredi vẫn đang đi dọc ngọn Hornbein, cưỡi gió trên lưng cùng nụ cười hạnh phúc, nụ cười của người chinh phục thành công.

(Còn tiếp)
Theo: Ranker.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.