• Về đầu trang
Cánh Cụt
Cánh Cụt

Bí mật đằng sau những người mắc hội chứng 'không có khoái cảm khi nghe nhạc'

Độc lạ

Khi bạn giới thiệu cho người khác một bài hát mình yêu quý, bạn sẽ rất mong chờ phản ứng của người đó. Có thể họ không thích bài hát đó nhiều như bạn, gu âm nhạc của mỗi người khác nhau mà - nhưng ít nhất họ phải có một cảm xúc gì đó, đúng không?

Điều này không hoàn toàn đúng đâu, Josep Marco-Pallerés, nhà thần kinh học tại Đại học Barcelona đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu để lý giải tại sao một số người thờ ơ với âm nhạc. "Đối với một số người, âm nhạc chẳng phải cái gì đáng thưởng thức," ông nói. "Nó không tác động đến cảm xúc của họ."

Đối với một số người, họ chẳng có cảm giác gì khi nghe nhạc.

Để lý giải nguyên nhân vấn đề, các nhà nghiên cứu đã chiêu mộ 30 sinh viên đại học và cho họ làm một bài kiểm tra nhằm đánh giá mức độ nhạy cảm với âm nhạc: rất nhạy cảm, nhạy cảm mức vừa phải và hoàn toàn không nhạy cảm.

Tất nhiên, các nhà khoa học trước đó đã đảm bảo rằng những sinh viên tình nguyện này trong tình trạng sức khỏe tâm lý bình thường, không bị lãng tai hay có bất cứ căn bệnh nào về âm thanh, tất cả những yếu tố tác động tới cảm xúc của họ đối với âm nhạc.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhịp tim và tuyến mồ hôi của các tình nguyện viên khi họ nghe những bản nhạc quen thuộc (các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mọi người phản ứng mạnh mẽ hơn với thứ âm nhạc mà họ đã biết).

Marco-Pallerés cho biết: "Chúng tôi yêu cầu họ mang đến đây bản nhạc yêu thích và hầu hết gặp vấn đề với điều này." Những người không phản ứng với âm nhạc chỉ có thể mang đến những bản ghi âm thậm chí có người còn chẳng nghe nhạc hoặc đi mượn từ những thành viên trong gia đình.

Kết quả thu được thật đáng ngạc nhiên.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ Current Biology thật đáng ngạc nhiên. Mặc dù những người tham gia hoàn toàn nhận thức được giai điệu này là buồn hay vui, một số không có bất cứ biểu hiện gì về thể chất cũng như cảm xúc. Họ chẳng rùng mình khi các ca sĩ cất lên nốt cao và nhịp tim của họ cũng không có phản ứng gì mạnh.

Vậy nhưng, khi được tham gia một trò chơi với phần thưởng bằng tiền mặt, những người không phản ứng với âm nhạc lại biểu hiện giống những tình nguyện viên khác, chỉ một số tiền nhỏ cũng khiến nhịp tim họ tăng mạnh. Sau 1 năm, những sinh viên trên được thực hiện thử nghiệm lại lần nữa và kết quả vẫn không đổi.

Kết quả trên không hề nhầm lẫn với sở thích về âm nhạc, Marco-Pallarés cho biết. Trong bài kiểm tra, khi các sinh viên được yêu cầu đánh giá tác động của âm nhạc đối với họ theo thang điểm từ 1 đến 10, những người không phản ứng với âm nhạc đều có xu hướng chọn mức 5 điểm. Trong Toán học, đây là dấu hiệu của "sao cũng được".

Còn rất nhiều câu hỏi khác chưa được giải đáp về hội chứng này.

Các nhà nghiên cứu còn đặt tên cho tình trạng này là "specific musical anhedonia" (tạm dịch là "sự mất khoái cảm âm nhạc đặc thù”). Thuật ngữ “anhedonia" (tạm dịch là "mất khoái cảm”) được dùng để chỉ những người không có khả năng cảm nhận niềm vui từ những hoạt động mà hầu hết mọi người đều có cảm xúc tích cực.

Marco-Pallerés chia sẻ: “Bây giờ chúng ta đã biết sự tồn tại của những người mắc chứng 'không có khoái cảm trong âm nhạc'. Giờ đây, ta cần đi tìm căn nguyên của vấn đề." Đội nghiên cứu dự tính sẽ sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để nghiên cứu về hoạt động của não bộ ở những người này.

Vẫn có nhiều câu hỏi được bỏ ngỏ, cũng như các dạng "mất khoái cảm đặc thù" khác mà chúng ta chưa phát hiện ra. Tuy nhiên, sự "mất khoái cảm âm nhạc đặc thù" khá là thú vị. Bởi vì theo học thuyết tiến hoá, thật khó để lý giải tại sao ngay từ đầu chúng ta lại thích âm nhạc đến vậy. "Nó chẳng khiến ta có thêm lợi ích gì về mặt thể chất, có vẻ như cốt lõi là nằm ở cảm xúc." Marco-Pallerés cho biết.

Tuy nhiên, khách quan mà nói hội chứng này cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Chỉ là, bạn sẽ không hiểu sao có những người lại bỏ tiền để đi xem các buổi biểu diễn.

Theo: The Verge
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.