• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Hồ ly tinh – Truyền thuyết về con cáo muốn hóa thành người

Độc lạ

Chuyện xưa tích cũ kể rằng Hồ ly tinh là loài cáo biến hình thành mỹ nhân nhan sắc tuyệt trần có sức quyến rũ kỳ lạ, thu hút nam nhân. Sự mê hoặc sai trái của Yêu hồ bị người đời nguyền rủa, căm ghét và mặc định nó là nhân vật phản diện, thể hiện bản tính nham hiểm, xảo quyệt. Theo lẽ tự nhiên, cái thiện thắng cái ác, Hồ ly sẽ bị trừng phạt thích đáng và nhận lấy kết cục đau thương.

Loài cáo trong văn hóa dân gian phương Đông

Người Châu Á quan niệm cáo là biểu tượng của sự quyến rũ. Hồ ly tinh, Hồ ly hay Yêu hồ là từ chỉ chung về cáo thành tinh trong các câu chuyện dân gian, truyền thuyết.

Tại các nước Đông Á, chuyện về Hồ ly đều mang tính hoang đường, huyễn hoặc thường liên quan đến ái tình. Ở Hàn Quốc, Cửu vĩ hồ gọi là Gumiho, không hại người và chỉ khi nào bị đe dọa, yêu hiếp thì chúng mới phản kháng lại. Nhật Bản thì gọi Hồ yêu là Kitsune, có bản tính thiện ác rạch ròi, Hồ ly xứ Nhật là những sinh vật thông minh và có ma lực tăng dần theo độ tuổi và trí tuệ. Chúng được coi là thần linh, sứ giả của Inari được nhân dân thờ phụng, ngược lại vào thời Edo thì Yêu hồ là "loài vật phù thủy".

Ở Việt Nam, Hồ ly cũng xuất hiện trong điển tích về vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi. Chuyện kể rằng khi trốn khỏi sự truy đuổi của quân Minh, Lê Lợi đã thấy thi thể một cô gái mặc váy trắng chết trôi sông, ông đã tiến hành chôn cất tử tế cho nữ nhân bạc mệnh đó. Sau này, khi bị quân Minh truy sát đến gần, trong tình thế nguy hiểm đã xuất hiện một con cáo trắng đánh lạc hướng giặc, cứu nguy cho Lê Lợi. Ông cho rằng con cáo chính là cô gái váy trắng hóa thành nên cảm tạ ơn cứu giúp, nhà vua đã phong nàng là Thần hộ quốc, được khắc tượng hình nữ nhân có nửa thân là cáo chín đuôi gọi là Hồ ly phu nhân.

Còn trong sách Lĩnh Nam Chích Quái thì Cửu vĩ hồ là loài yêu tai quái, gây hại cho muôn dân bị Lạc Long Quân đánh bại, chôn xác dưới vũng sâu gọi là đầm xác cáo, chính là địa danh Hồ Tây ngày nay.

Người Hồng Kông thì rất cung kính, thờ phụng Yêu hồ, họ thường dâng trứng gà làm lễ vì cho rằng Hồ ly rất thích ăn loại thực phẩm này. Hồ ly thường sống theo bầy đàn, kẻ đứng đầu gọi là Hồ cung chủ, chúng thường là con cái và yêu thích số 8, con số biểu tượng cho may mắn.

Chuyện về Hồ Ly tại Trung Quốc là phong phú, phổ biến nhất. Người dân xứ Trung quan niệm cáo là động vật thuộc Âm linh cùng với chồn, nhím, rắn và chuột. Cáo thường hoạt động về đêm, hấp thụ năng lực âm tính để sở hữu yêu thuật theo thời gian tu luyện.

Hồ ly là con cáo tu hành luyện đạo mà thành, tu luyện 100 năm gọi là Yêu hồ (cáo ba đuôi), 1000 năm biến sang Lục vĩ ma hồ (cáo sáu đuôi) và đạt cảnh giới cao nhất là Cửu vĩ thiên hồ (cáo chín đuôi) để hóa thành người. Mỗi chiếc đuôi là một mạng của Hồ Ly, muốn giết được chúng phải chặt hết đuôi đi. Ngoài ra, còn có dị bản kể lại Hồ ly còn giữ viên ngọc tỏa sáng như sao, ẩn chứa sức mạnh và linh hồn của chúng.

Màu của Hồ ly rất khác biệt và phụ thuộc vào số năm tu luyện mà đổi màu theo. Cửu vĩ hồ sẽ có màu đỏ như máu và sống trong hang động lạnh giá, mỗi khi ra khỏi hang sẽ biến hình và chỉ về nguyên dạng là cáo chỉ khi chết đi.

Con cáo khi thành người sẽ hóa thành một mỹ nữ, câu dẫn đàn ông để hút dương khí hay máu đối phương cho đến chết hoặc ăn thịt người nếu muốn. Hồ ly thường sẽ dùng nhan sắc, mùi hương, tiếng sáo hay giọng nói ma mị để quyến rũ nam giới đến hang động chúng trú ẩn rồi từ từ hành hạ con mồi cho đến khi họ từ giã cõi trần.

Theo ghi chép trong Sơn Hải Kinh, Hồ ly đôi khi là biểu tượng của điềm lành nhưng có lúc lại là sinh vật ác độc. Vào đầu thời nhà Đường, Hồ ly là dạng vật thiêng liêng, thần thánh, được gọi là Hồ tiên trong thuyết Ngũ đại tiên của dân gian. Còn thời nhà Tống thì Hồ Ly chính là yêu ma, nghiệp chướng khiến người dân khổ sở. Nhân vật Đát K chính là hình tượng về một Hồ ly xấu.

(Hình ảnh nhân vật Đát Kỷ trong phim ảnh)

Đát Kỷ là nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa, ra đời vào thời nhà Minh. Theo truyện thì Nữ Oa đã lệnh Cửu vĩ hồ nhập xác vào Đát Kỷ để mê hoặc Trụ Vương nhà Thương, giúp nhà Chu thu phục thiên hạ. Hồ ly Đát Kỷ trái lệnh Nữ Oa đã phạm tội ác nên bị Khương Tử Nha giết chết.

Hai mặt thiện ác của Hồ ly tinh

Giống như bản chất của cuộc sống, luôn tồn tại hai mặt của thiện ác, đúng sai và vận mệnh của Hồ ly cũng nằm trong sự hiện diện của hai định hướng tốt và xấu. Trong truyền thuyết Trung Hoa, cái ác của Hồ ly biểu hiện ở sự quyến rũ nạn nhân và hút linh hồn họ. Chúng ám ảnh và phá hoại hạnh phúc của thường dân, vào ban đêm Hồ ly sẽ biến hình thành người, rình rập trên những mái nhà, con đường, ngõ nhỏ gọi tên nạn nhân rồi dẫn dắt họ đến cánh cửa địa ngục một cách vô cùng đau đớn và tàn nhẫn. Người dân xưa thường đốt bùa giấy, trộn tro đó vào trà uống để tránh bị Hồ ly quấy nhiễu.

Hồ ly trong chốn cung đình là hiện thân của “hồng nhan họa thủy”, chúng sẽ biến hình thành mỹ nhân tuyệt sắc quyến rũ bậc đế vương để gây họa khiến vương triều sụp đổ, muôn dân sống trong cảnh lầm than.

Cái ác của Hồ ly là hiện thân của yêu ma quỷ dữ, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho loài người nhưng chúng cũng tồn tại một mặt tính cách khác biệt, đó là sự thiện lương, biểu tượng của cái tốt.

Những câu chuyện trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh là một điển hình. Hồ yêu trong truyện Liêu Trai thường mang đậm tính người hơn là yêu. Chúng luôn khao khát, cảm nhận một chút ấm áp của ái tình và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người mình yêu. Nhân vật Ngu Tiểu Thúy là một ví dụ cho điều đó.

Nhân vật Tiểu Thúy trong phim Đại Tiên Nha Môn

Trong văn học, nghệ thuật Hồ ly còn được khắc họa lãng mạn hóa với hình tượng nữ nhân kiên cường dám vượt qua mọi định kiến để có được tình yêu. Hồ ly sẵn sàng hiến dâng tính mạng, năng lực tu luyện nghìn năm chỉ để biết về hạnh phúc khi ở trong hình hài của người phàm.

Tình yêu của Hồ ly cũng đẹp đẽ và cao cả, truyền tải đến nhân gian về một mối tình khắc cốt ghi tâm, lay động dương gian. Như nàng Tiểu Duy trong phim Họa Bì, nàng là yêu quái nhưng lại lạc chốn trần gian chỉ để hiểu rõ được câu nói “Trái tim người thì ấm, nước mắt người thì đắng, hoa đỗ quyên rất thơm” mà hy sinh, đánh đổi cả thân xác và yêu lực vì người mình yêu.

Tiểu Duy trong Họa Bì 2

Hồ ly tinh đáng trách nhưng cũng đáng thương, là yêu hay thần thì cảnh giới cao nhất, ước vọng cả đời chỉ là được thành người nhưng đáng tiếc nhân loại không thể chấp nhận nó lưu lại nơi dương gian.

Chuyện cáo hóa người rốt cuộc chỉ toàn là bi kịch, thế nên cuối cùng Hồ ly lại thành cáo, trở về với dáng vẻ ban đầu của nó sống một đời vô thường, không oán hận, đau thương. Sóng gió, biến cố mang màu màu sắc ma mị về Hồ ly chỉ còn trong truyền thuyết, huyền thoại của con người.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.