• Về đầu trang
Spock
Spock

Những bộ xương người trong phòng thí nghiệm là thật hay giả?

Độc lạ

Bí ẩn kinh hoàng trong chiếc xe tải

Trên người vẫn còn nguyên bộ cảnh phục đẫm mồ hôi, viên cảnh sát của sở Tây Bengal một tay mở toang cửa sau chiếc SUV hiệu Tata. Chiếc xe này đang bị giữ lại do tình nghi là tang vật của một vụ buôn lậu xuyên quốc gia. Và khi mở ra, kết quả thật bất ngờ.

download

Xương trên một chiếc xe bị thu giữ.

Từ trong chiếc bao tải dứa, hàng trăm hộp sọ người xếp chằn chặn cạnh nhau, tạo ra những tiếng “bình bịch” ghê người khi chúng va chạm. Không cái nào trong này còn nguyên bộ răng cả, còn phần xương của những bộ phận khác thì cứ va vào nhau canh cách ở phía sau xe.

Đứng bên cạnh chiếc xe tải, một viên sĩ quan mỉm cười, kèm với đó là tiếng lầm bầm đầy thỏa mãn: "Giờ chắc anh thấy ngành công nghiệp kinh doanh xương người khủng đến thế nào rồi chứ?". Tôi cúi xuống, nhặt lên một hộp sọ. Nó thực chất nhẹ hơn tôi nghĩ, và có mùi như xương gà rán vậy.

Trước khi bị chính quyền bắt giữ, chiếc xe này đóng vai trò trung chuyển trong một đường dây buôn lậu xương người. Trong 150 năm, Ấn Độ đã là nguồn cung cấp xương người chính của thế giới, đặc biệt trong việc sử dụng cho mục đích nghiên cứu y học. Điều khiến nó nổi tiếng là độ trắng tự nhiên, cùng với phần khớp còn nguyên vẹn của thành phẩm. Tuy nhiên, vào năm 1985, chính phủ Ấn Độ đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thi thể con người nên cùng với đó, chuỗi cung cấp xương người toàn cầu sụp đổ. Vì vậy những quốc gia phương Tây phải quay sang tìm kiếm nguồn cung khác như Đông Âu hay Trung Quốc. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm tại đây vẫn kém hơn so với Ấn Độ một bậc.

Nhưng các khách hàng giàu có này không phải sốt ruột. Hai mươi hai năm sau lệnh cấm, thị trường vẫn hoạt động hết sức sôi nổi. Các nhà cung cấp tiếp tục tung ra thị trường những bộ xương và hộp sọ người ở chợ đen. Quy trình sản xuất hết sức đơn giản: Đào mộ, róc thịt chưa phân hủy ra khỏi xương, và đem đến cho bên yêu cầu để họ có thể lắp ráp và vận chuyển tới mọi nơi trên thế giới.

ff bones1 f

Một hộp sọ bị thu giữ.

Điều khiến những kẻ buôn lậu bất chấp lệnh cấm này, bởi doanh thu béo bở mà chúng mang lại. Ví dụ, các hộp sọ như trên sẽ đem về khoảng 70.000 USD nếu được xuất khẩu ra bên ngoài, đặc biệt là cho các đối tác Bắc Mỹ.

Các điều tra viên gỡ bỏ lớp vải bọc bên ngoài, rồi bó những khúc xương vào một góc. Một người nói “Anh biết đấy, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế. Tôi hy vọng là mình không phải thấy lại nó lần nữa.”

Khi cảnh sát đến để điều tra vào mùa xuân năm ngoái, họ có thể ngửi thấy mùi hôi thối của thịt đang phân hủy từ cách xa gần một dặm. Các bộ xương treo sát cạnh nhau, va vào nhau canh cách, khiến bất kì ai nhìn thấy cũng phải ớn lạnh.

Thâm nhập sào huyệt

Nhà máy gia công xương người này đã hoạt động hơn được 100 năm. Hai công nhân tại đây còn khoe rằng họ được thuê để đào các thi thể ra khỏi mộ. Các công nhân cho biết một người đàn ông tên là Mukti Biswas là quản lí nhà máy. Chính quyền cũng biết rõ ông ta. Năm 2006, cảnh sát đã bắt Biswas vì là ông trùm một băng nhóm tội phạm cướp giật; nhưng lại được thả ra chỉ một ngày sau đó. Báo chí đưa tin tức nói rằng người đàn ông này có quan hệ mật thiết với cánh chính trị gia. Không ít lần, hắn ta cũng bị bắt với nhiều tội danh khác nhau, nhưng không lần nào bị kết tội cả.

Nơi gia công các bộ xương chỉ nhỏ hơn một cái túp lều tre một chút nhưng cùng với hàng chục căn lều khác, nơi đây xuất ra nước ngoài hàng triệu bộ xương suốt nhiều năm qua. Vào tháng Tư, chính quyền đã tịch thu được rất nhiều xương người, các xô đựng axit hydrochloric và hai thùng xút ăn da. Tất cả đều để trên nền đất bẩn thỉu và nước thì vương vãi khắp nơi.

170323163913 skeletons stock exlarge 169

Những bộ xương thành phẩm.

Thuộc thế hệ thứ ba trong ngành công nghiệp buôn bán xương người, Biswas không gặp chút khó khăn gì để tìm nguồn hàng. Trong vai trò người chịu trách nhiệm cho đài hỏa táng của làng, ông ta hoàn toàn có quyền tự xử với các xác chết. Nhưng thay vì lo liệu cho chúng tử tế, ông ta lại ăn trộm nó. Có hàng chục kẻ trộm mộ được tuyển mỗi ngày, và với công việc này, mỗi "đạo tặc” lại kiếm được 1,25 USD. Họ cũng sẽ được thưởng thêm nếu như các bộ xương được giữ nguyên vẹn, bởi nó sẽ có giá trị hơn trong mắt các bác sĩ.

Một "đạo mộ" đã rửa tay gác kiếm đồng ý gặp nhà báo để giải thích thêm về quy trình sản xuất ra các bộ xương người trong nhà máy. Đầu tiên xác chết sẽ được bọc trong lưới và neo lại dưới lòng sông. Ở công đoạn này, cá và những sinh vật dưới nước có nhiệm vụ rỉa sạch phần thịt còn dính trên xương. Rồi bộ xương sẽ được vớt lên, luộc trong nước sôi có pha xút ăn da để tạo hiệu quả làm sạch tốt hơn. Nhưng điều này lại khiến cho bộ xương có màu vàng, thay vì màu trắng thường thấy. Nhằm khắc phục nhược điểm nói trên, xương sẽ được hong khô trong nắng, trước khi luộc thêm lần nữa trong acid hydrochloric.

Nếu như nguồn xương từ các nghĩa địa vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, kẻ buôn lậu sẽ tìm đến cách khác, thường là những nguồn sống.

Chúng thường nhắm đến trẻ mồ côi, hay con trong các gia đình nghèo, đông con. Nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ, vì theo quan niệm của các gia đình Ấn, con gái thì không có giá bằng con trai. Giá cho mỗi cô gái, thường là chỉ 5 USD, đủ để cho gia đình họ đỡ tiền ăn trong vài ngày. Quá trình “sơ chế” cũng hết sức man rợ: các nạn nhân sẽ bị cắt cổ từ trước, đảm bảo là họ sẽ chết ngay lập tức. Rồi xác những cô gái này sẽ bị treo ngược lên, rồi mở phanh bụng để lấy hết nội tạng bên trong ra.

cashpor women

Những người phụ nữ nghèo chính là con mồi lí tưởng cho bọn buôn xương.

Phần thịt người sau đó cũng sẽ được róc khỏi xương bằng dao rựa, rồi bị đem dìm trong nước cho cá rỉa, tương đương như với xác người chết.

Mỗi một bộ xương như vậy sẽ được công ty cung cấp y tế có tên Young Brothers mua với giá 45 USD, nhưng xương to hơn, giống với khổ người phương Tây hơn, thì giá thành cũng khác. Young Brothers nối các phần xương lại với nhau, dựa vào đó để vẽ lại những sơ đồ cơ thể, rồi cưa các phần sọ, để lộ cấu trúc bên trong. Các bộ xương sau đó sẽ được đem đến cho các khách hàng trên khắp thế giới.

Ngành kinh doanh vô đạo đức dưới lốt “nghiên cứu y học”

Ở Anh, quê hương của nhiều cơ sở y khoa hàng đầu trên thế giới, trộm mộ đã từng trở nên phổ biến đến mức, một cuộc chiến bảo vệ xác người giữa những gia đình có xác chết và sinh viên y khoa đã nổ ra. Để ngăn chặn vấn đề này, chính phủ đã thông qua Đạo luật Giải phẫu năm 1832, cho phép các bác sĩ lấy bất kỳ xác chết vô thừa nhận trong nhà xác thành phố hoặc bệnh viện. Nạn cướp xác cũng vì thế mà chấm dứt, nhưng lại không đủ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu.

skeleton anatomy model with stand1

Một bộ xương dùng cho y học.

Vì vậy, các bác sĩ người Anh đã tìm đến những thuộc địa. Tại Ấn Độ, người thuộc “đẳng cấp thấp” bị buộc phải hỏa táng sau khi chết thường được nhắm đến. Vào những năm 1850, trường Cao đẳng Y tế Calcutta đã xử lý 900 bộ xương một năm, chủ yếu để vận chuyển ra nước ngoài. Một thế kỷ sau, Ấn Độ thống lĩnh hoàn toàn thị trường xương thế giới.

Năm 1985, tờ Chicago Tribune báo cáo rằng Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 60.000 hộp sọ và bộ xương trong năm trước đó. Nguồn cung cấp xương từ Ấn Độ đủ đáp ứng cho các sinh viên y khoa ở các nước phát triển, với giá khuyến mại đi kèm là sách giáo khoa là 300 USD.

Mặc dù việc ăn cắp xương từ nghĩa địa là bất hợp pháp, nhưng giai đoạn đưa “hàng” ra nước ngoài lại được quan chức cho là chấp nhận được. Bimalendu Bhattacharjee, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu vật giải phẫu Ấn Độ nói với tờ Los Angeles Times năm 1991. "Không ai quảng cáo nó, nhưng tất cả đều biết điều gì đang diễn ra". Trong thời đỉnh cao, ngành cung cấp xương Bengal mang lại tận 1 triệu USD một năm.

ff bones2 630

Bảng giá các bộ phân xương tại Mỹ.

Nhưng cũng không thể kéo dài được lâu. Những bộ xương trong nghĩa trang Tây Bengal đã bị nhiều đầu nậu thu sạch sẽ, và sức hút lợi nhuận đã làm mờ mắt nhiều băng đảng tội phạm. Ngành công nghiệp xuất khẩu xương đã có một phen rùng mình khi một lái buôn xương bị bắt sau khi xuất khẩu 1.500 bộ xương con vào tháng Ba, năm 1985. Nó gây sốc bởi vì chúng tương đối hiếm và thường được đánh giá cao, vì qua đó, những nhà giải phẫu học có thể hiểu hơn về quá trình phát triển cơ thể người từ việc xét những bộ xương này. Nhiều tờ báo lớn ở Ấn Độ loan tin rằng nhiều trẻ em đã bị giết để lấy xương.

two human medical skeleton 18552903

Hai bộ xương trẻ em.

Thông tin về vụ bắt giữ làm cả Ấn Độ rúng động. Nhiều tháng sau khi tên này bị truy tố, người ta còn khám phá thêm một mạng lưới những kẻ bắt cóc lấy xương người, nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp vô nhân đạo này. Trước sức ép từ trong nước và quốc tế, một lệnh cấm xuất khẩu mô sống và xương người được chính phủ ban hành.

s521972503441136676 p3302 i1 w462

Một bộ tiêu bản xương nữ được dùng trong y học.

Do tác động của lệnh cấm, nhiều trường y tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ bị mất đi một nguồn mẫu vật nghiên cứu quan trọng. Học sinh, nghiên cứu sinh tại những trường trên chỉ còn biết trông chờ vào các bộ xương được hiến tặng. Dù vậy, chất lượng của nó lại khó có thể làm hài lòng họ. Ví dụ, nếu muốn nghiên cứu các phần xương phức tạp, nhiều khi các mẫu hiến tặng lại không có cấu trúc như vậy, bởi nhiều xương khi hiến tặng đã bị hư hại nhiều so với ban đầu.

Một số trường đại học phải quay sang dùng các bộ xương làm từ nhựa. Nhưng nó cũng không phải là lựa chọn khả thi. Một phụ trách viên cho chương trình giải phẫu ở trường Y Havard lí giải: “Các mẫu xương làm từ nhựa chỉ có thể tái hiện lại đặc điểm của một chủng tộc người duy nhất, chứ không thể bao quát được từng đặc điểm riêng biệt của các tộc người khác nhau. Đó chính là một điều rất quan trọng trong việc học giải phẫu.”

Nhộn nhịp trong bóng tối và cái nhìn thờ ơ của chính quyền

Nằm trên con phố nhỏ giữa một trong những nghĩa trang lớn nhất của Kolkata và bệnh viện đông đúc nhất, trụ sở của công ty Young Brothers trông giống một nhà kho bỏ hoang hơn là một nhà phân phối xương người. Cổng trước đã bị gỉ sét nặng, còn tấm biển hiệu nhuốm màu thời gian.

Nhưng trước năm 2001, nơi đây luôn tấp nập xe tải ra vào, mang theo hàng ngàn tấn xương người đi khắp thế giới. Vào thời điểm đó, nhiều người dân xung quanh đã phải báo lên chính quyền về mùi xác chết từ phía nhà máy khiến cho cuộc sống bị đảo lộn. Cảnh sát đã phải vào cuộc, và tiến hành khám nghiệm nhà máy.

"Có tới hai căn phòng chứa đầy xương người", Javed Khan, cựu Trưởng phòng Y tế Kolkata nhớ lại. “Phải dùng đến năm chiếc xe tải để chở chúng đi. Hàng ngàn tài liệu cũng bị tịch thu, bao gồm cả hóa đơn từ các công ty trên khắp thế giới. Họ đã gửi những lô hàng đến Thái Lan, Brazil, Châu Âu và Hoa Kỳ."

61ir7r8jall sl1001

Các phần xương sẽ được dùng mục đích y học sau này.

Dù đã đi vào hiệu lực từ 16 năm trước, lệnh cấm cũng không cản trở được hoạt động của ngành công nghiệp khổng lồ này: "Chúng tôi đã từng có đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới", một nhân viên giấu tên của Young Brothers làm việc từ năm 1999 đến 2001 cho hay "Chúng tôi cũng thường mua xương từ Mukti Biswas. Tôi thấy hơn 5.000 xác chết vào thời điểm còn hoạt động." Cũng có những nhà cung cấp khác sống dọc khắp vùng Tây Bengal. Công ty đã kiếm được khoảng 15.000 USD một tháng.

Cuộc đột kích của Khan đã khiến cho chủ của Young Brothers, ông Vinesh Aron, bị bắt giữ. Tuy nhiên ông này cũng chỉ bị tạm giam trong hai ngày trước khi được thả ra.

Trong một lần hiếm hoi, Aron cũng đồng ý gặp gỡ phóng viên. Khi được hỏi hiện nay ông còn đem xuất khẩu xương ra nước ngoài hay không, ông ta đã giận dữ trả lời: “Không, chúng tao không còn làm thế nữa.” Một danh sách chi tiết về xương của công ty sau đó cũng được trưng ra, và ghi rõ những cá nhân trong công ty đã làm đúng bổn phận của mình với luật pháp và không mang xương ra khỏi nước ngoài.

Nhưng có lẽ vẫn còn có một đường dây nào đó để hàng vẫn đến được đích. Tại Canada, công ty Osta International là một gã khổng lồ trong ngành này với thị trường nằm ở nước Mỹ và châu Âu. Công ty 40 tuổi có thể đáp ứng bất cứ một đơn hàng nào ngay lập tức. Nhưng Christian Ruediger, đồng giám đốc điều hành với cha mình Hans Ruediger đã chia sẻ: "Chỉ một nửa số lượng đơn hàng được hoàn thành ở Mỹ,"

45b26f3d654ffaf6e9b2159bd47cccb1

Các học sinh trường y sử dụng xương trong quá trình học.

Ruediger cũng thừa nhận, mình từng mua hàng từ phía Young Brothers, dù biết nó là bất hợp pháp. Bắt đầu từ năm 2001, công ty đã phải chuyển hướng sang tìm kiếm các nhà cung cấp ở Paris vì lúc đó, nhà kho của Young Brothers đang bị điều tra. Hiện tại, Osta International chủ yếu mua xương từ một bên thứ ba ở Singapore, dù chưa biết chắc chắn, những bộ xương trên có thể lấy từ đâu.

Giới chính trị ở Ấn Độ cũng bàng quan khi động chạm đến vấn đề này. Chánh thanh tra cảnh sát Tây Bengal phát biểu: "Không có bằng chứng nào cho thấy, những nhà cung cấp xương này đã giết người." Biwas chỉ bị cảnh sát nhắm đến khi xác chết của một vài nhân vật có thế lực “biến mất”. “Luật chỉ nên được áp dụng nếu như nó là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội”, ông nói thêm “Còn nhìn chung, người ta cũng không quá quan tâm đến nó.”

Giết người, rồi xâm phạm thi thể, vĩnh viễn là một hành vi không thể chấp nhận được, bất kể chúng có là vì khoa học đi chăng nữa. Nhưng, trong khi chính quyền hoàn toàn bỏ ngỏ để cho những dòng lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi kẻ buôn xác, sẽ vẫn lại có những bộ xương trắng ởn treo tòng teng phía trong các nhà máy xương. Và biết đâu một ngày nào đó, bộ xương trong chính lớp học của những sinh viên trường Y, lại từng thuộc về một người vô tội nào đó thì sao?

Theo: Wired
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.