• Về đầu trang
Lost Bird
Lost Bird

Thế giới quanh ta thay đổi từng ngày vì... biến đổi khí hậu

Độc lạ

Dữ liệu vệ tinh mới nhất từ NASA cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tạo ra những bức tranh khắc nghiệt về môi trường.

Đầu năm nay, NASA đã cho xuất bản một bộ hình ảnh có tiêu đề Hình ảnh của sự thay đổi để chỉ ra tác động mạnh mẽ của con người lên trái đất trong vòng 50 năm qua. Câu chuyện về băng tan, lũ lụt, lốc xoáy, mưa bão và các thiên tai khác.... tất cả đều là hệ quả của biến đổi khí hậu. Đây là lúc cần nhìn nhận sự thật và sửa chữa những sai lầm mà con người đã gây ra cho trái đất này.

1. Nước biển dâng, đảo quốc san hô Tuvalu ở Thái Bình Dương bị xóa sổ

Bức ảnh này được chụp vào năm 2007, một thị trấn bị chìm trong nước ở thủ đô Funafuti. Hơn 6.000 người dân đang phải đương đầu với hậu quả trực tiếp do mực nước biển dâng cao. Cư dân ở Tuvalu luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do có lúc mực nước biển cao nhất lên đến 4,57 mét (15 feet). Được mệnh danh là một trong những "hòn đảo Thái Bình Dương dễ bị tổn thương nhất", cuối cùng cư dân Tuvalu phải đưa ra lựa chọn: hoặc rời đảo hoặc đối phó với hậu quả. Nếu mực nước biển tiếp tục tăng như mức độ hiện nay, Tuvalu sẽ bị nước biển nhấn chìm trong vòng 30 - 50 năm tới.

2. Thềm băng Larsen C tách ra và bắt đầu tan rã

Thềm băng Larsen C là thềm băng lớn thứ tư ở Nam Cực, với diện tích khoảng 44,200 km2, gần bằng Đan Mạch hoặc Thụy Sỹ. Vết nứt dài 112,65km, rộng 91,44 m ở thềm băng Larsen C tại Nam Cực được chụp vào tháng 11 năm 2016. Vào ngày 12/07/2017 vừa qua, tảng băng có diện tích gấp 4 lần thủ đô London (Anh) đã tách ra, trở thành núi băng trôi lớn nhất trong lịch sử Trái Đất.

3. Đá nền (bedrock) ở Greenland

Trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học môi trường đã kết luận rằng Khối băng đảo Greenland đang ngày càng cao lên do băng tan. Khi lượng băng nằm trên lớp vỏ bên ngoài Trái Đất bị tan ra, lớp vỏ bên dưới sẽ bị đẩy lên.

4. Siêu bão Harvey

Bức ảnh này được chụp từ Trạm Không gian Quốc tế (ISS) vào ngày 25/8/2017 vừa qua. Sự tàn phá thảm khốc của siêu bão Harvey tới trung tâm Texas, Mỹ đã thu hút rất nhiều mối quan tâm từ các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, khi đề cập đến mối liên hệ giữa cơn bão và biến đổi khí hậu, các báo cáo đã trở nên "dịu" đi rất nhiều. Kevin Trenberth, một nhà khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc Gia Mỹ đã trả lời trong buổi phỏng vấn với tờ The Atlantic: "Con người đã 'đóng góp' khoảng 30% tới tổng lượng mưa của cơn bão".

5. Lũ lụt ở sông Hằng, Ấn Độ

Là kết quả của một trong những tác động của đô thị hóa và hiểm họa thiên nhiên tới Trái Đất, thiệt hại của trận lũ năm 2015 xảy ra trên sông Hằng tới khu vực phía đông và trung tâm Ấn Độ được thể hiện qua 2 bức ảnh trên. Hơn 6 triệu người đã phải chịu tác động trực tiếp và ít nhất 300 người đã thiệt mạng.

6. Băng tan ở Bắc Băng Dương

Ba thập kỷ qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với những lớp băng đá già ở Bắc Cực. Một nghiên cứu bởi Liên đoàn Địa vật lý Mỹ năm 2007 đã ghi nhận sự suy giảm mạnh mẽ của băng tại Bắc Cực từ năm 1953 tới năm 2006. Những mùa đông gần đây đã cho thấy số lượng băng đá thấp ở mức kỉ lục.

7. Bắc Cực gia tăng hấp thụ lượng năng lượng mặt trời

Từ năm 2000, NASA đã sử dụng vệ tinh để đo lượng bức xạ mặt trời được Bắc Cực hấp thụ. Từ đó đến nay, tỉ lệ hấp thụ đã tăng lên 5%. Do sự gia tăng này, băng tại Bắc Cực sẽ tan sớm hơn vào mùa xuân và những lớp băng đá lớn sẽ vĩnh viễn mất đi.

8. Sông băng tan chảy ở Alaska

Diện tích các sông băng ở khu vực tây bắc Alaska ngày một ít đi. Những tảng băng nhỏ có thể nhìn thấy được gần như hoàn toàn biến mất trong những thập kỉ qua.

9. Ô nhiễm không khí ở London

Tấm hình chụp người đi bộ trên cầu London vào ngày 15/3/2013 - ngày phá vỡ kỉ lục về ô nhiễm không khí do không khí bẩn từ phía Bắc tràn về và khí thải giao thông. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "92% dân số thế giới đang sống ở những nơi không đạt tiêu chuẩn về chất lượng không khí của WHO" và đã có 3 triệu người chết yểu do ô nhiễm không khí trên toàn thế giới vào năm 2012.

Nguồn tin: futurism.com

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.