• Về đầu trang
Lost Bird
Lost Bird

Tìm về tuổi thơ chân phương nơi làng biển xứ Thanh

Du lịch

Thanh Hóa có một Sầm Sơn hiện đại và sầm uất, nhưng cũng có một Hải Tiến dung dị và chân phương. Mà điều đặc biệt khiến du khách, nhất là những người con được gió biển nuôi lớn, phải choáng ngợp khi tới đây, chính là một tuổi thơ ùa về trước mắt.

Nằm cách thành phố Thanh Hóa 30km dọc theo quốc lộ 1A, biển Hải Tiến mới bắt đầu được đưa vào khai thác tiềm năng du lịch vài năm trở lại đây. Vì sao gọi là “làng biển”? Bởi khác với Sầm Sơn, Đồ Sơn (Hải Phòng), Bãi Cháy (Hạ Long), những bãi biển quay lưng về phía đô thị tấp nập phồn hoa, thì biển Hải Tiến “thong dong” chảy qua huyện Hoằng Hóa – địa phương mũi nhọn trong phát triển nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa nói riêng cũng như cả nước nói chung. Phải chăng từ lẽ đó, từ sự giản dị đến cái mác “resort” cũng không thể vùi lấp nổi, nên mới khiến người ta nhớ về vùng biển của mươi, mười lăm năm trở về trước?

Biển Hải Tiến mang vẻ đẹp hoang sơ trong bầu không gian bao la, chưa chịu nhiều tác động từ bàn tay con người

Đó là một sớm bình minh, đứng trên bãi cát tinh mịn ngắm bình minh lên. Điều đẹp nhất ở Hải Tiến chính là hướng tầm mắt ra bãi biển xa vời vợi vẫn có thể nhìn thấy những chiếc thuyền đánh cá trôi lênh đênh, hay cả đường giao thoa rạch giữa trời và biển. Nó khác hẳn với Sầm Sơn đã ít nhiều bị thu hẹp trong không gian của hàng loạt khách sạn, tụ điểm ăn chơi. Và nó làm tôi nhớ đến Bãi Cháy quê mình trước khi có bàn tay cải tạo của con người. Cũng là dịu dàng bình yên đến kỳ lạ, mùi hương mặn mòi chẳng thể lẫn đi đâu. Ấn tượng về biển Hải Tiến trong tôi dường như bị chi phối bởi tình cảm chủ quan như thế.

Song chưa dừng lại ở đó. Điểm thứ hai khơi gợi rất nhiều ký ức ấu thơ mà tôi tin rằng bất cứ ai sinh ra lớn lên nơi miền biển đều biết, là trứng luộc ngô luộc bên bờ Hải Tiến. Món đặc sản dăm chục năm trước nay Bãi Cháy đã “tuyệt chủng”, thì Hải Tiến vẫn còn, thậm chí trở thành món ăn vặt chính bên cạnh nước ngọt hay mực khô nướng thường thấy. Những người phụ nữ tảo tần ôm chiếc mẹt đầy ngô, trứng đã được ủ ấm qua lớp vải dày, đi rao khắp bãi biển dài. Hình ảnh mưu sinh nhọc nhằn vẫn toát lên sức sống chỉ người biển mới có, vô tình trở thành hình ảnh quá đỗi đẹp và xúc động.

Thứ ba, như đã nhắc ở trên, là mùi hương mực khô nướng. Trước kia khi chưa được quy hoạch, Bãi Cháy nằm sát sạt ngay những chòi, lán “nhậu”. Mùi mực nướng đi kèm bia hơi thơm nức mũi khiến du khách đang trầm mình thỏa thích dưới biển cũng không thể kiềm lòng. Ở Hải Tiến tương tự, cách bãi biển vài bước chân là những hàng quán dựng tạm, có đầy đủ bia hơi mực nướng “quyến rũ”. Rất giản dị nhưng cũng đậm chất biển.

Đĩa mực nướng ở Hải Tiến. Nguồn: otofun

Tuy nhiên Hải Tiến dễ yêu thì cũng tồn tại những điều “dễ ghét”. Khách sạn nghỉ dưỡng khang trang, phòng ốc đầy đủ tiện nghi, duy chỉ có các cửa hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của du khách là hầu như không có, hoặc phải đi rất xa mới tìm được một số hàng tạp hóa ven đường. Phương tiện để du khách đi xa hơn là loại xe điện chở được khoảng 4 – 5 người/chuyến. Song giống như bao điểm du lịch khác giữa thời buổi kinh tế thị trường, Hải Tiến mắc “tật chặt chém”. Một lượt đi với quãng đường khá ngắn, du khách phải chi khoảng 30.000 đồng/người. Vài mặt hàng khác như bia, nước ngọt, kem… cũng được bán với mức giá cao gấp rưỡi bình thường. Thiết nghĩ nơi đây nên dần tiến hành niêm yết giá cả, khách đến tham quan du lịch sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Hàng quán vẫn còn khá thưa thớt

Cuối cùng, mặc dù biết trong tiến trình phát triển thì rất khó để lưu giữ lại, tôi hy vọng nét hoang sơ mộc mạc của Hải Tiến luôn còn đó không mai một. Người ta rời xa phố thị ồn ào với mục đích được nghỉ ngơi, được chữa lành tâm hồn sau bao bon chen mệt mỏi. Nếu như điểm du lịch nào cũng cố nữa cố mãi để trở nên cao cấp và huyên náo, vậy thật khác với mục đích ban đầu mà du khách hướng tới.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.