• Về đầu trang
Trần Thị Thuý Linh
Trần Thị Thuý Linh

Hội chứng tâm lý Adele chứng minh tình yêu không phải bao giờ cũng màu hồng

Khám phá

Nguồn gốc của hội chứng đặc biệt

Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi có một hội chứng tâm thần hiếm gặp mang tên cô ca sỹ nổi tiếng người Anh Adele. Tuy nhiên, hội chứng tâm lý này đã xuất hiện rất lâu trước khi ngành công nghiệp giải trí phát triển như bây giờ, thậm chí là trước khi bố mẹ Adele ra đời. Hội chứng tâm lý này bắt nguồn từ một người con gái khác cũng mang tên Adele, và không lạ lẫm gì khi nhắc đến gia đình của cô gái ấy. Đó là Adele Hugo - con gái thứ hai của đại văn hào Victor Hugo.

Adele Hugo

Câu chuyện tình đau thương của Adele Hugo bắt đầu khi nàng chuẩn bị bước sang tuổi 16 - ngây thơ và chìm đắm trong tình yêu với chàng trai Auguste Vacquerie. Tuy nhiên, do chưa đủ độ tuổi được phép kết hôn, hai người phải đợi chờ đến khi Adele đủ tuổi. Nghiệt ngã thay, những tháng ngày chờ đợi ấy chính là mầm mống khiến Adele thay đổi khi cô lỡ phải lòng người đàn ông trưởng thành đầy quyến rũ - Thiếu tá Albert Andrew Pinson.

Nhân vật Adele Hugo do nữ diễn viên Isabelle Adjani thủ vai trong bộ phim "The Story of Adele H". Ảnh: gettyimages

Mối tình giữa Adele và Albert dần trở nên sâu sắc. Cô gái trẻ bị thu hút bởi sự đĩnh đạc, trưởng thành của người tình. Thậm chí, Adele từng thăng hoa tột cùng trong tình yêu với Albert khi nhận được lời cầu hôn của ông. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh ập đến khi gia đình cô gái phản đối vì khoảng cách độ tuổi lẫn gia thế của cả hai người.

Sau khi Albert rời đi, Adele trở nên trầm mặc, cô quyết định theo đuổi người tình đến cùng. Bắt đầu từ đây, Adele dần có dấu hiệu điên loạn khi hàng trăm lá thư cô gửi đến Albert bắt đầu bị ông ta phớt lờ. Bị người yêu bỏ mặc, Adele chạy khắp nơi tìm người đàn ông ấy, cô thậm chí còn loan tin thất thiệt để mọi người cho rằng họ vẫn hạnh phúc và đã cưới nhau.

Ảnh: Getty Images

Adele chìm trong ám ảnh về tình yêu màu hồng với Albert và rằng ông ta vẫn đang yêu cô tha thiết. Để bám đuôi Albert, cô thậm chí cắt tóc hay sử dụng những chiêu thức được coi là "dơ bẩn" và "xúc phạm" nhất để níu chân người đàn ông mình yêu. Adele Hugo dần rơi vào trầm cảm nặng và bị ám ảnh mức độ cao về Albert cũng như tình yêu giữa hai người. Sau này, nhờ đến sự trợ giúp của một người Pháp, Adele quay trở về nhà, chìm trong đau khổ và điên loạn. Con gái thứ của Victor Hugo bất hạnh trải qua một kiếp người trong nhà thương điên.

Hội chứng ám ảnh tình yêu Adele

Căn bệnh tâm lý của Adele chính là bắt nguồn cho một bệnh tâm lý hiếm gặp sau này. Hội chứng Adele hay còn được biết đến với cái tên hội chứng ám ảnh tình yêu, nôm na có thể hiểu người mắc hội chứng này là những kẻ cuồng yêu quá mức. Nghe tưởng đơn giản, thế nhưng đây lại là một trong những căn bệnh tâm lý cực kỳ nguy hiểm.

Người mắc phải hội chứng Adele sẽ có tình cảm thái quá đối với người yêu mình, sự sở hữu, thể hiện tình cảm của họ cũng cường điệu hoá hơn hẳn so với người bình thường. Đặc điểm chung ở họ là thường tưởng tượng ra những tình huống không có thực trong mối quan hệ để rồi cứ mãi đắm chìm vào ảo tưởng do mình tạo ra. Họ sẽ không chịu nghe bất cứ lời khuyên nào từ người ngoài và sống chung với những suy tưởng và "tình cảm" đó. Ở những bệnh nhân tâm lý này, họ sẽ luôn hướng trái tim, khối óc về phía người tình. Tìm cách để chiếm đoạt được hoàn toàn nửa kia là một trong những mục đích tối thượng của họ.

Sự nguy hiểm của hội chứng Adele

Nếu mối quan hệ trên thực tế không diễn ra như họ mong muốn hay tưởng tượng ra, họ sẽ nảy sinh những suy nghĩ nguy hiểm tương tự chứng trầm cảm nặng như tự cào xé bản thân, theo dõi người tình, tự tử hoặc sát hại người tình,...

Hội chứng Adele thường gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng vì chuyện tình yêu đôi lứa ít ai có thể ngăn cản được khi thăng hoa. Chỉ khi xảy ra một vấn đề nào đó, đối tượng của họ mới loay hoay không biết phải giải quyết thế nào khi người kia cứ bám dính lấy mình không chịu buông và hành động như kẻ điên. Rất may là hội chứng Adele có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy vậy, những yếu tố bên ngoài tác động trực tiếp đến tâm lý người bệnh vẫn rất quan trọng trong quá trình điều trị. Chính vì vậy mà mỗi cá nhân, gia đình, bạn bè phải thường xuyên tác động tích cực để kéo người bệnh khỏi những suy nghĩ cực đoan trong tình yêu.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.