• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

9 tác phẩm kinh dị xuất sắc trong kỷ nguyên phim câm: Chẳng cần âm thanh hù dọa cũng sợ rụng tim

Kinh dị

Ngày này, có quá nhiều bộ phim thuộc thể loại kinh dị sử dụng âm thanh như một cách hù dọa khán giả theo phương thức “yên lặng…yên lặng…HÙ!”. Nhưng thật ra khán giả chẳng phải sợ hãi chi đâu, họ chỉ giật mình thôi. Người ta bị giật mình một cách vô tình, còn sợ hãi lại là một trạng thái tâm lý và tinh thần xuất phát từ sâu thẳm bên trong tâm hồn của mỗi con người.

Sự ồn ào của phim kinh dị (hoặc phim giật mình) ngày nay được nhắc đến để gợi nhớ về những ngày tháng êm ả của phim câm thuở xa xưa, buổi đầu của nền điện ảnh. Không kém sợ hãi nhưng bởi sự vắng mặt của âm thanh, toàn bộ các tác phẩm đều dựa vào phần hình ảnh để tạo nên tính kinh dị. Dưới đây là 9 tác phẩm kinh dị xuất sắc của thời phim câm.

nosferatu

Cảnh trong phim Nosferatu (1922)

The Haunted Castle (1896), đạo diễn Georges Melies

Ra mắt năm 1896 – những ngày đầu của nền điện ảnh thế giới - với độ dài chỉ vỏn vẹn 3 phút, tác phẩm kinh dị mang tính tiên phong này thật sự gây ấn tượng và rất dễ xem.

Ở thời điểm mà phim chỉ được làm ra để khán giả có thể xem những hình ảnh chuyển động rất bình thường, thì đây là một trong vài ví dụ về sự “không tưởng” của điện ảnh khi đạo diễn Georges Melies còn đưa cả vào khung hình những bộ xương, bóng ma và phép thuật.

Dr. Jekyll & Mr. Hyde (1920), đạo diễn John S. Robertson

Đã có nhiều phiên bản chuyển thể dựa trên nguyên gốc tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Robert Louis Stevenson, nhưng thú vị nhất có lẽ vẫn là bộ phim năm 1920 với diễn viên chính là John Barrymore (ông của nữ diễn viên Drew Barrymore).

John Barrymore đã tự thực hiện hầu hết phân đoạn “biến đổi” từ bác sĩ Jekyll sang ông Hyde chỉ bằng cách vặn vẹo và làm méo mó khuôn mặt, hình thể của mình, cùng với một ít sự giúp đỡ của việc chuyển cảnh.

The Phantom Carriage (1921), đạo diễn Victor Sjostrom

Bộ phim của đạo diễn Victor Sjostrom kể lại một truyền thuyết Thụy Điển về gã bợm rượu bị đột quỵ và qua đời vào giữa đêm giao thừa.

Từ đó, gã bị nguyền rủa phải lái Chiếc xe ngựa bóng ma và dần trở thành Thần Chết. Linh hồn bị nguyền rủa này được diễn bởi chính đạo diễn Sjostrom. Ở thời điểm lúc bấy giờ, những kỹ xảo sử dụng trong phim thật tuyệt vời, khiến The Phantom Carriage trở nên rất có sức ảnh hưởng.

The Golem (1920), đạo diễn Carl Boese & Paul Wegener

Là một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên lấy đề tài quái vật, bộ phim này kể lại câu chuyện ở thế kỷ 16, về vị giáo sĩ dùng đất sét để tạo nên một người khổng lồ nhằm bảo vệ dân Do Thái khỏi những sự đày đọa. Sinh vật khổng lồ (do đạo diễn Wegener thủ diễn) được coi như nguyên mẫu của tạo hình Frankenstein trong các bộ phim do hãng Universal sản xuất về sau.

Haxan: Witchcraft Through the Ages (1922), đạo diễn Benjamin Christensen

Bộ phim kỳ lạ này rất giống một tác phẩm hội họa tầm sâu đầy sống động, với một chuỗi hoạt cảnh nhằm kể lại lịch sử của thứ ma thuật đen.

Biên kịch – đạo diễn Benjamin Christensen vào vai cả Jesus lẫn Satan trong nhiều phân đoạn khác nhau. Trông tác phẩm này như thể một MV của Rob Zombie hồi giữa thập niên 90, nhưng thật ra nó là cuốn phim Thụy Điển sản xuất năm 1922.

https://www.youtube.com/watch?time_continue=59&v=eq2_jVmJ6wA

The Man Who Laughs (1927), đạo diễn Paul Leni

So với những phim cùng danh sách này, The Man Who Laughs có nội dung bi kịch hơn hết thảy. Chuyện phim kể về người đàn ông trẻ tên Gwynplaine (diễn viên Conrad Veidt) bị một tên vua bạo ngược làm biến dạng khuôn mặt từ ngày nhỏ. Gwynplaine phải sống cùng nụ cười méo mó đến đáng sợ thường trực, cho dù anh luôn luôn đau khổ và buồn bã.

Khuôn mặt của Gwynplaine là một trong những cảm hứng để họa sĩ Bill Finger tạo nên hình tượng nhân vật The Joker trong bộ truyện Batman.

The Phantom of the Opera (1925), đạo diễn Rupert Julian

Chắc hẳn đây là vai diễn đáng nhớ nhất của huyền thoại Lon Chaney: một nhà soạn nhạc với khuôn mặt dị dạng, điên loạn, ám lấy nhà hát opera và mong mỏi tình yêu từ cô ca sĩ trẻ tuổi xinh đẹp.

Lon Chaney đã dùng các phương thức khá đau đớn và vất vả để tạo nên hình ảnh khuôn mặt méo mó đáng sợ của nhân vật “Bóng ma”, và bản phim này trở thành một tuyệt tác của điện ảnh thế giới. Phân đoạn đầy mẫu mực dưới đây chắc hẳn là một cảnh quay đáng nhớ nhất trong lịch sử phim kinh dị.

The Cabinet of Dr. Caligari (1920), đạo diễn Robert Wiene

Thường bị nhầm lẫn là phim kinh dị đầu tiên trên thế giới, nội dung The Cabinet of Dr. Caligari kể về Cesare (diễn viên Conrad Veidt) – một người mắc chứng mộng du sống trong căn buồng của vị bác sĩ nọ.

Cesare chỉ thức dậy mỗi khi vị bác sĩ này có những ý định bất chính và yêu cầu anh ta thực hiện. Một cảm giác bất an thường trực ở người xem trong suốt thời lượng phim, và cách dựng phim, hóa trang trở thành nguồn cảm hứng mà nhiều đạo diễn sau này cùng học tập.

Nosferatu: eine Symphonie des Grauens (1922), đạo diễn F.W. Murnau

Nói đến phim kinh dị, không gì đáng nhớ hơn tạo hình Bá tước Orlock hói đầu và trông như một con chuột do Max Shreck thủ vai trong phim Nosferatu của đạo diễn Murnau.

Đây được coi như một bản chuyển thể không chính thức cuốn tiểu thuyết Dracula của Bram Stoker. Diễn xuất của Max Shreck vẫn làm người ta ớn lạnh đến tận ngày nay, nhân vật Bá tước Orlock trong phim có thể nói là con ma cà rồng đáng sợ nhất của điện ảnh.

Nosferatu bị kết luận là vi phạm bản quyền theo luật của những năm 20 thế kỷ trước, và mọi bản in của phim đều bị buộc phải phá hủy. May mắn thay, vẫn còn một bản in sót lại, và một mảnh quan trọng của điện ảnh thế giới thoát khỏi cảnh phải biến mất vĩnh viễn.

Với tuổi đời quá già cỗi, không phải bộ phim nào trong danh sách kể trên đều có thể tìm thấy trên YouTube hay các nguồn công cộng khác. Hãy cẩn trọng để chắc chắn rằng bạn đang xem đúng bản phim gốc với đúng những bản nhạc đệm trong phim. Nếu không, có thể những vị đạo diễn quá cố sẽ tức giận đấy. Họ đều không nói gì, đương nhiên, nhưng bạn vẫn cứ sợ thôi.

Theo: nerdist
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.