• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Mười truyền thuyết đô thị rợn người nổi tiếng nhất ở Đài Loan - P2

Kinh dị

7. Tiễn bánh ú

Vùng duyên hải ở Chương Hóa truyền lưu một nghi thức cực kì thần bí – tiễn bánh ú.

Bánh ú này không phải bánh ú chúng ta hay ăn vào dịp tết Đoan Ngọ, mà là một tập tục mai táng lưu hành ở vùng duyên hải Tây Bắc Chương Hoá, Lộc Cảng, Phúc Hưng,… ở Đài Loan. Trong số đó vì Lộc Cảng thường xuyên cử hành tập tục mai táng này nên được hiểu là nơi bắt nguồn, ngoài ra phong tục này còn có tên là "tiễn sát" hoặc "ăn sợi mì".

Truyền rằng vì sợ những người chết do treo cổ có oán khí quá nặng, không siêu thoát được mà hóa thành quỷ đi giết người nhằm thế thân cho mình, nên người ta sẽ tổ chức nghi thức tiễn bánh ú để đưa tiễn sát khí của người chết (lấy dây thừng treo cổ làm đại diện) đến bờ biển thiêu huỷ. Nhưng vì tránh bất kính với người chết, người dân bản xứ không gọi tập tục này là đuổi ma quỷ mà uyển chuyển gọi là tiễn bánh ú.

Sở dĩ gọi là tiễn bánh ú là vì vào dịp Đoan Ngọ, người dân Đài Loan thường hay làm bánh ú, sau đó dùng dây buộc chặt và treo chúng lên vách nhà, trông giống hệt như những người treo cổ. Cũng vì thế ở Lộc Cảng, trói bánh ú ám chỉ người thắt cổ.

Nghi thức tiễn bánh ú thường được miếu thờ ở địa phương lên kết với những nơi chuyên tổ chức pháp hội để tổ chức, các bên sẽ quy hoạch một con đường đi từ miếu thờ gần nhất đến nơi người treo cổ được phát hiện rồi đi thẳng ra biển.

Trước khi diễn ra nghi thức, miếu thờ sẽ thông báo cho người dân trên tuyến đường biết trước thời gian để người dân không bị ảnh hưởng.

Nghi thức thường cử hành vào khoảng 23 giờ khuya, nhưng bắt đầu từ 20 giờ, những người tham dự đã có mặt ở miếu thờ để làm lễ rước thần, rồi mới di chuyển đến nơi phát hiện thi thể. Tại đây, người ta sẽ bày đặt bàn cúng lễ để rước sát (họ sẽ lấy dây thừng siết cổ người chết hoặc một mảnh trên xà nhà nơi người chết treo cổ làm đại diện), đúng 23 giờ đoàn người sẽ bắt đầu di chuyển ra biển. Vừa đi họ sẽ vừa thả pháo để trừ tà, diệt sát khí.

Người dân sống trên tuyến đường sẽ đóng chặt cửa nhà, dán bùa chú lên cửa để tránh oán khí lẻn vào gây hại.

Ở Chương Hóa, tiễn bánh ú là nghi thức cực kỳ trọng đại, phải thông báo cho toàn bộ người dân trong thôn xã, phát bùa chú cho mỗi nhà và cảnh báo trước để người dân né tránh, nếu không thông báo sẽ bị người dân ngăn cản không cho thực hiện.

6. Cương thi, đảo ma

Hòn đảo Tây Cát ở Bành Hồ, Đài Loan sở hữu một hang động đá bazan tự nhiên thuộc hàng đẹp nhất Đài Loan. Nơi đây từng vì một bức ảnh chụp mà nổi tiếng khắp mạng internet, nhờ vậy dịch vụ du lịch có bước phát triển vô cùng to lớn.

Trong số các dịch vụ được cung cấp ở đây, dịch vụ nổi tiếng nhất phải kể đến việc ngồi thuyền độc mộc đi thám hiểm hang động: trước mặt là những tảng đá biển to lớn, trải qua trăm ngàn năm tích lũy hình thành nên hệ thống hang động cực kì đồ sộ, khi ánh mặt trời chiếu xuống, ánh sáng ánh lên đá kết hợp với màu xanh của nước biển chung quanh làm người xem như lạc vào tiên cảnh. Sau khi thuyền vào hang, du khách sẽ được đặt chân lên hang động để tự mình khám phá vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của hang động, cảm nhận được sự sắc sảo và điêu luyện của thiên nhiên.

Dù sở hữu cảnh quan đẹp tới khó tả nhưng cư dân mạng lại đồn rằng hang động ven biển này từng là nơi dân cư địa phương dùng để vứt bỏ thi thể trẻ sơ sinh, là nơi cực âm. Vả lại năm 1978 sau khi chính phủ chỉ đạo dời thôn, đảo Tây Cát trở thành hòn đảo quỷ, từ đây lời đồn cương thi thường xuyên xuất hiện trên đảo bắt đầu nổi lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng đây chỉ là lời đồn vô căn cứ, còn lý do có lời đồn hang động ven biển này được dùng làm nơi vứt thi thể trẻ sơ sinh, một phần là do cha mẹ trên đảo thường doạ những đứa trẻ hư rằng họ sẽ vứt chúng vào hang nếu chúng không nghe lời.

Về lời đồn Tây Cát là đảo quỷ thì rất có thể là do gần khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu, vụ đầu tiên là vào năm 1953, có gần 90 người chết. Đến khoảng 3 năm sau, một con tàu khác cùng đã bị đắm ở đó và làm 101 người tử nạn, cư dân và chính phủ trong khu vực đã làm một bia đá kỷ niệm ngay trên đảo.

Vào khoảng những năm 1980, vùng duyên hải Đài Loan rộ tin đồn là vào đêm sẽ có cương thi bơi lên bờ, lẻn vào thôn làng ăn thịt người. Đến sau này lời đồn được chứng thực là do bọn buôn lậu lan ra để tiện cho việc hoạt động phi pháp của mình.

Nhưng dù câu chuyện về cương thi và hòn đảo quỷ có thật không thì vẻ đẹp của đảo Tây Cát cũng là điều không thể nghi ngờ.

5. Thuyền ma

Năm 1995, sự kiện lớn nhất được biết đến ở Đài Loan là vụ cháy ở nhà hàng Vệ Nhĩ Khang, Đài Trung, chỉ cần là người từng sống ở khu vực chung quanh chắc chắn rất khó quên được chuyện này.

Lời đồn khởi nguồn từ trận cháy lớn ở nhà hàng Vệ Nhĩ Khang, lúc ban đầu vụ cháy cướp đi 64 mạng người (ở Đài Loan đây đã được xem như một vụ cháy cực lớn). Nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của những nạn nhân là do cửa thoát hiểm bị chặn lại, người bên trong không thể thoát ra, tạo thành tai nạn thương tâm.

Dân chúng xung quanh kể, từ sau khi xảy ra trận cháy, nửa đêm họ thường ngửi được mùi cháy phát ra từ đống phế tích, sau đó dù nơi này đã được xây dựng thành bãi đỗ xe nhưng nhiệt độ có đôi lúc sẽ tăng cao tới khó hiểu.

Trước khi trận cháy xảy ra, từng có lời đồn về một con thuyền ma của cõi chết, đang đi khắp nơi tìm khách lên thiên đường du lịch, đương nhiên vé lên thuyền chính là tính mạng quý giá của hành khách, không chỉ thế con thuyền ma này chỉ biến mất khi rước đủ 100 hành khách.

Sau khi trận cháy kết thúc, có không ít người nói mình nhìn thấy một con thuyền ma bay trên không trung ở quảng trường Đệ Nhất, cũng vì thế một thời gian dài sau vụ hoả hoạn, quảng trường Đệ Nhất cực kì vắng lặng, không một ai dám bén mảng tới gần khu vực này. Nên dù không phải nơi xảy ra hoả hoạn nhưng quảng trường này cũng dần lụi bại.

Mấy tháng sau lại có tin đồn rằng con thuyền ma đã di chuyển đến phía Nam Đài Loan, không lâu sau có người nhìn thấy nó xuất hiện ở đường Công Chính, Đài Nam, được mấy hôm thì một vụ cháy lớn diễn ra ở một phòng KTV khu Sư Tử Lâm, Bình Đông, Đài Nam, gây ra cái chết cho 27 người.

Sau đó xảy ra thêm vài vụ cháy nhỏ nữa, cho đến khi đủ 36 người còn lại, thuyền u linh xem như rước đủ khách mới biến mất. Từ đó về sau người ta cũng không nghe nói gì về nó.

4. Lời đồn về Quai Quai

Trong tất cả những truyền thuyết đô thị ở Đài Loan, Quai Quai (nghĩa là ngoan ngoãn) có lẽ là thứ duy nhất không đáng sợ, ngược lại còn rất thú vị.

Quai Quai là một nét văn hoá ở Đài Loan, cái tên Quai Quai khởi nguồn là từ một loại bánh snack vị bắp được công ty Obediently phát triển và đưa ra thị trường đầu tiên vào năm 1968. Đến khoảng năm 2008, những người làm việc trong ngành công nghệ thông tin kháo nhau rằng, nếu đặt vài bịch Quai Quai bên cạnh máy tính khi làm việc, các thiết bị sẽ “ngoan ngoãn” làm việc, không bị hỏng hóc hay trục trặc gì. Chẳng bao lâu sau hầu hết các ngành nghề có sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ cũng bắt chước theo, dần dà đây trở thành một nét văn hoá đặc trưng ở Đài Loan.

Dù từng bị không ít người cho rằng mê tín dị đoan và phản đối, nhưng ngày nay, hầu hết các công ty, xí nghiệp, ngân hàng, ATM, trường học vẫn còn lưu giữ thói quen này như một phần không thể thiếu.

Tuy nhiên việc sử dụng Quai Quai cũng có những lưu ý đặc biệt, đặt Quai Quai có bao bì màu xanh đồng nghĩa với việc thuận lợi, không cần bảo trì; màu vàng tượng trưng cho cảnh báo, không an toàn; màu đỏ tượng trưng cho hư hỏng, hỏng hóc. Ngoài ra, bịch Quai Quai đặt bên cạnh thiết bị không được hết hạn dùng và dù đói đến đâu cũng không được xé bịch ra ăn.

Theo: Kkcnew
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.