• Về đầu trang
Chim Lang Thang
Chim Lang Thang

Câu chuyện đằng sau tên tội phạm cuối cùng bị xử tử công khai bằng máy chém

Lịch sử

Eugène Weidmann sinh ngày 5 tháng 2 năm 1908 tại Đức, bị kết tội giết người và bắt cóc. Y là tử tù cuối cùng bị xử chém trên đoạn đầu đài tại Pháp.

Chân dung Eugene Weidmann Nguồn: wikipedia

Thời niên thiếu, trong khi đang thụ án tại nhà tù Saarburcken, Đức, Weidmann kết bạn với 2 người đàn ông khác là Roger và Jean. Cả ba sau này đã cùng nhau tham gia vào nhiều vụ giết người và cướp của. Lợi dụng vẻ ngoài lôi cuốn của một quý ông mà ít ai biết là quỷ đội lốt, Weidmann đã lừa được rất nhiều khách du lịch khi họ đang tham quan Paris, tiêu biểu là nữ vũ công nổi tiếng Jean De Koven người Mỹ khi cô đang thăm dì mình tại đây. Viết trong thư kể với một người bạn về việc lần đầu tiên gặp Weidmann, De Koven cho biết: “Mình vừa mới gặp một bạn người Đức đáng yêu lắm, cậu ấy tự xưng là Siegfried. Ngày mai mình sẽ đến dinh thự của cậu ấy chơi, và biết gì không, dinh thự đó gần với nơi mà Napoleon đã cưới Josephine đấy.” Và cũng chính tại nơi này, Jean De Koven đã bị sát hại. Xác của cô được hắn chôn sau vườn.

Chân dung vũ công người Mỹ Jean De Koven. Lợi dụng vẻ ngoài hào nhoáng, hắn dụ cô về dinh thự của mình thuê tại Saint Cloud, và gây án. Nguồn: newyorker.com

Từ khi chuyển đến Paris vào năm 1939, tổng cộng Weidmann đã gây ra 6 vụ giết người, trong đó có 2 phụ nữ và 4 người đàn ông. Động cơ gây án chính là tiền. Tất cả xác của các nạn nhân sau đó đều được tìm thấy với vết đạn sau gáy cùng với toàn bộ tài sản đã bị lấy đi.

Weidmann đang được cảnh sát dẫn đi. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Nhưng chẳng có tội ác nào là hoàn hảo. Weidmann đã để lại sơ hở trong một lần gây án tại Saint, Cloud mà nạn nhân là một chuyên viên môi giới bất động sản. Danh thiếp của hắn đã được tìm thấy ở hiện trường và thanh tra Primborgne đã lần ra nơi ở của hắn. Weidmann bị bắt giữ không lâu sau đó.

Khi hay tin có hai sĩ quan cảnh sát muốn vào nhà nói chuyện, Weidmann đã rất bình tĩnh mời cả hai vào. Sau một vài câu trao đổi, hắn rút súng và bắn ba phát vào Thanh Tra Primborgne cùng viên sĩ quan người Surete. Cả ba phát đều trượt, viên sĩ quan Surete sau đó đã vật Weidmann xuống sàn và đánh vào đầu hắn bằng một cây búa nằm ở gần đó. Thanh tra viên tiết lộ, hắn đã khóc khi cho lời khai về Jean De Koven. Hắn nói trong nước mắt: “Cô ấy là một cô gái hòa nhã và vô lo, khi tôi chuẩn bị cắt cổ cô ấy, cổ chỉ cúi xuống nhẹ nhàng như một con búp bê, không một chút kháng cự.” Lời khai của y làm Thanh Tra Primborge lạnh sống lưng. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Phiên tòa xét xử Weidmann diễn ra 24 tháng 3 năm 1939, là phiên tòa ồn ào nhất, thu hút sự chú ý của cả công luận và báo chí kể từ sau phiên xét xử tên giết người hàng loạt Henri Désiré Landru diễn ra 18 năm trước đó.

Weidmann trong phiên tòa xét xử của mình. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Luật sư bào chữa của Weidmann – Vincent de Moro-Giafferi cũng chính là người bào chữa cho Landru. Có mặt hôm đó còn có Nhà văn người Pháp Colette với tác phẩm Gigi trường tồn trong giới văn học. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Ngày 17 tháng 6 năm 1939 đánh dấu sự kết thúc chuỗi tội ác của tên sát nhân và cũng đồng thời là dấu chấm hết trong việc công khai tử hình. Chờ đợi Weidmann ở sân trước nhà tù Saint – Pierre là một máy chém sẽ thực hiện bản án cho hắn và một đám đông đang hò hét. Trong đám đông hôm đó có sự hiện diện của Christopher Lee – diễn viên huyền thoại người Anh, năm đó ông 17 tuổi.

Đám đông chen chúc nhau ngoài cổng của nhà tù Saint Pierre. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Nhưng trớ trêu thay, đám đông lại xem vụ xử trảm này như một trò vui. Nhật báo Paris – Soir lúc đó mô tả đám đông chứng kiến bằng những từ như: kinh tởm, rẻ tiền,... Và quả thật không sai, thậm chí họ còn dùng khăn mùi xoa để chấm máu của kẻ tử tù làm kỉ niệm. Chưa dừng tại đó, họ cố tình làm gián đoạn buổi hành hình, kéo dài buổi hành hình ngoài giờ, chờ cho mặt trời lên để có cơ hội chụp được những bức ảnh rõ ràng.

Sau sự kiện này, giới chức Pháp đã đồng ý với nhau rằng, hành hình công khai không những không có tác dụng răn đe, mà còn khuyến khích hành vi mang tính bản năng, không phù hợp với xã hội hiện đại, cộng với đó là thói gây rối trật tự công cộng. Hành vi điên loạn của đám đông khi ấy đã đến tai Tổng thống Pháp Albert Lebrun và ngài quyết định cấm tiến hành công khai tất cả các vụ hành quyết khác trong tương lai.

Máy chém đang được các sĩ quan kiểm tra, chuẩn bị cho ngày hành hình. Nguồn ảnh: rarehistoricalphotos.com

Weidmann đang được dẫn ra pháp trường, có thể thấy chiêc hộp sẽ chứa xác hắn sau đó. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Máy chém được dùng ở Pháp vào năm 1789, sau khi bác sĩ Joseph-Ignace Guillotin đề nghị Quốc hội Pháp cho dùng nhằm giảm bớt sự đau đớn cho người thụ án. Do đó guillotine trong tiếng Anh và cả Pháp có nghĩa là máy chém.

Không như vẻ man rợ bề ngoài, xử tử bằng máy chém là một hình thức tử hình mang tính nhân đạo hơn cả. Nếu so sánh với những hình thức tử hình ở thời hiện đại dưới góc độ đau đớn và “hậu quả cần phải dọn dẹp”, thì đoạn đầu đài có thể xem là ổn nhất. Tử tù hầu như không cảm thấy đau đớn, tử thần sẽ mang họ đi chỉ trong vòng 10 giây. Trong gần 200 năm, chiếc máy chém đã thi hành án tử hình đối với hàng chục ngàn tử tù mà chưa một lần nào thất bại đối với việc tạo ra một cái chết nhanh chóng và rất ít đau đớn.

Cận cảnh máy chém tại sân nhà tù Saint - Pierre khi đang thi hành án cho Weidmann. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Gương mặt bình thản của Weidmann trong phiên tòa xét xử. Nguồn: rarehistoricalphotos.com

Theo: https://rarehistoricalphotos.com/last-public-execution-guillotine-1939/
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.