• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Chửi tục là một nghệ thuật, hãy để người xưa dạy bạn chửi tục một cách thanh lịch nhất

Lịch sử

Nói tục thường được xem như cách thể hiện trạng thái tình cảm trực tiếp nhất, vậy thì người thời xưa vốn văn thanh nhã nhặn sẽ nói tục thế nào?

Nếu bạn chỉ liên tưởng được tới một câu “tôi chưa từng thấy ai vô sỉ như anh/cô”, thì đã tới lúc bạn cần bổ sung thêm kiến thức về cách nói tục, chửi thề của người xưa rồi đó.

Ở thời Tần, Hán, muốn mắng chửi người khác mà không sợ làm bẩn miệng mình thì cần trình độ học thức cũng như lượng kiến thức đủ nhiều, bởi vì vào thời bấy giờ văn nói gần như giống hệt văn viết.

Ví dụ như Hồng Môn Yến mà chắc ai ai cũng biết, Hạng Vũ không nghe lời khuyên của Phạm Tăng nên để Lưu Bang chạy mất, Phạm Tăng tức tối mắng to: “Thằng nhãi này không thể cùng ta mưu tính chuyện lớn!” Dịch theo nghĩa hiện đại thì là “Ta đây không bao giờ muốn làm việc với thằng ngu như mày nữa!”

Đương nhiên cũng sẽ có những thể loại mắng chửi cao cấp hơn. Trần Lâm – một trong Kiến An Thất Tử - từng viết Thảo Tào (tặc) Hịch Văn mắng tổ tiên ba đời nhà Tào Tháo, tới nỗi Tào Tháo nghe được phải trợn mắt há mồm vì kinh ngạc.

“Ông nó là trung thường thị tên Đằng, cùng với bọn Tả Quan, Từ Hoàng hưng yêu tác quái, tham lam càn rỡ, nát đạo hại dân. Bố nó là Tung, làm con nuôi của Đằng, nhờ đút lót mà được chức vị, xe vàng khiêng ngọc, đem nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi cao, làm nghiêng đổ quyền lớn. Đến Tháo: nòi giống sót của hoạn quan, vốn không có đức hạnh, gian xảo độc ác, thích gây biến loạn, vui mừng trước tai ương.”

Phan Kế Bính dịch

Có thể thấy Trần Lâm không hổ danh đại tài tử, chửi nhau cũng phải lớp lang, có "dàn bài" chỉn chu, mạch lạc như vậy.

Đến thời Đường, Tống, Nguyên, những từ ngữ mắng chửi được sinh ra nhiều hơn và trở nên khá gần gũi với những câu từ hiện nay.

Trong Tư Trị Thông Giám có ghi, Tiết độ sứ An Tây Phu Mông Linh từng chỉ mặt mắng Cao Tiên Chi: ”Ăn ph*n chó đi, đám Triều Tiên” theo ngôn ngữ hiện giờ có nghĩa là “Đám Triều Tiên ngu xuẩn, mau cút về ăn ph*n chó đi.”

Cộng thêm các nghệ thuật tu từ, kì thị dân tộc, khinh bỉ nhân cách, so sánh người với động vật,… có thể nói vốn từ chửi thề của người dân thời bấy giờ cũng vô cùng đa dạng và giàu có.

Đường Thái Tông được khen là thiên cổ nhất đế, một khi đã mở miệng mắng chửi cũng không thua kém gì ai. Đường Thái Tông từng bị Ngụy Chinh chọc giận, chạy về khóc với vợ mình: “Sẽ giết điền xá ông này!” (Một ngày nào đó trẫm sẽ chém đầu thằng nhà quê kia).

Xà ngang trong phòng ngủ của Tống Thái Tổ bị hư, cần thay đổi, có đại thần dâng tấu nói muốn chặt một cái cây lớn làm xà nhà, Thái Tổ phê: “Chặt cái đầu cha ngươi ấy, chặt cái đầu mẹ ngươi ấy.”

Ai biết cũng khen không dứt lời, cho rằng chuyện này tỏ rõ thái độ yêu thương vạn vật của nhà vua.

Muốn tìm hiểu về việc chửi tục của thời Tống Nguyên, đương nhiên không thể bỏ qua bảo điển nói tục: Thuỷ Hử. Lấy Lỗ Trí Thâm nổi tiếng vì tính chửi đổng của mình làm ví dụ: “Trực nương tặc, vậy mà còn dám mở miệng đáp lời ta.” (Đồ tiện nhân bán mẹ, vậy mà còn dám mở miệng đáp lời ta).

Trong văn nói có cả văn viết, trong thô tục vẫn có nền nã, thể hiện tính cách ngay thẳng của một anh hùng, khiến người đọc vừa thấy vui vẻ vừa cảm nhận được khí khái của nhân vật.

Có thể bạn đã thấy những từ như “kẻ ăn cắp, thằng nhãi, thứ bẩn thỉu,…” vẫn còn chưa đủ đô, vậy thì đến thời Minh, Thanh tất cả những từ mắng chửi đều được tập trung xuống nửa dưới cơ thể, chắc chắn sẽ làm bạn vừa lòng.

Văn nhân khi chửi bậy cũng tục hơn rất nhiều, như Vương Thế Trinh – nhà văn đời nhà Minh khi chê thơ của kẻ khác cũng không ngần ngại sử dụng những từ ngữ thô tục: “Từ ngữ thế này, sao không lấy nịch tự soi?” (Ngươi viết cái quỷ gì thế, sao không tự đ** rồi nhìn lại mình thử đi?)

Hồng Lâu Mộng được xưng tụng là bách khoa toàn thư về xã hội phong kiến cũng không thiếu những câu chửi đi vào lòng người. Trong hồi bốn mươi sáu, Uyên Ương đã mắng một tràng xối xả: “Thôi hãy ngậm ngay cái mồm l... ấy lại, cút khỏi chỗ này cho rảnh. Chuyện gì hay? Chuyện con khỉ ăn gừng! Chuyện gì mừng? Chuyện ông huyện về quê ấy à!”

Bị cơn thịnh nộ chi phối, nhân vật bộc phát cảm xúc nói tục, chửi bậy nhưng theo bản năng vẫn không quên dùng điển tích, nửa câu đầu một ngữ hai nghĩa, nửa câu sau dùng hài âm điển tích. Có thể thấy được sự kết hợp hài hoà của văn học và nói tục đã lên đến trình độ vô cùng cao thâm.

Tóm lại, nói tục thường thường chỉ đề cập tới những phương diện như: tình dục, giới tính, động vật, những thứ dơ bẩn, địa vị, nhân cách, huyết thống,… nên nếu muốn mắng chửi mà cho người ta cảm giác mới mẻ, phải biết kết hợp nhiều mặt, nhiều nguồn tri thức, quan trọng nhất là phải liên tục cập nhật, đổi mới nâng cao vốn từ của mình khiến cho trình độ chửi thề trở nên ngày càng lão luyện.

Thú vị là, Đại Minh luật và Đại Thanh luật có quy định rõ ràng, mắng, chửi tục là hành vi phạm tội, nhẹ thì bị phạt đòn, nặng thì bị lưu đày, nên khi mở miệng mắng chửi ai đó, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ.

Đọc đến đây hẳn ai cũng đã có chút hiểu biết về những câu mắng thô tục thời xưa và kỹ xảo mắng chửi cao cấp của người cổ đại. Vậy còn chờ gì nữa mà không thử nói một câu chửi thề làm mọi người phải kinh ngạc đi nào?

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.