• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Màu xanh lá ở Trung Quốc đại diện cho sự phản bội nhưng lý do và lịch sử về nó thì chưa chắc ai cũng biết

Lịch sử

Trong văn hóa đương đại Trung Quốc, khi một người đàn ông bị trêu chọc là đội nón xanh, người này sẽ tỏ ra cực kì bực mình, khó chịu, nguyên nhân là bởi điều đó đồng nghĩa với cười nhạo anh ta bị vợ mình cắm sừng.

Nhưng tại sao người Trung Quốc lại chọn màu xanh lá – một màu sắc tràn đầy sức sống làm đại diện cho sự thất bại và bị phản bội thay vì màu hồng, màu cam, hay màu xanh lam?

Xuất phát từ thời xa xưa

Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phân biệt thứ bậc dựa theo màu sắc ở thời cổ đại. Trong mắt người xưa, màu xanh lá là màu cực kỳ thấp kém, bởi vì họ chia màu sắc ra làm hai loại chính: chính sắc và gian sắc, mỗi màu khác nhau lại tượng trưng cho một thân phận và địa vị khác nhau. Và sở dĩ màu xanh có địa vị thấp như thế là vì nó nằm trong nhóm gian sắc.

Kinh học gia Khổng Dĩnh Đạt thời Đường từng viết:

“Chính sắc bao gồm xanh, đỏ, vàng, trắng, đen đại diện cho năm hướng và ngũ hành, gian sắc gồm xanh lá, hồng, xanh biếc, tím, nâu,... gọi là gian sắc vì chúng đều là màu pha tạp từ các màu khác.

Nói một cách đơn giản, chỉ những giai tầng nông dân thấp kém mới sử dụng màu xanh lục, hoặc các màu thuộc nhóm màu gian sắc. Còn những người thuộc tầng lớp cao quý hơn sẽ dùng màu thuộc nhóm chính sắc.

“Tôn ti tôn ti, không thể trộn lẫn.”

Khổng Tử

Cũng vì sự phân biệt rạch ròi màu sắc này mà màu tím từng bị Khổng Tử cực lực bài trừ, trong thời kì Nho giáo hưng thịnh, màu tím cũng từng là một màu ti tiện.

Trong Kinh Thi cũng có ghi: “Áo xanh quần nâu, lòng lo không thôi”, ở đây xanh lá là màu đê tiện ám chỉ những người khốn khó, ăn bữa nay lo bữa mai, cũng có ý chỉ những kẻ phạm tội.

Thời Xuân Thu, những kẻ nghèo khó bán vợ đổi tiền sống qua ngày đều phải bọc một miếng vải xanh trên đầu, để phân chia thân phận cũng như giá cả của các cô vợ.

Đến thời Hán, Hán Thư – Đông Phương Sóc truyền cũng có viết: "Hán Vũ Đế khi bái kiến trưởng công chúa Đào có nói: Đổng Yển mặc đồ lục trách, đi theo chủ, phục vụ điện hạ."

Đổng Yển là tình nhân của trưởng công chúa Đào, mà lục trách là quần áo chuyên dụng của kẻ hầu, tên gọi khác là đồ dành cho kẻ ti tiện, Hán Vũ Đế cố ý nói vậy để sỉ nhục Đổng Yển.

Thậm chí trong Phong Thị Kiến Văn Lục cũng có ghi lại, lúc ấy trong các hình phạt dành cho tội phạm có một mục là: “Không phạt trượng, chỉ đội khăn xanh lá để nhục nhã.”

Nói cách khác, lúc bấy giờ chỉ ép đội khăn xanh đã đủ để nhục mạ một người.

Dù màu xanh lá cũng được dùng trong quan phục, những người mặc quan phục màu xanh thường là quan viên thuộc tầng thấp nhất, đến thời Đường loại phân cấp này càng bị phóng đại hơn.

Thậm chí có một huyện lệnh thời Đường từng nghĩ ra cách trừng phạt những người phạm tội bằng cách cho họ đội những cái khăn có màu sắc tương đồng với mức độ phạm tội của mình. Nên vào thời này, ai mang khăn trùm đầu đồng nghĩa với việc người nọ là tội phạm, sẽ bị người chung quanh kì thị, dè bỉu. Từ đó người phạm tội không dám tái phạm, tỷ lệ tội phạm cũng giảm mạnh.

Nhưng trong suốt những triều đại này, màu xanh lá chỉ là một màu đại diện cho tầng lớp thấp kém hoặc tội phạm, chứ không hề mang hàm nghĩa chỉ việc nam nữ ngoại tình.

Phép ẩn dụ "nón xanh" bắt đầu từ lúc nào?

Trước khi thống nhất Trung Nguyên, Chu Nguyên Chương đã cực kì căm ghét các khách làng chơi và kỹ nữ, nên ngay khi tức vị và thành lập triều nhà Minh, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã ra sắc lệnh quy định những cô gái hành nghề kỹ nữ đều phải đội mũ sừng, mặc áo dài, để phân biệt với những cô gái con nhà đàng hoàng.

Không chỉ thế, ông còn quy định rõ ràng, phàm là nhà ai có con gái làm kỹ nữ, tất cả đàn ông trong nhà đều phải mang một cái khăn trùm màu xanh lá, lưng buộc vải đỏ, chân mang giày da lợn. Vả lại những người này không được phép đi giữa đường, mà phải đi đi sang hai bên lề đường.

“Kỹ nữ mặc tạo sam, đầu đội mũ sừng; cha mẹ và đàn ông thân thuộc đều phải mang khăn trùm đầu.”

– Trích Nguyên Điển Chương.

Cho nên vào lúc này chỉ cần thấy một người đàn ông ra đường đội khăn xanh là ai ai cũng biết trong nhà người này có con hoặc vợ là kỹ nữ.

Theo thời gian, khăn trùm đầu xanh cũng được biến hoá thành nhiều cách nói khác nhau, trong số đó thì "đội nón xanh" đã vượt lên tất cả những đối thủ khác để trở thành thuật ngữ dùng để chỉ việc phụ nữ có tư tình với đàn ông khác, phản bội chồng mình.

Ngoài nguồn tư liệu lịch sử thì trong dân gian cũng truyền lưu vô vàn những cách nói khác để lý giải cho nguồn gốc của từ "nón xanh". Mà dù nói thế nào thì "đội nón xanh" cũng là điều tối kỵ trong lòng các đấng mày râu.

Theo: Zhihu

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.