• Về đầu trang
Mee
Mee

Số phận bi thảm của hoàng hậu đẹp nhất châu Âu bị mang danh cướp chồng chị ruột

Lịch sử

Elisabeth Amalie Eugine hay còn được biết đến với cái tên công chúa Sisi, sinh ngày 24/12/1837 tại vương quốc Bavaria. Cô là con gái thứ tư của công tước Maximilian Joseph và công chúa Ludovika xứ Bavaria. Có lẽ vì ra đời vào đúng ngày giáng sinh nên Sisi được Chúa ban phước cho một gương mặt xinh đẹp và đáng yêu ngay từ khi còn nhỏ.

Chân dung hoàng hậu Sisi.

Tuy xuất thân trong gia đình quý tộc nhưng do công tước Maximilian theo đuổi lối sống tự do, phóng khoáng với tâm hồn yêu nghệ thuật nên Sisi cùng anh chị của mình cũng không hề bị gò bó trong lối sống quy tắc, khuôn khổ. Khi bước vào độ tuổi thiếu nữ, Elisabeth ngày càng trở nên xinh đẹp với tâm hồn đầy mộng mơ, yêu đời. Không ít chàng trai đem lòng yêu thầm Sisi và tìm cách chiếm lấy trái tim người đẹp.

Hoàng hậu Sisi.

Năm Sisi 15 tuổi, cô cùng mẹ và chị gái đến Bad Ischl - nơi nghỉ dưỡng truyền thống của hoàng gia Áo để thăm người anh họ là Franz Joseph - hoàng đế của Áo. Chị gái Elisabeth - Helena được mẫu thân của Franz Joseph "nhắm" sẵn là con dâu tương lai từ nhỏ và hai bên cũng đã đồng ý khi hai người đủ tuổi sẽ tiến hành hôn sự. Hai gia đình nhân dịp này muốn tạo điều kiện cho Helena và Franz gặp mặt.

Chân dung chị gái Sisi - Helena.

Trớ trêu thay, Franz Joseph trong lúc dạo chơi trong vườn đã gặp Elisabeth trước và lập tức phải lòng cô ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Nhan sắc trong trẻo ngây thơ với mái tóc dài như suối và đôi mắt màu hạnh nhân hút hồn của Sisi đã khiến Franz đắm say. Elizabeth cũng thầm mến chàng hoàng đế khôi ngô tuấn tú. Bất chấp hôn sự với chị gái của Sisi, Franz đưa Sisi đến gặp mẹ hai người và xin phép được lấy Sisi làm vợ.

Dù Sisi còn khá nhỏ tuổi nhưng vì Franz là hoàng đế nên hai gia đình đành thuận theo quyết định của Franz. Sự việc này khiến Sisi phải hứng chịu không ít lời ra tiếng vào vì bị mang danh "cướp chồng chị gái". Từ nhỏ, Helena đã được huấn luyện và dạy dỗ để trở thành hoàng hậu tương lai, cô cũng rất mong chờ ngày mình lên nắm quyền lực. Nhưng chưa kịp gặp mặt hoàng đế thì đã nhận tin dữ em gái sẽ thay thế mình trở thành hoàng hậu.

Tranh vẽ Sisi và Franz Joseph trong ngày cưới.

Ngày 24/4/1854, hôn lễ của Sisi cùng Franz Joseph được tiến hành một cách long trọng tại kinh đô Vienne của Áo. Những tưởng lên ngôi hoàng hậu tương lai của Sisi sẽ thêm phần tươi đẹp, nhưng cuộc hôn nhân này đã đẩy cô vào chuỗi ngày bi thảm nhất cuộc đời. Vốn được cha mẹ nuông chiều và nuôi dạy theo lối sống tự do, không gò bó, sau khi thành vợ hoàng đế, Sisi như chú chim mất cánh. Phải rời xa gia đình thân yêu, cô độc một mình ở hoàng cung với muôn ngàn phép tắc, Sisi dần mất đi niềm vui và trở nên buồn phiền.

Hoàng hậu Sisi và hoàng đế Joseph.

Một thân một mình ở nơi đất khách quê người cộng thêm mối quan hệ "cơm không lành canh chẳng ngọt" với mẹ chồng - Bayern Sophie khiến những tháng ngày tại Áo của Sisi vô cùng khổ sở. Bayern Sophie đã để mắt đến chị gái Sisi và mong muốn hôn sự giữa Helena và Franz sẽ thành công nên khi Sisi trở thành hoàng hậu, cô trở thành cái gai trong mắt Bayern. Bà luôn giữ định kiến rằng Sisi cố tình cướp mối nhân duyên của chị gái để bước chân vào hoàng cung.

Trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, hoàng hậu Sisi hạ sinh công chúa Sophie vào năm 1855. Những tưởng cô con gái sẽ làm mối quan hệ giữa Elisabeth và mẹ chồng tốt đẹp lên nhưng ngược lại, cô bị Bayern Sophie trách móc vì không sinh được con trai để nối dõi. Đứa bé sau đó đã bị đưa đến cung của Bayern Sophie để nuôi dạy vì bà cho rằng Sisi còn quá trẻ và không hiểu biết quy tắc, lễ nghĩa hoàng cung.

Sisi bên chồng và hai người con đầu.

Năm 1856, Sisi sinh bé gái thứ hai là Gisela và tiếp tục phải chịu những lời trách móc từ mẹ chồng. Gisela ra đời chưa được bao lâu cũng bị Bayern Sophie đưa đến cung của bà để nuôi dạy. Một năm sau, con gái đầu lòng của Sisi chết yểu khi mới 2 tuổi khiến cô vô cùng đau khổ và suy sụp.

Năm 1858, cuối cùng Sisi cũng hạ sinh được con trai nối dõi cho hoàng đế là thái tử Rudolf. Tuy sinh được con trai nhưng mối quan hệ giữa hoàng hậu và chồng lại nhạt dần. Nguyên nhân được cho là do Sisi nhiều lần tham dự vào việc triều chính và cố khuyên hoàng đế Franz tách Hungary thành một quốc gia độc lập.

Chân dung thái tử Rudolf.

Theo sử sách, Sisi vô cùng yêu đất nước và người dân Hungary, cô cảm thấy tinh thần yêu nước, yêu tự do của họ rất đáng được trân trọng. Mỗi khi có thời gian rảnh, hoàng hậu lại đến đây nghỉ dưỡng và hưởng thụ cuộc sống bình yên không gò bó, quy củ như hoàng cung. Điều này cũng khiến cô bị không ít người dân Áo căm ghét vì lơ là không chú tâm đến nước Áo.

Năm 1867, bà sinh con gái thứ 4 là Marie Valerie và được tự tay mình nuôi nấng chăm sóc cô bé. Sau khi Marie ra đời, mối quan hệ vợ chồng của Sisi và Franz cũng chỉ trên danh nghĩa chứ không còn tình cảm. Hai người chỉ gặp nhau trong những dịp lễ quan trọng hoặc những chuyến công du. Sisi cũng không hề cấm cản chồng vui vẻ bên những bóng hồng khác.

Năm 1889, tin thái tử Rudolf tự tử cùng người tình tại khách sạn đã khiến Sisi hoàn toàn suy sụp. Vì quá đau buồn nên hoàng hậu luôn mặc đồ đen để thể hiện sự thương tiếc cho cậu con trai của mình. Sisi cũng dần rời xa mọi việc liên quan đến chính trị ở hoàng cung và thường một mình đi đến những nơi xa du lịch để trốn tránh cuộc sống hoàng gia gò bó.

Hoàng hậu Sisi thời trẻ.

Tháng 7, năm 1898 Sisi đến Geneva ở Thụy Sĩ để du lịch. Khi đang đi dạo, bà bị một người đàn ông ám sát bằng một nhát dao xuyên tim. Tên sát thủ là một người Ý theo chủ nghĩa vô chính phủ tên là Lucheni. Bà mất máu quá nhiều và qua đời ở tuổi 60. Cái chết của bà khiến hoàng đế Franz Joseph và nhân dân Áo - Hung vô cùng thương tiếc. Thi thể của Elisabeth được đưa về Áo và an táng trong hầm mộ hoàng gia.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.