• Về đầu trang
Chym Chung
Chym Chung

Từng là biểu tượng quyền lực của các Pharaoh, vì sao họa tiết da báo bị rẻ rúng thành hình ảnh của sự phóng đãng?

Lịch sử

Trong một bức ảnh đen trắng những năm 1950, ca sĩ, nữ diễn viên Eartha Kitt xuất hiện trong trang phục hoạt tiết da báo từ đầu tới chân. Bà trông đầy tự tin khi bên cạnh là một chú báo hoa mai.

Đây được xem là một bức ảnh huyền thoại đã truyền cảm hứng cho vũ công burlesque Jo Weldon nghiên cứu những câu chuyện về lịch sử phía sau họa tiết da báo vào khoảng 30 năm trước.

* burlesque: những show diễn kịch, ca nhạc, những màn múa, xiếc được xây dựng công phu với một nét hài hước đặc trưng, trong đó linh hồn là múa thoát y

Những phát hiện của cô đã được tập hợp lại trong một cuốn sách có tên Fierce: History of Leopard Print, ghi chép nguồn gốc, sự phát triển của một trong những mẫu họa tiết phổ biến nhất của thời trang.

"Kitt là người đặt điểm khởi đầu, tôi đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của bà khi còn là một đứa trẻ" - Weldon nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

"Bà ấy thật lộng lẫy và mạnh mẽ khi diện họa tiết da báo, nhưng bản chất Kitt cũng là một người phụ nữ. Đối với tôi, những đốm tròn ấy đã kết nối cả 2 đặc điểm lại".

Bellita khoác trên mình chiếc váy da báo trong "Invitation to the Dance" vào năm 1956

Theo Weldon, họa tiết da báo nói riêng, và những hình ảnh của các loài thuộc họ Mèo nói chung - đã được sử dụng để thể hiện quyền lực, sự độc lập và lòng tự tin của phụ nữ trong nhiều thế kỷ.

"Báo hoa mai từ lâu đã được coi là động vật dữ tợn và rất kiên cường" - Weldon chia sẻ: "Tôi nghĩ mọi người cảm thấy có một mối liên hệ nguyên thủy với chúng".

Trong lịch sử, báo hoa mai đã từng là một trong các biểu tượng đặc trưng trên thế giới. Seated Woman of Çatalhöyük - một bức tượng đất sét có từ khoảng 6000 năm trước Công nguyên cho thấy một người phụ nữ đang đặt tay lên một chú báo.

"Seated Woman of Çatalhöyük'', một bức tượng đất sét có từ khoảng 6000 năm trước Công nguyên

Nữ thần trí tuệ Ai Cập Seshat cũng được mô tả là mặc trên người bộ da của báo đốm hoặc của báo hoa mai. Nữ thần Xi Wangmu hay còn được gọi là Nữ hoàng phương Tây trong thần thoại Trung Quốc, thường xuất hiện trong tranh với hàm răng của hổ và đuôi của loài báo.

Hình ảnh Nefertiabet, một công chúa Ai Cập cổ đại mặc áo choàng báo trên một tấm bia đá

Weldon chia sẻ: "Trong thế kỷ 18 và 19, lông và quần áo da báo là biểu hiện cho sự giàu có và địa vị. Sau đó, bước vào thế kỷ 20, các loại vải và quần áo in họa tiết này bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Họa tiết da báo trở nên đại trà và bắt đầu có ý nghĩa hiện đại".

Xu hướng phát triển

Họa tiết da báo có một lịch sử thăng trầm và không ít biến động. Nó được từng bị đánh giá là kiểu phong cách của những người ít học, khiêu gợi, lòe loẹt và nguy hiểm. Chỉ có những ngôi sao hạng B mới mặc chúng và thường kết hợp với quần áo giá rẻ. Trong văn hóa đại chúng, từ phim ảnh đến âm nhạc, phụ nữ mặc trên mình những trang phục họa tiết da báo bị coi là nông cạn và phóng đãng, trong đó Weldon chỉ ra một loạt những chương trong các seri có tựa đề The Trophy Wife, The Bad MotherFemme Fatale.

Jo Weldon mặc một chiếc váy hoạt tiết da báo cho một buổi chụp hình quảng cáo trong năm 2015

Tuy nhiên, motif này cuối cùng cũng đã được tầng lớp thượng lưu của giới thời trang chấp nhận. Christian Dior là nhà thiết kế đầu tiên đưa họa tiết da báo lên sàn diễn thời trang năm 1947. Các biểu tượng thời trang như Josephine Baker, Elizabeth Taylor, Jackie Kennedy và Edie Sedgwick đều đã từng mặc những trang phục mang họa tiết này.

Gwen Stefani trong bộ jumpsuit của L.A.M.B trên sân khấu ở New York

Trong những thập kỷ gần đây, có rất nhiều người nổi tiếng diện những bộ trang phục họa tiết da báo, như Beyoncé, Anna Wintour và Michelle Obama.

Mỗi mùa thời trang đi qua, lại có hàng loạt các tạp chí ca ngợi "sự trở lại của họa tiết da báo" trên sàn catwalk của các nhà thiết kế đến từ Balmain, Armani, Cavalli, Givenchy.

Beyonce mặc một chiếc váy da báo, biểu diễn trong chương trình ABC Good Morning tại Times Square, New York vào năm 2006

Họa tiết da báo gây ảnh hưởng theo nhiều hướng khác nhau vì nó không có bất cứ giới hạn nào cho sự sáng tạo.

Nó có thể được xem như là một màu trung tính, trông rất tuyệt vời khi đứng cạnh màu sắc táo bạo hơn, nhưng nó cũng hoàn toàn có thể nổi bật khi ở một mình.

Họ nhà Mèo là những sinh vật hoạt động về đêm, chúng nguy hiểm nhưng cũng đầy tinh nghịch. Tất cả các yếu tố đó đều được thể hiện trên những họa tiết, và trên người phụ nữ mặc nó.

Jacqueline Kennedy trong chuyến đi đến Ấn Độ và Pakistan mặc áo khoác da báo Oleg Cassini vào năm 1962

Weldon tin rằng xu hướng này sẽ càng phát triển hơn nữa.

"Trong tất cả các hình thức của nó - công phu, sang trọng, nổi loạn, sexy - họa tiết da báo đã tạo cho mình một vị thế không thể bị đánh đổ. Nó không thể bị từ chối, cho dù bạn thích nó hay ghét nó. Đó là lý do tại sao nó vẫn rất nổi bật trong thời trang nói riêng và văn hóa đại chúng nói chung".

Theo: CNN

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.