• Về đầu trang
Ngọc Vân
Ngọc Vân

x: 20 bức ảnh động vật hoang dã mà nhiếp ảnh gia đã phải ‘liều mình’ để chụp

Nhiếp ảnh

Andrey Gudkov là một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã người Nga. Anh thường xuyên có những chuyến thám hiểm đến các vùng đất xa xôi và nguy hiểm tại Indonesia và châu Phi như Borneo, Zambia, đảo Rinca.

Gudkov chia sẻ:

“Vào cuối những năm 80, lần đầu tiên tôi cầm trên tay tờ National Geographic và nó như một cú sốc văn hóa. Những bức ảnh quá tuyệt vời khiến tôi nghĩ chúng thậm chí không có thực. Loạt ảnh như dẫn tôi vào một câu chuyện cổ tích. Bởi vậy, ngay khi có cơ hội, tôi đã mua thiết bị chuyên nghiệp, xách ba lô lên để biến ước mơ đó trở thành hiện thực”.

Gudkov được truyền cảm hứng từ nhiều nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nổi tiếng.

"Chụp động vật hoang dã là thể loại mà tôi luôn theo đuổi. 'Người thầy' của tôi là album của các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nổi tiếng thế giới: Steve Bloom, Franz Lanting, Michael Poliza,.. Các tác phẩm của họ đã truyền cảm hứng và cho tôi động lực để sáng tạo. Từng chút một, thử và sai, tôi dần định hình phong cách của riêng mình. Ban đầu, mọi thứ có vẻ đơn giản. Nhưng càng dấn thân, tôi càng nhận ra thể loại này rất khó và kiến thức mình cần học là vô tận”.

Chụp động vật hoang dã là vô cùng khó khăn vì người chụp phải có sự chuẩn bị đặc biệt và thật sự kiên nhẫn. Chưa kể đến việc đầu tư tài chính cho các thiết bị chụp ảnh và điều kiện làm việc không quá hoàn hảo có thể khiến nhiều người nản chí.

“Chụp ảnh động vật hoang dã trong môi trường sống tự nhiên là một thể loại nhiếp ảnh rất phức tạp, đặc thù, đòi hỏi người chụp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tính cách đặc biệt. Không chỉ đầu tư tài chính, nhiếp ảnh gia còn cần giải quyết các thủ tục để được chụp ảnh: thư gửi các quan chức, giám đốc vườn quốc gia, mua giấy phép chụp ảnh,...

Ngoài ra, bạn phải hết sức kiên nhẫn và thận trọng, bởi vì chụp ảnh một con vật mà không tìm hiểu nghiêm túc trước về nó là điều gần như bất khả thi. Đôi khi, bạn thậm chí phải dành đến 6,7 tháng để sẵn sàng cho một chuyến thám hiểm chỉ trong 3, 4 ngày, với cường độ làm việc 24 giờ liên tục cùng điều kiện sống tồi tàn”, vị nhiếp ảnh gia này chia sẻ.

Nếu chụp ảnh ở khu vực nhiệt đới, hãy chuẩn bị mọi phương án phòng tránh cho các bệnh nhiệt đới. Thêm nữa, bạn có thể sẽ phải dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ 15km trong các khu rừng có độ ẩm lên tới 100%, với 20kg hành lý sau lưng. Chính bởi điều kiện khắc nghiệt như vậy, nhiều người đã từ bỏ khi mới chỉ bắt đầu bước trên con đường này.

Gudkov tin rằng không có con vật nào đẹp hay xấu: “Theo tôi, điều quan trọng nhất là tìm ra đặc điểm riêng của con vật và cố gắng truyền tải chúng qua bức ảnh. Đôi mắt của con vật là một chi tiết rất quan trọng: Kinh ngạc và sợ hãi, dịu dàng và quan tâm, phẫn nộ, thờ ơ, bối rối… tất cả đều được thể hiện qua đôi mắt những cư dân của thế giới tự nhiên”.

Gudkov cho rằng nhiệm vụ của mỗi nhiếp ảnh gia động vật hoang dã là giúp mọi người nhận thấy những loài động vật tuyệt đẹp này đang dần biến mất.

“Trong vài năm qua, tôi đã đến thăm nhiều địa điểm xa xôi, nơi thiên nhiên vẫn còn lưu giữ vẻ đẹp nguyên sơ, chưa bị tác động bởi con người. Những nơi như vậy rất hoang sơ, địa hình hiểm trở. Ở đây, tiền không có giá trị. Và đó là điều kiện cho phép nhiều loài động vật được an toàn. Thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi và nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia động vật hoang dã là cố gắng thể hiện và gây ấn tượng với mọi người về những vẻ đẹp đang biến mất, vẻ đẹp hiếm có và sự đa dạng của các loài sinh vật trên thế giới."

Theo: boredpanda
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.