• Về đầu trang
Spock
Spock

Lần lại lịch sử qua 20 bức ảnh có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại (Phần 2)

Lịch sử

Người đàn ông trên Mặt Trăng (A Man on the Moon)

Chụp bởi Neil Armstrong, NASA vào năm 1969

Giữa khoảng không tối đen, lạnh lẽo của vũ trụ, Buzz Aldrin đã tạo ra một dấu ấn nhỏ bé của lên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Và gần một nửa thế kỉ trôi qua, dấu mốc vĩ đại của loài người trong việc chinh phục vũ trụ vẫn còn nguyên vẹn, cùng những miệng núi lửa trên mặt vệ tinh tự nhiên nhỏ bé của Trái Đất.

time 100 influential photos neil armstrong nasa man moon 64

Với Adrin, trở thành người thứ hai đặt chân lên mặt trăng, sau Neil Amstrong là không quan trọng, khi mà chính ông cũng tự tạo ra một khoảnh khắc để đời cho chính mình.

Trong chiếc máy ảnh 70mm hiệu Hasselblad của Neil Amstrong, bức ảnh nổi tiếng nhất lại chính là hình Aldrin nhìn vào thế giới khắc nghiệt, tăm tối của nơi này một cách đầy hạnh phúc. Cánh tay của Aldrin cũng gập lại vào người, như một cách ông kiểm tra lại những gì mà phi hành đoàn cần làm trong hành trình lịch sử của nhân loại này, lần đầu tiên đặt chân lên một hành tinh bên ngoài ngôi nhà Trái Đất của chúng ta.

Sự kinh hoàng của chiến tranh (The Terror of War)

Chụp bởi Nick Út vào năm 1972

Vào ngày 08 Tháng Sáu 1972, nhiếp ảnh gia của Associated Press là Nick Út tác nghiệp bên ngoài Trảng Bàng, khoảng 25 dặm về phía Tây Bắc của Sài Gòn ghi lại hình ảnh về việc lực lượng không quân miền Nam Việt Nam đã thả một quả bom napalm xuống ngôi làng bình yên này. Khi giương máy ảnh lên, ông trông thấy một nhóm trẻ em với binh lính cùng một bé gái không mặc đồ chạy về phía mình.

time 100 influential photos nick ut terror war 67

Lúc đó, Út tự hỏi, tại sao cô bé lại không mặc quần áo? Ngay lập tức, ông nhận ra rằng Kim Phúc, cô bé 9 tuổi đó đã bị trúng bom napalm. Ngay sau đó, Út kể lại: “Tôi lấy nước và đổ lên người cô bé. Cô bé lập tức hét lên, 'Nóng quá! Nóng quá!'. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, ông đã chuyển Phúc đến một cơ sở y tế của Mỹ để điều trị và cứu sống cô gái bé nhỏ với 30% da bên ngoài bị bỏng độ III.

Bức ảnh này của Út đã gây tác động mạnh mẽ về sự tàn bạo mà chiến tranh Việt Nam lên người dân ở đây, đồng thời làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc phát hành một bức hình có yếu tố khoả thân, khiến nhiều ấn phẩm, bao gồm cả tờ New York Times danh tiếng, cũng phải đi ngược lại chính sách của mình.

ap browne 07

Nhà sư tự thiêu của Malcolm Browne

2f7f7f70 3aa8 11e6 8bae 7b1ed490920e

Vụ xử tử ở Sài Gòn của Eddie Adams

Cùng hai tấm hình khác Vụ Xử tử ở Sài Gòn của Eddie Adams và Nhà sư tự thiêu của Malcolm Browne về chiến tranh Việt Nam, tấm ảnh của Nick Út như giọt nước tràn li, thổi bùng hơn nữa làn sóng phản đối cuộc chiến vô nhân đạo mà Mỹ đang tham gia.

Năm 1973, ủy ban giám khảo báo chí Pulitzer đã đồng ý và trao giải thưởng nhiếp ảnh cho ông và cũng cùng năm đó, Mỹ đã chấm dứt sự can thiệp của mình vào cuộc chiến này.

Thoát hiểm (Fire Escape Collapse)

Chụp bởi Stanley Forman vào năm 1975

Vào ngày 22 tháng 7 năm 1975, Stanley Forman, vẫn đang làm việc phía trong tòa soạn của tờ Boston Herald American thì bất ngờ nhận được một cuộc gọi về vụ cháy trên đường Marlborough. Ông chạy như bay đến hiện trường và trông thấy một phụ nữ và đứa con đang mắc kẹt ở tầng năm, khu vực cầu thang thoát hiểm. "Đột nhiên ngọn lửa lan cả ra phía ngoài" ông nhớ lại, khiến cho cả Diana Bryant, người mẹ 19 tuổi trong hình và con gái 2 tuổi là Tiare Jones, rơi ra khỏi ban công.

time 100 influential photos stanley forman fire escape collapse 70

“Tấm hình được chụp khi hai mẹ con rơi từ trên cao xuống, và tôi đã quay đi ngay sau đó. Những viễn cảnh sau đó làm tôi bị ám ảnh, và tôi không thể nhìn lại”. Sau cú ngã này, người mẹ đã qua đời khi lấy mình làm đệm đỡ cho con.

Chính sự kinh hoàng và bất lực hiện lên trong ánh mắt người mẹ khi đó đã đem lại cho Pulan một giải Pulitzer và khiến cho cánh lãnh đạo phải có những biện pháp tốt hơn để bảo đảm an toàn cho cư dân. Nhưng bên cạnh đó, bức ảnh trên của ông cũng gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức trong việc nên hay không chia sẻ các bức hình thảm họa kiểu này.

Người đàn ông vô danh (Tank Man)

Chụp bởi Jeff Widener vào năm 1989

Vào sáng ngày 5 tháng 6 năm 1989, nhiếp ảnh gia Jeff Widener của Associated Press đang ngồi làm việc tại một ban công tầng sáu của khách sạn Bắc Kinh. Đó là một ngày sau sự kiện Thiên An Môn, khi quân đội Trung Quốc tiến hành đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ ngồi ở khu vực quảng trường, và Widener được gửi để ghi lại hậu quả.

Khi ông chụp hình các thi thể nạn nhân đẫm máu, những chiếc xe bus bị thiêu rụi thì một đoàn xe tăng bắt đầu lăn bánh ra khỏi quảng trường. Windener điều chỉnh lại ống kính của mình khi nhìn thấy một người đàn ông mang theo chiếc túi giấy mua hàng, chặn đầu đoàn xe tăng và đứng im tại đó.

time 100 influential photos jeff widener tank man 81

Những chiếc xe tăng tìm cách đi vòng qua người đàn ông, nhưng hễ mỗi lần chiếc xe chuyển chỗ, anh lại tiến đến và ngăn chặn đà di chuyển này. Widener lo rằng người đàn ông sau đó sẽ bị giết, nhưng may mắn, nòng súng đã không nổ.

Cuối cùng, người đàn ông đã bị dẫn đi nơi khác, ngay sau khi Widener chụp lại sự phản đối bất bạo động này của anh. Bức ảnh đã ngay lập tức lên trang nhất của AP cùng nhiều tờ báo khác trên thế giới trong nhiều tuần sau đó. Thế nhưng đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định danh tính của người đàn ông trong ảnh. Sự vô danh đã khiến hình ảnh anh trở thành một biểu tượng cho tinh thần phản kháng đối với những điều bất công ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Bộ mặt của dịch AIDS (The Face of AIDS)

Chụp bởi Therese Frare vào năm 1990

Bức hình này ghi lại khoảnh khắc người đàn ông 32 tuổi David Kirby được chết yên bình trong vòng tay gia đình trên giường bệnh của mình. Cái chết của anh trong bức ảnh này còn hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn là sự đau đớn mà căn bệnh khủng khiếp này mang lại.

Được xuất bản trên tờ LIFE năm 1990, bức hình khiến cho nhận thức về căn bệnh AIDS càng thêm sâu đậm trong tâm trí đại chúng, rằng sức phá hủy của chúng không chỉ dừng lại ở mỗi người bệnh, mà còn cả gia đình và cộng đồng của họ.

time 100 influential photos therese frare face aids 83

Vào năm 1992, hãng thời trang Benetton đã sử dụng phiên bản ảnh màu từ bức hình này của Frare trong loạt các quảng cáo gây tranh cãi. Trước làn sóng phản đối từ phía dư luận, chính gia đình của Kirby lại đồng ý cho sử dụng nó, tin rằng quảng cáo giúp nâng cao nhận thức về AIDS vào khi mà căn bệnh vẫn chưa thể được kiểm soát và các nhà chức trách vẫn chạy đua với thời gian để tìm ra thuốc chữa bệnh. “Chúng tôi chỉ cảm thấy đã đến lúc mọi người cần phải nhìn thấy sự thật về AIDS,” mẹ của Kirby, Kay nói. Đã gần 30 năm trôi qua, mong muốn của Kay đã thành sự thật.

Đứa trẻ chết đói và con kền kền (Starving Child and Vulture)

Chụp bởi Kevin Carter vào năm 1993

Là một thành viên của Bang-Bang Club, một nhóm bốn nhiếp ảnh gia đã dũng cảm ghi chép về lại thời kỳ phân biệt chủng tộc Nam Phi, cuộc đời Kevin Carter luôn tràn ngập những khoảnh khắc đau khổ và chết chóc.

Năm 1993, ông bay tới Sudan để ghi lại thông tin về nạn đói tại những ngôi làng ở đây. Sau khi đến thăm làng Ayod, ông lập tức núp vào một bụi cây ở gần đó. Tại nơi ấy, ông đã nghe thấy tiếng rên rỉ và bắt gặp một đứa trẻ sơ sinh thiếu ăn gục ngã trên đường đến một trung tâm hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

time 100 influential photos kevin carter starving child vulture 87

Ngay khi Carter chụp được tấm hình của đứa trẻ, một con kền kền đói đã ngay lập tức hạ cánh gần “con mồi” của mình. Với khuyến cáo không nên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Carter đã dành ra 20 phút sau đó để chờ đợi với hy vọng rằng con chim rình mò sẽ bay đi. Nhưng ngược lại với tính toán của mình, con vật vẫn tiếp tục ở đó khiến ông phải đuổi nó đi và quan sát đứa trẻ bò về phía trung tâm. Rồi ông châm một điếu thuốc, thầm nói chuyện với Chúa và khóc.

Tờ The New York Times sau đó đã đưa hình ảnh của Carter lên trang nhất mặt báo. Những độc giả của tờ báo vô cùng tò mò về chuyện xảy ra sau đó với đứa trẻ, đồng thời chỉ trích Carter vì đã không ra tay giúp đỡ. Áp lực dư luận khiến Carter phải tự sát vào tháng 7 năm 1994. Trước khi chết, ông đã viết như sau: "Tôi bị ám ảnh bởi những kí ức sống động của sự chết chóc, những cái xác vô hồn, cơn giận dữ và cả nỗi đau”. Còn nhân vật chính của bức ảnh thì vẫn còn sống tới tận 14 năm sau đó, rồi qua đời vì căn bệnh sốt rét.

Người đàn ông rơi tự do (Falling Man)

Chụp bởi Richard Drew vào năm 2001

time 100 influential photos richard drew falling man 92

Khác với những hình ảnh về đống tàn tích còn lại sau vụ khủng bố ngày 11/9, bức hình của Richard Drew lại lấy trung tâm là một người đàn ông vô danh quăng mình khỏi tòa nhà đang đổ sụp trong sự vô vọng.

Bức hình sau đó đã được xuất bản trên tất cả các mặt báo của Mỹ nhưng phản ứng dữ dội vì tính nhạy cảm của nó từ các độc giả khiến nó tạm thời phải bị gỡ xuống. Nhiều người cho rằng người trong ảnh là một nhân viên tại nhà hàng Windows on the World, nằm trên đỉnh tháp phía Bắc. Trong khi danh tính của anh vẫn còn là một dấu hỏi, thì chính anh lại trở thành linh hồn cho biểu tượng Người lính bất đắc dĩ, ngã xuống trong các cuộc chiến và mãi bất tử trong lòng người.

Gorilla ở Congo (Gorilla in the Congo)

Chụp bởi Brent Stirton vào năm 2007

Trong bức ảnh, chú khỉ đột lưng bạc Senkwekwe bị trói vào chiếc cáng tre, rất nhiều người đàn ông phải dồn sức vất vả để khiêng chú đi. Ước tính Senkwekwe nặng ít nhất 500 pounds.

Nhiếp ảnh gia Brent Stirton đã chụp cảnh tượng này khi đang ở Công viên quốc gia Virunga ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Thật không may, Senkwekwe và nhiều con khỉ đột khác đã bị bắn chết trong một cuộc xung đột bạo lực diễn ra trong công viên, nơi sinh sống của hơn một nửa khỉ đột núi đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp của thế giới.

Thời điểm năm 2007 là lúc mà công viên đang nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm người chuyên khai thác than và gỗ trái phép, khiến những người kiểm lâm không còn cách nào khác là đưa những con vật ra khỏi nơi sinh sống của nó.

time 100 influential photos brent stirton gorilla congo 96

Trong bức ảnh, Senkwekwe chính là một lời nhắc nhở rằng những cuộc xung đột ở Trung Phi đã không chỉ ảnh hưởng con người, mà còn phá hủy môi trường sống của những loài động thực vật gần đó.

Ba tháng sau khi bức ảnh của Stirton được phát hành trên tờ Newsweek, chín quốc gia châu Phi - bao gồm Congo - đã ký một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo vệ khỉ đột núi ở Virunga.

Tấm selfie để đời ở lễ trao giải Oscar (Oscars Selfie)

Chụp bởi Bradley Cooper vào năm 2014

Vào thời điểm mà lễ trao giải Oscar danh giá năm 2014 đang đi được nửa chặng đường, người dẫn chương trình nổi tiếng Ellen DeGeneres đã hòa vào đám đông và cùng với những ngôi sao đang có mặt ở đó là Bradley Cooper, Meryl Streep, Brad Pitt, Jennifer Lawrence và Kevin Spacey, để chụp làm một bức selfie.

Sau khi Cooper chụp ảnh, DeGeneres đã ngay lập tức đăng lên Twitter. Tại đây , bức hình được retweet đến 3 triệu lần, nhiều hơn bất kỳ bức ảnh nào khác trong lịch sử, đồng thời tạo ra một thay đổi quan trọng đến bộ mặt của Hollywood và ngành công nghiệp giải trí.

time 100 influential photos ellen degeneres oscars selfie 100

Bức hình chính là một phần của màn lội ngược dòng ngoạn mục trên thị trường của Samsung. Hãng sau đó đã tiết lộ cho báo chí biết, giá trị của bức hình đã lên đến 1 tỷ USD. Với tốc độ chia sẻ đáng kinh ngạc và sự dễ dàng với trong cách tiếp cận thông tin, mọi chuyện đều có thể xảy ra trong thời công nghệ số.

Alan Kurdi

Chụp bởi Nilüfer Demir vào năm 2015

Cuộc chiến ở Syria đã kéo dài trong suốt bốn năm liền. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn căng thẳng, cha mẹ của cậu bé 3 tuổi Alan Kurdi đã đưa cậu và anh trai 5 tuổi của cậu lên một chiếc thuyền phao và và để nó trôi dạt từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Kos của Hy Lạp cách đó ba dặm. Chỉ vài phút sau khi ra khơi, một cơn sóng đã làm lật úp chiếc thuyền, người mẹ và cả hai đứa con trai trên thuyền đều chết đuối.

Một vài giờ sau đó, Nilufer Demir của Cơ quan tin tức Dogan đã tìm thấy thi thể của Alan trong tư thế nằm sấp, mặt quay sang một bên, như thể đứa trẻ vẫn còn đang ngủ ở trên bờ biển Bodrum. “Thật chẳng còn làm được nữa. Không có cách gì khiến đứa bé sống lại được” - cô nói. Và rồi Demir nhấc máy ảnh lên. "Tôi nghĩ, đây là cách duy nhất để tôi lan tỏa tiếng nói từ thân xác lặng im của cậu."

tai xuong

Bức hình của Demir xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông chỉ vài giờ sau đó, và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Các tổ chức tin tức buộc phải xuất bản nó, hoặc công khai nói “không” để bảo vệ chính sách thông tin bảo thủ của mình. Chính phủ nhiều quốc gia châu Âu cũng buộc phải mở những biên giới bị đóng cửa suốt thời gian dài bị cấm vận, đón chào hàng loạt con tàu chờ theo người tị nạn từ Syria. Sức lay chuyển to lớn mà cậu bé 3 tuổi mang lại đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của nhiều nước châu Âu cho đến tận bây giờ.

Theo: TIME
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.