• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Thí nghiệm Rosenhan: Liệu những bệnh nhân giả điên có thể đánh lừa được bác sĩ tâm lý?

Khám phá

Vào năm 1973, một nghiên cứu mang tên Being Sane in Insane Places được phát hành đã làm chấn động giới tâm lý học.

Bị điên là thế nào? Bất ổn là thế nào? Những chẩn đoán từ các bệnh viện chuyên nghiệp có thật sự đáng tin khi nói đến những căn bệnh tâm lý?

Nhà tâm lý học, tiến sĩ David Rosenhan từ Đại học Stanford từ lâu đã luôn cảm thấy bi quan về các chẩn đoán của các bệnh viện tâm lý. Nên vào năm 1969, ông đã đề xuất một thí nghiệm độc đáo để đi tìm sự thật.

Rosenhan và 7 người hoàn toàn bình thường cải trang thành những người bị điên và đăng ký khám bệnh ở nhiều bệnh viện khác nhau suốt từ năm 1969 đến năm 1972. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, khi đã vào được viện tâm thần, những người tham gia cố gắng cư xử như những người tâm lý bất ổn để xem liệu bác sĩ, y tá ở đó có nhận ra rằng họ đang diễn hay không.

Spoil: Không ai nhận ra cả.

Thí nghiệm Rosenhan bắt đầu với 8 người đăng ký khám bệnh ở 12 bệnh viện tâm thần trong 5 bang của Mỹ. Những bệnh nhân giả này bao gồm 3 nhà tâm lý học (trong đó có Rosenhan), 1 bác sĩ nhi khoa, 1 bác sĩ tâm thần, 1 họa sĩ, 1 bà nội trợ

Những người tham gia thí nghiệm lấy tên và nghề nghiệp giả để hẹn gặp các bệnh viện khám bệnh. Khi được hỏi về "tình trạng" của mình, họ sẽ nói những thứ đại loại như:

Dạo gần đây tôi hay nghe được những giọng nói bên trong đầu mình, chúng bảo rằng tôi trống rỗng, và không tồn tại (Ám chỉ đến một cuộc khủng hoảng hiện sinh)

Và tất cả những bệnh nhân sau khi gặp bác sĩ tại các bệnh viện đều đã được nhập viện mà không có một chút mảy may nghi ngờ nào.

Trong báo cáo được xuất bản vào năm 1973 về thí nghiệm này, Rosenhan đã nói rằng:

Ngay cả những người tham gia cũng không tin rằng họ lại được vào dễ dàng như vậy.

Being Sane in Insane Places - David Rosenhan, 1973.

Những bệnh nhân giả không những được vào một cách dễ dàng, mà 7 người trong số họ còn được chẩn đoán là mắc chứng Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder), với người còn lại bị chẩn đoán mắc chứng Hưng – Trầm Cảm/ Rối Loạn Lưỡng Cực (Manic-depressive psychosis).

Những gì họ làm chỉ là giả vờ mình đang bị ảo giác âm thanh (ảo thanh). Trong số những người tham gia thí nghiệm, không ai thật sự có triệu chứng bệnh tâm thần nào. Họ có thể miêu tả chi tiết toàn bộ cuộc đời mình, chỉ nói dối tên và nghề nghiệp, nhưng vẫn bị chẩn đoán với những hội chứng tâm thần rất nghiêm trọng.

Khi đã được nhận vào, những người tham gia hoàn toàn tự lo, không ai biết được khi nào thì các bác sĩ mới "chữa trị" họ xong và cho họ xuất viện, và cũng trong khoảng thời gian điều trị ở các viện tâm lý, không có bác sĩ hay nhân viên nào phát hiện ra họ đang giả bệnh.

Những ngày đầu khi thí nghiệm này mới được lên kế hoạch, lo lắng lớn nhất của Rosenhan là những người tham gia sẽ ngay lập tức bị lật tẩy là những kẻ giả mạo và sau đó sẽ bị vướng vào những rắc rối về pháp luật. Nhưng hóa ra đây thậm chí còn không phải là một thứ đáng để lo.

Các bác sĩ đều thất bại trong việc nhìn nhận rằng liệu những bệnh nhân mà họ đưa vào có thật sự tỉnh táo hay không, và không một ai trong những bệnh viện nảy sinh nghi ngờ với những người tham gia thí nghiệm. Ngay cả khi những bệnh nhân giả nói rằng họ không còn nghe thấy những tiếng nói trong đầu họ nữa, các bác sĩ vẫn cứ cương quyết rằng họ vẫn phải ở lại và điều trị thêm cho thấy sự cực kỳ tự tin với những chẩn đoán của họ.

Rosenhan kể rằng ông cũng dặn những người tham gia rằng ngoài việc giả điên, thì họ cũng nên cư xử đàng hoàng, tỉnh táo một chút trong bệnh viện, ví dụ như là viết nhật ký và nói chuyện với đội ngũ nhân viên một cách bình thường, và khi những y tá, bác sĩ ở các bệnh viện nhìn vào những hành vi này, họ vẫn xem đây là những hành động không ổn định.

Theo cách hiểu của Rosenhan, các bác sĩ và nhân viên y khoa cho rằng chẩn đoán của họ là chính xác và họ chỉ tập trung vào chẩn đoán đó, ngoài ra, họ cũng sẵn sàng chỉnh sửa và diễn giải những thứ họ quan sát được để cho chẩn đoán của họ có vẻ hợp lý hơn.

Vì những người này đang ở trong bệnh viện nên hẳn là họ đang gặp vấn đề về tâm lý. Vì họ đang gặp vấn đề về tâm lý, thì việc viết nhật ký hẳn là đang thể hiện bệnh tình của họ. Có thể đây là một trong những hành vi của những người thường mắc chứng tâm thần phân liệt.

Tương tự như vậy, một người tham gia đã miêu tả cuộc sống gia đình của ông theo cách chân thật nhất có thể: Ông có một mối quan hệ lành mạnh với vợ con, thỉnh thoảng đôi vợ chồng có cãi nhau vì những vấn đề nhỏ nhặt.

Con ông khi quá hư thì ông buộc phải đánh đứa bé. Và trong báo cáo của bác sĩ, họ nói rằng "Nỗ lực kiểm soát cảm xúc của người đàn ông này thường có một số lỗ hỏng được thể hiện thông qua việc đánh đập con cái và lạm dụng cảm xúc vợ mình".

Cùng một câu chuyện này, nhưng nếu loại bỏ đi yếu tố bệnh viện tâm thần thì chúng ta có thể rõ ràng thấy rằng đây là một gia đình hoàn toàn bình thường mà ai ai cũng có thể dễ dàng thấy được trong cuộc sống hằng ngày.

Những chẩn đoán này không hề xét đến sự lành mạnh cũng như lối sống của những người tham gia. Thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra. Từ những chẩn đoán sai lệch này mà các bác sĩ hình dung ra một lối sống không lành mạnh và đầy bạo lực.

Ngoài việc bấu víu vào những chẩn đoán của mình một cách bướng bỉnh, nhân viên bệnh viện thường đối xử rất lạnh lùng với bệnh nhân của họ. Tương tác với các y tá thường mang lại kết quả nhẹ nhất là họ không quan tâm, còn nặng nhất là những bệnh nhân bị bạo hành, lợi dụng. Những người tham gia thí nghiệm Rosenhan khi cố tỏ ra thân thiện với y tá thì thường chỉ nhận lại được những cái nhún vai hờ hững, đấy là nếu như họ còn thèm tương tác lại.

Nhưng thú vị ở đây là mặc dù dân chuyên trong ngành không thể phân biệt được đâu là điên, đâu là không điên, thì những người bệnh nhân khác hoàn toàn có thể phân biệt được. 35 trong số 118 bệnh nhân ở một bệnh viện đã cáo buộc những người tham gia rằng họ không thật sự có vấn đề tâm lý:

Bọn mày đâu có bị điên. Nhà báo hay giáo sư gì đây ?

Cho đến cùng, những bác sĩ cũng vẫn không hề nhận ra. Các bệnh nhân thường ở lại từ 7 đến 52 ngày sau đó xuất viện, nhưng thậm chí họ cũng không được xuất viện vì đã hết bệnh, họ được ra, vì các bác sĩ tin rằng "bệnh tình đang thuyên giảm nhưng có thể tái phát bất kỳ lúc nào".

Như Rosenhan đã viết:

Trong suốt thời gian tham gia thí nghiệm, đã không có bất cứ câu hỏi nào được đặt ra về tình trạng thật sự của những tình nguyện viên. Cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các bác sĩ nghi ngờ những bệnh nhân giả. Từ những bằng chứng này, chúng ta có thể kết luận rằng, một khi đã bị gắn mác là tâm thần, thì những bệnh nhân giả sẽ luôn bị nhìn nhận như vậy. Nếu họ có được xuất viện, thì cũng là vì tình trạng tâm lý họ đang cải thiện một chút, chứ không phải là đã hết bệnh hoàn toàn.

Đây là câu mở đầu cho kết luận của thí nghiệm này:

Rõ ràng là chúng ta không thể chỉ ra sự khác biệt giữa người điên và không điên trong các viện tâm thần

Rosenhan giả thuyết rằng việc các bệnh viện sẵn sàng nhận những người hoàn toàn bình thường có thể được giải thích như sau: Chẩn đoán sai một người đang mắc bệnh có nhiều hậu quả rõ ràng hơn là việc chẩn đoán sai một người bình thường. Nhưng không chẩn đoán đúng một người bình thường cũng có thể có hậu quả riêng của nó.

Dù là thế nào đi nữa thì kết quả của thí nghiệm Rosenhan cũng đã làm cho rất nhiều người sửng sốt vì sự không đáng tin của các viện tâm thần. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác đã chỉ trích Rosenhan vì thí nghiệm này. Họ nói rằng các bệnh nhân khi không thành thật khai báo tình trạng bản thân đã làm cho kết quả của thí nghiệm này trở nên thiếu chính xác và không hợp lệ để tham khảo. Nhưng cũng có những người khác đã tái hiện lại thí nghiệm Rosenhan và thu lại được kết quả tương tự.

Rosenhan không phải là người đầu tiên nhìn vào vấn đề này. Vào năm 1887, nhà báo Nellie Bly đã giả điên để vào một nhà thương điên. Kết quả của cuộc phiêu lưu này được bà ghi lại trong tác phẩm Ten Days in a Mad-House.

Bly cũng kết luận rằng có những người trong nhà thương điên đang hoàn toàn tỉnh táo, nhưng cũng bị gửi vào đây. Khám phá này của Bly dẫn đến một cuộc điều tra lớn do bồi thẩm đoàn của thành phố tổ chức, họ cố gắng làm cho những cuộc kiểm tra tâm lý kỹ lưỡng hơn để đảm bảo rằng những người bình thường sẽ không bị nhầm lẫn nhận vào bệnh viện.

Gần một thế kỷ sau, Rosenhan tiếp tục chứng minh điều tương tự, nói rằng ngành tâm lý học còn một quãng đường dài nữa mới có thể thật sự phân biệt giữa người điên và không điên.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.