• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm mà nó đã trở thành hiện thực mất rồi

Thiên nhiên

Trong nhiều năm qua, biến đổi khí hậu luôn là hiện tượng được cả thế giới quan tâm, và mỗi quốc gia đều nổ lực để ngăn chặn hoặc làm chậm đi những tác động của biến đổi khí hâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về hậu quả khôn lường mà biến đổi khí hậu đang âm thầm gây ra trên hành tinh của chúng ta.

11 bức ảnh dưới đây là 11 nhân chứng cho thấy biến đổi khí hậu "tàn nhẫn" như thế nào.

1. 1000 tỷ tấn băng tan ở Greenland

Số liệu mới nhất của Cơ quan vũ trụ châu Âu cho biết, đảo Greenland mất 1000 tấn băng chỉ trong vòng 4 năm do tác động của biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn từ năm 2011-2014, 1000 tỷ tấn băng ở đây tan chảy, khiến cho mực nước biển toàn cầu dâng thêm 0,75mm mỗi năm. Mực nước biển dâng lên sẽ gây nguy cơ đất liền bị nhấn chìm trong đại dương. Kể từ năm 1900, băng tan ở Greenland và Bắc Cực đã làm mực nước biển dâng lên 20cm.

Những vết loang lổ do băng tan thay đổi rõ rệt chỉ trong vòng 2 năm

2. Hồ nước mặn Urmia của Iran chuyển màu đỏ như máu

Hình ảnh thu được từ về tinh cho thấy hồi tháng 4/2016, nước hồ Urmia vẫn mang màu xanh lục nhưng đến tháng 7/2016, hồ đã chuyển màu đỏ thẫm như máu. Theo Trạm quan sát Trái Đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, rất có thể tảo là nguyên nhân khiến nước hồ chuyển màu. Do biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, cùng việc xây đập và bắc cầu trên những con sông đưa nước vào hồ như hiện nay, Urmia có thể không bao giờ xanh trở lại.

Chỉ từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2016, hồ Urmia đã chuyển thành màu máu đỏ trên hình ảnh vệ tinh

3. Cháy rừng ở Canada năm 2016

Vụ cháy rừng lịch sử ở Canada đã thiêu rụi 500.000 hecta rừng và phá hủy 2.400 ngôi nhà ở tỉnh Alberta. Do biến đổi khí hậu, hậu quả của những trận cháy rừng càng khủng khiếp hơn. Không chỉ Canada, vào năm 2017 Mỹ cũng hứng chịu cháy rừng khiến nhiều môi trường tự nhiên gần như biến mất hoàn toàn. Tình trạng nóng lên toàn cầu khiến môi trường trong những khu rừng tự nhiên ngày càng nóng và khô. Nhiệt độ tăng cũng làm cho mùa tuyết tan đến sớm hơn bình thường, gây hậu quả là mặt đất bị khô trong thời gian dài - điều kiện thuận lợi khiến lửa bén.

500.000 hecta rừng biến mất chỉ sau một trận cháy kinh hoàng

4. Hồ Poopó ở Bolivia bỗng dưng mất tích

Hồ Poopó nằm tại một lòng chảo của cao nguyên Altiplano, ở độ cao khoảng 3.700 mét và diện tích bề mặt khoảng 1.000 km vuông, nhưng có độ sâu chỉ khoảng 3m và tại một khu vực tương đối khô cằn. Những điều kiện tự nhiên này khiến hồ Poopó rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Và tình trạng khí hậu trở nên khô nóng khiến nước trong hồ bốc hơi, tuy đây không phải là lần đầu nước trong hồ bốc hơi (lần gần nhất vào năm 1944). Nhưng với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, có thể nước trong hồ sẽ biến mất vĩnh viễn.

5. Sông băng ở Greenland biến mất

Băng tan ở những sông băng lớn nhất thế giới đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần tưởng tượng của con người. Khi Greenland mất đi toàn bộ lớp băng của nó thì mực nước biển sẽ tăng khoảng 7 mét, cao hơn mức hiện nay. 7 mét nước biển có thể nhấn chìm bất cứ quốc gia ven biển nào, hay thậm chí là toàn bộ đất liền. Kịch bản như vậy dĩ nhiên sẽ không đến đột ngột, nhưng với biến đổi khí hậu, chắc chắn Trái Đất sẽ chứng kiến điều này xảy ra.

6. Hạn hán tấn công hồ chứa nước lớn nhất nước Mỹ

Mỹ từng gặp đợt hạn hán nghiêm trọng nhất năm 1956, thời điểm này có đến 58% lãnh thổ nước Mỹ bị khô hạn. Tại các bang ở Trung, Tây nước Mỹ, nhiều ao hồ cạn kiệt nước, các cánh đồng khô cằn. Ngay cả thể tích con sông dài nhất nhì thế giới Mississippi cũng hạ xuống mức thấp hiếm thấy.

7. Sông băng ở Peru tan chảy

Sông băng trên núi Huaytapallana ở Peru đã bị tan chảy và diện tích giảm xuống còn một nửa (5 km vuông) chỉ trong vòng 23 năm. Ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã làm rất nhiều sông băng đứng trước nguy cơ tan chảy vĩnh viễn.

8. Sụt giảm nguồn nước hồ Powell

Hồ Powell bị sụt giảm nguồn nước nghiêm trọng do hạn hán kéo dài. Đây là hồ nước trải dài biên giới giữa bang Utah và Arizona, Mỹ. Những hình ảnh do NASA cũng cấp cho thấy phần phía bắc của hồ đã trở thành hố sâu, hẹp, uốn khúc. Mực nước của hồ giảm mạnh chỉ sau 5 năm.

9. Hồ nước ở Haiti và Cộng hòa Dominican

Mưa lớn và lũ lụt kéo dài ở khu vực này đã gây sạt lỡ và khiến mực nước hồ tự nhiên lớn hơn sau vài năm.

10. Sông băng ở Alaska tan chảy

Sông băng Alaska cũng không tránh khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Các sông băng ở đây và vùng láng giềng Canada bao phủ khoảng 90.000 km2, chiếm 1/8 toàn bộ diện tích sông băng núi cao của trái đất. Sông băng Alaska tan nhanh đột ngột là báo động khẩn cấp về tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến nhiều vùng trên Trái Đất.

11. Sông băng Nam Cực bị thu hẹp diện tích

Sông băng Totten ở thềm băng Đông Nam Cực đang tan chảy từ dưới đáy. Điều này đồng nghĩa với việc mực nước biển toàn cầu sẽ tăng lên hơn 3,4m trong tương lai. Thực trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến những cơn gió mạnh hơn trên Nam Đại Dương, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tan chảy của sông băng Totten, khiến băng tan nhanh hơn.

Theo: Bright Side
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.