• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Con người nên ngừng làm hại các loài động vật, hoặc đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra

Thiên nhiên

Cuối tuần qua, bốn con hổ ở vườn thú Bronx đã được xét nghiệm dương tính với Covid-19. Sự lây nhiễm kỳ ​​lạ này đã đặt ra câu hỏi về việc truyền bệnh từ người sang thú và ngược lại. Có phải những con hổ được nuôi nhốt trong vườn thú này nhiễm virus từ sự tiếp xúc của con người? Những con hổ có thể lây nhiễm ngược lại cho con người không? Làm thế nào chúng ta có thể hạn chế sự lây lan virus giữa người với động vật?

Cho đến thời điểm này, chúng ta không biết chính xác làm thế nào mà những con hổ nhiễm Coronavirus, nhưng chúng ta xác định được rằng đó là một hình thái bệnh "Zoonotic", nghĩa là nó gây ra bởi vi khuẩn, ký sinh trùng, hoặc trong trường hợp này là loại virus lây lan từ động vật sang người. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng để hạn chế sự lây lan của virus, chúng ta nên ngừng gây rối với môi trường sống tự nhiên của những giống loài khác.

Chuồng hổ ở sở thú Bronx được phun thuốc khử trùng.

Theo báo cáo mới nhất trên tạp chí khoa học Royal Society B, các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ virus lây lan sang người từ động vật tăng lên khi chúng ta khai thác động vật hoang dã thông qua các hoạt động sử dụng đất, nông nghiệp và săn bắn.

Tác giả chính của nghiên cứu Christine Kreuder Johnson - Giám đốc dự án của USAID PREDICT, kiêm giám đốc của tổ chức EpiCenter nghiên cứu về Bệnh động lực học tại Viện Sức khỏe Đại học California cho biết trong một tuyên bố:

Sự lan truyền virus từ động vật là kết quả trực tiếp bởi các hành động của chúng ta, liên quan đến động vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Hậu quả là bọn thú đã chia sẻ virus của chúng với loài người.

Hẳn là bạn đọc vẫn nhớ rằng đại dịch do Covid-19 liên quan mật thiết đến các loài thú hoang dã như dơi và tê tê được bán tại chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi đây cũng bày bán hàng chục loại thịt rừng từ động vật hoang dã khác. Đây chính là ví dụ xác thực nhất cho việc con người đã tự hại chính mình khi can thiệp vào cuộc sống của các loài động vật.

Chợ bán các loại thịt rừng ở Vũ Hán, nơi tìm được hàng trăm loài động vật hoang dã bị săn bắt và bán lậu.

Mang động vật ra khỏi môi trường sống tự nhiên có thể làm chúng căng thẳng, điều này làm tăng nguy cơ những sinh vật đó sẽ truyền bệnh. Và khi con người dành thời gian xung quanh những con vật bị căng thẳng đó, bất kể là ở trong trang trại hay khi đi săn bắn, chúng ta có nguy cơ rất cao là sẽ bị lây nhiễm virus.

Các nhà khoa học đã xác định được 142 trường hợp mà virus từ động vật lây lan sang người. Sau đó, bằng cách sử dụng Sách Đỏ về các loài bị đe dọa của Liên minh quốc tế, họ đã dựng lại được mô hình lây nhiễm theo cách mà những loài đó bị ảnh hưởng bởi hành động của con người. Nghiên cứu đã tìm ra một nửa số bệnh mới mà động vật truyền sang người kể từ sau năm 1940, thông qua săn bắn, buôn bán và suy thoái môi trường sống.

Việc săn bắn, chặt phá rừng làm thu hẹp phạm vi sinh sống của thú hoang cũng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các loài động vật có vú được thuần hóa bao gồm cả vật nuôi như bò và lợn, thú cưng như mèo và chó là những loài chứa nhiều virus nhất có thể lây nhiễm cho người. Trên thực tế, những loài sinh vật này mang số lượng virus cao gấp 8 lần so với các loài động vật có vú hoang dã. Bên cạnh đó, một số động vật hoang dã thích nghi tốt với nền văn minh của loài người và thường sống ở các trung tâm đô thị, chẳng hạn như loài gặm nhấm, dơi và linh trưởng, cũng thường mang các kiểu bệnh zoonotic.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trong số các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng, virus phổ biến hơn nhiều ở những loài có môi trường sống bị con người trực tiếp phá hủy hoặc làm cho suy thoái. Động vật hoang dã có quần thể suy giảm do săn bắn, buôn bán và chiếm đóng của con người có khả năng mang virus gây bệnh cao gấp hai lần so với những loài bị đe dọa vì những lý do khác, chẳng hạn như khí hậu thay đổi.

Một trong những ví dụ của trường hợp này là tê tê (pangolin) - loài vật hoang dã bị săn bắn và tàn sát nhiều nhất thế giới, virus Corona tìm thấy trên tê tê giống với chủng mới đang giết hại loài người đến 99%. Tê tê cũng là loài bị giết hại để phục vụ cho thói quen ăn uống thiếu khoa học của một bộ phận lớn người Trung Quốc và Việt Nam, trên thực tế, Việt Nam là điểm trung chuyển, buôn lậu tê tê hàng đầu thế giới.

Tê tê là loài động vật hoang dã chứa virus Corona giống chủng mới ở người đang gây đại dịch toàn cầu đến 99%.

Christian Walzer, giám đốc điều hành của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã cho biết:

Nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét lại mối quan hệ của chúng ta với động vật hoang dã, quan trọng nhất là các khu vực tiếp xúc giữa chúng và chúng ta. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mới về cách bảo tồn các loài động vật và môi trường tương ứng của chúng có thể tạo ra các tác động tích cực về sức khỏe trên toàn cầu, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai.

Theo: Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.