• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Muôn vàn kiểu ngủ trong thế giới động vật

Thiên nhiên

Với con người, giấc ngủ là một điều cần thiết, bí ẩn và xa xỉ. Jerome Siegel, nhà tâm thần học tại Đại học California, Los Angeles, cho biết hầu hết các loài động vật đều cần ngủ, nhưng giấc ngủ của mỗi loài đều có điểm khác nhau. Sự khác nhau này có thể đến từ thời lượng, độ sâu hoặc cách trí não hoạt động trong khi ngủ.

Chu kì ngủ

Con người và nhiều loài vượn lớn khác có thói quen ngủ một giấc trong ngày. Thời lượng của giấc ngủ này thường kéo dài khá lâu, tùy theo độ tuổi và điều kiện sức khỏe. Nhưng trung bình, một người lớn hoặc một con đười ươi ngủ khoảng 8 tiếng một ngày, với khỉ đột là 12 tiếng.

Một số loài linh trường và hầu hết động vật có vú khác có giấc ngủ ngắn và diễn ra theo nhiều giai đoạn ngủ suốt 24 giờ. Chẳng hạn như chu kì ngủ ở chó cách nhau mỗi 83 phút, tổng thời gian ngủ một ngày ít nhất là 10,5 giờ.

Loài vượn lớn có thể ngủ lâu như vậy là vì chỗ ngủ của chúng thoải mái hơn. Trong khi nhiều anh em họ khỉ khác phải luôn giữ thăng bằng khi ngủ trên những ngọn cây, loài vượt lớn do cơ thể quá cỡ, ngọn cây không thể chịu được sức nặng của chúng buộc chúng phải tìm kiếm chỗ ngủ khác dưới mặt đất, rộng rãi và an toàn hơn. Nhờ vậy, chúng có thể yên tâm ngủ mà không lo rơi xuống đất hoặc bị làm phiền bởi những con khác trong đàn.

Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy, đười ươi luôn ngủ ngon hơn người anh em khỉ đầu chó của chúng và sau mỗi giấc ngủ, trí não của chúng cũng trở nên nhanh nhạy hơn.

Ngủ với một nửa bộ não

Một nửa bộ não tỉnh táo, trong khi nửa kia đang chìm vào giấc ngủ là cách để cá heo vừa ngủ với một mắt mở, vừa cảnh giác những kẻ săn mồi đại dương.

“Về cơ bản, cá heo cảnh giác suốt 24 giờ một ngày, và trong suốt quãng đời của chúng.” Siegal nói.  

Ngoài cá heo, cá voi, hải cẩu, lợn biển và một số loài chim cũng có kiểu ngủ này. Đây được gọi là giai đoạn giấc ngủ REM (Rapid eye movement/giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh) không xảy ra.

Giấc ngủ REM là giai đoạn não hoạt động mạnh mẽ nhất, nhịp thở nhanh hơn và đa số cơ bắp đều tê liệt tạm thời.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giấc ngủ REM có tác động rất lớn đến khả năng ghi nhớ và học tập. David Raizen, nhà thần kinh học tại Đại học Pennsylvania, cho biết cá heo rất thông minh mặc cho không bao giờ trải qua giấc ngủ REM, bởi vì nếu cơ thể chúng tê liệt giống động vật trên cạn, chúng sẽ chìm xuống đáy đại dương và chết đuối.

Trong khi đó, hải cẩu linh hoạt hơn khi ngủ với một bên não khi đang bơi và ngủ hoàn toàn, giống con người khi ở trên cạn.

Một số loài chim cũng có thể bay khi ngủ nhờ đặc điểm tương tự.

Có phải tất cả động vật đều cần ngủ?

Thời gian ngủ của động vật cũng khác nhau tùy loài. Theo Siegel, ngủ là “giai đoạn cơ thể giảm hoạt động, giảm phản ứng nhưng vẫn có thể trở lại trạng thái tỉnh táo rất nhanh sau đó. Khi ngủ chưa đủ giấc, cơ thể sẽ mệt mỏi và cần được ngủ bù.”

Tuy nhiên, vế thứ hai không thực sự đúng với nhiều loài động vật có vú. Hải cẩu có thời gian ngủ dưới nước rất ít, nhưng chúng hoàn toàn không cần ngủ bù khi lên bờ.

Ngược lại, ruồi giấm lại cần ngủ đủ thời gian. Ruồi giấm có thể ngủ 12 tiếng liên tục trong điều kiện tối tăm. Nếu thiếu ngủ, chúng sẽ ngủ lâu hơn trong giấc tiếp theo, khả năng sinh sản của chúng cũng vì thế mà giảm xuống. Mặc dù vậy, thiếu ngủ thường không ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong của động vật.

Có một cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi “Liệu động vật có cần ngủ?”. Trong khi quan điểm phổ biến cho rằng ngủ cần thiết giúp động vật hồi phục năng lượng và tạo sự cân bằng nội môi. Một số khác lại cho rằng nhiều động vật không cần ngủ.

Ví dụ, dơi chỉ ra ngoài kiếm ăn 4 giờ một ngày, thời gian 20 tiếng còn lại, vì không làm gì nên chúng ngủ chỉ để tiết kiệm năng lượng.

Ngủ, nghỉ và ngủ đông

Ngủ sâu và nghỉ ngơi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

“Khi có ai đó gọi thầm tên bạn vào lúc ngủ, bạn sẽ không có phản ứng. Nhưng động vật phản ứng với kích thích rất nhanh, bởi vì chúng chỉ ở trong trạng thái tĩnh lặng.”

Sứa lộn ngược (Cassiopea) được phát hiện là loài ở trong trạng thái tĩnh lặng vào ban đêm.

Ngủ đông là trạng thái bất động và giảm tỷ lệ trao đổi chất mà động vật áp dụng, để tồn tại trong những tháng mùa đông lạnh giá. Trạng thái ngủ này liên quan đến nhiệt độ hoặc thay đổi từ môi trường, như thiếu thức ăn.  

Chim ruồi cổ họng xanh với nhịp tim thông thường là 1.200 nhịp mỗi phút, có thể giảm xuống thấp nhất là 50 nhịp để tiết kiệm tối đa năng lượng. Hay như cá phổi Tây Phi bài tiết chất nhờn và tạo kén bao bọc lấy chúng  trước khi chui xuống đất để trú ẩn, chờ đợi qua thời kỳ khô nóng khi các hồ nước chúng sống dần trở nên cạn kiệt.

Cân bằng giữa giấc ngủ và cuộc sống  

Cân bằng giữa giấc ngủ và cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt cho nhiều loài động vật. Vì sống trong môi trường hoang dã, chúng cần thời gian để kiếm thức ăn và luôn phải cảnh giác trước những kẻ săn mồi.

Một số loài như voi và hươu cao cổ, vì cần nhiều thời gian để kiếm ăn nên chúng chỉ ngủ hai tiếng mỗi ngày. Nếu một con hươu cao cổ nằm sấp và ngủ lâu như con người, có thể chúng sẽ không còn tình dậy được nữa.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.