• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

“Chúng tôi cảm thấy an toàn hơn”: Năng lượng xanh đã thắp sáng cuộc sống của người dân tị nạn ở Rwanda như thế nào?

Tin tức

“Từ nơi tối tăm, chúng tôi đã nhìn thấy được ánh sáng”, Edson Sebutozi Munyakarambi, một người dân tại trại tị nạn Kigeme, phía nam Rwanda chia sẻ.

“Trước khi có đèn năng lượng mặt trời, cả khu trại luôn chìm trong bóng tối. Thi thoảng, có ai đó sẽ lẻn vào và lấy trộm đồ đạc.” Munyakarambi, quản lý của khu tị nạn với 16,000 người cho biết. “Nhưng bây giờ đã không còn tên trộm nào nữa và trẻ em có điều kiện học buổi tối, trong khi đợi mẹ chúng chuẩn bị bữa ăn.”

Những chiếc đèn năng lượng mặt trời và bếp đun sạch được chuyển đến nhờ chương trình “Năng lượng tái tạo cho người tị nạn -  Renewable Energy for Refugees/RE4R”, cung cấp tiện ích cho ba trại tị nạn với hơn 42,000 người ở Rwanda.

Những người tị nạn coi đây là phép màu. Nhờ chương trình mà họ có cuộc sống an toàn hơn, thúc đẩy trẻ em học tập và hỗ trợ những hộ kinh doanh nhỏ tại địa phương. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em sẽ tránh được nguy cơ bị xâm hại hoặc bạo hành khi đi kiếm củi bên ngoài.

 Andrew Harper, cố vấn đặc biệt của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, nói rằng:

“Với những người đã gần như mất tất cả, cung cấp năng lượng sinh hoạt cho họ là việc quan trọng phải làm, để giúp họ không cảm thấy bị cô lập và tổn thương. Đó cũng là cách khiến họ tự tin hơn để hòa nhập lại với cộng đồng. Tuy nhiên, chương trình này gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn và không được ưu tiên.”

Uwimana Nyirakabukari, một bà mẹ đơn thân của 5 đứa trẻ, sống ở trại tị nạn Nyabiheke, giờ đây cũng đã có những tấm pin mặt trời trên mái, đèn điện sáng trong nhà và pin để sạc điện thoại.

“Trước đây, tôi dùng nến thắp sáng. Khi không còn tiền mua nến, tôi đốt đuốc. Nhưng một lần khi tôi đi vệ sinh vào ban đêm, tấm nệm giường đã bắt lửa và bốc cháy. Nếu không dập được lửa kịp thời, con tôi có lẽ đã bỏ mạng.”

Bây giờ, với những chiếc đèn năng lượng mặt trời, Nyirakabukari đã không còn lo xảy ra hỏa hoạn.

Nyirakabukari kiếm sống bằng cách đan những chiếc túi và đem bán ở chợ. Có điện đồng nghĩa với cô ấy có thể làm thêm việc vào buổi tối, trong khi đợi đứa con gái lớn chuẩn bị đồ ăn.

Cô nói thêm:

“Tôi còn có thể học. Tôi học đọc và viết, thậm chí cả tiếng Anh. Chương trình đã tạo cơ hội cho chúng tôi thoát nghèo."

Nyirakabukari chỉ là một trong số rất nhiều người được RE4R giúp đỡ. Với bà Esperance Mukabera, một người khác tại trại tị nạn Nyabiheke, từ khi có năng lượng mặt trời, bà không còn thấy cô đơn nữa. Nhờ chiếc radio trong cùng hệ thống năng lượng mặt trời, bà đã không còn cảm thấy quá cô đơn, những đứa cháu cũng sang thăm bà nhiều hơn để được nghe ké chương trình yêu thích trên đài. Năng lượng tái sinh còn cung cấp điện cho sân bóng rổ duy nhất của khu vực, nơi mà thanh thiếu niên có thể vui chơi thể thao, góp phần giảm tỉ lệ tụ tập rượu bia và tệ nạn.

Những chiếc bếp cháy bằng nhiên liệu mùn cưa và gỗ phế thải cũng phần nào khiến cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn. Những đứa trẻ giờ đây không còn sợ bị đánh khi phải đi kiếm củi ở những khu vực bên ngoài.

Từ chối trợ cấp, rất nhiều người tị nạn sẵn sàng trả góp để sở hữu hệ thống năng lượng xanh này. Họ cho biết, tự chi trả đem đến cho họ cảm giác có giá trị, tự tin về bản thân và nâng cao quyền sở hữu. Việc nhận trợ cấp có thể mang đến rắc rối cho họ sau này.

Hiện nay, hơn 70 người dân tị nạn đã trở thành trung gian phân phối và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thay đổi này là một phép màu xảy đến trong cuộc đời của những người dân tị nạn.

Có 26 triệu người dân tị nạn trên toàn thế giới.  Trong đó, 90% phải sống khi không có điện, thêm 80 % khác phải nấu cơm bằng củi đun. Chính vì thế, đại đa số mọi người đều cho rằng sự thay đổi này là một phép màu.  

Theo: The Guardian

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.