• Về đầu trang
Dynxinh
Dynxinh

Giải cứu cậu bé ở Quảng Tây bị mẹ ruột giam trong nhà, suốt 9 năm không được thấy ánh mặt trời

Tin tức

Một bà mẹ mắc chứng tâm thần cấp độ 2 đã nhốt con trai của mình trong nhà suốt 9 năm. Không cho con đến trường, không được ra bên ngoài xã giao, thậm chí không cho người thân, ông bà gặp mặt và thăm hỏi.

Trong 9 năm, người mẹ này mua mì tôm, nước khoáng trên mạng hoặc đặt đồ ăn nhanh để giải quyết vấn đề ăn uống hằng ngày cho con mình.

Căn nhà nơi phố xá náo nhiệt này nhanh chóng biến thành một bãi rác. Từ phòng ngủ đến hành lang, ngoài cửa, khắp nơi đều chất đầy những hộp xốp, túi nilon, chai nhựa và nhiều rác thải khác. Đứa trẻ lớn lên trong một môi trường khiến bao người kinh ngạc.

Cậu bé Cung Lượng (biệt danh) kể từ lúc sinh ra chưa bao giờ nhìn thấy mặt cha, từ nhỏ đã bị mẹ nhốt ở trong nhà. May mắn thay, sau khi nhân viên cộng đồng biết được hoàn cảnh bi thương này, một chiến dịch giải cứu trẻ em đã được tiến hành ngay tại địa phương.

Sở tư pháp Tú Phong, tỉnh Quế Lâm cho biết: Bà ngoại và ông ngoại của đứa trẻ này đã hơn 80 tuổi, ở cùng xóm với mẹ của đứa trẻ là Cung Hà (biệt danh).

Do khu này là khu tập thể của công nhân, hàng xóm đều là người quen, ngoài việc thường xuyên khiếu nại Cung Hà về việc đổ rác bừa bãi thì hàng xóm không phát hiện ra điều bất thường của gia đình. Trước đây, Cung Hà còn để cha mẹ mình thỉnh thoảng đến thăm con trai, sau đó bởi vì xảy ra mâu thuẫn, ông bà ngoại nhiều lần gõ cửa nhưng Cung Hà không mở.

Xét thấy cháu ngoại đã 8 tuổi, đến tuổi phải đi học, bị mẹ ép ở nhà như thế này không phải là cách, lo cho cháu nên bà đã báo cáo sự việc lên phường.

Sau khi nhận được tin từ bà ngoại, cán bộ phường đã đến nhà Cung Hà để làm công tác truyền đạt tư tưởng. Mỗi lần như vậy, Cung Hà rất cảnh giác đứng chặn cửa, chỉ đứng nói chuyện với cán bộ ở bên ngoài.

Qua hỏi hàng xóm ở xung quanh, mọi người cũng cho biết chưa bao giờ nhìn thấy con trai Cung Hà ở xóm. Cán bộ Toàn Côn kể lại, ban đầu, anh kiên nhẫn thuyết phục Cung Hà cố gắng đợi đến ngày khai giảng để đưa con đi học. Tết thiếu nhi năm 2018, các nhân viên cộng đồng còn đến nhà gửi cho con trai Cung Hà một chiếc cặp sách và đồ dùng học tập, mong sẽ cảm hóa được người mẹ này, thế nhưng, đến tháng 9/2018, Cung Hà vẫn không đưa con trai đến trường nhập học.

Một cán bộ cộng đồng đã kể với phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc, so với mọi người, tâm lý của Cung Hà rất khác biệt. Cô ấy luôn khăng khăng bảo vệ lý lẽ của mình, nào là vì tình trạng sức khỏe của đứa con không tốt, trình độ trí tuệ thấp, thiếu khả năng tự lập trong cuộc sống nên mới không cho Cung Lượng ra ngoài, cũng như không cho con trai tiếp xúc với người khác. Trong tâm trí của cô luôn nghĩ rằng làm như vậy là cách tốt nhất để bảo vệ đứa con trai bé bỏng của mình.

Sau khi biết tin một đứa trẻ bị giam cầm trong nhà suốt 9 năm, Bí thư huyện Tú Phong là ông Tưởng Dục Lượng đã vô cùng bức xúc và phẫn nộ. Ông bày tỏ: “Xin ủy ban nhanh chóng giải cứu đứa bé ra ngoài, nếu không làm sao chúng tôi có thể đối diện với đứa trẻ này, làm sao chúng tôi có thể giải thích với dân cư trong khu phố?”.

Khi được hỏi tại sao sự việc được phát hiện lâu như vậy nhưng vẫn không xử lý, thành viên Ủy ban Pháp luật huyện Tú Phong - Hà Minh khẳng định: "Việc giải cứu cháu bé bị người mẹ tâm thần nhốt trong nhà vô cùng phức tạp, không chỉ đơn giản là phá cửa rồi bế cháu ra, trước hết phải thay đổi người giám hộ bằng con đường pháp lý, sau đó cần đưa ra những phương án giải cứu an toàn, ngăn chặn các hành vi cực đoan của người mẹ trong quá trình giải cứu, tránh đe dọa đến tinh thần của cháu. Ngoài ra, sau khi cháu bé được giải cứu, với ông bà đã lớn tuổi thì cháu bé sẽ ở đâu? 9 năm bị giam giữ có thể gây ra những vấn đề về tâm lý, thể chất, và làm thế nào để đứa trẻ được dạy dỗ bình thường?".

Theo Luật Dân sự Trung Quốc, cha mẹ của trẻ vị thành niên không có khả năng giám hộ thì đứa trẻ sẽ được chăm sóc bởi những người có khả năng nuôi dưỡng như ông bà ngoại. Nhưng khi ủy ban chính trị đề nghị thay đổi quyền nuôi con sang cho ông bà ngoại thì gia đình ông bà lại có nhiều lo ngại. Một là lo lắng cho tuổi già của mình, bên cạnh đó cũng sợ đứa con gái bị bệnh tâm thần sẽ cho rằng con mình bị họ và nhà nước cướp đi, sẽ trả thù và không nguyện ý hợp tác.

Sau đó, Ủy ban Pháp luật huyện, tổ dân phố và nhân viên cộng đồng đã nhiều lần tìm đến ông bà ngoại của bé Cung Lượng để làm công tác tư tưởng, giải thích về khía cạnh pháp lý, hai người họ mới sẵn sàng vì cháu ngoại, dũng cảm đứng ra hợp tác với tòa án và cơ quan công an để hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan. Tháng 7/2019, Chi cục Dân sự huyện Tú Phong, tỉnh Quế Lâm đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện nhằm yêu cầu bãi bỏ tư cách giám hộ của Cung Hà.

Vào tháng 8/2018, Tòa án nhân dân huyện Tú Phong đã ra quyết định xử phạt đối với bà Cung Hà. Là người giám hộ sáng giá nhưng đã không làm tròn nghĩa vụ giáo dục con cái, không cho phép con ra ngoài xã hội, làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của trẻ vị thành niên, Cung Hà không còn phù hợp để tiếp tục làm người giám hộ nữa.

Tòa án chỉ định ông ngoại của Cung Lượng là người giám hộ sáng giá nhất. Sau khi thực hiện một loạt công tác chuẩn bị, chiến dịch giải cứu bắt đầu. Để tăng tỷ lệ thành công và tính an toàn cho chiến dịch giải cứu, vài nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã do thám ngay gần nhà Cung Lượng hai đêm liên tiếp.

Công an nhân dân phát hiện Cung Hà cơ bản không ra ngoài, chỉ đi đổ rác, nhận chuyển phát nhanh vào khoảng 21 giờ đêm. Sau khi hiểu được quy luật, tối ngày 13/11, nhân viên tận dụng lúc Cung Hà không có nhà, đã cùng nhau phá cửa xông vào và thành công giải cứu đứa trẻ tội nghiệp ra ngoài.

“Khi vào phòng, tất cả chúng tôi đều bàng hoàng. Đứa trẻ này giống như đang ngủ trên một đống rác”. Nhân viên văn phòng chính trị huyện Tú Phong cho biết, khi cửa mở ra, trong phòng xuất hiện một mùi khét, ở trong đống rác xuất hiện một cậu bé với mái tóc dài, nấp trong một góc nhà, khuôn mặt xanh xao, nhợt nhạt, mặc một bộ đồ nữ tính, tay ôm chặt lấy chiếc điện thoại.

"Chúng tôi đã nghĩ một đứa trẻ khi bị giam cầm 9 năm chắc chắn sẽ có những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, nhưng điều đáng mừng là chiều cao, tình trạng sức khỏe so với trẻ em bình thường không có sự khác biệt rõ rệt. Ban ngày Cung Lượng ngủ, buổi tối chơi điện thoại và đã làm quen với nhiều mặt chữ".

Trong đêm được giải cứu, các nhân viên đã kiểm tra sức khỏe, cắt tóc, tắm rửa và tặng cho Cung Lượng một bộ quần áo mới, giày mới và đôi tất mới. Khi cảnh sát dìu cậu bé ra ngoài, cậu nhìn lên các tòa nhà và thốt lên kinh ngạc: “Oa, thật là cao quá đi!”.

Để giải quyết các vấn đề về sinh hoạt, giáo dục, nuôi dưỡng, Chi cục dân sự huyện Tú Phong đã gây quỹ từ thiện khoảng 2,53 vạn tệ (82.5 triệu đồng), đồng thời cấp kinh phí bảo đảm cho việc phục hồi chức năng của đứa trẻ. Hiện tại, Cung Lượng đã được đưa tới một cơ sở phục hồi chức năng để tập hồi sức vào buổi sáng, học kiến thức về văn hóa và tập thể dục vào buổi chiều.

Ngày 12/12, trong cuộc điện thoại với phóng viên báo Tuổi trẻ Trung Quốc, cô giáo của Cung Lượng cho biết, cậu bé tiếp thu rất nhanh và khả năng diễn đạt cũng vô cùng tốt. Sau hơn 2 tuần tập luyện, cháu đã thích nghi với môi trường mới, thỉnh thoảng cậu bé cũng muốn gọi điện cho mẹ dù trước đó thường xuyên bị mẹ đánh đập và chỉ pha cho em một gói mì.

Trong mắt cô giáo, cậu bé từng bị nhốt nhiều năm không tỏ ra khác biệt so với những đứa trẻ khác về tính cách, cậu biết cách cư xử lịch sự, luyện tập thể chất, dù vất vả hơn cũng không bỏ cuộc, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm quen được với nhiều bạn mới tại cơ quan phục hồi chức năng.

Nhờ chế độ ăn uống được đảm bảo mà cơ thể cậu hồi phục rất nhanh, lúc đầu bị thiếu canxi ở chân tay, đi lại tuy có chút vấn đề nhưng đến thời điểm hiện tại cậu đã có thể đi lại bình thường, dự kiến sau nửa năm hồi sức thì bé Cung Lượng có thể đi học bình thường.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.