• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Tôi khóc mỗi ngày vì phải trợ tử cho động vật': Bác sĩ thú y tiết lộ lý do họ bị trầm cảm dẫn đến tự sát

Cuộc sống

Ở Singapore, một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới, nghề bác sĩ thú y mang lại thu nhập ổn định, tuy nhiên anh Chow Hao Ting - một chuyên gia phẫu thuật thú y đã quyết định từ bỏ công việc đầy căng thẳng này.

Chow cho biết anh đã từng cố gắng nghỉ ngơi thư giãn và trở lại làm việc với tâm thế thoải mái hơn, tuy nhiên cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó anh lại cảm thấy tuyệt vọng.

Vị bác sĩ 29 tuổi người Singapore cho biết anh bắt đầu phải đối mặt với nhiều hội chứng tâm lý, đỉnh điểm là trầm cảm lâm sàng với suy nghĩ tự sát bắt đầu xuất hiện trong đầu.

1

Hiện tại chưa có số liệu cụ thể về tình trạng này nhưng tờ Channel NewsAsia đã đến phỏng vấn ở các phòng khám thú y khác và chứng thực rằng có rất nhiều trường hợp tương tự như bác sĩ Chow đang xảy ra.

Hiệp hội thú y Singapore cũng ghi nhận những ảnh hưởng nhất định của nghề nghiệp đến sức khỏe tinh thần bác sĩ thú y trong vài năm gần đây.

Năm 2016 xảy ra vụ việc đau lòng gây chấn động dư luận khi một nữ bác sĩ người Đài Loan tự sát vì trầm cảm. Trong thư tuyệt mệnh, cô viết giải thoát là cách duy nhất vì cô không thể chịu được việc phải chích thuốc trợ tử cho chó mèo mỗi ngày.

soliloquy5sliders14

Một phòng khám thú y ở Singapore.

Theo đó, hàng loạt các nghiên cứu phạm vi toàn cầu diễn ra ở Mỹ, Anh, Úc và các nước Bắc Âu cũng ghi nhận rằng bác sĩ thú y có xác suất tự sát cao gấp 4 lần người thường. Hãng dược phẩm Merck, Hoa Kỳ quyết định thống kê đưa ra con số cụ thể rằng 25% bác sĩ thú y ở nước này có ý định tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Nữ bác sĩ thú y giấu tên có 20 năm trong nghề tâm sự với phóng viên của Channel NewsAsia rằng căng thẳng trong nghề nghiệp đến từ việc cô cảm thấy vô cùng tội lỗi khi phải tiến hành trợ tử rất nhiều chó mèo mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày.

Cô nói:

Ngay cả khi việc đó phải được làm để chấm dứt nỗi đau cho con thú thì không ai trong chúng tôi có thể chịu đựng nổi. Chúng tôi không hành nghề bác sĩ thú y để thay mặt người khác giết chết động vật.

Hơn nữa, trước mặt khách hàng, bác sĩ thú y không thể bộc lộ cảm xúc. Điều này dẫn đến căng thẳng tột độ. Lúc mới hành nghề tôi khóc mỗi ngày, sau này thì đỡ hơn vì cảm xúc của tôi đã dần chai sạn đi rồi.

ct scan for bulldog 1200x700

Ngành thú y ở Singapore ứng dụng kỹ thuật cao tương tự như điều trị cho con người để áp dụng trên thú vật. Mặc dù vậy các bác sĩ thú y lại không được tôn trọng tương xứng.

Một khách hàng tên Roy Chan, chủ của chú chó fox terrier 8 tuổi cho biết anh cảm thông sâu sắc với các bác sĩ thú y:

Các chuyên gia y tế chăm sóc cho con người không phải đơn độc chịu trách nhiệm sau cùng khi an tử cho một ai đó. Còn bác sĩ thú y phải chấm dứt sự sống của con thú mà họ đã cố cứu sống trong lặng thầm.

Tất nhiên không phải ai cũng tâm lý như Roy Chan, áp lực từ khách hàng là một trong những nguyên nhân lớn gây căng thẳng cho các bác sĩ thú y. Bác sĩ Chow tiếp tục giải bày:

Nhiều khách hàng cư xử thô lỗ với nhân viên phòng khám. Chúng tôi ở đây để giúp đỡ và kiếm sống nhưng đôi khi vô cớ trở thành mục tiêu để khách hàng trút lên nỗi buồn và sự thất vọng nếu có gì đó không hay xảy ra.

Chúng tôi không phải thần thánh nên không phải lúc nào cũng cứu được con vật. Nhưng bác sĩ thú y không ở đây để lừa tiền khách hàng hoặc có thể thay quý vị giết chết động vật một cách dễ dàng.

benh xa thu y2

Một phòng khám thú y ở Việt Nam.

Tham gia phỏng vấn với đài Channel NewsAsia, bác sĩ Grace Heng có 18 kinh nghiệm trong ngành cho biết:

Khách hàng thường yêu thú cưng như là con cái vậy. Điều đó tốt thôi cho đến khi họ chửi bới, hoặc đòi kiện chúng tôi hoặc ''bóc phốt'' trên mạng nếu kết quả điều trị không tốt. Tôi đã quen với việc đó nhưng các đồng nghiệp trẻ tuổi sẽ rất hoang mang.

Nhiều phòng khám khác cũng từng ghi nhận trường hợp tương tự khi khách hàng trở nên quá thô lỗ và xem thường bác sĩ thú y. Một số bác sĩ đồng ý chia sẻ cảm nghĩ với báo giới nhưng yêu cầu được giữ bí mật danh tính vì thời nay mạng xã hội quá độc hại, không ai muốn bị trở thành mục tiêu cho cộng đồng mạng ném đá.

Những biểu hiện thường gặp của một cuộc ''bóc phốt'' trên Facebook thường không mang tính xây dựng, hầu hết là đả kích, xúc phạm, hạ thấp nhân phẩm người khác và biến vấn đề khách quan thành mâu thuẫn cá nhân.

Một bác sĩ thú y trẻ là Vicky Lim ở đại học Massey, New Zealand đã thành lập một dự án có tên ''Riptide Project'' để khuyến khích các bác sĩ thú y chia sẻ và trấn an lẫn nhau khi cần thiết. Cô Lim cho rằng việc hỗ trợ tâm lý đúng lúc là cách duy nhất để ngăn cản hành vi tự sát xảy ra.

vicki lim

Bác sĩ thú y Vicky Lim ở đại học Massey, New Zealand.

Không thể phủ nhận rằng hiện nay phần lớn mọi người chưa có cái nhìn đúng đắn đối với bác sĩ thú y. Hơn hết, chưa có một biện pháp hỗ trợ tâm lý nào dành riêng cho bác sĩ thú y kể cả ở nơi dân trí phát triển như Singapore, tất nhiên các nước Đông Nam Á khác cũng vậy.

Tại Mỹ, Úc, Anh và New Zealand, các hiệp hội thú y quốc gia đã rút kinh nghiệm khi tổ chức những diễn đàn chia sẻ tài nguyên, tư vấn tâm lý miễn phí trực tuyến lẫn ngoại tuyến.

Thông qua việc chia sẻ những tâm sự thầm kín nói trên, đại diện Hiệp hội Thú Y Singapore hy vọng sẽ được hợp tác với chính quyền địa phương để có thể sớm đưa ra chương trình hỗ trợ tâm lý nhằm giảm tỷ lệ tự sát ở các bác sĩ thú y nước này.

Người Châu Á thường ngại ngùng khi phải nói ra suy nghĩ thầm kín của họ nhưng trong tương lai vấn đề này sẽ dần được đưa ra trước công luận.

Trước khi được giúp đỡ, mọi người cần biết cách chia sẻ một cách cởi mở. Đó là lý do chúng tôi đang nói lên những vấn đề của mình, trò chuyện với nhau và tạo nên phòng tuyến đầu tiên trước vấn nạn tự sát.

Theo: Channel NewsAsia

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.