• Về đầu trang
Mincysh
Mincysh

Bộ tranh này là 'cứu tinh' cho người lười đọc tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng

Lịch sử

Hồng Lâu Mộng là một trong những tiểu thuyết kinh điển thuộc Tứ đại danh tác Trung Quốc. Tương truyền, cốt truyện được xây dựng dựa trên hiện thực của chính gia đình Tào Tuyết Cần trước đây. Tào Tuyết Cần từ một thiếu gia quen sống sung sướng, bỗng chốc gia đình xảy ra biến cố khiến ông phải làm đủ mọi việc để mưu sinh. Từ đó ông nhận ra bản chất của giai cấp quý tộc thời bấy giờ và đã dồn hết tâm huyết của mình trong mười năm cuối đời để viết nên Hồng Lâu Mộng.

Tiểu thuyết gia vĩ đại của Trung Quốc - Tào Tuyết Cần. (Ảnh: 360doc)

Tác giả của bộ tranh Hồng Lâu Mộng là ông Tôn Ôn sinh năm 1818, quê ở Phong Nhuận, Trung Quốc. Cả đời ông đã phò tá nhiều vị Hoàng đế nhà Thanh như Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự,... Vào khoảng năm thứ 6 Đồng Trị, ông bắt đầu con đường hội họa tạo nên những tuyệt kỹ của mình. Ông đã dành 36 năm cuộc đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật với 230 bức tranh về tuyệt phẩm Hồng Lâu Mộng. Hiện nay, những tác phẩm của ông vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lữ Thuận Trung Quốc.

Khi kiệt tác này lần đầu tiên ra mắt ở Nam Kinh, Trung Quốc, đã gây được tiếng vang lớn trong làng nghệ thuật thế giới. 

Những bức tranh xoay quanh cốt truyện gốc. Bao gồm tranh họa phong cảnh, hoa, cây cối, nhà cửa, chim, thú quý hiếm, xe ngựa và những chiếc thuyền. Chỉ tính nhân vật trong chuyện thì số người ông vẽ đã lên tới 3700 người. Bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng lần đầu tiên ra mắt khán giả lấy cảm hứng từ chính những bức vẽ này: trang phục, kiểu tóc, cảnh quan trong nhà hay ngoài trời, tất cả đều được dựa trên bản vẽ của Tôn Ôn.

Từng chi tiết trong bộ tiểu thuyết đều được Tôn Ôn họa rất sắc sảo và tỉ mỉ. Toàn cảnh gia trang nhà họ Giả đã thu bé lại bằng 1 bức họa.

Gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ có lúc lên tới 448 người, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành.

Tác giả của bộ tranh không khác người đã viết ra tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng khi hiểu rõ từng "chân tơ kẽ tóc" của tác phẩm.

Vì con gái của Giả Chính (con trai Vinh Quốc công) là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên phi, nên phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại quan cực kì tráng lệ huy hoàng để Nguyên Phi về thăm nhà có nơi thưởng ngoạn. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi.

Cuộc sống của nhà họ Giả đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Trong nhà nuôi không biết bao nhiêu đàn bà, trẻ em nhưng ngày ngày chỉ biết ngồi buôn chuyện và đi dạo quanh vườn... 

Tiệc mừng thọ của lão phu nhân trong nhà cũng hoành tráng không khác những bữa tiệc trong cung đình.

Giả Bảo Ngọc - cháu đích tôn của nhà họ Giả, là cậu ấm duy nhất được lui tới khu vườn Đại quan vui chơi cùng 12 cô tiểu thư xinh đẹp. Sống trong môi trường toàn phụ nữ nên tính tình không khác con gái: thích hóng chuyện và nô đùa cùng các tì nữ.

Giả Bảo Ngọc sống phong lưu, đào hoa bên cạnh các cô gái đẹp trong phủ.

Vì là cháu đích tôn, cũng là niềm hy vọng duy nhất của nhà họ Giả nên Bảo Ngọc được nuông chiều từ bé. Cậu rất bướng bỉnh và trẻ con. Xung quanh không thiếu kẻ hầu người hạ để cậu sai bảo, khi vui thì cậu tốt với họ, khi tức thì cậu lại quát mắng. 

Giả Bảo Ngọc đi đến đâu cũng có tì nữ đi cùng.

Ẩn trong chốn phồn hoa này là "viên ngọc quý" tên Lâm Đại Ngọc. Lâm Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, là một tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm và mảnh mai, lại phải cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc.

Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc tâm đầu ý hợp. Hai người thường hay vui đùa ở vườn hoa dưới những ánh mắt của người hầu kẻ hạ trong nhà. 

Chuyện tình của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc xuất hiện người thứ 3 là Tiết Bảo Thoa - con gái Tiết phu nhân.

Lúc đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa, gần người này thì quên đi người kia.

Sau này, nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh "lập thân", nên Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ nên dành nhiều thời gian ở bên cạnh Đại Ngọc. 

Gia đình Giả Bảo Ngọc coi quyết định đó là một tai họa nên ra sức ngăn cản và chia cách hai người. 

Mỗi lần đến dịp lễ, bậc con cháu trong nhà chỉ Giả Bảo Ngọc và Tiết Bảo Thoa được thưởng vô số đồ quý, còn lại mỗi người được nhận 1 chiếc quạt lụa. 

Dù bị gia đình ngăn cản nhưng trái tim của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc vẫn luôn hướng về nhau. 

Sau này, thế lực của hai phủ họ Giả bị lung lay do mắc tội với triều đình, cả hai phủ đều bị phân li, kẻ chết người đi đày.

Gia tộc giàu có bậc nhất Trung Quốc thời bấy giờ trong phút chốc lâm vào cảnh nghèo khó. 

Phượng Thư (chị dâu của Bảo Ngọc) nhằm cứu vãn tình thế của gia tộc, đã đặt kế tráo hôn. Bảo Ngọc khi mở khăn che mặt cô dâu thấy không phải nàng Lâm Đại Ngọc, liền bỏ đi.

Lâm Đại Ngọc biết tin Giả Bảo Ngọc thành hôn thì buồn rầu đến đổ bệnh, ho ra máu mà chết.

Cái kết của bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng cũng chính là cái kết cho tình yêu của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc. Đồng thời nó cũng khép lại giấc mộng của hàng trăm con người sống trong nhà họ Giả. Một cuộc sống màu hồng mộng mơ được tạo nên từ những kẻ ăn bám lười biếng đã khiến gia tộc hiển hách như nhà họ Giả lâm vào thế khó. Hồng Lâu Mộng và bộ tranh cùng tên đã phản ánh đúng bản chất thật của cuộc sống thượng lưu Trung Quốc thời bấy giờ.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.