• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Tuy chỉ tồn tại vỏn vẹn 5 năm, ‘trường phái dã thú Fauvism’ vẫn để lại dấu ấn lớn trong làng hội họa

Nghệ thuật

Đầu thế kỷ 20, phong trào nghệ thuật hiện đại được hình thành trên toàn thế giới. Ở Áo, họa sĩ Gustav Klimt nổi tiếng với những bức tranh dát vàng. Ở Tahiti, Paul Gauguin vẫn theo đuổi trường phái hậu ấn tượng. Còn tại Pháp, một nhóm họa sĩ nổi loạn sáng tạo trường phái dã thú Fauvism (hay còn gọi là Les Fauves).

Khác với các phong trào nghệ thuật lớn mạnh, Fauvism chỉ kéo dài trong 5 năm. Dẫu vậy, tầm ảnh hưởng của nó quan trọng không kém.

fauvism

Bức “Portrait of Madame Matisse” (Chân Dung Bà Matisse) của Henri Matisse.

Lịch sử ra đời của Fauvism

Người tiên phong cho trường phái Fauvism là hai họa sĩ người Pháp Henri MatisseAndré Derain. Đặc trưng của Fauvism là màu sắc táo bạo, nét vẽ đậm và nội dung khá trừu tượng. Phong trào nghệ thuật này bùng nổ tại Paris và một số vùng ở Pháp từ năm 1905 đến 1910.

Vào những năm 1890, Henri Matisse và một số họa sĩ Pháp như Georges Rouault và Albert Marquet theo học trường mỹ thuật, dưới sự dạy dỗ của nghệ sĩ chủ nghĩa biểu tượng Gustave Moreau. Gustave Moreau đã truyền cảm hứng cho Henri Matisse trong việc sử dụng màu sắc tươi sáng và cách vẽ bất quy tắc. Để rồi từ đó, Henri Matisse tự sáng tạo phong cách cho riêng mình, đồng thời là thủ lĩnh của trường phái mới trong thế giới hội họa.

henri matisse

Henri Matisse, ông tổ trường phái hoang dã Fauvism (ảnh: wikipedia).

Học trò của Gustave Moreau, ngoại trừ Henri Matisse, còn có André Derain, Maurice de Vlaminck và nhiều họa sĩ theo đuổi trường phái Fauvism sau này. Không thể phủ nhận Gustave Moreau là người có công lớn trong việc thúc đẩy những cậu học trò tài năng này vượt ra khỏi giới hạn của bản thân.

Năm 1905, một buổi triển lãm độc lập Salon Mùa Thu (Salon d’Automne) được tổ chức tại Paris, quy tụ nhiều nhà tiên phong hội họa. Henri Matisse, André Derain và Maurice de Vlaminck không bỏ qua cơ hội này và trưng bày những bức họa tâm đắc nhất. Nhưng cái họ nhận được là sự khinh thường và miệt thị của nhà phê bình nổi tiếng Louis Vauxcelles và bị Louis gắn cho cái tên les Fauves. Tên gọi của trường phái dã thú Fauvism bắt nguồn từ đó.

fauvism1

Bức “The Little Gate of the Old Mill” (Cổng Nhỏ Của Nhà Máy Cũ) được Henri Matisse vẽ năm 1898.

Những đặc điểm nghệ thuật của Fauvism

Màu sắc táo bạo

Đặc điểm dễ thấy nhất của phong trào Fauvism là màu sắc sáng và chói. Henri Matisse cực kỳ thích những gam màu này và nó được thể hiện rõ nhất qua bức họa thiên nhiên khổ lớn Le bonheur de vivre (Niềm Vui Cuộc Sống).

Thay vì sử dụng màu trung tính, nhẹ nhàng, Matisse đã kết hợp nhiều gam màu táo bạo như bãi cỏ xanh nước biển, bầu trời màu hồng nhạt hay những cái cây màu cam. Trông bức tranh như thể một chiếc kính vạn hoa rực rỡ sắc màu.

fauvism2

Bức “Le bonheur de vivre” được Henri Matisse vẽ trong khoảng thời gian 1905 – 1906.

Henri Matisse ghi lại quan điểm của mình:

Luôn có một sự thôi thúc, cám dỗ tôi về việc sử dụng các tông màu để thay đổi tác phẩm hoặc sự sắp xếp bố cục hình vẽ. Tôi sẽ không ngừng vẽ cho đến khi đạt được tỷ lệ phân bố các tông màu trong tác phẩm của mình.

Mối quan hệ giữa màu sắc bức tranh và quá trình lựa chọn màu sắc là khi mỗi phần của tranh tìm được màu tương ứng và tôi không phải đụng tới tác phẩm đó thêm lần nào nữa.

Nét vẽ “hoang dã”

Mặc dù lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ trường phái hậu ấn tượng như Vincent van Gogh, các họa sĩ trường phái Fauvism không cố gắng áp dụng chủ nghĩa hiện thực trong các tác phẩm của họ. Họ chú trọng đến những nét vẽ dày, đậm và làm nổi bật cá tính của người vẽ.

Thay vì sử dụng các bảng màu, họa sĩ trường phái Fauvism thường sử dụng các tuýp màu tô trực tiếp lên bức vẽ. Ngoài ra, họ cũng dùng những tông màu mới cho những nét vẽ hoặc các chi tiết nhỏ trên tranh.

fauvism3

Bức “The Seine at Chatou” (Sông Sein Ở Chatou) của Maurice de Vlaminck năm 1906.

Hình thức tối giản

Các họa sĩ theo đuổi trường phái Fauvism thường thử nghiệm lối vẽ tối giản và phong cách trừu tượng thay cho chủ nghĩa hiện thực. Đối với họ, điều quan trọng là bố cục nhiều màu, chú trọng các sắc màu nổi bật, đơn giản và ngẫu nhiên, hơn là vẽ y chang những thứ mắt thường nhìn thấy.

fauvism4

Bức “La jetée à L'Estaque” của André Derain, năm 1906.

Hậu Fauvism

Trường phái dã thú Fauvism được coi là giai đoạn chuyển tiếp của nhiều nghệ sĩ trước khi cập bến những thời kỳ mới của hội họa.

Tranh cắt dán

Đầu thế kỷ 20, một cuộc cạnh tranh diễn ra giữa Henri Matisse và Pablo Picasso. Ai cũng muốn mình là người dẫn đầu cho chủ nghĩa hiện đại và thường trưng bày những tác phẩm mang tính tiên phong. Pablo Picasso liên tục cho ra mắt những bức họa mới. Để đuổi kịp Pablo Picasso, Henri Matisse cũng phải cố gắng bắt kịp.

Tuy nhiên, dấu ấn Fauvism mà Henri Matisse để lại chủ yếu là tranh cắt dán thay vì tranh màu trong cuộc đua với Pablo Picasso. Ông thường cắt nhiều loại giấy màu và dán thành những bức tranh trừu tượng nhiều màu rực rỡ. Ngoài ra, ông cũng dán chúng vào một số bức tranh sơn dầu để tăng sự độc đáo.

fauvism7 jpeg

Tranh cắt dán “Large Decoration with Masks”.

Áp dụng màu đất

Khác với Henri Matisse, một số họa sĩ Fauvism thích thử nghiệm các gam màu đất hơn là màu sáng. Ví dụ tiêu biểu có André Derain và Maurice de Vlaminck. Cả hai đều có hứng thú với các màu trung tính, màu đất và tìm cảm hứng thông qua các tranh phong cảnh của họa sĩ theo trường phái hậu ấn tượng Paul Cézanne.

fauvism5

Bức "Ancien quartier de Cagnes" của André Derain, vẽ năm 1910.

Trường phái lập thể Cubism

Georges Braque là người đồng sáng tạo trường phái lập thể Cubism cùng với Pablo Picasso. Hiện nay, đa phần các ý kiến cho rằng Georges Braque là người khởi xướng Cubism.

Phong cách của Georges Braque chịu nhiều ảnh hưởng từ chủ nghĩa Fauvism. Bằng chứng là các mặt phẳng giao nhau không theo quy tắc phối cảnh và các tông màu hết sức nổi bật, khiến người xem không thể hiểu chiều sâu bức tranh nếu không dành thời gian nghiền ngẫm.

fauvism6

Bức “The Viaduct at L'Estaque” được Georges Braque vẽ vào năm 1907.

Nghệ thuật đương đại

Không khó để nhận ra nhiều họa sĩ sử dụng các màu sắc bùng nổ và nét vẽ hoang dại trong các tác phẩm đương đại. Những đặc điểm đó đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ trường phái Fauvism.

fauvism8 jpeg

Bức "La Nuage Jaune" của họa sĩ Marcel Mouly.

Tuy chỉ tồn tại trong 5 năm ngắn ngủi, Fauvism là một trong những trường phái hội họa quan trọng. Nó đã phá vỡ tính truyền thống, mở ra những thử nghiệm mới về màu sắc và bố cục, đồng thời khuyến khích các họa sĩ tìm tòi, phát huy dấn ấn cá nhân.

Theo: mymodernmet
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.