• Về đầu trang
Lost Bird
Lost Bird

8 câu nên tự hỏi trước khi bấm 'đăng' bất cứ thứ gì lên mạng

Voices

Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã đem lại một bước nhảy vọt vĩ đại cho việc giao tiếp của loài người. Những luồng thông tin khổng lồ được chia sẻ khắp mọi nơi, đồng nghĩa với nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều. Thế nên trước khi đăng tải bất cứ điều gì trên mạng, hãy tự hỏi 8 câu hỏi sau đây để đảm bảo "an toàn" cho bạn và cả cộng đồng.

1. Thông tin có ích không?

Người khác nhận được gì từ cái bạn gõ ra, họ có được "mở mang đầu óc", củng cố niềm tin hay tình yêu thăng hoa không? Người ta dễ dàng "lạc lối" ngoài đời thực nhưng cũng dễ cảm thấy được chia sẻ và đồng cảm trên mạng, một chị gái thất tình hay em trai mới lớn đều có thể cảm thấy yêu đời hơn khi được bạn "khai sáng".

Tuy nhiên đừng đánh đồng tính đúng sai của sự việc với chia sẻ quan điểm. Quan điểm là của mỗi người, bạn không thể thay đổi nhưng có thể chia sẻ, sau đó việc tiếp thu thông tin không còn là nhiệm vụ của bạn mà là của người nghe.

Với những cuộc tranh luận mà chính bạn cũng cảm thấy mỏi mệt vì không thể khiến người ta "mở mang đầu óc", hãy chấm dứt ngay trước khi nó biến thành một cuộc sỉ vả, bởi lúc này bất cứ thông tin nào bạn đưa ra cũng không còn có ích nữa, có chăng chỉ là để thỏa mãn "cơ tay" bằng những lời chửi bới.

Một lần nữa, để thông tin thực sự hữu ích, hãy kiểm tra lại xem bạn có đang đại diện cho những gì bạn nói không, thông tin có chính xác không?

2. Ai sẽ đọc nó?

Khi dùng mạng xã hội, hãy cân nhắc việc ai sẽ tiếp thu điều bạn nói. Liệu người ta có muốn được "mở mang đầu óc" hay chia sẻ quan điểm không? Dĩ nhiên bạn không thể lao đầu vào hang ổ của các mẹ bỉm sữa rồi nói rằng người thứ ba không sai, hay nhảy xổ vào một đám nhóc đang điên cuồng bảo vệ thần tượng của mình và bảo chúng đi học bài đi được.

Chẳng khác nào ôm bom tự sát cả, đừng thử làm anh hùng khi quanh mình không có ai.

3. Bạn đã mở lòng chưa?

Không chỉ là củng cố niềm tin của người khác mà ngược lại, hãy tự hỏi cuộc tranh luận có giúp bạn củng cố niềm tin của chính mình không? Bạn có chấp nhận để người ta "mở mang đầu óc" cho mình không? Chuẩn bị trước tinh thần rằng mình cũng có thể sai. Điều này giúp bạn không trở thành một kẻ bảo thủ khó ưa và gây ức chế cho người khác cũng như hạn chế việc đưa ra lý luận "cùn" theo kiểu "Mình thích thì mình làm thôi".

Hãy nhìn lại xem vấn đề có đang bị thổi phồng quá mức không? Bạn tranh luận vì muốn thể hiện cá tính hay vì quan tâm đến chủ đề? Tranh luận có làm người khác hiểu bạn hơn không? Hay đơn giản là bạn bị cám dỗ với việc "chơi trội"?

4. Có gây tranh cãi không cần thiết không?

Suy nghĩ thật kỹ trước khi bắt đầu bình luận về một vấn đề gây tranh cãi. Ranh giới giữa tranh luận về quan điểm và một cuộc chiến bàn phím thô tục mỏng manh hơn bạn tưởng.

Cân nhắc xem thông tin bạn cung cấp có ích gì trong vấn đề này không, có liên quan đến chủ đề không? Giả dụ như mọi người đang tranh luận về việc chó hay mèo đáng yêu hơn thì rõ ràng bạn không thể cứ khăng khăng rằng vì thằng cha hàng xóm nuôi chó nên bạn thấy mèo dễ thương hơn, thế là mọi người bắt đầu chỉ trích rằng sao bạn lại đi nói xấu hàng xóm.

Việc tranh cãi có gây mất đoàn kết nội bộ không cũng là một điều đáng quan tâm. Giữa việc chứng minh mình đúng và các mối quan hệ, cái nào quan trọng hơn? Tranh cãi là cần thiết hay bạn chỉ cần "bơ đi mà sống"?

Còn nếu bạn lao vào một cuộc đấu khẩu chỉ vì đang... rảnh thì dĩ nhiên không ai cản được bạn rồi!

5. Có xúc phạm ai không?

Lời bạn gõ ra có làm tổn thương ai không? Dĩ nhiên nổi điên lên và không kiểm soát được chính mình không có nghĩa là ý kiến của bạn là sai, nhưng liệu có đáng để xúc phạm người khác? Gần đây không ít những vụ tự tử xảy ra vì bị tấn công bằng lời nói trên mạng xã hội. Thật dễ dàng vì không ai biết bạn là ai cả, không ai biết bạn ở đâu, và bạn cũng không cầm dao giết ai. Nhưng những tổn thương bạn gây ra, dù là lỡ lời cũng không thể lấy lại.

Hãy tự lập ra những quy tắc cho bản thân khi gõ phím trên mạng. Buông ra lời xúc phạm cũng có nghĩa là bạn đã chịu thua trong cuộc tranh luận và để cơn giận kiểm soát mình. Tại sao lại nói ra những lời xấu xí khi những gì bạn cần làm chỉ là im lặng?

6. Câu chữ thể hiện đúng cách chưa?

Cách thể hiện cần phù hợp để người khác có thể hiểu và cảm nhận được những gì bạn chia sẻ. Nhẹ nhàng, kiên nhẫn hay dạy đời, bảo thủ? Ngoài đời, bạn dễ dàng cảm nhận được từ giọng nói, khuôn mặt và tương tác của người đối diện, nhưng trên mạng thì không. Họ sẽ phán xét bạn qua cách dùng từ ngữ. Bạn không thể khuyên nhủ một đám trẻ bằng cách mắng nhiếc tụi nó, cũng như tranh luận về việc trái đất hình gì bằng ngôn ngữ teen.

7. Im lặng có là sai trái?

Có những trường hợp, im lặng sẽ chỉ làm gia tăng mâu thuẫn, đặc biệt là khi người đối diện sẵn lòng và rất muốn được nghe bạn chia sẻ, hay đối với cái sai cần được lên án. Và nếu xác định rằng mình không thể im lặng, hãy cân nhắc một lần nữa 6 câu hỏi phía trên để quyết định xem mình có nên bắt đầu gõ phím hay không.

8. Đã nghĩ kỹ chưa?

 

Khi gõ ra điều gì đó mà bạn biết chắc rằng người nghe sẽ cảm thấy bị khiêu khích, bạn có thử đo lường lời đáp trả sẽ ở mức độ nào? Có cân nhắc trước khi nhấn enter không? Tốc độ giao tiếp chớp nhoáng mà Internet đem lại trở thành một cơ hội để người ta nói mà không suy nghĩ. Nghĩ kỹ xem liệu bạn có dám nói những điều đó trước mặt họ thay vì qua cái màn hình không rồi hãy nhấn enter.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.