• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

‘Vợ Ba’ - Bộ phim nên thơ và tràn đầy tính nữ của điện ảnh Việt Nam

Voices

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.

Vợ Ba đặt trong bối cảnh cuối thế kỷ 19, kể về hành trình của Mây về làm dâu trong một gia đình giàu có. Mây được học về các lễ giáo, nếm mùi “trái cấm” và nhận ra chỉ khi sinh con trai thì địa vị của cô mới được coi trọng. Nhưng mọi chuyện dần thay đổi khi Mây rung động trước Xuân và chứng kiến những câu chuyện bi thương của những người phụ nữ xung quanh.

Những người phụ nữ Á Đông của Ash Mayfair

Trái với vẻ đài các và quý phái, rực rỡ và táo bạo của những madame Tây, hình ảnh của người phụ nữ Á Đông trên màn ảnh lôi cuốn khán giả bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng, đằm thắm và bí ẩn.

Ai mà chẳng từng si mê nét u hoài và mơ màng của Trương Mạn Ngọc trong bộ xường xám với Tâm Trạng Khi Yêu, ai mà chẳng có lần rung cảm trước nét lả lơi và yểu điệu của Củng Lợi trong Bá Vương Biệt Cơ, hay ngây ngất trước nét đẹp nhã nhặn của những người phụ nữ Nhật Bản trong bộ trang phục truyền thống kimono qua những thước phim Oshin, Rashomon,.. Và đến Vợ Ba, khán giả lại một lần nữa được khám phá nét đẹp thanh tao, duyên dáng và e ấp của những người phụ nữ trong dải yếm đào cùng mái tóc đen nhánh.

phim nguoi vo ba4

"Vợ ba" là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Ash Mayfair, tên thật là Nguyễn Phương Anh (ảnh: tuoitre).

Tuyến nhân vật trong Vợ Ba đa phần là nữ và trải qua nhiều thế hệ, nổi bật nhất là mợ cả Hà (Trần Nữ Yên Khê), mợ hai Xuân (Maya) và mợ ba Mây (Nguyễn Phương Trà My).

Mây đi làm dâu khi mới 13, 14 tuổi. Cô trẻ trung, trong sáng như giọt sương mai, nhìn cuộc đời và khám phá bản ngã của mình bằng sự bỡ ngỡ, non nớt. Xuân là người phụ nữ xinh đẹp và tài hoa nhất của gia đình. Cô đang ở độ tuổi nở rộ cả về ngoại hình, tài năng, thần thái lẫn dục vọng ẩn giấu bên trong. Còn Hà là người phụ nữ tháo vát, từng trải và hiểu đời, đặt cuộc sống của gia đình chồng và con trai lên trên hết. Có thể nói Hà - Xuân - Mây là đại diện cho quãng thời gian trưởng thành, nhiều sự thay đổi và đấu tranh của người phụ nữ.

phim nguoi vo ba6

ảnh: ipick

Kể về câu chuyện thân phận những người phụ nữ dưới chế độ đa thê nên người xem có thể thấy Vợ Ba có những nét tương đồng với Đèn Lồng Đỏ Treo Cao của Trương Nghệ Mưu. Nhưng những người phụ nữ của Ash Mayfair không giống những người phụ nữ của Trương Nghệ Mưu.

Những người phụ nữ của Ash Mayfair đoan trang, thanh lịch nhưng cũng rất thoải mái bộc lộ cảm xúc của bản thân. Đâu phải lúc nào khán giả cũng có cơ hội được nghe những người phụ nữ của thế kỷ 19 giãi bày về những tâm tư thầm kín, chia sẻ chuyện thỏa mãn bản thân, chuyện chiều chồng và thậm chí còn can đảm thốt lên “Em yêu chị”.

Tuy nhiên sự tự do này cũng có chừng mực, nó không quá phô diễn để lấn át mất sự kín đáo và tế nhị, nó vừa đủ để người xem tò mò và ngạc nhiên trước thế giới nội tâm phức tạp của những người phụ nữ bị kìm nén. Có thể nói đây chính là sự khéo léo, tinh tế của Ash Mayfair cũng như điểm sáng của Vợ Ba.

phim nguoi vo ba2

Thước phim tràn ngập màu xanh trong "Vợ ba".

Vợ ba là một bộ phim tràn đầy tính nữ. Bộ phim có tông màu lạnh nhưng nó không mang cảm giác lạnh lẽo và xa cách, trái lại nó êm đềm, tươi mát, sâu lắng và bí ẩn như chính suy nghĩ và tâm trạng của những người phụ nữ trong phim.

Một loạt hình ảnh biểu tượng nữ tính và ẩn dụ về thân phận của người phụ nữ được cài cắm như tổ kén (cuộc sống quẩn quanh và bế tắc), con bướm (lột xác, hóa thân và tự giải phóng bản thân), nước (thế giới nội tâm), bê mẹ sinh con và kỳ kinh nguyệt (sinh đẻ),… Những hình ảnh độc đáo này càng làm nổi bật cuộc sống của những người phụ nữ thời phong kiến cũng như tâm tư giấu kín của họ.

phim nguoi vo ba7

Những khung ảnh nên thơ đẹp như tranh vẽ (ảnh: ipick).

Kết thúc tinh tế và mở ra hy vọng

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Vợ Ba là cảnh kết thúc bởi nó là sự cô đọng của cả một quá trình và gợi mở ra nhiều góc nhìn.

Cảnh cuối của phim, cô bé Nhàn ngồi bên bờ suối cắt phăng mái tóc dài của mình - một thứ biểu trưng cho tính nữ, biểu tượng của đàn bà con gái.

Nhàn từng nói rằng em đã cầu xin Phật Tổ kiếp sau được làm đàn ông để cưới nhiều vợ. Nhưng Nhàn không cần chờ Phật Tổ giang tay giúp đỡ, em cũng chẳng cần chờ đến kiếp sau để được làm điều mình muốn. Ở ngay trong kiếp này, Nhàn đã tự biết quyết định số phận của bản thân mình.

phim nguoi vo ba3

Mây và Liên - con gái đầu lòng của mợ Xuân.

Một cảnh trước đó là cảnh Mây cầm hoa lá ngón. Mây có ăn lá ngón hay không, chẳng ai có thể biết được.

Nếu Mây ăn lá ngón tức là cô đã buông xuôi rồi. Mây không thể sống lầm lũi như cái bóng của chồng và nhà chồng giống mợ Hà, cô cũng không thể yêu đương và có quan hệ vụng trộm như mợ Xuân, và cô càng không thể để con gái mình rồi sau này cũng như Tuyết - em dâu của cô - bị chồng ghẻ lạnh, bố đẻ hắt hủi đến mức phải tìm đến cái chết. Nhưng biết đâu Mây sẽ không ăn lá ngón và mạnh mẽ tự quyết định số phận của mình như cô bé Nhàn thì sao?

Lấy nhan đề là Vợ Ba nhưng Mây không phải là nạn nhân duy nhất của chế độ đa thê. Thông qua lăng kính đi từ tò mò, ngây thơ đến hiểu chuyện và vỡ mộng của Mây, Ash Mayfair đã kể lại những mất mát và thống khổ của người phụ nữ khi bị cột chặt với hôn nhân không có tình yêu cùng những thành kiến bảo thủ và khắt khe trong xã hội.

Bằng việc để kết mở của Mây và hành động dứt khoát của Nhàn, Ash Mayfair lại một lần nữa thể hiện sự tinh tế khi để cho người phụ nữ của mình tự quyết định số phận bản thân và mở ra cánh cửa hy vọng.

phim nguoi vo ba8

Vợ Ba – Phim nghệ thuật Việt xứng đáng được tôn vinh

Là một phim art-house, Vợ Ba không phải là phim dễ hiểu và dễ cảm thụ ngay lập tức.

Những hình ảnh biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật, cách kể chuyện nhẹ nhàng mà day dứt có thể khiến người xem khó tiếp nhận và bóc tách nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, những luồng tranh cãi trái chiều xoay quanh cảnh nhạy cảm của diễn viên trẻ Trà My cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đánh giá của người xem.

phim nguoi vo ba9

Những cảnh nhạy cảm trong phim mang tính nghệ thuật và trong khuôn khổ đạo đức chứ không hề dung tục (ảnh: ipick).

Cá nhân người viết cho rằng bản thân mỗi khán giả nên tự đưa ra nhận xét công tâm, khách quan sau khi đã thưởng thức Vợ Ba thay vì quy chụp đạo đức và phê phán bộ phim chỉ vì ý kiến đám đông.

Vợ Ba là một bộ phim vừa lãng mạn vừa hiện thực, nên thơ và giàu tính nữ của một nữ đạo diễn táo bạo, có tầm cũng như những người phụ nữ đã góp phần làm nên bộ phim này. Vợ Ba xứng đáng được tôn vinh và khen ngợi đúng với giá trị nghệ thuật của nó.

Trước khi công chiếu tại Việt Nam, Vợ Ba đã được chiếu tại các liên hoan phim quốc tế và nhận được một số giải thưởng như Phim xuất sắc nhất (Best Film) tại phần thi quốc tế của Liên hoan phim quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 24, Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) tại liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada).

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
    1
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (1)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.