• Về đầu trang
Chym Chung
Chym Chung

Ấn Độ có thể sẽ loại bỏ bộ luật đã tồn tại 157 năm về hình sự hóa với tình dục đồng tính

Cầu vồng
1

Mọi người tham dự buổi diễu hành đồng tính tại Chennai, Ấn Độ

New Delhi - Ấn Độ có thể sắp sửa bãi bỏ bộ luật hình sự hóa quan hệ tình dục đồng tính đã tồn tại 157 năm ở nước này, một trong những nơi có trận chiến pháp lý cho cộng đồng LGBT lớn nhất và lâu dài nhất trên thế giới.

Vào một buổi chiều thứ ba ngột ngạt, mọi người đứng kín trong phòng xử án. 5 thẩm phán từ tòa án cao nhất của Ấn Độ bắt đầu nghe những lý lẽ chống lại một luật gọi là Mục 377. Luật được hình thành từ những năm cai trị của Anh tại Ấn Độ (năm 1861) và nói rằng tất cả hoạt động tình dục ngoài quan hệ tình dục khác giới là "chống lại trật tự của tự nhiên".

Nếu Tòa án tối cao Ấn Độ bãi bỏ bộ luật trên, nó sẽ trao quyền cho người đồng tính ở quốc gia có hơn 1 tỷ người này.

Nhưng nếu phán quyết này đưa ra, nó có thể có dẫn đến hậu quả rất lớn ở các nước khác - đặc biệt là khối Thịnh vượng chung Anh, tổ chức liên chính phủ gồm hầu hết các quốc gia từng là lãnh thổ của cựu Đế quốc Anh.

Akhilesh Godi, một nguyên đơn 25 tuổi đến từ Hyderabad, Ấn Độ, đã đến New Delhi để tham dự phiên tòa. "Tôi công khai đồng tính với mọi người ở tuổi hai mươi, và đã mất rất nhiều thời gian để hiểu điều đó nghĩa là gì", anh nói, "Tôi phải chiến đấu với các vấn đề về tâm lí nghiêm trọng và trầm cảm, dù đã tìm đến thuốc. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rồi."

Một cựu sinh viên của Học viện Công nghệ Ấn Độ (một trường đại học uy tín, là "phiên bản Ấn Độ" của Học viện Công nghệ Massachusetts), nói rằng nhờ kết quả các đơn kiến nghị của một nhóm 20 sinh viên, anh đã có thể thoải mái thảo luận về khuynh hướng tình dục của mình với các đồng nghiệp. Anh hiện đang trong quá trình giúp họ thiết lập một nhóm nhân lực bao gồm những người thuộc cộng đồng LGBT.

"Điều tôi mong muốn hơn cả là các viện giáo dục khác cũng sẽ thành lập các nhóm hỗ trợ và không gian an toàn cho những queer trẻ tuổi như tôi, đang bối rối và có thể cũng phải chiến đấu với những vấn đề tinh thần tương tự."

2

Akhilesh Godi (thứ 3 từ bên trái sang) cùng với những người đệ đơn ở Học viện Công nghệ Ấn Độ

Các nhà hoạt động ở Ấn Độ đã phải trải qua một cuộc đấu tranh dài và khó khăn để chống lại Mục 377 bị Tòa án Tối cao Delhi bác bỏ năm 2009, để rồi bốn năm sau đó được Tòa án tối cao xem xét lại.

Quyết định năm 2013 của hai thẩm phán Tòa án tối cao đã mô tả cộng đồng LGBT ở Ấn Độ là một "phần nhỏ" của tổng dân số, và phủ nhận rằng cộng đồng này phải đối mặt với bất kỳ cuộc đàn áp nào theo luật, vì chỉ có chưa tới 200 người bị bắt trong 150 năm qua bởi "tình dục trái với tự nhiên." Một trong những thẩm phán thậm chí tuyên bố rằng ông chưa bao giờ gặp người đồng tính nào trong cuộc đời mình.

Nhưng các thẩm phán khác trên tòa án gần như ngay lập tức bắt đầu tìm các cơ sở để lật đổ phán quyết này. Đầu tiên vào năm 2014, tòa án đã mở rộng quyền và bảo vệ hợp pháp cho những người chuyển đổi giới tính, và sau đó vào năm 2017, quyết định rằng sự riêng tư là "quyền cơ bản". Phán quyết sau này đã trở thành bước đà cho công cuộc hủy bỏ Mục 377, dẫn đến một lệnh hiếm hoi vào tháng Giêng của ban hội thẩm Tòa án tối cao về việc được xem xét lại quyết định của Tòa án năm 2013.

Trước đó, đã có rất nhiều đơn kiến nghị sửa chữa đối với Mục 377, trong đó người nộp đơn yêu cầu thẩm phán Tòa án Tối cao xem xét vấn đề của bộ luật này do phán quyết của tòa án đã xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của công bằng tự nhiên, mặc dù phán quyết cuối cùng về nó đã được thông qua.

Danh sách các nguyên đơn bao gồm những nhân vật nổi tiếng như vũ công Navtej Johar, nhà hoạt động chuyển giới Akkai Padmashali, đầu bếp Ritu Dalmia, và một chủ khách sạn tên là Keshav Suri.

Cũng có những người khởi kiện vì lý do cá nhân như nhà hoạt động nhiễm HIV Gautam Yadav và Arif Jaffar, một người đàn ông 47 tuổi bị giam giữ và bị tra tấn trong hơn một tháng vì khuynh hướng tình dục của mình theo Mục 377 (Jaffar đã chiến đấu với một vụ kiện riêng chống lại các sĩ quan đã bắt anh trong 18 năm qua).

Đa số các nguyên đơn chống lại Mục 377 là nam giới, điều này là do sự kỳ thị xã hội đối với tất cả các biểu hiện ham muốn nữ giới ở Ấn Độ và còn vì luật trừng phạt đối tượng đồng tính nam thường xuyên hơn, theo cựu luật sư người Ấn Độ Mukul Rohatgi. "Phần 377 ở đất nước chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến hầu hết đàn ông", ông nói trong các cuộc tranh luận tại tòa án.

3

Một nhà hoạt động về quyền LGBT phản đối quyết định của Tòa án tối cao năm 2013

Các nhà hoạt động nói rằng phần hy vọng nhất của cuộc chiến mới chống lại Mục 377 là mở rộng giới hạn đối với các đồng minh hoặc thành viên của cộng đồng, để tạo nên chỗ dựa cho những người quá sợ hãi không dám công khai.

"Những người tham gia vào các kiến ​​nghị tại thời điểm này không có tiền sử hoạt động trước đó - nhiều người trong số họ đến từ các thị trấn nhỏ, và có những câu chuyện cảm động về chống đói nghèo, những nỗ lực tự sát và gia đình đã buộc họ phải kết hôn với người khác giới."

4

Mọi người phản đối Mục 377

Các nguyên đơn từ IIT, gần như tất cả đều dưới 30 tuổi, là các nhà khoa học, doanh nhân, giáo viên, nhà nghiên cứu và chủ doanh nghiệp. Họ kể mình là con của nông dân, giáo viên, người nội trợ và công chức. Mười bảy người đàn ông, hai phụ nữ, và một người phụ nữ chuyển giới đã mô tả tác động của Mục 377 về cuộc đời của họ cho tòa vào ngày thứ Ba.

"Mọi người nghĩ rằng người đồng tính sắp có một kết thúc hạnh phúc, nhưng không phải vậy," nguyên đơn Anwesh Pokkuluri nói, trước khi tòa tạm dừng nghỉ trưa. "Ngay cả sau khi bạn đủ can đảm để nói chuyện với cha mẹ hoặc có thể là anh chị em của bạn, nhưng ở đâu đó ngoài kia vẫn có những người mà bạn làm việc cùng, những người bạn gặp mặt ngoài xã hội, hay đơn giản là chủ nhà... Khi mà Mục 377 vẫn còn tồn tại, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng nổi họ sẽ phản ứng như thế nào khi biết bạn là người đồng tính đâu."

Bị coi là "tội phạm không bị kết án" - thuật ngữ Rohatgi dùng để mô tả hoàn cảnh của người LGBT ở Ấn Độ - có nghĩa là hàng tỷ người đã không thể tiếp cận với giáo dục giới tính và tìm kiếm y tế và trợ lý pháp lý khi cần. Mặc dù đã nhận được học bổng từ một số tổ chức ưu tú nhất trong nước, những người khởi kiện IIT nói rằng họ thường xem xét việc rời Ấn Độ đến một đất nước mà tình yêu đồng giới không bị coi là tội hình sự. Bản kiến nghị của họ trích dẫn Mục 377 là một trong những lý do chính khiến chảy máu chất xám ở Ấn Độ.

Nhưng cũng có một số bất ngờ thú vị. Khi thủ tục tố tụng ngày hôm đó kết thúc, Romel Baral, 25 tuổi đến từ Bengaluru ở miền nam Ấn Độ, học tại IIT Guwahati và hiện đang làm việc ở Goldman Sachs, nói rằng ông chủ của anh là lý do khiến anh cảm thấy nên tham gia kiến nghị. "Tôi biết mình sẽ phải công khai vào một ngày nào đó. Tôi luôn tưởng tượng nó sẽ như thế nào - nhưng đồng nghiệp hiện tại vẫn trìu mến và ấm áp khiến tôi có thể thoải mái nói về khuynh hướng tình dục của mình. Khi tôi hỏi họ tại sao cần phải thay đổi bộ luật này và tại sao tôi cần phải là một phần của bản kiến nghị - họ nói với tôi hãy làm cho họ tự hào!"

Các phiên điều trần đối với những kiến nghị về Mục 377 sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Theo: buzzfeed
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.