• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Những bức thư tình giữa... hai người đàn ông trong Thế chiến thứ 2

Cầu vồng

Trước khi tham gia vào Thế chiến thứ 2, Gilbert Bradley đã yêu. Ông và nhân tình của mình, lúc đó chỉ kí tên là “G”, đã gửi cho nhau cả trăm bức thư. Nhưng sau 70 năm, sự thật được phơi bày: “G” là viết tắt của Gordon. Tình nhân bí mật của Gilbert là một người đàn ông.

Vào thời ấy, tình yêu đồng tính không những bị xem là tội lỗi, mà việc phát sinh quan hệ đồng tính trong quân đội còn có thể bị xử bắn. Những bức thư chỉ xuất hiện sau khi Bradley mất vào năm 2008, nhờ nó mà nhiều người hiểu hơn về sự khắc nghiệt của chiến tranh - nơi mà tình yêu đồng tính không được phép tồn tại và luôn luôn phải đối mặt với trăm ngàn hiểm nguy.

Phong thư của Bradley gửi cho "G" bí ẩn

Những lá thư tình viết giữa mưa bom bão đạn

Qua những bức thư, người ta thấy rằng Bradley là một người rất do dự. Ông không muốn nhập ngũ, thậm chí đã giả vờ bị động kinh để tránh việc nhập ngũ. Dẫu vậy, kế hoạch của ông bất thành. Năm 1939, ông đóng quân tại trại Park Hall ở Owestry, Shropshire, và được huấn luyện cho vị trí lính phòng không.

Thời điểm đó, Bradley đã yêu Gordon Bowsher. Cặp đôi gặp nhau trong một chuyến đi thuyền vào năm 1938, lúc ấy Bowsher đang có quan hệ với cháu trai của Bradley. Bowsher sinh ra trong một gia đình khá giả, bố ông điều hành công ty cho thuê tàu, đồng thời gia đình cũng sở hữu vài đồn điền chè.

Một năm sau khi chiến tranh nổ ra, Bradley chuyển sang làm lính bộ binh và đóng quân ở nhiều nơi trên đất nước.

Đồn Park Hall ở Owenstry năm 1939, nơi Gilbert Bradley lần đầu đóng quân

Những bức thư xuất hiện sau cái chết của Bradley vào năm 2008 là một điều kỳ lạ, theo nhà hoạt động vì quyền lợi người đồng tính. “Người đồng tính có cả một lịch sử rất dài, và nó không phải lúc nào cũng u buồn. Đã có quá nhiều những câu chuyện về việc bị tù giam như của Oscar Wilde hay Reading Gaol. Nhưng bất chấp sự cấm cản, nhiều người đồng tính đã đứng lên, kể lại câu chuyện của họ một cách vui tươi và hứng khởi.”

Dưới đây, Lost Bird xin được trích lại lời yêu thương mà Gilbert Bradley đã dành tặng Gordon. Để bạn đọc một lần được đắm mình trong không khí thập niên 40, cảm thụ cái gay gắt của bom đạn, xúc động với một tình yêu buộc phải nằm trong bóng tối nhưng chưa từng mất đi những dịu êm, mật ngọt thuở ban đầu.

Minh họa: Mèo Moon

Thứ Tư, 24 tháng Một, 1939

Em yêu,

… Anh thao thức mỗi đêm, mong chờ người đưa thư vào mỗi sáng sớm, và khi không có tin tức gì từ em, thì trong lòng anh ngập những nỗi sợ hãi và lo âu...

Gửi em tất cả tình yêu của anh, mãi mãi,

G.

Minh họa: Mèo Moon

Tháng Mười Hai, 1940, Park Grange

Chàng trai yêu quý của anh,

Anh không mong muốn gì hơn việc đôi ta có thể được gần nhau…

… Anh nghĩ mình tưởng tượng ra được phản ứng của bố mẹ em… Phần còn lại của thế giới không hiểu gì về chúng ta cả, họ không hiểu rằng, đây là tình yêu…

Minh họa: Mèo Moon

Ngày 1 tháng Hai, 1941, trung đoàn K.C Gloucester, đường Priors, Cheltenham

Chàng trai của anh,

Rất nhiều năm rồi anh đã có suy nghĩ rằng không có tình yêu nào là trường tồn mãi mãi...

Anh muốn em hãy chia sẻ tư tưởng đó cùng anh, và tìm một người mới trong tương lai, em nhé

Tưởng tượng khi chiến tranh kết thúc, chúng ta có thể chung sống. Nhưng phải chăng sẽ tốt hơn nếu mình cho nhau lối đi riêng từ đây? Hãy lưu giữ những kỉ niệm, những năm tháng ta đã có nhau ở thời kì mà mình đang hạnh phúc nhất.

Của em.

...

Ở bức thư cuối, người ta hoang mang liệu đây có phải một chuyện tình kết thúc có hậu?

Không hẳn là vậy. Bradley từng có lúc được chuyển đến Scotland, nhận nhiệm vụ bảo vệ Forth Bridge. Tại đây, ông đã gặp và yêu 2 người khác. Nhưng rất ngạc nhiên, ông vẫn viết thư cho Bowsher, kể cho Bowsher nghe về chuyện tình hiện tại của mình. Và có lẽ đáng ngạc nhiên hơn, Bowsher chấp nhận tất cả, viết lại rằng: “Em hiểu lý do tại sao họ yêu anh mà. Thật lòng mà nói, em cũng từng rất yêu anh đấy thôi.”

Mặc dù vậy, tình yêu giữa họ chắc chắn đã tồn tại. Và có lẽ nhờ những cánh thư mà họ đã dìu nhau đi qua thời khắc đen tối nhất lịch sử loài người.

Nguồn: BBC

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.