• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Điểm danh các bộ sưu tập nổi tiếng của Vivienne Westwood qua từng thời kì

Thời trang

Vào những năm 1960, Vivienne Westwood đã sớm phát triển đam mê thiết kế và theo học về thời trang và nghề đúc bạc tại Harrow School of Art và University of Westminster. Nhưng bà cũng bỏ dở sau một học kì vì ở thời điểm đó, Vivienne không biết “một cô gái thuộc tầng lớp lao động như bà có thể kiếm sống bằng cách nào trong thế giới nghệ thuật”. Vì vậy, bà chuyển sang nghề giáo dục và nghề tay trái là thiết kế váy cùng trang sức.

Khi Vivienne gặp người quản lí của ban nhạc punk của những năm 70, Malcolm McLaren của The Sex Pistols, niềm khao khát về một lối sống rộn ràng và vội vã mà bà tìm thấy được qua McLaren đã trỗi dậy, khiến bà rời bỏ gia đình cùng công việc giảng dạy của mình.

Năm 1971, Malcolm và Vivienne đã mở cửa hàng của họ tại quận Chelsea của London, gốc rễ của phong trào punk ở giới trẻ. Cửa hàng tại Kings Road được thay tên đổi họ mỗi khi bộ đôi phát hành bộ sưu tập mới, từ SEX; Too Fast to Live, Too Young to Die; Seditionaries,... Cửa hàng này là nơi Vivienne trưng bày các tác phẩm đầu tiên của mình với tư cách là một nhà thiết kế. Bộ đôi đạt được thành công lớn khi trở thành trụ cột của Sex Pistols, đồng thiết kế nên chiếc áo phông biểu tượng của ban nhạc. Họ thường trưng bày những hình ảnh về văn hóa nước Anh dưới dạng cắt dán lộn xộn, từ những chiếc Union Jacks đến Nữ Hoàng Elizabeth II với chiếc ghim băng xuyên qua môi, bộ đôi đã hình thành nên cầu nối giữa âm nhạc và thời trang.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng và phát triển thương hiệu, Vivienne Westwood đã thể hiện sự nổi loạn trong phong cách ăn mặc của bà. Bà thường xuất hiện với mái tóc xù và áo phông rách được lấy cảm hứng từ những “chàng thơ” của bà như David Bowie và The Sex Pistols. 

Bộ sưu tập đầu tiên mà Vivienne hợp tác với Malcolm được ra mắt vào năm 1981 tại Paris Fashion Week, dùng “punk” là xu hướng chủ đạo. Với tên gọi “Pirates”, bộ sưu tập đã thống trị các diện mạo của thập niên 80, mang đến một cái nhìn lãng mạn trong bối cảnh thời trang ở London lúc bấy giờ và giúp nó có được một vị trí vững vàng trong lịch sử thời trang. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1981, McLaren nhớ lại rằng ông đã bị cuốn hút bởi bộ phim The Island (1980), trong khi Vivienne tập trung vào những cô gái của thế kỉ 18 và người Mỹ bản địa. Tất cả những ảnh hưởng này đã kết hợp lại với nhau tạo nên những trang phục lãng mạn, phi giới tính và đầy màu sắc, gợi lên hình ảnh về những tên côn đồ, chàng công tử phong nhã và bọn cướp biển. Những thiết kế này đã trở thành “đồng phục” của nhiều ngôi sao nhạc pop trong phong trào Tân lãng mạn, từ Boy George đến Adam and the Ants.

Vivienne và Malcolm tiếp tục hợp tác dưới tên thương hiệu World’s End (được đổi từ Seditionaries và còn tồn tại đến ngày nay) trong khoảng 5 mùa kế tiếp trước khi mối quan hệ giữa họ tan rã. 

“Anh ấy rất ghen tị với tôi. Anh ấy sẽ nói những câu như “Cô ấy chỉ là một thợ may” và “Vivienne sẽ không bao giờ là một nhà thiết kế nếu cô ấy không gặp tôi”.” - bà kể.

Hình ảnh của McLaren đang giơ ngón cái tại một trong những buổi trình diễn cuối cùng của cặp đôi, mùa Thu Đông năm 1992, Buffalo Girls/Nostalgia of Mud

Một trong những bộ sưu tập mang tính biểu tượng nhất của Vivienne là bộ sưu tập Thu Đông 1987 mang tên “Harris Tweed”. Lấy cảm hứng từ một cô gái mà bà nhìn thấy trên tàu điện ngầm ở London.

“Cô ấy không thể nào quá 14 tuổi. Cô có một búi tóc tết nhỏ, mặc chiếc áo khoác Harris Tweed và một chiếc túi cùng một đôi giày ba lê. Cô bé trông thật tuyệt và điềm đạm khi đứng đó” - Vivienne nói. 

Bộ sưu tập được thiết kế với một diện mạo trẻ con được làm từ các chất liệu vải của Anh Quốc, đặc biệt là len, một loại chất liệu thường được sử dụng để may nên các đồng phục của Đế Quốc Anh thời bấy giờ, kết hợp với vải nhung đen và chiếc corset, một yếu tố quan trọng trong bộ sưu tập mà bà đã vay mượn từ lịch sử.

Từ năm 1988 đến 1992 là quãng thời gian đánh dấu sự khởi đầu mà bà gọi là “The Pagan Years”. Nhà thiết kế định nghĩa thời kì này là giai đoạn tách biệt khỏi punk và bắt chước tầng lớp thượng lưu. Tinh thần này được Vivienne thể hiện rõ nét trong các buổi trình diễn và bà nổi tiếng là người luôn tạo ra tiếng cười như việc đưa đạo cụ cho người mẫu. Điển hình như bộ trang phục trong mùa Thu Đông năm 1992 được thiết kế theo đồng phục săn bắn truyền thống của Anh, Vivienne đã cho người mẫu mang một khẩu súng săn và bộ ria mép lên sàn diễn.

Bước qua “The Pagan Years”, từ năm 1993 đến năm 1999, Vivienne Westwood đã xác định các thiết kế của mình là cuộc đối thoại giữa lịch sử của Pháp và Anh, bà gọi đó là thời kì “Anglomania”. Với tay nghề cắt may đỉnh cao cùng sự kết hợp giữa nét quyến rũ tinh tế trong thời trang Anh cùng với tính cân đối và dư thừa của Pháp, nhà thiết kế đã tìm thấy nét thẩm mỹ đặc trưng của mình. Trong show diễn Thu Đông năm 1994, Vivienne đã “châm biếm” hình dáng tự nhiên của cơ thể bằng cách sử dụng đệm vải tartan derrière, một kĩ thuật thời trang của thế kỉ 17 nhằm định hình phần hông và thu nhỏ vòng eo. Điều đặc biệt nhất của bộ sưu tập này chiếc corset được Vivienne Westwood (người đầu tiên) biến tấu từ một món đồ underwear thành một trang phục outerwear gợi cảm. Những chiếc corset bó sát này gợi nhớ đến fetish fashion của bà khi còn làm việc tại World’s End. Một số chiếc corset còn có phần tay áo tháo rời lấy cảm hứng từ áo giáp thời Trung Cổ.

Trong bộ sưu tập Xuân Hè 1994 mang tên “Café Society”, cách thức trang điểm và làm tóc có xu hướng tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp của thế kỉ 17 và 18 với các biểu tượng như Marie Antionette và Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất. Những người mẫu thường để tóc búi cao, phủ một lớp phấn trắng trên mặt được nhấn nhá bằng tông màu hồng. Các hình ảnh với tỉ lệ khêu gợi cao khiến giới báo chí khó chịu và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những bộ bikini siêu nhỏ được làm từ kĩ thuật đan móc, những chiếc váy dạ hội lộng lẫy và đồ sộ cùng những chiếc áo sơ mi có nơ. Đặc biệt là hình ảnh siêu mẫu Kate Moss bước trên sàn diễn với chiếc váy siêu ngắn, để ngực trần và ăn một cây kem. 

Trong những năm 2000, Vivienne Westwood bắt đầu gạt chủ nghĩa lịch sử sang một bên, thay vào đó là các thiết kế chuyển hướng sang chính trị. Bà đã khiến mỗi thông điệp của mình (về vấn đề biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân và bỏ tù bất hợp pháp) rõ ràng hơn trong các show diễn. Ngoài những ảnh hưởng của lịch sử luôn hiện hữu như corset và váy được thiết kế rời, các áo khoác lấy cảm hứng từ trang phục quân đội được phân lớp cùng khẩu hiệu khiến các thiết kế càng trở nên đặc biệt hơn. Điển hình như bộ sưu tập Thu Đông 2005-06 mang tên “Propaganda”. 

Giờ đây, Vivienne Westwood được xem là gương mặt đại diện cho thời trang nước Anh. Cách tiếp cận trong quá trình xây dựng thương hiệu của Vivienne Westwood chưa bao giờ tập trung vào việc tuân theo các nguyên tắc hay trở thành người của đám đông. Thay vào đó, Vivienne cho thấy tầm quan trọng của việc tìm ra lợi thế của bạn trên thị trường đầy tính cạnh tranh. Tất cả mọi thứ từ trang web của thương hiệu đều tràn ngập những hình ảnh gây sốc cùng những ý tưởng độc đáo. Bản chất thẳng thắn là điều đã khiến hãng trở thành một biểu tượng khó quên trong nhiều năm. Mọi người đều biết rằng, khi họ mua một bộ trang phục từ Vivienne Westwood, họ đang ủng hộ khái niệm về sự thay đổi trong xã hội và cộng đồng, khoác lên mình một món đồ của Vivienne Westwood không chỉ là một tuyên bố thời trang mà nó còn là một trải nghiệm chính trị. 

Theo: Vogue, Vivienne Westwood, fabrik brands, nssgclub, CR Fashion Book
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.