• Về đầu trang
Mincysh
Mincysh

Hoàng Huệ Lan - 'Fashionista' đầu tiên của Trung Quốc

Chị em

Tại Trung Quốc sớm đã xuất hiện một “bóng hồng” được mệnh danh là “Viên ngọc của Viễn Đông”. Người phụ nữ đó tên Hoàng Huệ Lan - phu nhân của nhà ngoại giao Cố Duy Quân. Bà không chỉ có năng khiếu trong lĩnh vực thời trang mà còn thành thạo kỹ năng giao tiếp và trở thành "cánh tay đắc lực" của chồng.

Biểu tượng thời trang đầu tiên của Trung Quốc - Hoàng Huệ Lan

Năm 2015, trong một buổi triển lãm tại Trung Quốc đã xuất hiện một bộ xường xám mang đúng phong cách và tinh thần của người Trung Hoa. Chủ nhân của bộ váy đó cũng chính là nhân vật mà chúng ta đang nhắc đến - bà Hoàng Huệ Lan.

Bộ xường xám được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York

Bộ xường xám làm từ năm 1932, thêu họa tiết hình rồng Trung Hoa bằng vải xanh hồ, thật sự đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các nghệ sỹ phương Tây. Nó chính là đại diện cho nét giao thoa hoàn hảo giữa vẻ đẹp truyền thống Trung Quốc và hơi thở hiện đại của phương Tây. Năm 1976, Hoàng Huệ Lan đem bộ xường xám tới Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York. Nhờ vậy mà ngày nay, chúng ta mới có cơ hội được ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật này.

Bộ xường xám tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Châu Á

Hoàng Huệ Lan sinh năm 1893 ở Indonesia, là con gái của Hoàng Trọng Hàm. Hoàng Thị là gia tộc giàu có nổi tiếng ở Indo. Năm đó gia đình bà tị nạn sang Indonesia, sau này nhờ chịu khó làm ăn nên có của ăn của để. Cha của bà với những ý tưởng kinh doanh độc đáo, đã đầu tư vào đường và có danh hiệu "Vua đường". Ông trở thành người giàu nhất Indonesia vào thời điểm đó và thậm chí còn cưới được người đẹp Ngụy Minh Nương, cùng nuôi dạy hai con gái là Hoàng Tông Lan và Hoàng Huệ Lan. Đồn rằng, quà sinh nhật 3 tuổi của Hoàng Huệ Lan là mặt dây chuyền kim cương 80 carat, đủ thấy gia đình bà bề thế đến mức nào.

Trong khách sạn Tugu Malang ở Indonesia có trưng bày một số hình ảnh của Hoàng Huệ Lan

Khi cha mẹ bà ly hôn, mẹ bà dẫn bà và chị gái đến London sinh sống. Dù đã rời xa quê hương, nhưng Hoàng Huệ Lan vẫn được sống cuộc sống sung túc. Chi phí sinh hoạt mà cha bà gửi cho ba mẹ con là 7 triệu USD. Mẹ bà vì muốn con gái hiểu biết rộng nên thường đưa bà đi du lịch khắp thế giới. Mặc dù không được đi học nhưng Hoàng Huệ Lan có người dạy kèm ngoại ngữ, thanh nhạc, khiêu vũ, mỹ thuật,... Bà là người thông minh, thông thạo 5 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Mã Lai và tiếng Trung.

Đọc đến đây có thể bạn sẽ nghĩ một vị đại tiểu thư tài giỏi và cao quý như vậy, thì chắc hẳn tiêu chuẩn "nửa kia" phải cao lắm. Năm 1919, bà và nhà ngoại giao nổi tiếng Trung Quốc Cố Duy Quân bắt đầu quen biết. Vào thời điểm đó, Cố Duy Quân theo đoàn ngoại giao của chính phủ Bắc Mãn tới Paris tham gia hội nghị hòa bình. Hoàng Huệ Lan khi ấy mời đoàn khách đến nhà mình và đó cũng là lần đầu tiên 2 người gặp nhau.

Nhà ngoại giao nổi tiếng Trung Quốc và cũng là chồng của bà Hoàng Huệ Lan

Cố Duy Quân đã từng có một đời vợ, ông ăn mặc giản dị và ngoại hình thì không mấy nổi bật. Nhưng nhờ tài ăn nói khéo léo của một nhà ngoại giao mà ông đã “lay chuyển” được trái tim giai nhân.

Một bên là nhà ngoại giao, cần một người vợ thấu hiểu, biết chăm sóc cho gia đình cũng như giúp đỡ ông trong công việc. Bên kia là cô tiểu thư thiếu hơi ấm gia đình và khao khát có địa vị trong xã hội. Cuộc hôn nhân của họ có bao nhiêu phần là yêu thì không ai biết được. Năm 1920, hai người tổ chức đám cưới lớn tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Brussels, Bỉ.

Hai vợ chồng Cố Duy Quân - Hoàng Huệ Lan

Cả hai có một con trai và một con gái sau khi kết hôn, thân phận “Phu nhân nhà ngoại giao” đã giúp cho Hoàng Huệ Lan “có đất dụng võ”. Ngoài vẻ đẹp quyến rũ và kỹ năng giao tiếp, bà còn tạo dấu ấn trong lòng mọi người ở lĩnh vực thời trang. Năm 1921, với tư cách là phu nhân công sứ, bà đến tham dự buổi tiệc tại cung điện Buckingham ở Anh. Khoác lên mình bộ váy dài màu kem, quàng thêm chiếc khăn màu đỏ đính thạch anh, trên đầu đội vương miện kim cương, cổ đeo vòng ngọc trai còn tay thì cầm chiếc quạt gấp duyên dáng. Phong cách kết hợp Đông - Tây của bà khi ấy đã trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Bà Hoàng Huệ Lan và con trai

Hoàng Huệ Lan tham dự buổi tiệc tại Cung điện Buckingham Palace

Do được tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây từ nhỏ nên Hoàng Huệ Lan có một sự hiểu biết và tiếp thu sâu sắc về lịch sử, văn hóa và đặc biệt là khiếu thẩm mỹ của phương Tây. Ví dụ như bà thường đeo trang sức ngọc trai, nhất là những chiếc vòng ngọc trai đôi, ở thời điểm đó được coi là “tiêu chuẩn” của một nhà quý tộc. Với phong cách thời trang mới lạ nhưng không kém phần trang nhã, cái tên Hoàng Huệ Lan trở nên phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội. Vì vậy bà được biết đến như là "Viên ngọc của Viễn Đông".

Ngay cả khi tiếp xúc với gia đình hoàng gia như Nữ hoàng Mary và Nữ hoàng Elizabeth ở Anh thì vẻ đẹp và phong cách thời trang tinh tế của bà cũng không hề thua kém.

Hoàng Huệ Lan và Nữ hoàng Elizabeth

Hoàng Huệ Lan và Nữ hoàng Mary

Mặc dù tiếp thu rất nhiều văn hóa của phương Tây, nhưng Hoàng Huệ Lan đối với Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc vẫn luôn có một tình yêu “nồng cháy”. Vào những năm 1920, bà cùng chồng sống ở Thượng Hải. Bấy giờ, loại vải Pháp thanh nhã được các cô gái Trung Quốc đặc biệt yêu thích, nhưng bà lại bị mê hoặc bởi chất liệu vải truyền thống. Bà cho rằng bỏ đi những loại vải được thêu thùa trang trí công phu và làm từ tơ lụa sang trọng ấy là một việc tàn nhẫn. Vì vậy Hoàng Huệ Lan đã mua một số váy truyền thống của Trung Quốc để làm lễ phục. Bà đặc biệt yêu thích xường xám, cũng từ đấy mà xường xám trở thành thương hiệu của riêng bà.

Là một phụ nữ thanh lịch, trang nhã, Hoàng Huệ Lan nhanh chóng trở thành nữ thần ở bến Thượng Hải và là mẫu hình lý tưởng của các cô gái thời đó. Bạn có biết Hoàng Huệ Lan “hot” đến mức độ nào không? Lúc ấy vì mắc bệnh về da nên bà không thể đi tất chân, dù trời mùa đông có lạnh tới đâu thì bà vẫn phải để chân trần. Nhưng các cô gái Trung Quốc không biết đến nỗi khổ tâm của bà, tưởng rằng đây là xu hướng mới mà bà đang "lăng xê" nên học theo: mặc xường xám và để chân trần.

Hoàng Huệ Lan thích mặc xường xám nhưng lại bị bệnh về da nên không thể đi tất chân. Từ đó, tạo thành một trào lưu "không đi tất"...

Bà thích những mẫu vải màu xanh, đỏ và trên vải thêu hình long phượng, hình con vật hay kiến trúc của Trung Hoa. Các cô gái xung quanh thì luôn học theo phong cách ăn mặc của bà.

Hoàng Huệ Lan hay sưu tập đồ trang sức ngọc bích. Bà thường đeo một chiếc vòng cổ ngọc lục bảo và hai đôi dây chuyền bằng ngọc bích. Bà đeo nó ngay cả trong bức chân dung được danh họa Federico Beltran vẽ tặng. Nhờ vậy mà những chiếc vòng ngọc trai đôi hay vòng ngọc bích rất được ưa chuộng trong công chúng thời bấy giờ.

Vòng ngọc trai đôi và vòng ngọc bình được bà "lăng xê" rất thường xuyên

Bức chân dung do danh họa Federico Beltran vẽ tặng

Sau 36 năm chung sống cuối cùng bà và Cố Duy Quân cũng ly dị. Bà quay trở lại Mỹ sống và qua đời vào ngày mừng thọ 100 tuổi. Mặc dù đã không còn nhưng những dấu ấn về thời trang mà bà để lại cho thế giới thì vẫn sống mãi. Tạp chí Vogue của Mỹ đã từng đặt cho bà danh hiệu "Người phụ nữ mặc đẹp nhất" ở Trung Quốc những năm 1920-1940.

Tạp chí Vogue của Mỹ đã từng đặt cho bà danh hiệu "Người phụ nữ mặc đẹp nhất" ở Trung Quốc những năm 1920-1940

Theo: sohu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.