• Về đầu trang
Huyền
Huyền

Thời đại nào rồi mà con người ta vẫn vung tiền đi mua đồ giả?

Sống "đẹp"

La Hồ ở Trung Quốc, Ladies Street ở Hong Kong, Dongdaemun ở Hàn Quốc và Pasar Malams ở Singapore đều được xem như những địa điểm tập kết quen thuộc của hàng giả.

Mới đây, một người đàn ông 21 tuổi đã bị bắt giữ vì tội nhập khẩu trái phép hàng giả với tổng trị giá lên tới hơn 520.000 USD. Một số trang tin tức địa phương khác cũng đưa tin về việc hàng loạt túi, áo quần và phụ kiện nhái được bày bán ở một cửa hàng pop-up tại thành phố Raffles. Một số mặt hàng thậm chí còn đề giá lên tới gần 10.000 USD.

Những mẫu túi nhái lại các thương hiệu nổi tiếng tại đại bản doanh sản xuất hàng giả (Nguồn: AFP/Philippe Lopez)

Tất cả những con số trên khiến nhiều người choáng ngợp. Hermes thì xa vời quá rồi nhưng 10.000 USD đấy hoàn toàn đủ để rinh về nhà vài em túi chất lượng xịn chẳng kém. Tại sao phải vung chừng đấy tiền chỉ vì một chiếc túi giả hiệu?

Thị trường rộng lớn

Có thể thấy rõ rằng hàng giả, hàng nhái chiếm thị phần không nhỏ trong thị trường hiện nay. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, tổng giá trị hàng hóa trên thị trường trao đổi, mua bán hàng giả hàng nhái quốc tế đã tăng từ 250 tỷ USD trong năm 2008 để cán mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2016.

Sự phát triển của thương mại điện tử ít nhiều giúp cho thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Giờ đây, với các nền tảng thương mại điện tử, hàng giả có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Khách hàng giờ đây cũng chỉ việc ngồi nhà bấm nút để mua hàng, giảm thiểu nguy cơ bị người khác bắt gặp đang mua hàng giả, hàng nhái.

Taobao, gã khổng lồ trong nền bán lẻ được xem như là thiên đường của đồ nhái (Nguồn: AFP/Fred Dufour)

Nghịch lý là dù rất nhiều thương hiệu đã ra sức tuyên truyền, tổ chức hàng loạt các chiến dịch bài trừ hàng giả, hàng nhái nhưng nó vẫn sống ổn, thậm chí còn phát triển mạnh hơn.

Các nhãn hàng luôn tìm đủ cách làm khó cho dân buôn đồ giả hiệu, ví như in lên sản phẩm những đoạn mã đặc biệt. Tuy vậy, cách làm này chỉ có thể ngăn được một bộ phận khách hàng lâm vào thế bị động khi mua hàng giả thôi. Nói cho rõ ra thì người mua hàng giả cũng chia làm hai loại: chủ động và bị động.

Dạng bị động chính là dạng mua hàng giả về nhà trong tâm thế là mình đang mua đồ xịn, muốn mua hàng hiệu cuối cùng lại vớ nhầm hàng giả hiệu. Trong trường hợp này, các tiêu chuẩn, đặc điểm đặc trưng của sản phẩm được phát huy tác dụng của mình, giúp người mua phân biệt được đồ hiệu và đồ gỉa hiệu.

Tuy nhiên, dạng khách hàng này lại chỉ là phần thiểu số. Phần đông hàng giả hàng nhái lọt vào tay những khách hàng theo phái chủ động, nghĩa là họ chẳng về vướng phải cú lừa nào cả mà chủ động tự thân tìm kiếm đi mua đồ nhái.

Mua “được” đồ giả

Nhiều người cho rằng thành phần chủ động mua đồ giả đến từ những quốc gia đang phát triển, chi tiết hơn là nhóm có thu nhập thấp. Nhận định này được đưa ra bởi họ cho rằng, lí do khiến hàng hiệu thành mặt hàng bán chạy ở những quốc gia này là vì họ không đủ tiền để chi trả cho một món đồ hiệu.

Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhận định này hoàn toàn sai lầm. Nhiều trang tin đã miêu tả bóng dáng của những doanh nhân, con người thành đạt chen giữa dòng người săn hàng giả hiệu.

Xét cho cùng thì dẫu có là giả hay gì, có bao nhiêu người có đủ khả năng vung tay đến 10.000 USD cho một cái túi? Câu chuyện mua sắm này chẳng hề là chuyện riêng của mỗi Singapore. Ở Hong Kong, nó cũng đang dần biến thành chuyện thường trong giới tai tais - giới phu nhân quyền quý, những con người giàu thời gian và vật chất.

Một đôi Adidas được bày bán ở một phiên chợ bên lề đường

Thiếu hụt về tài chính không hề là lí do cốt yếu khiến dân chúng lùng mua hàng giả như nhiều vẫn nghĩ. Vấn đề nhận thức cùng với áp lực từ xã hội mới là nguyên nhân chính đẩy nhiều người vào dòng người đi săn hàng nhái.

Có người mua vì muốn tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo gây ấn tượng với người đối diện. Người khác thì không lấy làm tôn trọng công sức vô hình của những con người đứng sau tạo nên giá trị sản phẩm cũng như chi phí phát triển sản phẩm, bởi thế họ chọn đồ giả hiệu chứ không phải là những thứ được bày bán trong cửa hàng chính hãng.

Sự bất bình đẳng trong xã hội và tâm tư của nhiều con người

Gần đây ở Singapore nổi lên tranh luận về sự gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Người thì giàu sụ của ăn của để thừa mứa, người thì lại chẳng có gì trong tay. Nhưng sự đối lập này có liên quan gì đến câu chuyện hàng giả mà chúng ta đang bàn?

Sự cách biệt trong địa vị xã hội khiến nhiều người ở tầng lớp dưới luôn muốn vươn mình lên gia nhập vào tầng lớp cao hơn. Một trong những cách giúp họ chứng tỏ địa vị bản thân là qua những món đồ mà họ dùng hằng ngày.

Trong một bài báo đăng tải cách đây từ lâu, Giáo sư Russell Belk từ Đại học York đã bàn về việc những thứ mà ta sở hữu có thể bành trướng được cái tôi cá nhân như thế nào. Chúng ta đo lường giá trị của mình qua logo nhãn hiệu được đính trên đồ dùng ta xài. Cái mác đó trở thành công cụ hữu hiệu để đáp ứng cho niềm mong mỏi được đứng cao hơn trong xã hội này.

Một cặp đôi vừa càn quét cửa hàng Hermes ở Paris (Nguồn: REUTERS/Philippe Wojazer/File Photo)

Điều này càng đúng hơn ở châu Á. Người tiêu dùng ở châu Á không để ý nhiều đến đến phần “hồn” của thương hiệu. Họ chẳng mấy để tâm xem ai là giám đốc sáng tạo cho thương hiệu này, định hướng của anh/cô ấy ảnh hưởng lên sản phẩm như thế nào. Họ dành phần nhiều sự quan tâm lên câu hỏi: Liệu nhãn hiệu này có giúp mình “tăng giá” đôi phần không?

Chính suy nghĩ này đã thúc đẩy doanh số cho những thương hiệu xa xỉ, đồng thời cũng giúp thị trường hàng giả hàng nhái thêm phần sôi động hơn.

Không ai ép người tiêu dùng phải làm thế cả, lựa chọn mua hay không là nằm trong tay họ. Họ hoàn toàn có thể lờ đi cái sức ép vô hình đó. Có người lờ được, người lại chẳng đỡ được liền thuận theo cái quy tắc ấy.

Làm thế nào để cân đo những giá trị vô hình?

Mong muốn được sở hữu đồ hiệu không đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn bằng lòng xì tiền ra để mua nó. Một lí do quan trọng khác khiến nhiều người chọn mua đồ giả là bởi họ thấy món đồ hiệu đó không đáng với cái mức giá trên trời mà nó được gắn.

Ai ai cũng muốn được tung tẩy dạo phố với một chiếc túi Gucci hay Hermes nhưng bao nhiêu người trong đó sẵn sàng bỏ tiền ra mua? Nhiều người không hiểu tại sao mình phải bỏ ra chừng đấy phân tiền để mua một chiếc túi hiệu trong khi bản thân hoàn toàn có thể mua được một chiếc túi dù giả nhưng giống y hệt bản chính, lại còn rẻ hơn biết bao nhiêu.

Hầu hết khách hàng đều chỉ để ý đến yếu tố hữu hình của sản phẩm, ví như nguyên liệu tạo nên sản phẩm mà không biết rằng, chính những yếu tố vô hình không thể sờ chạm lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định giá sản phẩm. Đó là thời gian người thợ tỉ mẩn tạo nên món đồ, là công sức họ bỏ ra để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ đầy tinh vi hay là ý tưởng đằng sau bộ sưu tập đó.

Một mẫu túi Gucci trên sàn catwalk ở London, Anh năm 2016 (Nguồn: REUTERS/Neil Hall)

Thử liếc nhìn qua mảng phim ảnh và âm nhạc nào. Hàng tá người nghe nhạc lậu, xem phim lậu một cách đầy vô tư hạnh phúc. Họ chẳng hề thấy được mồ hôi cố gắng của biết bao con người đằng sau những thứ mà họ đang tận hưởng “chùa”. Mà nếu có biết, lắm người cũng vứt ngay chuyện đấy sau đầu chẳng để tâm phiền lòng nhiều.

Khi tôi hỏi mấy đứa học trò mình rằng liệu chúng có thấy lương tâm cắn rứt như thể mình đang phạm tội khi mua đồ giả không, đến 80% trả lời tôi bằng chữ không. Đây chính là cốt lõi bản chất của vấn đề - rất nhiều người trong chúng ta đều không xem việc mua hàng giả hàng nhái như một hành vi sai trái.

Xét ra, chính lối suy nghĩ này có thể là lí do then chốt khiến việc mua bán hàng giả hàng nhái ngày càng phổ biến thông dụng trong đời sống hằng ngày.

Thừa nhận bản thân mua đồ nhái? Không sao cả, dù gì bạn cũng đâu có lỗi gì. Ai cũng mua đâu chỉ mỗi mình mình, nhiều khi mua đồ giả hiệu còn được khen biết mua sắm lựa đồ thông minh. Sống chung với hệ suy nghĩ như vậy khiến hàng giả càng trở nên mời gọi khách hàng hơn.

Liệu chúng ta có thể bài trừ được hàng giả hiệu?

Chừng nào khoảng cách giàu nghèo vẫn còn, chừng nào chúng ta vẫn nhìn nhận giá trị của mình qua những thứ ta khoác lên, chừng nào con người ta vẫn xem nhẹ những nỗ lực thầm lặng ở hậu trường thì chừng đấy, vẫn còn nhiều con người “cầu” mua được hàng giả hiệu.

Người phụ nữ ngước nhìn về phía cửa hiệu Louis Vuitton ở Australia, trên tay là chiến lợi phẩm vừa mua được (Nguồn: REUTERS/Lisi Niesner/File Photo)

Có cầu ắt có cung. Còn người muốn mua đồ nhái thì chắc chắn sẽ còn hàng để bán. Bởi thế, luật lệ hay các dấu hiệu đặc trưng là không đủ nếu muốn diệt tận gốc hàng nhái. Vấn đề ý thức là vấn đề nên đáng được lưu tâm nhất.

Đừng cố thể hiện bản thân bằng cách dát đồ hiệu lên người. Cũng nên nhớ rằng, dãy số 0 trên mác giá của món đồ hiệu xa xỉ kia là công sức của những bóng người đứng đằng sau tạo nên nó.

Nhưng nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm, đặc biệt là ở xã hội châu Á nơi tầng lớp thượng lưu luôn là đích ngắm của cơ số người. Tuy nhiên, khi thế hệ mới dần dần thay thế thế hệ cũ, tư tưởng này có lẽ sẽ mờ dần theo thời gian.

Những con người trẻ tuổi ở thế hệ Z đang dần nhận thức rõ hơn được điều này. Họ bớt để tâm đến ba cái logo thương hiệu, tìm cách khẳng định bản thân qua những thứ vốn có của mình.

Cứ thế cứ thế, rồi một ngày hàng giả cũng phải nói lời từ giã với cuộc chơi thôi.

Theo: Channelnewsasia
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.