• Về đầu trang
Hoài Thương
Hoài Thương

Điều kỳ diệu khi lớn lên từ gia đình ly hôn: khả năng độc lập, cảm thông và dễ thích nghi với biến cố

Tâm lý

Có lẽ trước nay hầu hết mọi người đều nhắc đến vấn đề ly hôn kèm với những phản ứng tiêu cực, những câu chuyện đau xót và bi thương cũng như ảnh hưởng kéo dài của nó lên những đứa trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại tìm ra rằng bố mẹ ly hôn đôi khi lại như một món quà với cuộc sống của con cái.

Tất nhiên không có cuộc chia ly nào là dễ dàng, ly hôn - bản chất của việc chấm dứt ràng buộc không hề quá đau đớn, nhưng những vấn đề xung quanh nó thì có.

Nguồn ảnh: Freepik

Những mâu thuẫn kéo dài, những khoảng lặng đóng băng cả trái tim khi bố mẹ không nhìn mặt nhau có thể sẽ khiến đứa trẻ đau đớn hơn gấp ngàn lần, vì đối với những đứa trẻ, hạnh phúc và niềm vui của bố mẹ không những là cần thiết cho hơi ấm gia đình - mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác an toàn và thậm chí đe doạ đến sinh tồn của chúng. Những thay đổi đi kèm như một hậu quả tất yếu của ly hôn: phải chuyển đến nơi ở mới, phải làm quen với môi trường sống mới, phải thay đổi lịch trình sinh hoạt cũng như sống với một nhận diện mới,.. là điều khiến trẻ con bối rối. Tuy nhiên, cũng chính những điều đó lại mang đến cho nó những trải nghiệm quý giá về cuộc sống, về ý nghĩa của hạnh phúc khác biệt như thế nào ở mỗi người.

NHỮNG MÂU THUẪN KHI BỐ MẸ CHƯA LY HÔN ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN ĐỨA TRẺ?

Có nhiều gia đình dù tình cảm đã hết, dù phải chịu đựng sự phản bội và tổn thương, hay thậm chí là bạ.o hành - nhưng vì nhiều lý do mà họ cố gắng ở lại dưới cùng một mái nhà với người kia. Họ cố gắng níu giữ cuộc hôn nhân và tìm cách hàn gắn. Việc một ai đó sống một cuộc đời không hề hạnh phúc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc và quan tâm con cái - hoặc như, những căng thẳng trong tâm lý của họ sẽ truyền đạt sang con cái dưới hình thức gián tiếp (lời nói bóng gió, những câu chuyện tiêu cực, những giọt nước mắt) hay trực tiếp (tranh cãi, bạ.o lực, đập vỡ đồ đạc, đóng sầm cửa,..).

Trẻ con lớn lên và chứng kiến những căng thẳng sau trong mối quan hệ mâu thuẫn giữa bố mẹ sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như, khi chúng trưởng thành, chúng sẽ mất đi hình mẫu của một mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc. Nếu cách bố mẹ chúng đối xử với nhau lạnh lẽo, thiếu tôn trọng, căm ghét nhau hoặc không tin tưởng nhau - đứa trẻ có thể sẽ mang theo sự thiếu tôn trọng hoặc cảm giác thiếu an toàn lên những mối quan hệ trong tương lai. Trong đó có thể kể đến như: đứa trẻ lớn lên mang theo nỗi sợ bị tổn thương, khó tin tưởng người khác và có thể hiểu lầm bạ.o hành, kiểm soát, chiến tranh lạnh,… là tình yêu!

Ảnh: Daniel Stolle 

Khi bố mẹ truyền tải năng lượng tích cực từ những cuộc xung đột sang đứa trẻ, chúng cảm nhận một áp lực to lớn trong việc phải lựa chọn phải đứng về phía nào. Thậm chí có nhiều phụ huynh còn bắt buộc đứa trẻ phải theo phe mình - liệu họ có hiểu, đối với một đứa trẻ, còn nỗi đau nào khó hiểu và đau đớn hơn khi chứng kiến 2 người lớn quan trọng nhất cuộc đời chúng căm ghét lẫn nhau? Phải làm sao nếu chúng phải lựa chọn giữa 1 trong 2 - khi mà chọn bên nào cũng có nghĩa là phản bội lại chính bản thân mình?. Và đứa trẻ ở lứa tuổi đó - đáng lẽ sẽ được đọc truyện tranh và vui đùa cùng bạn bè, lại phải gánh trên vai trách nhiệm phải trở thành một người giải quyết vấn đề của người lớn.

KHI BỐ MẸ LY HÔN MANG LẠI ĐIỀU TỐT ĐẸP HƠN

Trẻ em sẽ hạnh phúc khi bố mẹ mình khoẻ mạnh cả về mặt thân thể lẫn tinh thần, đôi khi, muốn bố mẹ vui vẻ như vậy thì cách duy nhất chính là để họ rời xa nhau. Việc bố mẹ ly hôn có thể làm giảm tận gốc của những mâu thuẫn và xung đột, dù rằng nó sẽ đi kèm với hàng loạt những thách thức và trải nghiệm mới khó khăn hơn, khi mà đứa trẻ đã chẳng còn một gia đình nguyên vẹn. Nhưng những căng thẳng phát sinh mỗi ngày sẽ được cải thiện, từ đó những ngày bình yên có lẽ sẽ đến nhiều hơn. Một nghiên cứu từ đại học phía Nam Florida, Mỹ được thực hiện bởi Mohi (2014) trên các sinh viên đại học, kết quả cho thấy 14% người tham gia nghiên cứu nỏi rằng họ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hạnh phúc hơn khi bố mẹ mình ly hôn.

1. Việc bố mẹ chọn từ bỏ một cuộc sống đầy nước mắt đau khổ, rời xa sự tiêu cực và kết thúc một mối quan hệ đã từng là tất cả để tìm kiếm hạnh phúc, cũng như theo đuổi và khao khát một cuộc sống mới lành mạnh hơn sẽ dạy cho đứa trẻ bài học về giá trị của hạnh phúc. Khi đó, đứa trẻ sẽ nhận ra rằng: đôi khi hạnh phúc không có nghĩa là phải ở bên cạnh nhau cho dù bản thân mình phải chịu đau khổ. Cách họ rời xa nhau như một bài học về ước mong được sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, rằng bất cứ ai trên cuộc đời này cũng xứng đáng được sống nhẹ nhàng và được yêu thương lành mạnh - chứ không phải là những trói buộc. Từ đó, đứa trẻ lớn lên sẽ học được rằng mình có thể lựa chọn hạnh phúc cho bản thân mình.

Ảnh: Stephan Schmitz

2. Đứa trẻ sẽ trở nên kiên cường hơn và học được cách dễ thích nghi với những thay đổi, và mở lòng với các trải nghiệm mới trong cuộc sống.

Có vẻ như việc trải nghiệm qua nỗi đau từ sớm khiến đứa trẻ phát triển được những cơ chế phòng vệ cho bản thân để đối phó với nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Nếu như đứa trẻ trước kia luôn mè nheo khi phải đi đâu đó với bố mẹ, hoặc khóc to khi họ bận rộn và đi xa, thì giờ đây chúng có thể đón nhận với những chuyện ấy một cách dễ dàng hơn.

3. Đứa trẻ sẽ trở nên tự lập và có khả năng nhìn cuộc sống dưới lăng kính độc lập hơn . Việc ly hôn và sống cùng với 1 trong 2 người, hoặc ở với người thân khác sẽ không còn giống như lúc gia đình còn nguyên vẹn nữa. Thay vì được chăm sóc bởi 2 người như trước, 1 bố/mẹ đơn thân sẽ phải chăm sóc chúng và việc tìm kiếm kinh tế cũng khó khăn hơn khi đã mất đi 1 nửa tài chính trong gia đình. Từ đó, đứa trẻ phát triển được khả năng tự lo lắng cho những sinh hoạt từ đơn giản nhất, cho đến việc phải trải qua nhiều khoảng thời gian không có bố mẹ bên cạnh khi họ phải ra ngoài bươn chải, hay tận hưởng cuộc sống của riêng mình.

Có một câu chuyện trên psychologytoday về sự độc lập trong nhận thức của một đứa trẻ sau khi bố mẹ ly hôn khiến mình thấy rất xót xa, bài viết với tiêu đề “những đứa trẻ từ gia đình ly hôn là những diễn viên rất giỏi”. Trong đó, một ví dụ về cậu bé 9 tuổi thường thể hiện 2 bộ mặt khác nhau, chúng đeo lên mình những chiếc mặt nạ khác nhau để phù hợp với thế giới khác biệt của bố và mẹ. Theo đó, bố của cậu bé đã rời bỏ mẹ và có tình yêu mới, trong khi đó - người mẹ vẫn còn rất lưu luyến và có mong muốn hàn gắn cuộc hôn nhân ấy.

Mỗi khi cậu nhóc ở với mẹ, cậu sẽ cố gắng để làm bản thân phù hợp với “thế giới quan” của mẹ - cậu đem bộ mặt buồn khi ở với bà và nói rằng cậu rất hối hận vì một gia đình không còn nữa. Cậu bé thổ lộ với bà rằng cậu ước gì gia đình mình vẫn hạnh phúc và bố mẹ vẫn ở bên cạnh nhau. Trong khi đó, mỗi khi đến chơi với bố, cậu bé lại thể hiện bộ mặt năng động và hợp tác của mình, cậu bé tương tác với bạn gái mới của bố một cách thậm chí hăng hái quá mức. Cậu bé nhận biết rằng bố mẹ mình có 2 cách nhìn nhận khác nhau và cậu cố gắng hoà hợp và thể hiện sự vui vẻ của mình với thế giới của từng người. Cách mà cậu bé thực hiện để diễn các “vai” khác nhau được thúc đẩy bởi sự bất hoà từ nhận thức bên trong: rằng việc cố tin vào bầu không khí xung quanh sẽ dễ dàng hơn là chống lại nó.

Thậm chí trong một cuốn sách được viết bởi Elizabeth Marquardt trong cuốn sách “Giữa hai thế giới: cuộc sống nội tâm của đứa trẻ từ gia đình ly hôn” đã nhắc đến việc đứa trẻ như tách đôi sự tồn tại của bản thân mình. Chúng nói rằng ở trước mặt mỗi vị phụ huynh, chúng sẽ là những con người khác nhau. Rằng chúng thường phải giữ bí mật của mình khỏi bố mẹ nhiều hơn các đứa trẻ khác, và họ không muốn bản thân mình có điểm tương đồng với bố hay mẹ, vì điều đó sẽ khiến chúng bị xa lánh bởi người còn lại. Cuốn sách cũng nói rằng, những đứa trẻ ấy cũng tự hình thành một giá trị đạo đức riêng rất sớm, vì chúng không thể toàn tâm toàn ý chấp nhận những quy tắc và cách nghĩ khác nhau từ cả 2 gia đình bố và mẹ.

Ảnh: Dan Bejar

4. Những đứa trẻ từ gia đình ly hôn thường có khả năng đồng cảm với người khác hơn. Việc chứng kiến và quan sát sự tan vỡ của gia đình, sự chia ly của bố mẹ cũng như tận mắt nhìn thấy những người chúng quan tâm gặp khó khăn trong cuộc sống. Đây như một tiếng vọng lớn ghi dấu trong lòng đứa trẻ, từ đó chúng dễ chấp nhận những vấn đề khác biệt của người khác, cũng như hiểu được những nỗi đau mà người khác trải qua.

5. Việc ly hôn cũng có thể giúp đứa trẻ có nhiều trải nghiệm và kết nối sâu sắc hơn với mỗi phụ huynh. Việc chỉ gặp được bố hoặc mẹ có thể tạo ra nhiều khoảng thời gian và các cuộc trò chuyện sâu sắc và hiểu họ hơn so với khi cả 2 còn ở cạnh nhau, đặc biệt là những bố mẹ vì gặp quá nhiều xung đột mà không thể mở lòng hay không có khả năng quan tâm đến đứa trẻ. Trước đây khi cả gia đình thường xuyên gặp nhau, có lẽ họ sẽ không dành nhiều thời gian để trải nghiệm các hoạt động đặc biệt với con cái. Nhưng khi chỉ có thể gặp đứa trẻ một vài ngày mỗi tuần, họ sẽ kết nối với đứa trẻ bằng nhiều hoạt động khác nhau như việc đi ăn ở ngoài, đi công viên, hoặc cùng đứa trẻ đi dạo và nói về những câu chuyện mới lạ.

Ảnh: Stephan Schmitz

6. Chúng học được rằng kết hôn không phải chỉ đơn giản là quyết định ở bên cạnh nhau, mà còn cần những điều quan trọng khác để duy trì cuộc hôn nhân đó. Vì là chứng nhân của một mối quan hệ tan vỡ, chúng hiểu sâu sắc hơn rủi ro của quyết định kết hôn và cam kết trọn đời với ai đó. Chúng hiểu rằng nỗi đau đó lớn đến thế nào, và khó bù đắp ra sao. Một nghiên cứu tâm lý từ Israel cho thấy 3/4 người tham gia nghiên cứu cho rằng cuộc ly hôn có tác động tích cực lên họ, vì họ nhận thức rõ hơn về sự thật của các mối quan hệ hơn là mang những mong ước xa . Có những đứa trẻ khi lớn lên thực sự thiếu đi hình mẫu về 1 cuộc hôn nhân lành mạnh, nhưng đôi khi điều nó có được chính là trải nghiệm về NHỮNG ĐIỀU KHÔNG LÀNH MẠNH. Từ đó, chúng sẽ cố gắng tìm hiểu và không muốn lặp lại những khuôn mẫu, những hành vi không đúng đắn như trong cuộc hôn nhân của bố mẹ, chúng sẽ đảm bảo rằng mình không đi vào lối cũ của người lớn và nỗ lực tìm cách giữ gìn những điều tốt đẹp nhất - do chúng đã quá rõ điều gì sẽ xảy ra khi lặp lại những cuộc xung đột không hồi kết đó.

HẠNH PHÚC CỦA ĐỨA TRẺ KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO MỘT GIA ĐÌNH LÀNH LẶN HAY KHÔNG, MÀ LÀ CẢM GIÁC CỦA CHÚNG VỚI CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Nhiều người lớn nghĩ rằng giữ gìn một gia đình lành lặn là cách tốt nhất để bảo vệ những đứa trẻ khỏi đau khổ. Tuy nhiên, liệu đau khổ từ bên ngoài khi ai khác nhìn vào và đánh giá chúng liệu có tệ hơn đau khổ bị mắc kẹt đằng sau cánh cửa hay không? Điểm mấu chốt cho hạnh phúc của một đứa trẻ không phải ở việc bố mẹ có ở bên nhau hay không, mà là mà là sự tự tin chúng cảm nhận được thông qua mối quan hệ giữa đứa trẻ và bố mẹ. Và đối với trẻ thơ, hạnh phúc của chúng có lẽ là nhìn thấy niềm vui và sự mạnh mẽ của bố mẹ mình - chứ không phải là một vỏ bọc kiên cường giả dối. Sự sợ hãi và thiếu an toàn, nỗi sợ bị bỏ rơi của đứa trẻ dâng lên mạnh mẽ nhất là khi chứng kiến mâu thuẫn giữa bố mẹ, là khi nhìn thấy người mà chúng đang nương tựa yếu đuối, gục ngã và chấp nhận bất hạnh. Vì vậy, việc tốt nhất cho đứa trẻ, có lẽ không phải là chuyện ly hôn hay ở lại, mà là bảo đảm rằng 2 người lớn trong cuộc đời chúng có thể sống hạnh phúc, độc lập và được làm chính mình.

Bài viết không hề cổ suý hay mong muốn người khác phải ly hôn, so với nhiều mặt tiêu cực gây tổn thương lên những người trong gia đình sau tan vỡ, thì những điều tích cực cũng nên được nhìn thấy để những đứa trẻ có thể tìm thấy sự đồng cảm, rằng mình không phải là một đứa trẻ không có giá trị - khi chúng có thể có được nhiều trải nghiệm cứng rắn và đặc biệt - thứ mà chúng có lẽ không có được sớm như vậy nếu sống trong một hoàn cảnh khác. 

Thế nhưng, nếu muốn đứa trẻ giữ được cái nhìn tích cực về một cuộc hôn nhân, cả bố và mẹ đều phải cho đứa trẻ thấy sự hỗ trợ lành mạnh của họ đối với chúng. Họ nên giải thích với đứa trẻ, nên chia sẻ và phân tích cho chúng biết rằng tại sao họ lại ly hôn và không phải là lỗi của bất kì ai, hay cố gắng đổ lỗi cho bất kì điều gì. Việc giúp cho đứa trẻ có được cái nhìn tích cực về tương lai rất cần sự cố gắng của bố mẹ trong tư duy, suy nghĩ và cách phụ huynh trao đổi, giao tiếp với con cái.

Nguồn tham khảo:

Halligan, C., Chang, I. J., & Knox, D. (2014). Positive effects of parental divorce on undergraduates. Journal of Divorce & Remarriage, 55(7), 557-567.

Mohi, G. W. (2015, September 22). Positive outcomes of divorce: A multi-method study on the effects of parental divorce on children. University of Central Florida Undergraduate Research Journal, 7(2).

Simons, I. (2009). Children of Divorce are Good Actors. Psychologytoday

Theo: Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.