• Về đầu trang
Hoài Thương
Hoài Thương

Hiệu ứng 'Boomerang' trong tình yêu: tâm lý nào đằng sau những mối quan hệ chia tay - quay lại không hồi kết?

Tâm lý

Có thể khi đọc đến từ “boomerang” bạn cũng đã hình dung được nội dung của mối quan hệ này. Và có lẽ, ở những thời điểm mà người ta còn trẻ và không biết cách đọc hiểu cảm xúc, cũng như thiếu đi định nghĩa về tình yêu, ta rất dễ dàng rơi vào hiệu ứng tình yêu boomerang.

Ảnh: Paco Yao via pinterest

NHẬN DIỆN MỐI QUAN HỆ “BOOMERANG”

Trong mối quan hệ này thường thì:

1. Một người luôn cam kết và quyết tâm vun vén và “all in” cho tình yêu của cả 2. Mình sẽ gọi đây là người “all in”.

2. Trong khi người còn lại cũng dùng hết tâm huyết và chung thuỷ nhưng lại không đặt ở người kia mà là đặt ở những mong muốn, sở thích và mục tiêu riêng trong cuộc sống của mình nhiều hơn. Đây sẽ gọi là người “không cam kết”.

Theo bài viết từ Psychology today, mối quan hệ này thường có sự xuất hiện của các hành vi gây hấn thụ động [passive-agressive behavior]. Những hành vi gây gỗ một cách gián tiếp thường được sử dụng bởi người với suy nghĩ không-cam-kết, họ cố kiểm soát mối quan hệ dựa vào việc sử dụng sự bất an của người còn lại và muốn giữ quyền lực trong mối quan hệ và thường nhân danh tình yêu thương.

Mối quan hệ boomerang thường xuất hiện hiệu ứng yo-yo khiến người ở trong đó cảm thấy như bản thân đang ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc. Sẽ có lúc người không muốn cam kết đối xử tốt với người “all in” và những khoảnh khắc khác khiến người đó cảm thấy bản thân như không có giá trị gì với họ. Đôi khi, họ chia tay và quay lại chỉ sau một khoảng thời gian vì họ cảm thấy rằng bản thân muốn tiếp tục được ở cùng với người đó, họ bắt đầu muốn hi sinh một phần khiến bản thân khó chịu để có thể tiếp tục mối quan hệ.

Ví dụ như một xung đột xảy ra giữa 2 người, và cả 2 đều quay lại với nhau và giải quyết vấn đề bằng cách hi sinh điều gì đó quan trọng đối với mình để chặt đứ.t mâu thuẫn. Ở các mối quan hệ lành mạnh, đôi khi cũng xuất hiện sự hi sinh và thoả hiệp. Tuy nhiên, sự hi sinh nếu đến từ một phía thì không phải là một giải pháp tốt. Nếu 1 trong 2 người là người duy nhất đánh đổi để giữ lấy sự bình yên cho mối quan hệ, họ sẽ dần cảm thấy bất mãn một ngày nào đó và sẽ thất vọng khi sự hi sinh của mình vô nghĩa.

Ảnh: Creative Boom via pintrest

Mối quan hệ on-off hay bật - tắt kiểu này đôi khi khiến những người trong mối quan hệ kiệt sức và đau khổ. Nghiên cứu cho thấy trải nghiệm tình yêu bật-tắt liên tục như thế này có thể khiến người trong cuộc mất đi hứng thú ở mối quan hệ đó; họ giảm đi mức độ cam kết và mong muốn bên cạnh nhau lâu dài; họ đánh giá đối phương thấp hơn; nhiều mâu thuẫn xảy ra gây căng thẳng giữa 2 người và cảm thấy một sự mơ hồ không rõ ràng về tương lai của mối quan hệ.

NHỮNG LÝ DO PHỔ BIỂN KHIẾN MỐI QUAN HỆ RƠI VÀO VÒNG LẶP CHIA TAY - QUAY LẠI

1. Những thách thức khó khăn trong cuộc sống: nhiều người rất yêu thương người kia, nhưng họ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa tình yêu và cuộc sống cũng như hoà hợp những mong muốn riêng của bản thân. Và khi những khó khăn đã qua, họ dường như sẵn sàng hơn cho mối quan hệ đó và mong muốn trở lại.

2. Tính tình không hợp nhau: Dù cả 2 bắt đầu với những phản ứng hoá học khiến mặt đỏ bừng và bươm bướm bay đầy trong bụng, nhưng cả 2 lại rất hay gặp mâu thuẫn và bất đồng quan điểm cũng như trái ngược tính cách. Dù sự khác nhau luôn khiến mối quan hệ căng thẳng và sự bất đồng trong tính cách dường như không thể nào hoàn toàn biến mất, nhưng sự thu hút của cả 2 dành cho nhau luôn khiến họ muốn tiếp tục quay lại với nhau.

3. Họ không biết mình muốn gì.

4. Một trong 2 người có mong muốn hoặc luôn tơ tưởng về việc hẹn hò với một hình mẫu hoặc một người nào đó khác, và sau khi chia tay họ nhận ra rằng có lẽ mong muốn tìm được người khác có lẽ không hề vui vẻ cho lắm, thế là họ lại quay về bên nhau.

5. Họ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhau. Nhiều người không thể tìm được cách trao đổi hợp lý và lành mạnh trong tình yêu, có lẽ vì những vấn đề trong quá khứ, hay vì lớn lên từ một môi trường sống mà ở đó không ai dạy họ về cách giao tiếp kiên nhẫn, thấu hiểu để giải quyết vấn đề. Họ lớn lên và bước vào tình yêu với 0% kĩ năng giao tiếp và giải quyết xung đột với người khác, họ có thể chọn cách chia tay ngay lập tức khi một vấn đề gây tranh cãi xảy ra thay vì chọn cách giải quyết nó và cả 2 cùng nhau cải thiện vấn đề. Họ cảm thấy chia tay là cách nhanh nhất để kết thúc mâu thuẫn thay vì mở lòng và nói ra mong muốn thực sự của bản thân, hay đơn giản là họ không thể làm điều đó.

Dù xa nhau để khiến người ta gần nhau hơn, nhưng nếu những vấn đề trong cách giao tiếp vẫn luôn ở đó và không được cải thiện, có lẽ việc chia tay vẫn sẽ tiếp tục lặp lại.

Ảnh: We Heart It via pinterest

MỐI QUAN HỆ KHÔNG HỒI KẾT HAY KẾT TỪ ĐẦU?

Không giống với những mối quan hệ khác khi mà người ta chia tay, tất cả sẽ chấm dứt và cả 2 đều tiếp tục sống cuộc đời của riêng mình. Ở mối quan hệ boomerang, nó dường như không có kết thúc. Sau khi chia tay, người có xu hướng “all in” dù bị người kia bỏ lại phía sau, dù người kia là người đề nghị chia tay nhưng người này vẫn mang 1 suy nghĩ rằng người đó sẽ quay lại, rằng sau khi nhìn thấy điều mà họ đánh mất (là người bị bỏ lại) thì người kia sẽ quay về bên cạnh họ. Thậm chí ngay cả khi 2 người đã quay lại chế độ độc thân, họ vẫn không thể buông bỏ hoàn toàn những tưởng tượng và mong muốn của họ về mối quan hệ của họ và người kia.

Ảnh: Stephan Schmitz via pinterest

Thông thường, người rời đi thường sẽ là người đề nghị giữ liên lạc với người còn lại. Họ sẽ đưa ra mong muốn được tiếp tục giữ tình bạn với người kia, hoặc đôi khi là gọi điện hay liên lạc lại để nói về những câu chuyện nào đó xảy đến với họ, thường thì là do họ tự bịa ra để nói chuyện với người kia sau khi họ đã yêu cầu chia tay. Những người ở lại khi quay trở lại bên cạnh đối phương sau vòng lặp chia tay, khi mà vấn đề của cả 2 vẫn không được giải quyết hoặc đơn giản giữa họ chỉ là một mối quan hệ độ.c hạ.i, họ thường cảm nhận được niềm vui và sự tích cực trong một khoảng thời gian ngắn lúc đầu khi mới trở lại với nhau.Ở những mối quan hệ mà đối phương chỉ quay lại với người họ đã rời bỏ chỉ với mục đích tìm kiếm niềm vui thể xác và sự gần gũi cơ thể, điều này sẽ khiến người ở lại càng cảm thấy xấu hổ và khó chịu về sau khi nghĩ đến quyết định quay trở lại tình yêu sai lầm của mình.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Social Psychological and Personality Science (Tâm lý xã hội và khoa học nhân cách), các nhà nghiên cứu từ Đại học Utah và đại học Toronto đã đặt câu hỏi cho những người tham gia rằng: tại sao họ lại muốn ở lại hoặc rời bỏ một mối quan hệ? Và một trong những câu trả lời phổ biến nhất được những người ở lại trả lời rằng: “họ hi vọng người kia sẽ thay đổi”, họ nghĩ đến những gì đã đầu tư và bỏ sức vun vén cho mối quan hệ, và sợ hãi những điều không biết trước được khi cuộc sống thiếu vắng người kia. Thậm chí có đến 66% người tham gia trả lời rằng họ muốn ở lại vì họ đã phát triển khá nhiều tình cảm thân mật và cả mức độ phụ thuộc vào đối phương trong thời gian yêu nhau.

Ở mặt còn lại của đồng xu, người muốn rời đi trả lời rằng họ muốn chia tay vì sự xa cách về mặt tình cảm, họ không có lòng tin, hoặc cảm thấy cả 2 không phải là người phù hợp dành cho nhau (ví dụ như thường xuyên mâu thuẫn hoặc tranh cãi, bất đồng quan điểm). Và có đến hơn 1/3 người tham gia (38%) rời đi vì vấn đề lòng chung thuỷ. Bất chấp sự hỗn loại trong cảm xúc và những mặt tiêu cực mà họ cảm nhận được từ mối quan hệ, đến một nửa người tham gia có xu hướng rời bỏ tình yêu đều nói rằng họ vẫn có cảm xúc lẫn lộn và bối rối về quyết định chia tay của mình.

Thực sự thì, nếu mối quan hệ giữa bạn và người đó không khiến bạn hạnh phúc ngay từ lần đầu tiên và phải chia tay, phải có điều gì đó thay đổi mới có thể khiến mối quan hệ tiến triển ở lần thứ 2 quay lại bên cạnh nhau. Nếu 2 người vẫn trở lại với nhau dù mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết, thì vấn đề đã khiến cả 2 mâu thuẫn sẽ tiếp tục xuất hiện và hậu quả sẽ luôn lặp lại. Nếu bạn tin vào câu “tình cũ không rủ cũng tới” thì hãy chắc chắn rằng cả 2 bạn đều có mong muốn được cùng phát triển bản thân, cùng thấu hiểu và thay đổi vì đối phương để khắc phục nguyên nhân dẫn đến lần chia tay đầu tiên.

Ảnh: Henn Kim

LÀM SAO ĐỂ TỈNH TÁO QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC MỘT MỐI QUAN HỆ BOOMERANG?

Hãy thử đi sâu vào mong muốn thực sự của bản thân: bạn muốn gì ở một mối quan hệ? Đôi khi, chính khi chiếc boomerang bay ra xa - khi mà bạn chia tay một mối tình chính là thời điểm tốt nhất để suy nghĩ xem bạn muốn một tình yêu như thế nào? Liệu người đó có thực sự muốn hiểu và cố cải thiện để mang đến cho bạn cảm giác về một mối quan hệ mà bạn muốn, hay bạn chỉ chạy theo cảm xúc tức thời khi người đó quay lại?

Xem thử liệu cả 2 người có phù hợp, có đang cùng nhìn về một hướng? Thực sự rất bình thường khi bạn rơi vào tình yêu với một người nào đó trước cả khi bạn hoàn toàn hiểu về họ. Nhưng sau đó, những sự khác biệt dần xuất hiện như khác biệt trong cách sinh hoạt, lịch trình cuộc sống, mục tiêu cuộc sống, bất tương đồng trong sở thích cá nhân hay xa cách về giá trị cốt lõi trong suy nghĩ. Và những vấn đề này có lẽ sẽ không dễ dàng để bỏ qua khi nó xuất hiện, và việc nói rõ cũng như tâm tình cho người ấy biết là cách tốt nhất để giải quyết suy nghĩ có xu hướng bất đồng đó. Nếu bạn không muốn nói ra cảm xúc khó chịu về sự khác biệt với người kia mà chỉ muốn giữ trong lòng?

Đây là một yếu tố cực quan trọng kích hoạt cho mối quan hệ boomerang - bật tắt - chia tay quay lại! Một cuộc nói chuyện rõ ràng và chia sẻ rõ quan điểm của nhau về sự bất đồng là điều cần thiết để giúp bạn nhận ra 2 người có khả năng đi tiếp cùng nhau hay không. Nếu không thể đi đến một quyết định tích cực, cả 2 sẽ đỡ phải mất thời gian và công sức vun vén vào một mối quan hệ kéo dài nhưng kết quả lại được dự đoán trước ngay từ đầu.

Xác định rõ vấn đề thực sự của bạn là gì. Mỗi người đều có những mong muốn khác nhau khi bước vào một mối quan hệ. Có người chạy trốn cô đơn, có người mong cầu một bờ vai để nương tựa, có người ao ước gặp được người giúp mình gồng gánh những nỗi đau trong cuộc sống, có những người, chỉ đơn giản là hạnh phúc và mong muốn được chia sẻ niềm vui cuộc sống với một tâm hồn đồng điệu và cùng nhau đồng hành, trở thành phiên bản tốt hơn.

Và việc nhận ra mình cần gì và tại sao mình lại cần điều đó ở tình yêu là thực sự cần thiết để giúp bản thân không rơi vào những hình mẫu tình yêu không lành mạnh. Nhiều người cảm thấy cuộc sống quá tăm tối, quá trống rỗng và cảm thấy mình cần tìm kiếm một “mảnh ghép” phù hợp để lấp đầy sự trống vắng bên trong. Họ hi vọng người yêu họ sẽ mang đến hạnh phúc cho họ, niềm vui cho họ và nghĩ rằng tình yêu sẽ thay họ lấp đầy khoảng trống thênh thang cô độc trong tâm hồn. Thế nhưng, đồng thời những nỗi đau bên trong chưa được họ giải quyết lại khiến họ thấy tội lỗi và choáng ngợp trước tình yêu của người khác, khiến họ không thể đáp lại tình cảm kia. Từ đó, họ lại có xu hướng đẩy người mình yêu ra xa và nói lời chia tay mà bản thân họ không hề mong muốn. Có thể họ sợ cô đơn, nhưng họ cũng không phù hợp để bước vào một mối quan hệ yêu đương ở thời điểm bản thân lạc lỏng đó.

Ảnh: @sundaekids

Nếu cả 2 đã xác định mình muốn gì ở tình yêu, vậy đã đến lúc đặt ra những giới hạn. Hãy tìm đến những cách giải quyết và trao đổi hợp lý để giải quyết các vấn đề thay vì la hét hay to tiếng tranh cãi với nhau. Hãy dành thời gian và không gian cũng như khoảng cách phù hợp khi mâu thuẫn xảy ra và bản thân cần tránh khỏi nhau để suy nghĩ. Không nên cãi nhau hay trao đổi những vấn đề quan trọng khi cả 2 đang căng thẳng hoặc mệt mỏi. Cũng như sử dụng chìa khoá “thành thật” và chia sẻ cảm xúc của nhau thay vì che giấu cảm xúc thật sự của nhau vì sợ đối phương biết sự thiếu an toàn đang dâng lên bên trong mình. Tình yêu có lẽ chính là khi cả 2 thấu hiểu nỗi đau của nhau.

Nếu bạn không muốn quay lại? Không nên liên lạc. Dẫu biết người ta vẫn có thể làm bạn và giữ gìn mối quan hệ ở mức bình thường sau chia tay, nhưng ở thời điểm mà có khả năng 2 người sẽ quay lại nhưng bạn lại không muốn, nên dành cho nhau thời gian không gặp mặt. Hãy bỏ qua các tin nhắn và cuộc gọi, không tìm đến người đó khi thấy cô đơn.

NGUỒN THAM KHẢO:

IGNANTJoel S, MacDonald G, Page-Gould E. Wanting to Stay and Wanting to Go: Unpacking the Content and Structure of Relationship Stay/Leave Decision Processes. Social Psychological and Personality Science. 2018;9(6):631-644. doi:10.1177/1948550617722834: Vennum, A., Lindstrom, R., Monk, J. K., & Adams, R. (2014). “It’s complicated:” The continuity and correlates of cycling in cohabiting and marital relationships. Journal of Social and Personal Relationships, 31(3), 410-430.Gaba, S. (2020). How to Break the Boomerang Relationship Cycle. Psychologytoday Raypole, C. (2021). We're Never Ever Getting Back Together — Or Are We? Navigating On-and-Off Relationships. Healthline. com

Theo: Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.