• Về đầu trang
Hoài Thương
Hoài Thương

Xu hướng "rối loạn tính cách ám ảnh cưỡng chế" - chiếc mặt nạ che giấu cảm xúc đằng sau những doanh nhân thành công

Tâm lý

Trong nhiều thập kỷ, các học giả đã đưa ra nhận định rằng các rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần thực ra cũng có thể xem là một tài sản của các nhà thi hào văn sĩ. Như nhà tâm lý học Kay Jamison từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã viết trong tác phẩm của mình rằng: rối loạn tâm lý đôi khi lại như một “cơn điên loạn đẹp đẽ” đã lôi cuốn biến bao người nghệ sĩ, tiểu thuyết gia, nhà thơ, hoạ sĩ và nhà soạn nhạc nổi tiếng. 

XU HƯỚNG “RỐI LOẠN TÍNH CÁCH ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ (OCPD)

Có lẽ bạn đã từng nghe qua nhiều về OCD - chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khi mà ai đó có thể đi rửa tay 100 lần một ngày và luôn bị ám ảnh phải làm một điều gì đó; tuy nhiên, nó không phải là rối loạn tính cách ám ảnh cưỡng chế. Ở người với rối loạn nhân cách này - xu hướng tính cách này như trở thành một phần trong họ, nó tồn tại bên trong họ trong 1 khoảng thời gian dài và khó thay đổi.

Những người mang rối loạn tính cách ám ảnh cưỡng chế thường rất coi trọng luật lệ, yêu cầu cao vào các trật tự cần thực hiện, và theo chủ nghĩa hoàn hảo. Những người mang OCPD thường cố gắng chịu trách nhiệm về từng chi tiết cho dù là nhỏ nhất trong cuộc đời họ - cho dù cái giá phải trả cho hành vi tập trung quá mức vào những điều nhỏ nhặt xung quanh có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ví như, họ có thể bỏ rất nhiều tâm sức và thời gian để tập trung xem xét và chịu trách nhiệm cho những điều họ thấy rằng chưa hoàn hảo, từ đó sẽ mẩt đi nhiều cơ hội làm những chuyện mới và có những trải nghiệm khác.

Những người có xu hướng tính cách này thường gặp khó khăn trong việc có được một cuộc sống “bình yên” theo định nghĩa của những người khác. Cũng như khó giữ các mối quan hệ tốt đẹp với người khác bởi sự tận tâm theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo và mong muốn kiểm soát moi việc theo cách cứng nhắc và bảo thủ của họ.

Nguồn ảnh: MASH

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁM ẢNH QUÁ MỨC VÀO CÁC LUẬT LỆ

Trước hết, đây chỉ là những thông tin và tiêu chí tham khảo và nếu ai đó muốn chẩn đoán bản thân thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia có trình độ. Thực sự những xu hướng tính cách hay đặc tính riêng biệt này nếu KHÔNG QUÁ NGHIÊM TRỌNG và KHÔNG ẢNH HƯỞNG QUÁ NHIỀU ĐẾN MỨC KHÓ DUY TRÌ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG thì sẽ không gọi là rối loạn nhân cách.

Theo đó rối loạn nhân cách là một trạng thái tính cách gây ảnh hưởng lên cuộc sống của một người và được hình thành trong 1 thời gian dài từ bé đến lớn, trong khi OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) thì khác. Người mang OCD thường hể hiện sự sợ hãi có tính hơi hoang tưởng một cách dai dẳng, lo âu thái quá về sạch sẽ hay mọi thứ phải thật hoàn hảo là những biểu hiện hay gặp - nhưng nó có thể không phải là một phần tính cách ăn sâu vào họ, và có thể xuất hiện ở từng khoảng thời gian khác nhau tuỳ theo những sang chấn tâm lý mà họ gặp phải, hoặc các vấn đề xảy ra trong não bộ. Những dấu hiệu thường thấy ở người có xu hướng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: Họ hạn chế hoặc kiềm hãm việc hành động dựa trên cảm xúc

Họ tuân thủ các quy tắc và luật lệ một cách không linh hoạt, nói cách khác là rất cứng nhắc.

  • Họ luôn tạo ra các trình tự, trật tự và danh sách cụ thể cho các công việc, kế hoạch trong cuộc sống
  • Họ có mong muốn được kiểm soát mối quan hệ giữa họ và người khác
  • Họ gặp khó khăn trong việc đồng cảm với người khác, cũng như khó duy trì các mối quan hệ thân mật.
  • HỌ CỐNG HIẾN HẾT MÌNH TRONG CÔNG VIỆC (một trong những lí do sẽ nói bên dưới: vì họ chọn cơ chế phòng vệ là tránh né, họ vùi đầu vào công việc một cách điên tiết như một cách để không phải đối diện với sự hỗn loạn cảm xúc hay khoảng trống bên trong mình)
  • Họ cần sự hoàn hảo ngay cả trong những chi tiết nhỏ bé nhất
  • Họ gặp vấn đề với việc tự định hướng và nhận dạng bản thân
  • Họ có thể thấy lo lắng hoặc thậm chí đối với họ đó sẽ là một sự cố phiền phức khi phải bỏ đi quyền kiểm soát và giao nhiêm vụ cho người khác.

Thực sự thì, khi nói đến việc chẩn đoán các rối loạn tâm lý - các nhà nghiên cứu luôn đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo nhiều người, việc chẩn đoán một ai đó dựa trên một cái “check list” đầy những dấu gạch ngang và tick vào từng điểm là một điều khá xa xỉ và không thực sự chính xác. Vì đối với nhiều người, họ có những biểu hiện khác nhau và ở từng tình huống, từ bối cảnh sống khác nhau - không thể gom tất cả vào một cái khung và nói rằng: bạn mắc bệnh! Cho nên, thay vì chẩn đoán thì cũng có thể xem xét xem những rối loạn đó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ?

Theo DSM-5, những người mang OCPD thường tận tâm quá mức vào công việc, họ lao vào sự nghiệp như một con thiêu thân, từ đó gây ra ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống gia đình và các mối quan hệ bạn bè.

Họ khó có thời gian và tâm trí để dành cho gia đình và những người quan tâm đến họ. Ngoài ra, như đã nhắc đến ở trên, họ có một nhu cầu cực kì khắc nghiệt về sự hoàn hảo và mong muốn kiểm soát tất cả mọi thứ trong cuộc sống, kể cả các mối quan hệ.

Cách sống của những người có xu hướng tính cách ám ảnh cưỡng chế thường bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi và hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu bản thân mình không làm “đúng”. Họ tuân theo những tiêu chuẩn mà bản thân tự đặt ra và tin rằng mình đúng. Họ cũng có thể nghĩ rằng người khác sẽ có cách làm khác họ, nhưng họ tin rằng cách của mình vẫn chính xác hơn. Hoặc nói đơn giản hơn, đối với OCPD - chỉ có 2 cách để giải quyết các vấn đề: cách của họ, và cách sai.

Họ không gặp khó khăn trong việc rộng lượng với người khác. Hoặc như, họ mang một tư tưởng bảo thủ khi đối diện với các tư tưởng trong cuộc sống. Họ cũng khá cứng nhắc khi gặp các vấn đề liên quan tới giá trị đạo đức. Như ở bài viết về “perfectionist” - những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, họ muốn làm mọi thứ thật “đúng cách” và nếu một điều gì đó chệch khỏi quỹ đạo “đúng” của họ, họ sẽ dễ phát triển tâm lý lo lắng và phiền muộn.

TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ

Những người hẹn hò với người mang xu hướng tính cách ám ảnh cưỡng chế có thể như vừa dính vào “hoàng tử bị dính lời nguyền” hoặc là gặp một điều may mắn. Dù họ có quá cứng nhắc, thích kiểm soát và chỉ trích cũng như muốn người khác làm theo ý mình; nhưng họ cũng là những người đáng tin cậy, chăm chỉ, độc lập và tận tâm.

Đôi khi, họ cố gắng kiểm soát mọi thứ, kể cả cách hành xử của người bạn đời. Họ có thể đưa ra các nhận xét và yêu cầu bạn đời phải nấu ăn như thế nào, ăn gì, mặc gì và thậm chí là các chủ đề riêng tư nhất. Họ nghĩ rằng những điều ấy là hữu ích cho nửa kia nếu làm theo ý họ, nhưng đối với người kia đây có lẽ là một hành vi cưỡng ép khó chịu.

Một vấn đề khác có thể xảy ra khá phức tạp: vì quá tận tâm vào công việc, họ vô tình mất đi thời gian quan tâm đến người bên cạnh họ. Họ sẽ bị đối tác nghĩ rằng họ vô tâm, bỏ mặc tình yêu. Có thể quá “lậm” cảm giác dopamine dâng trào khi hoàn thành các công việc, họ có thể trở thành một người “nghiện” làm việc. Tuy vậy, cũng có thể xảy ra trường hợp vì họ nhận thấy sự mong manh ở mối quan hệ tình cảm của người khác, cũng như không biết cách bày tỏ cảm xúc bản thân, họ có lẽ tập trung hơn vào công việc vì nó giúp họ có được cảm giác rằng họ có thể kiểm soát được tình hình. Nếu như bị người bạn đời chỉ trích về cách hành xử hay các quy luật của họ, họ sẽ càng vùi mình vào công việc để trốn tránh việc phải xử lý những cảm xúc mâu thuẫn dâng trào bên trong.

Họ cho rằng mình có thể sẽ làm tốt hơn trong công việc thay vì xử lý các vấn đề liên quan đến gắn kết với người khác.

Nếu OCPD bị hiểu lầm và nghĩ sai bởi người bên cạnh mình, thì đối với họ nó thực sự tồi tệ. Dù hành vi của họ là sự kết hợp giữa những mục đích và yêu cầu hơi quá mức và nghiêm ngặt bất thường, dù họ luôn tỏ ra rằng mình rất tự tin và có khả năng kiểm soát, họ vẫn luôn sợ hãi rằng bản thân mình không đủ tốt.

Nỗi bất an bên trong chính là một trong những điều dẫn đến nhu cầu khiến họ muốn trở nên hoàn hảo. Vì thế, dù hành vi và lời nói của họ có vẻ khá xoay quanh bản thân, thiếu tôn trọng người khác hoặc quá thờ ơ - nhưng mục đích của họ lại không xấu như vậy. Việc bị người thân hoặc người bạn đời trách móc hay chỉ trích vì họ hiểu lầm người OCPD không hiểu họ, không tôn trọng giá trị của họ,.. sẽ khiến họ cảm thấy thất vọng. Nếu người mà họ ở cạnh nghĩ rằng họ không yêu thương người đó, họ sẽ bị tổn thương vì họ luôn khao khát làm điều đúng đắn và dần cảm thấy rằng mình không được công nhận.

DÙ SẼ GẶP KHÓ KHĂN TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ, HỌ LẠI LÀ NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG TRONG SỰ NGHIỆP

Và thực sự, đây là xu hướng tính cách thường có của các doanh nhân, và rất nhiều trong số họ tận dụng rất tốt “lợi thế” đam mê công việc. Với xu hướng tính cách có quy trình, trật tự và mong cầu sự hoàn hảo nhất - họ thường là những người tham công tiếc việc. Có thể họ không yêu thích công việc đó quá nhiều, nhưng nhu cầu và mong muốn được kiểm soát quá lớn khiến họ không thể từ bỏ việc tự hoàn thành các công việc quan trọng, cũng như không muốn giao công việc đó cho người khác làm. Vì đối với họ, họ là những người có cách làm chính xác nhất. Và dường như thế, vì nỗi sợ sẽ làm sai luôn treo lủng lẳng khiến họ luôn hoàn thành rất tốt mọi công việc - một mình.

Điển hình là Steve Jobs - ông không ngừng thiết kế các sản phẩm. Hoặc khi nằm ở phòng ICU trong bệnh viện, ông thậm chí còn mở mặt nạ dưỡng khí của mình ra và khăng khăng muốn các bác sĩ phải cải tiến thiết kế của nó theo cách tốt hơn gấp đôi.

Một người khác - Estée Lauder một doanh nhân nỗi tiếng với hãng mỹ phẩm cùng tên không thể dừng việc chạm vào mặt của những người phụ nữ - kể cả những người hoàn toàn xa lạ. Cô thậm chí còn chạm vào mặt của người khác khi cô chỉ vừa bước vào trong thang máy hoặc ở một góc phố ven đường. Nếu không phải nhan sắc tuyệt vời và chứng cứ chứng minh cô không có ý đồ xấu - có lẽ cô đã bị bắt vì tội cố tình hành hung người khác bằng mỹ phẩm như son môi hoặc phấn phủ.

Xu hướng này cũng có liên quan với chứng nghiện công việc. Họ có thể làm việc liên tục nhiều giờ tại văn phòng ngay cả khi không cần thiết, họ bị ám ảnh bởi cộng việc, họ nghi ngờ những điều gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, họ sử dụng công việc như một cơ chế phòng vệ để trốn tránh với cảm giác tội lỗi và khổ sở vì những mâu thuẫn phát sinh từ các mối quan hệ xung quanh, cũng như né tránh bản thân phải đối diện với ý nghĩ không ai thực sự hiểu.

Và không có gì ngạc nhiên lắm khi họ phải đánh đổi sự nghiệp với những điều quan trọng khác, những chiếc máy liên tục hoạt động không nghỉ ngơi sẽ phải trả giá - gia đình và các mối quan hệ. Vì tâm trí không ngừng theo đuổi công việc, họ sẽ không thể quan tâm đến vợ chồng, con cái của mình đủ nhiều.

Đối với họ, việc thư giãn nghỉ ngơi hoặc dành thời gian nhìn lại những điều xung quanh là một viết thật chán ghét, và họ chỉ nghỉ ngơi khi cơ thể đã không còn sức lực hoặc bệnh tật quật ngã. Những người quá nghiện công việc thậm chí không thể dừng hành vi tham công tiếc việc cho dù nó ảnh hưởng đến lối sống và sức khoẻ tâm sinh lý nghiêm trọng.

Henry Heinz - ông hoàng của đế chế sản xuất tương cà nổi tiếng luôn ám ảnh phải đo lường mọi thứ trong tầm mắt - ông không bao giờ rời khỏi nhà máy mà không có thước dây đo, và luôn đo lường những con số trên cánh cửa - và đo lường những con số vô nghĩa. Khi đi du lịch trên một chuyến tàu hơi nước xuyên Đại Tây Dương, ông thậm chí còn ghi chép và đo lường chính xác số hành khách có mặt trên khoang hạng bét của tàu. Vì thế vào đầu những năm 50 tuổi, Heinz đã nhiều lần khiến bản thân gần như suy sụp liên quan đến các vấn đề thần kinh - để phải miễn cưỡng chuyển giao quyền lực công ty cho những người thừa kế.

Vì quá tận tâm trong công việc, họ gần như không cho bản thân mình thời gian để thư giãn. Họ thậm chí tận dụng luôn những kì nghỉ hoặc cuối tuần để làm việc và tránh “lãng phí thời gian”. Bản tính cứng nhắc và không linh hoạt trong các vấn đề cũng khiến những người xung quanh xem họ như những người độc đoán. Họ rất dễ trở nên lạnh lẽo hoặc sẽ cực kì tức giận nếu không thể kiểm soát được mọi việc, hoặc không thể thực hiện được những việc mà họ cảm thấy rằng nó có ý nghĩa.

Nguồn ảnh: https://emile.work/

Họ cũng gặp khó khăn trong việc phải bày tỏ tình cảm, đặc biệt là sự dịu dàng. Với bản tính quá nhiều quy tắc và luật lệ, cảm xúc của họ theo đó cũng được truyền đạt theo một cách cứng nhắc, và họ không biết nên làm thế nào để biểu hiện nó đến với những người xung quanh họ. Và việc ở cạnh một người thân hoặc một người bạn đời không biết bày tỏ, cộc cằn cũng như không thể kiểm soát được bản thân - thực sự rất bất an và khó chịu.

Rất nhiều lí do khiến một người có xu hướng tính cách quá mong cầu sự hoàn hảo, trong đó:

- Do di truyền hoặc thay đổi cấu trúc não bộ hoặc liên quan đến di truyền biểu sinh.

- Họ liên tục sợ hãi sự không đồng tình từ người khác, hoặc luôn có cảm giác bất an và cho rằng bản thân mình không phù hợp.

- Có bố mẹ là người cầu toàn hoặc từng thể hiện các hành vi yêu cầu sự hoàn hảo quá mức. Bố mẹ từng quá bảo vệ họ hoặc từ bắp ép hay cưỡng chế họ phải làm điều gì đó khi còn nhỏ, nhưng lại quá ít thể hiện tình yêu thương.

- Từng đối diện với sự chê bai từ bố mẹ rằng mình là đứa con không tốt, không cố gắng đủ kho đứa trẻ đó không đạt được một điều gì đó “hoàn hảo” (ví dụ chỉ đc 9 điểm cũng bị la mắng và bắt phải được 10 điểm)

- Họ có mối gắn kết thiếu an toàn với người chăm sóc từ thưở nhỏ: họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận những kết quả tốt nếu nó chưa hoàn hảo.

THAY ĐỔI ĐỐI VỚI HỌ LÀ MỘT ĐIỀU KHIẾN HỌ DẤY LÊN CẢM GIÁC LO SỢ

Với những người có mong muốn phải kiểm soát mọi việc như OCPD, việc phải từ bỏ cảm giác kiểm soát là một nỗ lo lắng thực sự. Đối với họ, việc áp dụng những trật tự và quy định vào tất cả những vấn đề, với mọi đối tượng,.. là một điều khiến họ thấy thoải mái. Họ cảm thấy an toàn khi lên kế hoạch trước cho mọi việc, và hiếm khi thay đổi lộ trình đã định sẵn. Vì sự đòi hỏi quá cao về mặt đạo đức và các giá trị sống, họ không cảm thấy những điều mà họ bận tâm và coi trọng không có gì khác thường. Vì thế, họ có thể sẽ khiến những người xung quanh khó chịu vì quá kiểm soát, nhưng rất khó để khiến họ nhận ra sự khó chịu đó vì đối với họ - cách làm của họ là đúng và nên làm theo.

Như đã ghi chú ở trên: OCPD không cần phải điều trị nếu nó không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống, cũng như người đó không có nhu cầu thay đổi. Trừ khi người đó nhận thấy đặc tính cứng nhắc của mình ảnh hưởng đến cảm xúc của họ, khiến họ liên tục thất bại trong các mối quan hệ thân thiết với người khác; hoặc tính cách khăng khăng làm theo các quy tắc cứng nhắc quá mức khiến họ không hoàn thành được mục tiêu của mình, từ đó gây ra các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu bệnh lý hoặc bệnh Parkinson.

Nguồn ảnh: Freepik

Ngoài ra, các tiếp cận từ phân tâm học hoặc liệu pháp nhận thức-hành vi cũng có thể được nhà trị liệu sử dụng để hỗ trợ và giúp đỡ những người có mong muốn cải thiện các đặc tính của OCPD. Tuy nhiên, các liệu pháp này có thể sẽ khiến người có xu hướng tính cách này sợ hãi vì họ phải thay đổi quá nhiều những thói quen cũng như cách suy nghĩ họ từng mang theo cả đời. Nếu nó quá ảnh hưởng đến các mối quan hệ, khiến người đó không có ai muốn ở cạnh, bị cô lập hay thậm chí là luôn độc thân, thì có thể tìm đến điều trị để có thể làm dịu đi sự cứng nhắc, nhưng vẫn cho phép người đó giữ gìn những giá trị cốt lõi của bản thân mình.

Họ có thể thay đổi trong cách đối xử, họ có thể trở nên ít cứng rắn hơn và vẫn có thể là một người tận tuỵ với công việc. Họ sẽ dần học được cách phân biệt đúng sai và từ đó có thể tạo dựng được mối liên kết tốt hơn với mọi người

NGUỒN THAM KHẢO: 

Diedrich A, Voderholzer U. Obsessive–compulsive personality disorder: A current review. Curr Psychiatry Rep. 2015;17(2):2. doi:10.1007/s11920-014-0547-8

Katherine Rabinowitz, LP, M.A., NCPsyA (n.d) Obsessive Thinking & Compulsive Behavior. Therapy Can Work

Theo: Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.