• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Góc tối hậu trường các phim kinh điển (Kỳ 1): Đạo diễn bắt diễn viên nam đi nhà chứa để ngăn ngừa đồng tính

Phim ảnh

Cho dù đã phần nào suy tàn so với thuở vàng son ngày trước, phim trường Hollywood hiện nay vẫn là nơi an toàn nhất mà bạn có thể kiếm được.

Thời gian làm việc được kiểm soát nghiêm ngặt, ai nấy (hình như) đều cảnh giác cao độ với mọi hành vi xấu và những người có ý đồ đen tối, đạo diễn mà hà hiếp bất cứ ai thì cũng có nguy cơ phải hầu tòa, và đến cả côn trùng cũng có riêng người huấn luyện đặc biệt để chắc chắn chúng không bị ai lỡ chân đạp cho nát bét.

Nghe có vẻ hơi lố và khắc nghiệt quá, nên bạn sẽ muốn quay về cái thời của những bộ phim Hollywood kinh điển. Nơi đó tồn tại những vị đạo diễn độc tài, ví dụ như John Ford, người có thể khiến diễn viên nam tính như John Wayne phải suy sụp và khóc lóc.

Ngày xưa, các nhà sản xuất phim và đạo diễn có được quyền tự do đến mức cực đoan, họ thường xuyên gây nguy hiểm không chỉ cho tính mạng diễn viên đóng thế, động vật, mà cả những ngôi sao màn bạc, kỹ thuật viên ánh sáng và tính luôn mấy chú nhóc chạy việc vặt (như mua cà phê chẳng hạn).

Những chuyện đã xảy ra trên trường quay các bộ phim kinh điển sắp được kể ra dưới đây hẳn sẽ làm bạn tự hỏi tại sao chưa ai phải ngồi tù.

Lịch làm việc trong lúc quay những bộ phim thuộc Thời kỳ hoàng kim của hãng MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) luôn có phần “ghé thăm nhà chứa”

Cụm từ “phim của hãng MGM thời hoàng kim” nghe có vẻ hơi trừu tượng, song vài bộ phim sắp được kể ra thể nào bạn cũng phải biết ít nhất một, hai cái tên trong đó: Gone With the Wind, The Wizard of Oz, Mutiny on the Bounty, The Philadelphia Story,... Tất cả những bộ phim này đều được ra rạp ở thời điểm mà hãng MGM buộc mọi nam diễn viên tham gia vào các buổi “ghé thăm” nhà chứa, vốn đã được phía sản xuất lên lịch sẵn.

Trong quyển tiểu sử về nam diễn viên Jimmy Stewart, tác giả Marc Eliot đã thuật lại chi tiết cách mà hệ thống này hoạt động – mức độ ghê tởm tỉ lệ thuận với sự tò mò của những ai muốn khám phá về nó. Xây dựng bởi người đồng sáng lập đầy quyền lực của hãng MGM – Louis B. Mayer – nhà chứa này chỉ cách cổng chính một quãng đường ngắn, và nó thuộc phần “bắt buộc” trong mọi bản hợp đồng với các nam diễn viên.

Giống như nhiều đàn ông ở những năm 1930, Mayer vô cùng kỳ thị đồng tính. Buộc các nam diễn viên ngủ với gái gọi là cách mà ông ta “chia cắt” người đồng tính với người dị tính. Ngoài ra, “luật ngầm” này còn có tác dụng ngăn các nam diễn viên ngủ với những nữ diễn viên mà Mayer đang để ý.

Từ Jimmy Stewart đến Spencer Tracy và Clark Gable đều phải đến nhà thổ, như thể đó là phòng gym của hãng phim. Từ chối thì sẽ bị sa thải. Vậy nên lần tới, nếu xem Gone With the Wind, nhớ rằng Rhett Butler đã tranh thủ từng giây từng phút ở nhà chứa mỗi lần nghỉ giữa cảnh quay nhé.

gone with the wind

Gone with the Wind (1939), tác phẩm kinh điển do hãng MGM sản xuất với sự tham gia của hai huyền thoại Clark Gable và Vivien Leigh. Nguồn ảnh: capecod.com

Dàn diễn viên phim “Texas Chain Saw Massacre” sử dụng máy cưa thật khi đang phê cần

Bộ phim kinh dị kinh điển Texas Chain Saw Massacre (1974) của đạo diễn Tobe Hooper nổi tiếng có phần nhờ vào việc nó khiến khán giả cảm thấy như thể phim được tạo ra bởi một đám nhà quê phê thuốc có máu điên trong người. Đánh giá từ những “trò hề” trên phim trường thì suy nghĩ trên cũng có thể coi như sự thật.

Fans của tác phẩm kinh dị này được nghe câu chuyện rằng ngón tay của nữ diễn viên Marilyn Burns thật sự đã bị cắt phải trong một cảnh quay. Tổn thương chút đỉnh đó là thứ nhỏ nhặt nhất mà bên sản xuất lo sợ.

Trong đêm ghi hình cuối cùng, nam diễn viên Gunnar Hansen (vai tên sát nhân Leatherface) phải thực hiện một cảnh hành động với cưa máy khi đang “phê” còn hơn “Cheech và Chong (cặp đôi danh hài từng đoạt giải Grammy) hút cần trong chiếc Tesla của tỉ phú Elon Musk”.

texas

Poster của Texas Chain Saw Massacre (1974) với hình ảnh tên sát nhân Leatherface cầm cưa máy. Nguồn ảnh: The Parkway Theater

Để mừng ngày đóng máy, đạo diễn Hooper và phía sản xuất phát bánh brownie có chứa cần sa cho các diễn viên, nhân viên đoàn phim. Với tầm nhìn xa trông rộng hết sức mờ mịt, Gunnar Hansen được phát bánh ngay trước cảnh quay với cưa máy của mình – anh chưa từng thử cần sa trước đó – và như thể anh được tặng cho cái vé một chiều đi thẳng lên tầng bình lưu.

Theo lời Hansen, lúc đó anh choáng váng tới mức thà là đừng mở điện cây cưa máy làm gì. May thay, anh xoay xở được và không tự cưa lìa tay mình, và phim đóng máy.

Đừng ngạc nhiên khi phần an toàn và sức khỏe không nằm trong ưu tiên hàng đầu của bộ phim này. Nó còn dính tới một vụ rửa tiền của Mafia nữa kìa.

Rất nhiều ngựa bị giết khi quay phim “The Charge of the Light Brigade”

Cuộc Tấn Công Của Lữ Đoàn Kỵ Binh Nhẹ là một khoảnh khắc tự sát trong Chiến tranh Crimean, khi phía Anh muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ cho kỵ binh của mình tấn công trực diện vào đại bác bên quân Nga (ngạc nhiên chưa, đại bác thắng). Hàng trăm lính tử trận, và tầm 500 con ngựa bị giết. Đến khi sự kiện này được đưa lên màn ảnh với bộ phim năm 1936 của nam diễn viên Errol Flynn, hãng Warner Bros. hẳn đã quyết định rằng một đống ngựa chết là khía cạnh quan trọng của câu chuyện này.

Vậy nên họ giết hơn hai tá ngựa chỉ trong một cảnh quay. Nguyên nhân là bởi một thiết bị có tên gọi “Running W.”, thường được sử dụng hồi những năm 30. Loại thiết bị này có những dây đàn piano gắn vào hai chân trước của ngựa, còn diễn viên đóng thế sẽ quất chúng chạy với tốc độ rất nhanh cho đến khi hết dây thì chân chúng sẽ bị kéo lại và không thể chạy tiếp. Ngày trước, “Running W.” nổi tiếng vì có thể giết chết ngựa, nhưng trong bộ phim này thì nó đã phá kỷ lục của chính mình. Khoảng 125 con ngựa bị lôi ngược lại cùng lúc, dẫn tới một cảnh tượng kinh hoàng và máu me.

image w1280

Dàn kỵ binh trong phim The Charge of the Light Brigade (1936). Nguồn ảnh: Mubi

Nhưng ít ra đám ngựa này còn có cơ may sống sót. Trong quá trình quay phim Jesse James (1939), một diễn viên đóng thế đã cho ngựa lao xuống vách đá dù biết rõ rằng nó sẽ chết. Theo tờ LA Times, trò giết chóc trong hai bộ phim kể trên đã khiến Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ phải can thiệp vào việc giám sát động vật trên phim trường.

Phim trường “The Ten Commandments” là một “trại tập trung” của đạo diễn Cecil B. DeMille

Tưởng tượng bạn kết hợp ông thầy hướng dẫn cục cằn và anh trung sĩ nhút nhát ở trại huấn luyện trong bộ phim Full Metal Jacket làm một, thì bạn sẽ nhận được vị đạo diễn Cecil B. DeMille. Phim trường những tác phẩm kinh điển của vị đạo diễn này luôn có sự kết hợp giữa sự thành kính và sự trừng phạt.

Khi thực hiện bộ phim về Chúa Jesus King of Kings, ông buộc cả đoàn phim tham gia vào những buổi cầu nguyện “trường kỳ kháng chiến” ngay trên phim trường. Còn khi có người làm hỏng gì đó, ông góp ý họ bằng một bài diễn thuyết dài sáu giờ. Nhưng ít ra mấy việc đó còn nhẹ nhàng hơn quá trình làm phim The Ten Commandments.

ten commandments 1923 1 1030x822

The Ten Commandments (1923) là một bộ phim bi tráng có phần nội dung về Kinh Thánh. Nguồn ảnh: www.cecilbdemille.com

Năm 1923, đạo diễn DeMille cho xây dựng một phim trường rộng lớn ở vùng sa mạc California, rồi cả nghìn người, bao gồm nhân viên đoàn phim, diễn viên cả chính lẫn phụ và quần chúng được yêu cầu đến sống ở đó. Ông điều hành nơi này theo một cách pha lẫn giữa Giáo chủ Jim Jones (người đã gây ra vụ tự sát tập thể Jonestown) và Lãnh tụ Nga Joseph Stalin.

Đàn ông và phụ nữ bị tách ra, ai ai cũng phải mang quyển Kinh Thánh bên mình mọi lúc. Không hành động “vô tín ngưỡng” nào được cho phép, và thậm chí DeMille còn thuê cả cảnh sát bí mật để chắc chắn rằng không ai trong số nhân viên đoàn phim/tù nhân của ông chơi bài hay uống rượu. Họ ở đó chỉ để làm việc và cầu nguyện, ai không làm theo thì sẽ phải nói chuyện với DeMille.

Đến khi thực hiện bản remake năm 1956 của bộ phim này, lòng ngoan đạo của đạo diễn DeMille không còn đi quá xa nữa – lần này ông đã “tấp vào lề” bằng cách tiêm thuốc kích thích amphetamine cho diễn viên và nhân viên để giúp họ vượt qua những cảnh quay căng thẳng.

Đạo diễn của “Come and See” bắn đạn thật vào diễn viên

Đầu những năm 30, nam diễn viên James Cagney bị bắn đạn thật vào người khi đang quay phim. Rồi Hollywood nhận ra họ sẽ giết hết những diễn viên giỏi trước khi bước qua thế kỷ mới, và những quy định cơ bản về an toàn được đặt ra. Nhưng đó là ở Hollywood. Còn đâu đấy trên thế giới, cái suy nghĩ “giữ mạng cho diễn viên” không phải là tiêu chuẩn trong ngành cho tới rất rất lâu sau đó.

Đến tận năm 1985, đạo diễn Xô Viết Elem Klimov vẫn dùng súng máy mà nã vào diễn viên để cho ra đời bộ phim hào hùng về Thế chiến 2 mang tên Come and See (được xem là phiên bản Nga của tác phẩm kinh điển Apocalypse Now).

Phim được quay ở một khu vực thuộc Belarus ngày nay, trong cái thời mà các nhà làm phim được chính phủ chống lưng có thể dễ dàng thoát mọi tội trạng. Và đạo diễn Klimov rất biết tận dụng cơ hội: ông dùng đạn thật.

Trong một cảnh quay, đạn bắn ra từ mọi phía và sượt qua đầu nam diễn viên Aleksey Kravchenko – lúc đó chỉ mới 13 tuổi. Đây là một trong những pha mạo hiểm theo kiểu tự chuốc lấy thất bại: vừa quá nguy hiểm, vừa không có gì khác với việc dùng kỹ xảo.

come and see

Nam diễn viên Aleksey Kravchenko cho biết, đôi lúc những viên đạn sượt qua đầu anh một khoảng chưa đến 10cm. Nguồn ảnh: Twitter

Thậm chí đến khi sự điên khùng của Klimov được dàn dựng thì nó vẫn gây ra những tổn hại sâu sắc. Cảnh quay Đức Quốc Xã đốt một nhà thờ của thường dân diễn ra thật đến mức nhiều diễn viên nghĩ rằng họ sẽ phát điên.

Chính Klimov cũng có vẻ đã bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) khi đạo diễn phim Come and See. Ông không thực hiện thêm bất kì bộ phim nào nữa đến tận khi qua đời năm 2003.

(Còn tiếp)

Theo: grunge

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.