• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Loạt phim cải biên từ các vụ án có thật ở Hàn Quốc

Phim ảnh

Những bộ phim này không chỉ khơi dậy làn sóng dư luận mạnh mẽ, mà còn gián tiếp làm ảnh hưởng, thậm chí buộc chính phủ Hàn Quốc phải vào cuộc thay đổi pháp luật và cải cách thể chế xã hội.

Silenced (2011)

Bộ phim dựa trên sự kiện có thật diễn ra vào năm 2005 ở trường Gwangju – một ngôi trường dành cho trẻ em khuyết tật.

Ngôi trường cách xa thủ đô này từng được bầu chọn là trường dành cho trẻ khiếm thính ưu tú nhất, tuy nhiên toàn bộ hoạt động của trường đều không chịu sự giám sát của bất cứ cơ quan nào, hầu hết các thành viên cấp cao của trường đều có quan hệ mật thiết với nhau.

Thầy giáo mỹ thuật trẻ một lòng hướng tới việc giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật, đã nhận lời vào giảng dạy trong ngôi trường danh giá này. Nhưng ngay những ngày đầu giảng dạy, thầy giáo trẻ đã cảm thấy bầu không khí khác lạ trong trường: những đứa trẻ ở đây luôn xa cách và tránh tiếp xúc với anh nhiều nhất có thể, trên mặt những bé trai luôn có vết bầm và sẹo, trong wc nữ thường xuyên vang lên tiếng khóc la, không chỉ vậy, trường còn liên tục xảy ra việc học sinh tự sát.

Anh muốn tìm kiếm chân tướng mọi chuyện, nhưng lại bị toàn thể nhân viên trong trường ngăn cản. Sau một thời gian dài cố gắng, một đứa trẻ đã mở lòng với anh: hoá ra toàn bộ nhân viên trong trường, từ hiệu trưởng đến thầy giáo đều từng lạm dụng tình dục và có hành vi bạo lực với những đứa trẻ khuyết tật đang theo học ở trường. Chuyện này bắt đầu từ năm 2000, kéo dài đến tận bây giờ, những đứa trẻ bị hại nhỏ nhất chỉ mới 7 tuổi và lớn nhất cũng chỉ mới 20.

Quyết tâm đấu tranh để giành lại quyền lợi cho các em, anh đã cùng một nhà hoạt động xã hội đưa vụ việc ra trước pháp luật, nhưng vì không đủ chứng cứ, vả lại hậu thuẫn của các bị cáo quá lớn, nên họ chỉ phải nhận phán quyết rất nhẹ.

Trong suốt 6 năm sau đó, anh và những người hoạt động nhân quyền không ngừng thu thập bằng chứng để chống án, nhưng họ chưa một lần thắng kiện, không chỉ vậy trong thời gian này trường học vẫn hoạt động bình thường.

Tất cả những chuyện ấy đã được tác giả Gong Ji-young viết thành tiểu thuyết The Crucible. Nhưng nguyên nhân chính giúp vụ án và tiểu thuyết được đưa lên màn ảnh là nhờ diễn viên Gong Yoo. Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, anh đã vô tình đọc được bộ tiểu thuyết, đồng cảm sâu sắc với số phận của những mảnh đời bên trong, anh đã nhờ người hỏi xin ý kiến của tác giả để chuyển thể nó thành phim. Sau khi xuất ngũ, anh đã cùng công ty của mình tốn rất nhiều tâm sức cũng như tiền bạc để bộ phim có thể ra mắt công chúng.

Hiệu ứng mang đến

Bộ phim đã khơi dậy sự phẫn nộ của quần chúng ngay khi ra mắt vào tháng 9/2011, sức ép từ dư luận đã buộc toà án phải mở lại cuộc điều tra về vụ việc. Cuối cùng Quốc hội Hàn Quốc đã xem xét thông qua và triển khai Dự luật Dogani vào tháng 07/2012, để đảm bảo quyền lợi cho trẻ vị thành niên và người khuyết tật.

Hope (2013)

Bộ phim được cải biên từ vụ án của cô bé Nayoung xảy ra năm 2008.

Vào một hôm trời mưa, cô bé Nayoung 8 tuổi đang trên đường về nhà, thì vô tình bị một gã đàn ông say rượu bắt và cưỡng hiếp, sau đó cô bé bị vứt lại trong nhà vệ chờ chết, nhưng may thay cô bé đã kiên cường lết ra ngoài và được người xung quanh phát hiện, đưa đến bệnh viện. Chuyện này đã làm cô bé gặp phải chấn thương tâm lý nặng nề, cùng với những thương tật vĩnh viễn.

Nội dung bộ phim xoáy sâu vào những áp lực và sự lạnh lùng của xã hội đã giáng xuống gia đình cô bé sau chuyện này.

Khi quyết định quay bộ phim Hope, đạo diễn của bộ phim - Lee Joon-ik cũng đã phải đắn đo rất nhiều, nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định thực hiện bộ phim, với hy vọng có thể giúp ích cho những đứa trẻ có hoàn cảnh tượng tự Nayoung. Sau khi ra mắt bộ phim đã đạt được thành công vang dội, kéo theo làn sóng thảo luận về việc xâm hại trẻ vị thành niên ở Hàn Quốc và trên thế giới

Hiệu ứng mang đến

Sau khi bộ phim ra mắt, dư luận đã gây áp lực buộc pháp viện của Hàn Quốc phải thay đổi và tăng mạnh tiêu chuẩn hình phạt dành cho tội xâm hại tình dục trẻ vị thành niên. Mọi người bắt đầu tự suy xét lại về thái độ của mình với gia đình và nạn nhân của vụ việc.

Lee Joon-ik từng chia sẻ: Những vụ án tương tự như Nayoung tồn tại ở khắp nên trên thế giới, khi vụ việc vừa bị phanh phui, báo chí và truyền thông sẽ dành cho nó sự chú ý cực lớn. Nhưng theo thời gian, mọi người sẽ không còn để tâm nhiều đến nữa, thế nên mục đích bộ phim không phải để nhấn mạnh vào vụ án mà thể hiện niềm hy vọng và sự cố gắng của nạn nhân cũng như gia đình trong hành trình chữa lành vết thương của họ.

Memories of Murder (2003)

Bộ phim được cải biên từ vụ án giết người hàng loạt đầu tiên xảy ra ở Hàn Quốc kéo dài từ năm 1986 đến 1991 ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi.

Cách thức gây án của hung thủ cực kì tàn nhẫn và các nạn nhân đều có dấu hiệu bị cưỡng hiếp. Đây là vụ án có số lượng cảnh sát tham gia điều tra nhiều nhất trong lịch sử, nhưng đến cuối cùng vẫn không tìm được hung thủ.

Hiệu ứng mang đến

Năm 2003, ngay khi vừa ra mắt Memories of Murder đã đạt doanh thu hơn 50 triệu Won, thu hút sự chú ý của dư luận và tạo áp lực để cảnh sát đẩy nhanh tiến độ điều tra. Khi gần tới ngày hết hạn điều tra vụ án, vô số người đã ký đơn kháng nghị lên bộ Tư pháp, yêu cầu kéo dài thời gian điều tra.

Áp lực từ dư luận đã làm quốc hội Hàn Quốc phải đưa việc sửa đổi luật tố tụng hình sự vào chương trình nghị sự của mình, cuối cùng họ đã thông qua đạo luật kéo dài thời gian điều tra của các vụ án hình sự từ 15 năm lên 20 năm.

Nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân, đạo diễn Bong Joon-ho đã chia sẻ: “Tôi ra đời vào năm 1969, thời niên thiếu của tôi chìm đắm trong độc tài quân sự và bạo lực chính trị. Bên trong bộ phim có hồi ức thời kì này của tôi, tôi biết rằng bạo lực không chỉ giới hạn trong chính trị, hoàn cảnh áp lực thai nghén bạo lực, nó xảy ra thường xuyên và ngay sát bên cạnh mọi người.”, “Tôi không biết hung thủ thật sự là ai, nhưng bộ phim này có hơn 54 triệu người xem, tôi tin rằng, hung thủ là một trong số những người đó.”

 Voice of a Murderer (2007)

Bộ phim được dựa trên vụ bắt cóc Lee Hyungho xảy ra năm 1991. Sau khi bắt cóc cậu bé Lee Hyungho 9 tuổi sống ở Seoul, bọn cướp đã yêu cầu 100 triệu Won tiền chuộc. Rơi vào đường cùng cha mẹ cậu bé chỉ có thể cầu cứu cảnh sát, cảnh sát đã điều một lượng lớn nhân lực lục soát tìm kiếm nhiều nơi, nhưng bằng kế hoạch chặt chẽ, chu đáo của mình bọn cướp đã trốn thoát thành công.

44 ngày sau, người ta tìm thấy xác cậu bé bên bờ sông Hàn, kết quả pháp y cho biết, cậu bé đã chết ngay sau hôm bị bắt cóc, ấy vậy mà bọn cướp vẫn tàn nhẫn tra tấn cha mẹ cậu bé suốt 1 tháng, và đòi số tiền chuộc không tưởng.

Năm 2006, thời hạn điều tra của vụ án đã kết thúc, nhưng cảnh sát vẫn không thể tìm được manh mối gì.

Đạo diễn Park Jin-pyo đã chia sẻ rằng khi biết tới vụ bắt cóc của Lee Hyungho, ông đã vô cùng khiếp sợ cũng như tức giận. Ông quyết tâm đưa chuyện này lên màn ảnh rộng, hy vọng người dân đừng dễ dàng quên đi vụ án này, rồi để hung thủ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Hiệu ứng mang đến

Năm 2007, sau khi bộ phim ra mắt, người dân Hàn Quốc đã tập trung lượng lớn sự chú ý vào những vụ bắt cóc trẻ em, họ cũng tập hợp chữ ký để đề nghị thay đổi thời hạn điều tra các vụ án hình sự lên Quốc hội.

 Children (2011)

Bộ phim được cải biên từ sự kiện “Những Cậu Bé Ếch” xảy ra vào năm 1991.

Năm ấy có 5 cậu bé tiểu học sống ở Daegu, sau khi tan học đã cùng nhau lên núi bắt ếch, để rồi không bao giờ trở về nữa. Vụ mất tích này làm chấn động cả Hàn Quốc, khiến tổng thống đương thời phải hạ lệnh khẩn cấp, mở rộng phạm vi tìm kiếm 5 cậu bé ra toàn quốc.

Lúc bấy giờ cảnh sát đã nhờ đến hơn 3 triệu dân tham gia cuộc tìm kiếm, hỗ trợ phát hơn 7 triệu tờ rơi. Không ít thương nhân còn treo thưởng cho ai tìm ra được manh mối, các trường học xung quanh khu vực cũng triển khai hoạt động tìm kiếm những cậu bé ếch, nhưng người ta vẫn không tìm được bất kì dấu vết nào.

Đến tận 11 năm sau, thi thể của 5 cậu bé mới được tìm thấy trên ngọn núi Wolong. Nguyên nhân chết là bị sát hại, tuy nhiên vẫn chưa rõ hung thủ là ai.

Lúc ban đầu khi bộ phim được lên kế hoạch, đã vấp phải sự phản đối từ cộng đồng, người ta cho rằng tái hiện vụ án không khác gì xát muối lên vết thương cũ của gia đình các nạn nhân. Đạo diễn đã phải tìm tới tận nhà để xin ý kiến. Bất ngờ thay các gia đình đều hết sức ủng hộ quyết định này của đạo diễn, họ mong việc tái hiện vụ án lên phim, có thể thức tỉnh được lương tri của hung thủ và như một lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh khác.

Đạo diễn Lee Kyu-man đã chia sẻ trong buổi họp báo phim như sau:

“Tôi tin những đứa trẻ ấy là bị mưu sát, nhưng ở đất nước này, không chỉ có vụ án những cậu bé ếch mà còn rất nhiều những vụ án khác, vì đủ các nguyên nhân mà không bị vạch trần hoàn toàn và hung thủ không thể bị đưa ra trước công lý.”

“Bộ phim thể hiện nỗi đau đớn về tinh thần của những người có liên quan, nên tôi mong qua bộ phim người xem có thể đồng cảm với những nỗi đau mà các nhân vật đã trải qua, từ đó càng thêm quý trọng và yêu quý cuộc sống của mình.”

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.