• Về đầu trang
NNQ
NNQ

Trung Quốc thám hiểm mặt trăng vào năm 2024

Thế Giới

Wu Weiren - nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc tiết lộ nước này đã lên kế hoạch cụ thể cho việc thám hiểm mặt trăng thông qua các tàu thăm dò ở cực Nam nhằm tìm kiếm tài nguyên quan trọng.

Theo tờ SCMP, Trung Quốc đã hợp tác với Nga để cạnh tranh với Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc thiết lập cơ sở lâu dài trên Mặt trăng. Được biết, tàu thăm dò Trung Quốc đã tìm thấy dấu hiệu đầu tiên về sự tồn tại của nước trên Mặt trăng vào ngày 8 tháng 1 năm 2022.

Để phục vụ cho việc thám hiểm, Trung Quốc cần cung cấp đủ các nguồn tài nguyên khác nhau từ oxy, vật liệu xây dựng đến nước và quan trọng hơn hết là một kế hoạch khảo sát mặt trăng rõ ràng nhằm đem đến một cái nhìn tổng quan về những gì hiện có trên mặt trăng.

Chiến dịch thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc sẽ bắt đầu với sứ mệnh Chang'e 6. Theo Wu Yanhua, phó Cục trưởng Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), sứ mệnh đầu tiên khám phá cực Nam của Mặt trăng bằng tàu vũ trụ không người lái dự kiến sẽ ra mắt trong 2 năm tới.

Ban đầu, Chang’e 6 được dự định sẽ hạ cánh trên địa hình tương đối bằng phẳng và thử nghiệm công nghệ lấy mẫu và trả về bằng robot.
Tuy nhiên Wu cho biết các nhà lãnh đạo trong ngành muốn con tàu vũ trụ này đi đến những nơi địa hình gồ ghề như cực Nam để xây dựng căn cứ và mang mẫu về phục vụ cho công tác thí nghiệm.

Hai tàu thăm dò nữa bao gồm Chang'e 7 và Chang'8 sẽ theo dõi và thực hiện các thí nghiệm tiếp theo để tìm hiểu thêm về tài nguyên khoáng sản cũng như cách thức để sử dụng chúng.

Một cơ sở phóng tên lửa của Trung Quốc thuộc quản lý của CSNA

Ông Wu chia sẻ: “Mục đích chính của việc thám hiểm là để khám phá khoa học, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên của Mặt Trăng.”

Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng đang đặt mục tiêu khám phá cực Nam Mặt trăng với sứ mệnh Artermis để đưa các phi hành gia trở lại và thiết lập căn cứ ở đó.

Sứ mệnh Chang'e 4 của Trung Quốc cho thấy việc lấy mẫu thử nghiệm ở các vùng cực là rất khó khăn nhưng giá trị đem lại rất cao. Nơi đây có một số miệng núi lửa sâu có thể chứa nguồn nước quý giá dưới dạng băng và nhận được nhiều ánh sáng trực tiếp từ mặt trời hơn các vùng khác, điều này chính là yếu tố giúp con người định cư dễ dàng hơn.

Wu cho biết Chang’e 7 cũng sẽ được áp dụng để thăm dò và triển khai thí nghiệm ở miệng núi lửa sâu 10km. Bên cạnh đó, Chang'e 8 sẽ thử nghiệm nhiều công nghệ để sử dụng tài nguyên của mặt trăng, chẳng hạn như tìm cách tạo ra phản ứng hóa học cho phép sản xuất oxy hoặc làm tan chảy bụi mặt trăng trước khi sử dụng bản in 3D để biến nó thành các vùng có thể ứng dụng năng lượng mặt trời một cách hiệu quả.

Wu nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với các quốc gia khác để mở rộng căn cứ trên mặt trăng thành một trạm nghiên cứu quốc tế quy mô lớn vào năm 2035.

Được biết, Nga là đối tác chính cho kế hoạch thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc. Ngoài ra, một số nhà khoa học tham gia vào dự án tiết lộ căn cứ của Trung Quốc sẽ chủ yếu được xây dựng dưới lòng đất và sẽ dựa vào robot để vận hành các cơ sở trên mặt đất.

Theo: SCMP
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.