• Về đầu trang
Cú trúc
Cú trúc

Truyền thuyết "Một gian nhà tranh, hai trái tim vàng" từ đâu ra?

Hôn nhân gia đình

Thời đại của mẹ đơn thân và ly hôn, trên mạng nhan nhản những bình luận, tranh cãi rằng một gian nhà tranh, hai trái tim vàng chỉ còn là quá khứ - tốn không ít thời gian cào phím của netizen cả trong và ngoài nước.

Nhưng câu nói này có bắt nguồn từ đâu ra, bối cảnh thế nào, bí mật ẩn sau câu chuyện là gì, liệu có phải chỉ nói về giàu nghèo hay không?

Ban đầu không phải nhà tranh

Thời Ngũ Đại Thập Quốc, đất Giang Nam nhà Hậu Hán có Mạnh Gia nổi tiếng giàu có nhất vùng, gia đình sinh được một người con gái đặt tên là Mạnh Quang (孟光). Mạnh tiểu thư từ nhỏ đã thông hiểu kinh thư, tuy nhiên lớn lên dung mạo lại xấu xí, đen đúa. Tuy thế, nàng từ bé đến lớn không vì gia đình giàu có mà kiêu ngạo, cũng không vì kém nhan sắc mà tự ti, chỉ một mực coi trọng việc chăm sóc phụ mẫu, tu dưỡng bản thân.

Năm tháng trôi qua, tuổi đã lớn mà tiểu thư Mạnh gia vẫn chưa chồng, không phải vì ít người cầu hôn, mà bởi vì nàng đều từ chối khéo. Thấy con gái như vậy, phụ thân nàng là Mạnh Tùng Thúc (孟从叔) không khỏi sốt ruột, bèn hỏi:

"Con tuổi cũng không còn nhỏ, nhiều năm qua có nhiều người đến cầu hôn, trong đó người giàu cũng có, người có địa vị chức tước cũng có, người khôi ngô tuấn tú cũng có, tài hoa cũng có, nhưng con đều không ưng ý, rốt cuộc là con muốn tìm một người như thế nào?"

"Con hy vọng người đó có tiết tháo như Lương Hồng." - Mạnh tiểu thư không do dự trả lời khiên phụ thân không khỏi bất ngờ.

Thư sinh Lương Hồng (梁鸿), tự là Bá Loan (伯鸞) là người khí chất nho nhã, từ bé đã khắc khổ đọc sách. Hồi cậu còn nhỏ, gia đình cũng sung túc, nhiều nhà danh giá muốn kết thân, cuối cùng kết thông gia với họ Mạnh. Về sau, cha mẹ mất sớm khi Lương Hồng tuổi vẫn còn nhỏ, Mạnh Tùng Thúc có ý thoái hôn.

Về phần Lương Hồng, chàng hàn sĩ trước nay chỉ trọng đạo đức chứ không ham tài sắc. Một ngày nọ, ông mời Lương Hồng cùng vài con em nhà giàu đến dùng tiệc, bảo con gái nấp sau bình phong để chọn rể. Trong mâm đó, Lương Hồng là nghèo nhất, ai ngờ Mạnh Quang không đổi ý vẫn dứt khoát chỉ Lương Hồng.

Không thể thay đổi quyết định của con gái, Mạnh Tùng Thúc đành cử hành hôn lễ, nhưng sau đó lại tiếp tục chê bai con rể nghèo.

Mạnh Quang thì ngược lại, nàng vui vẻ mặc quần áo vải thô, lấy cành tử kinh (giống cây gai) thay trâm cài tóc, cùng Lương Hồng an hưởng cuộc sống thanh bần giản dị. Lương Hồng cũng luôn tôn kính vợ, lại chăm chỉ đọc sách sửa mình, về sau cũng có được công danh.

Những năm về sau, Lương Hồng lại rời chốn quan trường về ở ẩn. Hai người thay tên đổi họ dời đến núi Bá Lăng ở Ngô Trung, giã gạo thuê để kiếm sống.

Vào một buổi trưa, người chủ thuê nhà là Cao Bá Thông có việc tìm đến nhà ẩn sĩ thì vô tình thấy người vợ dâng chiếc án gỗ cao ngang mày để dâng chồng, lại nói: "Thiếp mời chàng dùng bữa"; người chồng cúi đầu, cung kính trả lời: "Nàng vất vả quá. Cảm ơn nàng, cảm ơn nàng!".

Ảnh minh họa (Nguồn: Maybe Maybe We Can Talk 'Bout Getting Married)
Ảnh minh họa (Nguồn: Maybe Maybe We Can Talk 'Bout Getting Married)

Thấy cảnh này, ông giật mình cảm động, lễ nghĩa đôi vợ chồng này quả thực chẳng phải là tầm thường. Về sau hỏi han nhiều người, Bá Thông mới biết hai vợ chồng đi làm thuê này là nhà ẩn sĩ Lương Hồng và nàng Mạnh Quang.

Cuộc sống thanh bần và tôn kính lẫn nhau của 2 vợ chồng không kể giàu sang hay nghèo khó thường được người đời sau nhắc đến ngắn gọn như sau:

舉案齊眉: Cử án tề mi - Dâng án ngang mày
荊釵布裙: Quần bố kinh thoa - Mặc quần áo vải thô, trâm tóc cành gai
相敬如賓: Tương kính như tân - Vợ chồng luôn tương kính nhau như mới cưới

Bình: Nhà tranh tim vàng không chỉ nói về tình nghĩa vợ chồng luôn bên nhau bất kể giàu nghèo, mà còn thể hiện cách nhìn người, chọn người và tính trọng lời hứa của người xưa. Bên cạnh đó câu chuyện còn tả cách vợ chồng đối xử tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ cuộc sống, hiểu bản thân giữa những dòng xoáy định kiến của người đời.

Thời nay liệu còn nhà tranh, tim vàng?

Về kinh tế, hiện đại hiếm người có thể vào rừng hái củi, săn bắt để sinh tồn. Nói cách khác, việc kết hôn trong hoàn cảnh đặc biệt thời nay khó tránh khỏi phải nghe lời ra tiếng vào, chịu những áp lực không nhỏ từ xã hội.

Về nhìn người, ngày nay nhiều gia đình coi trọng "trình độ học vấn" hơn đối nhân xử thế. Con dâu biết ứng xử nhiều khi vẫn bị mẹ chồng giảo hoạt, con rể chăm chỉ và nhẹ nhàng lại bị chê là yếu đuối. Công việc đã áp lực, về tổ ấm thì lạnh người.

Tuy nhiên, quan trọng là vợ chồng luôn cạnh nhau, điều này quả thực không đến nỗi hiếm, có điều báo chí trọng lượt view chẳng mấy khi đăng mà thôi - không phải người nổi tiếng thường view thấp.

Về đối xử tôn trọng, có lẽ đây là điều khác biệt nhất giữa ngày xưa và ngày nay. Từ điện ảnh đến sách truyện, càng ngày càng né tránh xây dựng hình ảnh người phụ nữ biết ẩn mình, cử chỉ hành vi nhẹ nhàng thể hiện đúng nội tâm lương thiện. Thay vào đó là cung đấu, cương nữ, chị đại được thổi phồng, việc ứng xử theo lễ nghi bị biến trở thành vỏ bọc che giấu những âm mưu tranh giành, đấu đá, v.v..

Nói cách khác, dưới góc nhìn của người viết, một gian nhà tranh, hai trái tim vàng hiện đã không còn tồn tại. Nhưng không nên vì vậy mà người nay bỏ phí những bài học của cổ nhân về cách vợ chồng đối xử với nhau, chia sẻ ngọt đắng, luôn sửa mình để thể hiện lòng tôn trọng với người còn lại, để giữ lời hẹn thề trong ngày cưới:

Từ ngày hôm nay, dù khỏe mạnh hay ốm đau, dù giàu sang hay nghèo khó, dù sinh tử hay ly hợp, nguyện kết duyên cùng người; luôn yêu thương, chăm sóc, nắm tay người, cùng người đi tới cuối đời.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.