• Về đầu trang
Ngọc Huyền
Ngọc Huyền

'Miếng liêm sỉ' trong văn hóa bàn ăn của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới

Ẩm thực

Người Việt Nam thường hay ngại khi phải là người đầu tiên động đũa hoặc là người cuối cùng “vét” đĩa thức ăn. Khi dùng bữa với gia đình, người thân, chúng ta thường ít để ý đến. Nhưng khi đi ăn ở nhà hàng hoặc các buổi tiệc tùng sang trọng, đa số sẽ dừng ăn hoặc nói là đã no, dù trên vẫn còn đồ trên đĩa. Chính vì lẽ đó mà miếng cuối cùng được ưu ái đặt cho cái tên là “miếng liêm sỉ”.

Trong tiếng Đức cũng có một từ nói về điều này, gọi là andstandreste, (tạm dịch: miếng ăn mà người cư xử đàng hoàng sẽ không lấy). Người Thụy Điển thì dùng từ trivselbit – miếng bánh an toàn và bình yên, ngụ ý rằng hãy để miếng cuối cùng ấy được yên, và bạn chỉ được ăn đến miếng áp chót mà thôi. Người đang độc thân ở Chile càng không dám ăn miếng cuối cùng vì sợ bị trúng lời nguyền “ế” suốt đời.

Miếng pizza cuối cùng, bạn có ăn không?

Nếu như người Việt Nam sợ bị đánh giá là tham ăn, bất lịch sự, thì đối với người Thái Lan, việc chừa lại miếng cuối cùng là cách thể hiện sự tôn trọng với người đãi tiệc hoặc gia chủ, nếu được mời đến làm khách tại bữa ăn gia đình. Người khách nếu ăn hết thức ăn trên đĩa sẽ khiến chủ nhà nghĩ rằng họ vẫn chưa no, rằng chủ nhà đã tiếp đãi khách không chu đáo, hoặc khiến cho chủ nhà phải gọi thêm món để đãi khách. Nhưng hãy nhớ rằng, chỉ được để thừa thức ăn, không được để thừa cơm bạn nhé, vì điều đó lại bị xem là lãng phí trong mắt người Thái.

Một đĩa thức ăn còn thừa

Làm thế nào để tránh "miếng liêm sỉ"?

Đã có nhiều giải pháp thú vị được đưa ra để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Nhà thiết kế người Đức Sigrid Ackermann vì tiếc rẻ miếng bánh ngon mà không được ai thưởng thức, đã thiết kế ra chiếc đĩa đựng bánh không có miếng cuối cùng. Trên đó có sẵn một phần bánh giả để mọi người không còn thấy ngại ngùng nữa.

Chiếc bánh không có miếng cuối cùng.
Ảnh: Erfinderladen

Hiện nay, trong nhiều nhà hàng cũng đã có dịch vụ chia thức ăn cho thực khách, gọi là Service Gear. Khi khách gọi món theo set menu hoặc những món được bày chung trong một nồi/đĩa lớn, người phục vụ sẽ nhanh tay dùng một chiếc muỗng và một chiếc nĩa chia đều thức ăn cho những người trong bàn.

Cách cầm muỗng và nĩa trong Service Gear

Còn một cách đơn giản hơn được nhiều người áp dụng chính là… gắp thức ăn cho người khác. Trong khi mọi người còn đang ngại ngùng, bạn chỉ cần gắp miếng cuối cùng cho một ai đó, thế là xong.

Ngoài "nỗi khổ tâm" về miếng cuối cùng, ở văn hóa các nước cũng có những nguyên tắc riêng trong bữa ăn:

Không nối đũa ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản có một nguyên tắc cấm kỵ, đó là không được nối đũa. Bạn sẽ không được nhận thức ăn người khác gắp cho bằng đũa của mình, thay vào đó họ sẽ gắp vào bát hoặc đĩa thức ăn riêng cho bạn. Bởi vì việc nối đũa làm liên tưởng đến trong tang lễ truyền thống của Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương người đã khuất sau khi hỏa táng và truyền cho nhau.

Nối đũa khi ăn là điều cấm kỵ

Hãy dùng tay phải ở Ấn Độ

Nếu bạn có dịp đến Ấn Độ hay Malaysia và phải ăn bốc, hãy luôn nhớ dùng tay phải. Những người bản địa cho rằng tay trái thường dùng khi đi vệ sinh cho nên không đủ sạch sẽ. Do đó mọi người đều dùng tay phải để bốc thức ăn. Thậm chí khi dùng tay đưa một món đồ cho người khác, họ cũng tránh dùng tay trái.

Người Ấn luôn dùng tay phải bốc thức ăn

Đến Ai Cập, đừng cho thêm muối

Nếu bạn có thói quen rắc thêm muối hoặc gia vị khác khi đi ăn, đừng làm điều này ở Ai Cập, Đây được xem là một sự xúc phạm với người đầu bếp, bởi họ đã chuẩn bị món ăn có những hương vị đặc biệt nhất định. Nếu thêm gia vị, món ăn sẽ có vị khác đi và không còn hoàn hảo nữa.

Không được thêm muối vào món ăn
Theo: Presbyterianblues Blog
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.