• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

10 sai lầm khi nuôi dạy con khiến các bậc phụ huynh hối hận về sau

Cuộc sống

Có bao giờ bạn cảm thấy mình đã tương tác với bố mẹ quá ít, quan hệ của bạn với người lớn trong gia đình không được như mong muốn?

Thực ra, có thể bố mẹ chúng ta cũng đang cảm thấy y như vậy nhưng vì lý do nào đó mà những khoảng cách vẫn chưa được xóa bỏ.

Sau đây là những điều mà các bậc bố mẹ thường cảm thấy hối hận, sau khi đọc biết đâu chúng ta có thể thấu hiểu và chia sẻ với người thân của mình được nhiều hơn.

1. Không giao tiếp nhiều với con khi chúng còn nhỏ

Giao tiếp với người lớn là một điều kiện tiên quyết để đứa trẻ có thể hình thành nhân cách và tư duy, tạo nền tảng để phát triển thành một con người hoàn chỉnh sau này. Thế nhưng, ít ai để ý rằng bản thân người lớn cũng cần và muốn được giao tiếp với con mình một cách tự nhiên, đây là một nhu cầu cơ bản.

1

Thế nhưng, vì cuộc sống bon chen, đôi khi bố mẹ thường chăm chú làm việc của họ và để con cái một mình với các thứ đồ chơi. Điều này là không thể tránh khỏi, tuy nhiên không nên biến nó trở thành một thói quen vì đến một lúc nào đó người lớn sẽ nhận ra rằng con mình đã trưởng thành sống cuộc đời của riêng nó, họ sẽ không còn cơ hội để nói chuyện với nhau một cách vô tư nữa.

Không có cách nào để lấy lại thời gian đã mất, hãy trân trọng những phút giây gần gũi với con trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần.

2. Không ôm con đủ nhiều khi chúng còn nhỏ

Việc ôm ấp không chỉ thể hiện tình cảm mà con người dành cho nhau, chúng còn là một tác nhân vật lý giúp giải phóng nhiều hóa chất có lợi cho sức khỏe. Việc một bà mẹ ôm con sẽ tốt cho cả mẹ và đứa bé (đã được chứng minh bằng phương pháp "skin to skin" sau khi sinh).

2

Quả thật, cha mẹ chỉ có cơ hội ôm ấp, ẵm bồng con cái khi chúng còn nhỏ mà thôi, và thời gian đó lại qua rất nhanh. Nếu các bậc phụ huynh không tận dụng thời gian để có những trải nghiệm quý báo bên cạnh con mình thì chắc chắn về sau sẽ vô cùng hối hận.

3. Không lưu lại nhiều hình ảnh và video

3

Việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay tâm lý của đứa trẻ, nhưng thực sự lại là điều mà các bậc phụ huynh thường tiếc nuối nhất. Những bức ảnh kỷ niệm lưu lại những cột mốc quan trọng trong đời đứa trẻ như sinh nhật, vào mẫu giáo, tốt nghiệp tiểu học...hay đơn giản là một giây phút ngẫu nhiên cùng chú chó cưng của gia đình. Tất cả sẽ trở nên vô cùng giá trị khi đứa con trưởng thành và có dịp nhìn lại.

Hãy chắc chắn rằng máy ảnh hoặc điện thoại của bạn luôn sẵn sàng để ghi lại những giây phút đáng nhớ!

4. Không ghi nhật ký về quá trình phát triển của con

4

Chúng chỉ là những kỷ niệm vui nho nhỏ mà thôi, nhưng ghi lại tất cả là cách mà một người bố, người mẹ có thể tự lưu lại điều gì đó, cho chính mình.

Ngày giờ, thời khắc mà đứa con gọi được tiếng "cha" hoặc "mẹ" đầu tiên. Hoặc lần đầu khi nó nói được một câu ngô nghê nhưng hoàn chỉnh.

5. Không cùng con chơi những trò trí tuệ

Những trò chơi như giải đố, đố mẹo, ghép hình...và tất cả những trò chơi yêu cầu sự khéo léo khác đều là một phương tiện tuyệt vời để tạo nên sự gắn kết giữa bố mẹ và con.

5

Ngoài việc giúp trẻ có thêm kiến thức và cách tư duy thông qua bố mẹ, bản thân các bậc phụ huynh cũng có thể từ đó mà xác định được thiên hướng phát triển của con mình, điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của chúng.

Càng hiểu con mình, bạn càng định hướng và dẫn dắt cho chúng hiệu quả hơn.

6. Quá khắt khe với con

Hãy nhớ, nghiêm khắc không đồng nghĩa với khắc nghiệt. Trách phạt khi con mình làm sai điều gì là cần thiết, nhưng nó hoàn toàn khác với việc "vạch lá tìm sâu", la mắng con vì những lý do vụn vặt không đáng.

6

Bố mẹ thường có xu hướng kỳ vọng quá nhiều vào con mình (nhất là người Á Đông), đồng thời muốn kiểm soát cách mà con cái trưởng thành, đôi khi điều này sẽ chỉ mang lại thất vọng và nhận lấy sự phản kháng từ con trẻ mà thôi.

Trừng phạt khi con bị điểm xấu ở trường chỉ làm mọi việc trở nên xấu đi. Hãy nghiêm khắc với con trong những việc cần thiết, còn nổi nóng khi nó làm vỡ cái ly hoặc bị điểm 3 môn toán vốn không giúp ích gì.

7. Không lắng nghe điều con muốn

Ý kiến của trẻ con trong gia đình hầu như không có một sức nặng nào, đặc biệt là ở những quốc gia còn tồn tại tư tưởng giáo điều, gia trưởng như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...những nơi mà khi con trẻ cố gắng thể hiện mong muốn của mình đều sẽ bị xem là "trứng khôn hơn vịt".

8

Ngoài ra, đôi khi những yêu cầu hợp lý của con cái bị bố mẹ phớt lờ vì những lý do chủ quan như bận công việc, giao tiếp bạn bè, giải trí cho riêng mình mà không dành thời gian cho con khi con yêu cầu, dẫn đến việc kềm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ, khiến chúng bị tổn thương tâm lý và cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn.

8. Không cho con trải nghiệm đủ những niềm vui

Xem xét để thực hiện những gì con yêu cầu là chưa đủ, các bậc phụ huynh cần phải chủ động để tạo những kỷ niệm đẹp cho con mình trước khi quá muộn vì kỷ niệm đẹp thời thơ ấu là những điều đáng giá nhất mà không điều gì có thể làm phai mờ được.

9

Người làm cha mẹ nên chủ động tạo nên nhiều kỷ niệm cho con, hãy tổ chức sinh nhật một cách đặc biệt, một món quà bất ngờ hoặc một chuyến đi chơi thú vị sẽ giúp con bạn được sống trong những cảm xúc tươi đẹp.

Khoa học đã chứng minh một đứa bé lớn lên trong môi trường tích cực, có cơ hội trải nghiệm tốt hơn sẽ thích nghi tốt với cuộc sống sau này, chúng sẽ tự tin, mạnh mẽ hơn.

Ai cũng cần có những hoài niệm đáng nhớ để làm hành trang trong cuộc đời.

9. Bố mẹ hay nghe người ngoài lời ra tiếng vào

Có những bà mẹ thường không tìm hiểu con mình, nhưng lại rất nghe lời...bà hàng xóm hoặc "hội chị em", những người đó nói gì mẹ cũng tin. Nhiều trường hợp bố mẹ nghe lời người ngoài mà la mắng con vô cớ, hoặc hoạch định một điều gì đó không phù hợp với con. Đôi khi còn cho con ăn cái này, mặc cái nọ sao cho vừa mắt người xung quanh mà không để ý để nhu cầu và lợi ích thực sự của con.

9 1

Nhiều lúc, vì sĩ diện hoặc vì để thỏa mãn cái tôi, nhiều bố mẹ muốn con mình được thế này thế nọ để có dịp hãnh diện với bạn bè. Khi không được như ý muốn thì lại chì chiết, trút giận lên con cái. Nhiều bạn trẻ thường than vãn trên mạng xã hội rằng bố mẹ ở nhà vẫn ca bài "con nhà người ta..." không bao giờ ngơi nghỉ.

Hỡi ơi, ""con nhà người ta" có tốt có đẹp gì thì vẫn là người ngoài, hãy thôi đứng núi này trông núi nọ mà lo cho con mình đi thôi.

10. Không có mặt trong những thời khắc quan trọng của con

Đây là điều mà, nếu một người với tư cách làm cha làm mẹ không thể làm được thì sẽ phải đối mặt với chính lương tâm của mình trong suốt quãng đời còn lại. Không chỉ đơn thuần là quên mất ngày sinh nhật của con, thất hứa với con vì lỡ bận công việc đột xuất, hoặc không ở bên cạnh để an ủi khi con buồn.

10

Hãy cố xây dựng một mối quan hệ tốt với con cái, để chúng có thể chia sẻ khi vui khi buồn, hãy trở thành người đầu tiên mà chúng gọi điện khi gặp khó khăn gì đó. Điều này cũng đúng ở chiều ngược lại, nếu con cái ở bên cạnh bố mẹ khi họ cần chúng nhất, đó sẽ là một điều tuyệt vời.

Chúng ta không thể nào biết được khi nào người thân có khó khăn và cần sự giúp đỡ. Hãy tạo sự tương tác hai chiều để tương trợ lẫn nhau khi cần. Đừng để bố mẹ, con em mình phải cô đơn khi gặp khó khăn.

Theo: BRIGHTSIDE
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.